May 25, 2009

Mưa năm nào cũng đau...

Món nợ không thể đòi

Mẹ đi đằng trước, con lẽo đẽo theo sau, buổi chợ sớm mai thưa người nhưng chộn rộn vì những câu hỏi ríu ran của thằng nhỏ. Mẹ ơi, con cá gì mà có cái mỏ dài quá vậy, thằng con chỉ tay vào con... vịt, hỏi. Nhưng khi mẹ trả lời đấy là con vịt, nó giãy nảy, con vịt phải có lông chứ. Dằng dặc sau đó là những câu hỏi khác, tại sao con cá kia lại nằm im re, vì sao nó chết, ai làm nó chết. Tại sao cọng rau này màu tím còn rau kia màu xanh. Mẹ vẫn nhẫn nại trả lời con và diễn đạt làm sao cho giản dị, dễ hiểu. Chỉ câu hỏi: “Mẹ ơi, tại sao người ta đem bán cá em bé? Sao người ta không cho cá em bé đi học mẫu giáo mà ăn thịt tụi nó làm chi, tội nghiệp...”, mẹ phải ngẩn ra rất lâu, phân vân tìm câu trả lời.



Nhưng không thể lờ đi, vì thằng con ngước con mắt đầy vẻ xót thương nhìn mẹ, như chờ đợi, như van xin, như cầu cứu. Trong cái thau gần đầy nước, hàng triệu con cá con (mà thằng nhỏ xem như bạn đồng trang lứa với nó) đang chen chúc nhau đớp không khí một cách tuyệt vọng. Lứa cá nhỏ hơn đầu đũa này thường là từ 15-30 ngày tuổi, người ta gọi là rồng rồng. Hơi giống trẻ con, lúc mới chào đời rồng rồng có màu đỏ, và ngả sang đen khi chúng lớn dần lên. Lúc ấy, chúng sẽ từ bỏ cái tên cúng cơm của mình, xúng xính với tên mới: cá lóc.


Rồng rồng được cá mẹ sinh khi trời bắt đầu rải xuống những sợi mưa. Nước hớn hở dâng lên, tắm mát những ao, đìa đã mỏi mê vì những ngày khô kiệt. Sấm chớp vẫn lừ đừ, gầm gừ trong những đám mây nặng trĩu nước. Sa mưa! Những nụ mầm mới bắt đầu nhú lên trên những cọng rau muống, rau đắng, rau ngổ... già nua. Những sinh vật của ruộng đồng như cá, ếch... vào mùa sinh sản. Lúc này, trong ao hay xuất hiện những bầy rồng rồng - những quầng đỏ lâm nhâm trên mặt nước, to như cái nia, di chuyển lấp lánh, nhịp nhàng.


Đây cũng là khoảng thời gian mẹ đi chợ, hay thấy lòng buồn rợn ngợp. Đầu chợ là cá rồng rồng, cuối chợ cũng cá rồng rồng. Trên nền chợ đẫm nước, bên mớ rau đồng xanh non, là những con ếch, nhái đã bị lột da tuyệt vọng chắp tay lạy lia lịa, ọc ạch nhảy trên mâm, na cái bụng trứng lặc lè. Ai cũng có thể nhìn thấy muôn vạn hạt trứng nhỏ lấm tấm bên trong. Dài theo lối đi, người ta bày bán mấy con cá lóc ốm nhom vật vờ bên cạnh lũ cá rô, cũng lép kẹp, chỉ bụng là quá khổ vì phải bọc lấy trứng. Cá quãng này ăn không béo, nhiều nhớt, tanh, thịt cứng, dai nhách. Dường như lũ cá đã cố ép xác, tự làm mình xấu đi, già đi, nhếch nhác, xóa dấu của sự hấp dẫn để bảo vệ lũ con sắp chào đời nhưng cũng không thoát khỏi bàn tay của con người.


Nhưng giữa chợ đời, chẳng mấy ai để tâm mà cám cảnh cho phận rồng rồng, cho con cá... có bầu, như mẹ. Hay ai cũng thấy bất nhẫn, nhưng họ cũng im lặng làm ngơ, như mẹ. Khi lấy đũa gắp mớ rồng rồng kho tiêu thơm lựng, họ cũng thấy áy náy, quá nhiều sinh vật mất cơ hội sống chỉ vì một miếng ăn của con người? Hay họ vô tư, chẳng nghĩ gì cả, bằng chứng là những sinh vật tội nghiệp ấy đã bị tận diệt hết sa mưa này đến sa mưa khác, bất chấp lệnh cấm của chính quyền (cũng phải, ngang nhiên bày bán mà có thấy ông chính quyền nào lên tiếng đâu, mắc gì phải sợ).


Mẹ đắn đo rất lâu, mẹ sợ suy nghĩ kia được nói nên lời sẽ là quá tàn nhẫn đối với đứa trẻ. Cuối cùng, mẹ nói, tại bà con mình còn nghèo. Vì nghèo, nên phải dầm mình kéo từng bầy rồng rồng, lội ròng rãi trên khắp đồng bãi tìm bắt từng con nhái, con ếch để đổi lấy ít gạo. Vì nghèo, nên đang cạy cơm cháy bữa sáng đã lo ngay ngáy bữa chiều, hơi sức đâu nghĩ tới tương lai xa vời. Và vì bụng chưa no, nên những gì người ta rao trên đài, nào là phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn hệ sinh thái... chỉ là những ngôn ngữ xa vời.


Mẹ buộc phải nói những điều quá phức tạp, đối với thằng con năm tuổi. Nhưng đó là câu trả lời bao dung nhất, ít đau đớn nhất... Chắc chắn, lớn lên nó sẽ hiểu. Chỉ sợ, lúc đó, những sản vật của ao đồng trở thành hàng quý hiếm. Và vĩnh viễn thằng con không biết âm thanh ếch, nhái kêu ran ngoài đồng sau mưa, cảnh cá rô, thác lác ục sôi dưới đìa mùa hạn, tiếng cá lóc táp lụp bụp như dừa rụng xuống ao.

Tất cả những thứ ấy, như một món nợ mà lớp con cháu không thể đòi lại từ những thế hệ đi trước. Có trả nổi đâu mà đòi...

12 comments:

  1. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt đó. Nhưng lại ở một người lớn.

    ReplyDelete
  2. cai nay doc cung de thuong.

    ReplyDelete
  3. Cũng vậy, đòi gì được khi tây nguyên trụi trơ bụi bay mù mịt

    ReplyDelete
  4. doc xong, van con am anh. quay lai day send cho Tu cai link nay ne .

    http://vietnamlibrary.informe.com/chicken-a-la-carte-ferdinand-dimadura-dt2945.html

    ReplyDelete
  5. Anonymous5/26/2009

    Nếu ai cũng hiểu được như vầy thì XH mình đã tiên tiến rồi TƯ ơi. Ở người ta không có chuyện đó - đánh bắt chúng lên rồi còn thả lại vì chúng chưa đủ kích cỡ ... Còn giảng cho thằng con thì giảng như vầy nè : Con phải hiểu một điều rằng XH này không phải bất cứ cái gì cũng phải công bằng (Trích Abraham Lincon à nha ...)Điều này nói ra thì rất dài dòng - nhưng Kinh nhà PHẬT thì cũng phải chấp nhận mà thôi !

    ReplyDelete
  6. Đã là hàng xóm rồi,vậy mà không thấy qua chơi

    ReplyDelete
  7. Gởi Danh : Sao biết tui hong qua chơi, cưng ?

    Nhắn luôn ở đây : Cụ Chín Trí lâm nguy !

    ReplyDelete
  8. Anonymous5/27/2009

    Tuổi thơ của con cũng chìm đắm trong những điều miên man vậy đó. Con cũng hỏi y hệt cậu bé này và đến ngày nay con vẫn cứ thắc mắc mãi dù... chính con đã biết câu trả lời, tại sao người ta ăn những con vật không đá động gì đến người ta vậy? Như người không ở trên rừng thích ăn heo rừng, gà rừng,... bao nhiêu là thứ đắt tiền thậm chí phảỉ săn bắn trái phép, người ta cứ ăn, không sợ hết tiền, chỉ sợ không sành điệu, không hợp thời. Đâu như bà con quê mình, cái nghèo dồn họ vào đường họ không muốn đi (chứ có thênh thang, tiện nghi như đám nguời kia?) rồi họ phải bắt "cá em bé" đi bán, làm thịt, họ chắc cũng chẳng vui vẻ gì.
    Con thì luôn giữ quan điểm nhân văn tức cười cuả con, kệ mọi người nói là rảnh, là ba trợn hơi. Hôm chiều trong mâm cơm có nồi canh, trong nồi có duy nhất con cua, con không đụng đũa vào con cua ấy, con sợ lũ con nó buồn (chắc gì nó là cua caí?). Con mỗi lần đi chợ (hiếm khi mới đi) thì lại cắm đầu đi, không dám nhìn caí gì hết, gà mái bị trói chân, vịt thì nhốt trong lồng, lươn, cá,... tất cả đều tù túng, đều đáng thương, nhưng không làm gì được. Buồn ơi là sầu, ước gì có cái món thức ăn hỗn hợp đóng lại thành khối cho người, ăn dô khỏi biết mình ăn cái gì con gì cho đỡ tội trong lòng...

    ReplyDelete
  9. Người ta nói bà bầu dễ xúc động, chẳng biết có phải vậy không mà đọc bài này mình nghe mắt cay thiệt là cay...

    Lần đầu tiên còm cho blog chị Tư bằng nước mắt.

    ReplyDelete
  10. Anonymous5/31/2009

    Chi Tu a, bai viet cua chi lam em nho: ngay xua moi lan me em mua ca rong rong ve kho, em cung can nhan me va khong he dung vao mon ca rong rong kho cua me, em bao me: neu minh khong mua thi se khong ai ban nua! Thoi me dung mua nua, ac lam!...
    Dong cam voi chi lam! Nguyet

    ReplyDelete
  11. chị ơi... bài viết này hay quá... có đôi lần về quê. Lên lại Tp, em vẫn bị ám ảnh bởi những buổi đi nhấp cá lóc với mấy đứa em. Con cá mẹ bị chùm lưỡi móc vào miệng. Bọn trẻ giật mạnh nó lên bờ... Bầy rồng rồng con lạc lõng giữa mặt ao loang lóang bóng nước...

    ReplyDelete
  12. Anonymous2/17/2011

    Tôi ngưỡng mộ bạn lắm, Tư à. Cho phép tui gọi vậy nghe, tui cũng già rồi, U 60 rồi mà. Các trang viết của bạn rung động đến tận tâm can người đọc, bạn giỏi lắm, nhậy cảm lắm, hiểu lắm mọi nỗi đau nhân thế, cả 'cá' thế nữa chứ. Tôi hy vọng bạn có cuộc sống nhẹ nhàng, vì người mang nặng nỗi đau của người khác của vạn vật thì khó sống thảnh thơi lắm... Cám ơn bạn. Oldmonkey91@ yahoo.com

    ReplyDelete