Bạn nào có nghiên kíu văn hóa khmer hay hiểu biết sâu sắc về bà con Khmer cho tui ý kiến coi truyện ngắn này có vấn đề gì nghiêm trọng hông ?
Những mùa trăng ướt
Truyện ngắn
Sanh cùng tuổi Nhêm, xuống tóc thọ giới cùng một ngày, lúc loay hoay vận y cà sa, Sanh bất ngờ thò tay vào sờ soạng giữa hai đùi Nhêm rồi cười tí tởn, “Nhỏ xíu. Vậy tui làm anh nghen”.
Nhêm đỏ mặt, gật đầu, vì Sanh khôn ngoan, dữ dằn và già dặn hơn. Những đứa trẻ như Sanh luôn già trước tuổi. Cha hứng nước thốt nốt rơi từ ngọn cây xuống đất gãy cổ, mẹ nó đi cõng hàng lậu thuê qua biên giới, chết đuối giữa dòng nước lũ, chỉ một năm sau. Sanh tựa cửa nhìn những người thân mình bước đi vào sớm mai và cũng trong những buổi sớm mai ứa nắng trên đồng, họ về bằng chiếc cáng với hơi thở đã tắt. Sanh sống với chú. Nhà chú cũng nghèo, thím chia thức ăn cho con mình trước, tới Sanh chỉ còn miếng cơm cháy với chút nước cá kho. Sanh vào chùa để “kiếm ăn”, như lời nó nói, là chọn lựa giữa đói triền miên và đói nửa buổi.
Tui còn cha mẹ đâu mà tu báo hiếu, Sanh nói thẳng. Vào những buổi chiều đói rã rời, long đầu óc, đã có lúc Nhêm rủ Sanh lén lút ăn cái gì đó, Sanh lắc đầu, tui phải giữ giới để trả ơn buổi sáng và trưa Phật cho tui ăn no. Và Sanh để mặc Nhêm lăn lộn với cái bụng trống rỗng cồn cào, nó ngáy pho pho. Đói cũng là một thói quen của Sanh, từ tuổi lên mười.
Nhêm thì nghĩ mình không bao giờ có thể quen được những cơn đói buổi chiều tà. Khi nhà hàng bên kia đường bắt đầu có khách. Gió từ mé biển cứ đòng đưa mùi thức ăn trên đầu, làm nó nghẹt thở như thể đó là dây thòng lọng. Cái vòng rào loang lổ nước sơn và cánh cổng rơi vài mảng gạch không thể chặn lại mùi dầu cháy tỏi trong chảo. Sanh nhìn Nhêm suốt buổi tối cứ thều thào nhỏ dãi, nó giễu cợt, “Nhắm có ở chùa được tới năm sau không, ê ?”.
Nhưng Nhêm đã ở chùa ba năm. Thời gian đủ để nó bình tâm, thôi quay quắt trước những ngọn gió trần tục ban chiều. Ba năm cũng đủ cho những nhà hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch kịp quây kín, như bóp nghẹt ngôi chùa. Hành trình khất thực có chút thay đổi, Sanh và Nhêm không còn đi trên lộ nhựa, dọc bờ cát ven biển, dưới những hàng cây thốt nốt im lìm. Phum sóc đã dạt xa lên đồng, co cụm gần chân núi Cóc. Và những thức ăn mà bà con dâng thường không có những mùi thơm của những quán xá bên đường.
Nên thỉnh thoảng, khất thực xong, bọn Sanh vòng về con đường bắt đầu ướp nắng để thưởng thức sự vương vất của những món ăn xa lạ. Các cô gái với những bộ trang phục buông tuồng trễ nải tụm lại ngó hai nhà sư trẻ cười cợt, “Lục ơi, tu chi cho khổ vậy, về nhà ôm em sướng hơn nhiều…”. Nhêm cúi đầu bước đi, chân líu ríu. Sanh ung dung đằng sau, mắt lại đầy giễu cợt, “Thấy chịu không nổi thì về nhà đi, Nhêm”.
Lần về thăm nhà gần nhất, mẹ Nhêm cũng nói vậy, sau khi chắp tay vái nó ngoài sân, “sư về nhà luôn đi, ba năm rồi còn gì…”. Giọng bà mỏng, ríu dần lại khi cha nó bước ra, cha muốn nó tu đạt tới tỳ kheo, muốn nó được cả sóc kính nể và trọng vọng, điều mà cho dù có nhiều đất ruộng và trâu, cha Nhêm cũng không có được. Ông đành đặt hy vọng vào Nhêm.
- Na Thi vẫn chưa về đâu - Cha nói.
Cha biết cách để Nhêm tự nguyện ở lại chùa, học kinh kệ. Na Thi chưa về. Cô nhận lời phụ bán quần áo cho thím A Phò khi Nhêm vào chùa được hơn năm. Trưa cuối gặp nhau bên hè, đá chân vào đám cỏ mần trầu, cô bần thần vuốt mãi mớ tóc xoăn tít, Nhêm đi rồi em ở lại đây buồn lắm, ngang qua nhà Nhêm em nhớ quá. Em đi vài năm em về, lúc đó Nhêm cũng hoàn tục rồi. Ngoéo tay, ngón tay cũng run, nóng bỏng. Rồi Nhêm lại khăn gói tới chùa xa, không gặp Na Thi lần nào, về nhà thấy mẹ Na Thi buông nón chắp tay lạy đằng xa, bà nói ngay, Na Thi có về, nó hỏi thăm sư có khỏe.
Trong lúc Nhêm trông Na Thi về thì biết đâu Na Thi cũng chờ đợi nó, ý nghĩ đó làm những câu kinh Phạn cứ vuột khỏi môi, trôi tuột. Lục Cả hơi buồn. Vài đệ tử nhập thế, chùa chỉ còn Lục Cả, Nhêm và Sanh. Hai sa di cứ loay hoay với những bài tụng sơ đẳng nhất, nên Lục Cả cô đơn với những kiến thức Phật pháp sâu sắc, bao la, cô đơn với những pho kinh thư đồ sộ. Ông hầu như không kỳ vọng vào đám trẻ, một vô thần, níu Phật để trốn chạy cái đói, cái ghẻ lạnh, một ngóng mãi phía cổng chùa.
Khuôn viên chùa rộng mênh mông, người ít, mà lá cây rụng vô kể, cỏ cũng nhiều. Suốt ba tháng nhập hạ, sư trẻ dường như chỉ tụng niệm và làm cỏ. Cỏ lớn nhanh, mãnh liệt đến nỗi họ phạt cỏ đằng trước thì sau lưng đã lún phún mầm xanh. Tưởng tượng, chỉ một tháng họ không cầm dao làm lụng, cỏ sẽ vươn tận thềm chính điện, lút đầu người. Vậy nên lúc cắm đầu thổi lửa vào đống cỏ khô, Sanh nhằn, sao mà tui ghét trời mưa quá.
Nhêm cũng ghét. Giữa lễ nhập hạ cho tới xuất hạ, chỉ là những cơn mưa dài, lướt thướt. Hai đứa quẩn quanh trong chùa, cắm mặt vô những trang kinh, mắc chán. Sanh học lóm được nghề làm tranh kiếng, nên xin Lục Cả ít tiền mua vật liệu, mày mò làm. Những lúc ấy Nhêm thật sự cô đơn, Sanh bỏ quên Nhêm để cắm mặt vẽ bức chân dung cha mẹ nó. Vài lần Sanh đã ném cọ đi khi phác thảo hình ảnh cha mẹ mình ngồi thảnh thơi, an nhàn trong căn nhà gạch khang trang. Nó dằn vặt vì đấy không phải là chân dung của những người thân, không giống họ chút nào, cả căn nhà, cả nếp áo phẳng phiu, tươi rói. Rốt cuộc bức tranh thờ dang dở, vì trong ký ức Sanh đã không còn lưu giữ những khuôn mặt cũ. Điều đó làm nó tuyệt vọng. Sanh hay rủ Nhêm xách cuốc chim đi làm cỏ ở gần rào sau, từ đó nhìn lên cánh đồng dưới chân núi là những phum nhỏ nằm quẩn dưới chòm cây xanh rì, khói bếp len qua những tầng lá thành những sợi lam mỏng vờn, phai mãi vào nền trời. Thốt nốt dọc theo các con đường nhỏ ngoằn ngoèo vẽ vào cánh đồng những nét cô đơn, vết mực đậm và đầy đặn ở phía này và bắt đầu mỏng vút cuối tầm nhìn. Dưới trăng chiều, vài con trâu quay tít cái đuôi xua những con ruồi xanh lè, to bằng đầu ngón tay cứ chực xông vào. Thấy Sanh níu vào rào, Nhêm hỏi, “Nhớ nhà hả ?”. Dứt mắt khỏi sóc Tà Cóc đang im lìm dưới làn mưa mỏng, quay vào sala, giọng Sanh quạu quọ, “Có nhà đâu mà nhớ”.
Nhêm sợ Sanh, nó có thể rất hiền lành, tử tế, nhưng Nhêm nói điều gì đó nhắc nhớ tuổi thơ buồn bã, và Sanh nổi khùng lên. Nhưng làm sao Nhêm biết chuyện nào buồn, chuyện nào không ? Bởi vậy, hai đứa hay hục hặc nhau vì những chuyện không đâu, thí dụ Nhêm buồn tình lấy hơpâm gõ bài “chim sáo”, hai gáo dừa mới lộp cộp đã bị Sanh đá văng lông lốc, ai mà biết lúc người ta khiêng cha Sanh từ ngoài đồng về, ông chủ lò nấu đường vẫn dửng dưng ngồi gõ hơpâm cho hết bài, rồi mới thủng thẳng phủi đít đứng lên, “Chết rồi hả ? Thôi, tiền còn nợ tao coi như xóa bỏ”. Những chiều Sanh ngồi trước sala, lặng lẽ nhìn bồ đề rụng lá, Lục Cả thở dài, có lẽ ông thất vọng vì nhà chùa không làm lành được những khối tổn thương trong lòng Sanh, cũng như bất lực trước một xã hội tổn thương, những giá trị luân lý đục ngầu bên ngoài cánh cổng.
Ở đó cũng có đám người đang ghét cay ghét đắng mưa rơi. Khách du lịch thưa thớt. Gió biển ướt rượt thổi qua dãy nhà hàng, khách sạn vắng người, những cô gái không lượn lờ ngoài sân nữa mà co cụm trong nhà, hết giũa móng tay tới sơn móng chân, hết tỉa chân mày đến se lông mặt. Rồi sự lười nhác trễ nãi biến mất, họ tản đi khi người đàn bà cho vay tiền góp, lăn cái thân năng chịch vì mang cả ký lô son phấn trên mặt đứng trước nhà hàng tru tréo gọi Lan Huệ, Sầu, Ai ơi. Mấy chục chiếc vòng chất gần đến cổ tay kêu leng keng mỗi khi bà chuyển động.
Nhờ âm thanh đó, cùng với dáng người thấp lé đé các con nợ luôn phát hiện bà từ xa, và họ biến mất. Cô cũng tạt vào chùa vào một bữa âm thanh những chiếc vòng xủng xẻng đã quá gần. Te tái vào ngồi ở thềm sala, cô dáo dác nói, cho ngồi chút chơi nghen. Nhưng mặt cô không có vẻ là chơi, căng ra khi bóng người qua cổng. Sanh mỉa mai, có trốn nợ thì trốn chỗ khác, ở đây là chỗ tu hành. Cô độp ngay, giọng cố kìm lại nên nhỏ mà rắn đanh.
- Ủa, đây là chỗ từ bi mà, mắc gì tôi không được vô. Ừ, trốn nợ đó. Hay là Lục…cho tiền đi, trả nợ xong tôi không ghé đây nữa.
Nói rồi cô phủi đít dợm đứng lên, nhưng mớ âm thanh leng keng vẫn còn quanh quẩn ngoài kia. Cô trùng trình ngó Sanh, “chùa này đâu phải của Lục, mắc gì tôi sợ”. Cô ngồi lại, điệu bộ lỳ ra, vẻ thách thức.
Những ngày sau, cô lại tới. Cô nhận ra một chỗ nương náu an toàn, nơi mà mọi lời mắng chửi rủa sả không vọng đến, hoặc hoặc vói theo một cách yếu ớt. Chùa không hẳn là thiêng liêng với họ nhưng là sức mạnh tinh thần của tộc người. Ai cũng biết điều đó. Họ đã chứng kiến những cái sroc nghèo xơ xác, những ngôi nhà cột cặm trống trước trống sau nhưng ngôi chùa thì luôn luôn rực rỡ. Đó là lý do Nhêm ở đây, cha muốn nó là một con người rực rỡ. Đó là lý do Sanh ở đây, nó không bao giờ đói dưới sự rực rỡ này. Đó là lý do cô ở đây, cộng đồng người trong sroc kia sẵn sàng thấm máu vào áo mình để giữ cái rực rỡ tồn tại trong thế giới đức tin của họ.
Cũng không tìm được lý do khác cho việc cô gái lui tới chùa. Cô chẳng hề yêu thích ai ở đây, cái cách nói chuyện khinh khỉnh, sấn sổ, ngạo ngược của cô nói lên điều đó. Nhưng Lục Cả luôn bất an, ông luôn sai sư trẻ làm lụng mỗi khi cô nhẩn nha lại. Và ba tháng hạ của năm mười bảy tuổi, họ đã làm rất nhiều việc, lợp lại mái sala, sơn một số chi tiết trong chính điện, cuốc đất mảnh vườn sau để gieo cải, quét lá khuôn viên chùa. Cô luôn lẻo đẻo đi theo, hỏi những câu ngớ ngẩn, thí dụ, sao không đốn bỏ cây bồ đề luôn để khỏi quét lá cho mắc công ? Sao bức tranh này không sơn màu xanh mà là màu vàng ? Sao nền chính điện cao dữ vậy ? Lục Cả nhiều lúc cũng buồn cười, ông nói, tụi tôi làm không mệt bằng nghe cô hỏi. Cô rụt cổ cười. Nhêm cảm giác, nếu bóc mảng son phấn ra, mặt cô sẽ lành và trong như em gái nó.
Chắc cô cũng bằng tuổi ấy, mười sáu, hoặc nhỏ hơn. Sanh hỏi tuổi, cô vặt vẹo, “Lục rảnh quá thì đi tụng kinh, xoi mói chuyện của tôi làm gì ?”. Sanh xúi Nhêm hỏi thăm tên, quê quán cô gái này, Sanh nói “con nhỏ đó ghét sư, tại hôm trước sư đuổi…”.
Nhưng Nhêm cũng không khá hơn, hỏi, cô chỉ vào khoảng sân, châm chọc :
- Cỏ.
Người nhà chùa xem đó là tên của cô. Cỏ bằng tuổi Na Thi, mười bảy. Đương nhiên là từ nơi khác đến. Lục Cả nói, những đứa con gái làm nghề này chỉ đổi chỗ cho nhau. Con gái ở đây thì bôn ba xứ người mua vui cho thiên hạ bằng đuôi mắt cuối mày, và ngược lại. Chúng làm nên một cuộc nổi trôi buồn bã. Nhêm bỗng liên tưởng tới Na Thi mỗi khi nhìn Cỏ cố che mảng da thịt bằng cách kéo cái áo ngắn ngủn nằm vắt vẻo nửa lưng trên.
Nỗi nhớ Na Thi đã lạt đi rất nhiều, Nhêm áy náy lắm. Sau lễ xuất hạ, trời vẫn còn nhập nhòa mưa. Nhưng bọn Nhêm không bỏ bất cứ buổi khất thực nào, dù là đi dưới mưa. Không hẳn vì những thức ăn cúng dường hai sư có được sau một buổi vòng tay ôm bát, mà vì nỗi nhớ những nẻo đường, hàng cây, bờ đá… Ba tháng quẩn chân vườn chùa, bỗng dưng thấy mọi thứ đều thay đổi, lạ lẫm, và trò đùa của các cô tiếp viên rảnh rổi ngày càng tai quái hơn, có lần qua quán “Duyên Quê”, một cô môi đỏ trút vào bát họ ít thức ăn. Quay lưng đi một quãng, Cỏ lao theo giằng lấy bát, hắt xuống đất. Mớ thịt đã bị băm nát nằm vãi trên sân. Cỏ hằn học hỏi :
- Thịt rắn đó. Muốn phá giới sao ?
Các cô khác đấm vào lưng nhau cười ngặt nghẽo. Sanh ngó sững cô, cái nhìn ánh lên chút dịu dàng, hàm ơn. Về tới cổng chùa rồi Nhêm vẫn còn ngơ ngác. Nó sợ. Những người không có đức tin sẵn sàng báng bổ đức tin. Nhưng Sanh vẫn thích đi trên con đường đang còng lưng gánh những quán bia, nhà hàng, nên ngày nào nó cũng kéo Nhêm vòng lại. Ngày nào cũng thấy Cỏ ngồi chán chường ở quầy bar trong quán, nét mặt, khóe môi, bàn tay… tất cả chi tiết trên người cô buông lơi, trễ nãi, cảm giác mọi thứ đang rời nhau và trôi đi. Cả nụ cười mỉm khi nhìn thấy người nhà chùa cũng là nụ cười đang trôi vô định. Nhưng hành trình đột ngột thay đổi, Sanh không đi qua đó thêm một lần nào, vì một buổi trưa ngang qua cuộc tiễn đưa, thấy Cỏ đang chèo kéo quấn vào đám đàn ông sắp lên xe, trong cái khói nắng mùa hạ. Mắt còn đậu lại trong khi chân vẫn liên tục bước, sư trẻ thấy Cỏ ngó theo, thoáng chênh chao.
Cô không ghé chùa nữa, vì mùa khô bắt đầu quay lại, khách lác đác đến tắm biển, uống bia. Buổi chiều, sư trẻ đi nhổ những dây mướp đã chết khô trên bờ rào, dáo dác ngó về phía cổng, ai bước vào hai đứa cũng thất vọng thở hắt ra.
Ngày cuối cùng của mùa hạ, người trong sroc mượn sân chùa làm lễ cúng trăng. Cỏ ghé chơi lúc sắp khuya rồi. Khỏi nói Nhêm mừng như thế nào, đến nỗi, nó tự hỏi, gặp Na Thi, nó có mừng được bằng cỡ đó không. Sanh không tỏ thái độ gì, dửng dưng ngậm ngọn cỏ vung vinh trên môi, “ủa, tối nay không ở nhà chơi với tụi nhà giàu?”, Cỏ cười, “mắc mớ gì tới Lục ?” rồi lảng đi, lại gần Nhêm, coi người ta bắt mấy đứa nhỏ ăn cốm dẹp, theo thông tục. Hồi nhỏ, Nhêm cũng được đút cốm dẹp, khi người ta vuốt lưng, hỏi, năm nay muốn gì, nó gần như òa khóc, “mắc tiểu quá, con muốn đi tiểu”. Năm đó nắng dai, lúa bị khô háp trên đồng, hành không đặng củ, cả sroc cứ đổ thừa tại Nhêm.
Giờ thì mấy đứa nhỏ cũng trợn trạo ngốn cốm dẹp và nói thích lúa, thích gạo. Điều đó làm Nhêm buồn cười, trẻ con không thích đồ chơi đẹp, quần áo đẹp thì thôi, lúa gạo mà làm gì. Chắc là cha mẹ chúng đã dạy trước, Nhêm cũng từng buộc phải học thuộc lòng. Chỉ là tụi nó bây giờ khôn ngoan hơn, và không bị mắc tiểu giữa chừng, như Nhêm. Đang kể chuyện vẩn vơ thì sương trên đuôi lá bồ đề rụng xuống trán, Nhêm giật mình.
Không thấy Cỏ ngồi bên cạnh nữa. Sanh đã kín đáo lôi xểnh cô ra phía sau sala, chỗ những dây bìm bìm leo xum xuê trên mái chuồng gà bỏ hoang. Nỗi nhớ, sự ghen hờn, xót xa, niềm kiêu hãnh giày bừa trong lòng Sanh làm nó như mê đi. Cỏ chỉ cười nhẹ, xấp xãi bước theo, vẻ mặt không ngạc nhiên chút nào. Hoặc cô đã chờ đợi điều này lâu, nên chỉ thở cồn cào như một con sóng nhỏ khi tay và môi Sanh bắt đầu uống ngấu lấy cô. Thằng con trai đó đi qua những cơn đói nhưng chưa bao giờ ngưng sống, như cỏ của những mùa trăng ướt.
Nhêm tìm thấy Sanh đang đứng đối mặt với khoảng tường, y cà sa căng tròn, bọc lấy thân thể Cỏ. Cô chỉ còn đôi chân, và khuôn mặt, phần còn lại của cơ thể đã tan biến. Bóng trăng lấp ló chồm vào đôi người lấp ló. Nhêm chết sững và nỗi tức giận nào đó ứa ra bưng mắt, buốt những đầu ngón tay, nó hồng hộc chạy về phía chánh điện, chỗ Lục Cả đang tụng khúc cầu an.
Sanh rời khỏi chùa vào chiều hôm sau, hoàn toàn không có một nghi lễ hoàn tục nào đưa tiễn. Ngang qua quán rượu, Sanh dừng lại chờ rất lâu mới thấy Cỏ ơ hờ bước ra, Sanh chụp níu lấy tay :
- …Đi với tôi nghen ?!
- Đi với Lục thì lấy gì ăn ? - Cỏ hắt tay Sanh, lạnh lùng hỏi lại.
Không biết, ngay việc bây giờ đi về đâu Sanh còn không biết. Có thể đi làm thuê, làm mướn ở một nơi xa xôi nào đó, đào đất, trèo thốt nốt lấy nước, làm cửu vạn hay vác những bộ tranh kiếng bán dạo khắp nẻo đường. Sanh nuốt thất vọng quay đi. Đám con gái trong quán thò đầu ra cửa sổ, nhìn theo cái lưng gù gù như cõng đá, tru lên thảm thiết, trời ơi, Lục đừng đi, Lục mà đi thì tụi tui phải chung tiền cho con quỷ sứ này, phải biết Lục dễ dụ dỗ vậy, tụi này không đánh cuộc… Sanh khựng lại một vài giây, rồi nó gần như bỏ chạy, nó cảm thấy mình tắt thở rồi. Chết trước khi những cơn đói ập đến trừng phạt nó, vì sự bội tín, vô ơn với Đức Thích Ca.
Những ngọn gió cuối mùa Nam còn sót lại đưa tin thắng cuộc của cô tiếp viên đi nhanh. Người đàn bà cho bạc góp hể hả đòi được món nợ cũ, ghé chùa nói với Lục Cả, “Riết rồi không thấy người nữa, chỉ thấy mấy thứ giống người...”, rồi day mắt về phía sư trẻ đang quét lá giữa sân chùa vắng, “may nhờ lục Nhêm tu tập tử tế…”
Nhêm nghe được, cười khan, nỗi buồn cào cấu rát lòng, sao người ra đi lại là Sanh mà không phải nó, sao cô gái đó chọn Sanh ? Hỏi hỏi và hỏi. Trời thì cao và xanh xao.
Nói thêm : Tui viết truyện này với ý này, những giá trị đạo đức đang bị lung lay. Ngay cả tôn giáo cũng không cứu vãn được. Ấy, là nói vậy. Nhưng kỳ rồi in Gió lẻ tui hong dám đem vô tập, sợ động chạm bà con. Giờ thấy tiếc quá, định in trong tập truyện sau (dự kiến tên là Mùa nước chảy, nghe hay ho thơm tho hông ???).
Bai nay hay Tu oi. Chang bo cong tui toi-lui " sau rieng " hoai.
ReplyDeleteKhong biet tai sao Tu bi " doi chem" hihi? Chac tai tui o ben nay cung da lau nen thay chang co gi.
Vai bua ve VN, tui se ra hieu sach lon nhat saigon hoac nhatrang & mua that nhieu sach cua Tu de tra no com ao cho Tu.
AH, Boston
Bài này rất hay và có tầm vóc lớn.
ReplyDeleteDo đó, em chỉ xin nêu thiển ý của em chớ không dám góp ý kiến ý cò gì với chị Tư cả.
Theo em được biết, đạo Phật (người Khmer theo tiểu thừa, được cúng gì thì ăn nấy, kể cả thịt cá) được người Khmer hết sức trân trọng. Với tâm nguyện, sống gửi của - chết gửi xương, họ sẵn sàng hiến tất cả những gì quí nhất của gia đình, dù nhà nghèo nhưng cúng chùa hết sức hoành tráng. Mọi người nam từ 10 tuổi trở lên phải đi tu để báo hiếu, thời gian tùy ý, sau đó mới được xuất tu và lấy vợ (nếu không từng tu sẽ khó lấy vợ). Lời nói vị sư cả trong chùa là phán quyết với mọi người (nên ở Campuchia có vua sãi)... Lời ngắn ý nhiều, không nói hết, nhưng tóm lại là đạo Phật và sư sãi hết sức được tôn trọng trong đồng bào Khmer.
Có thể vì Chị Tư nói có sư phá giới, suy nghĩ tạp niệm, ... là chạm vào vấn đề nhạy cảm. Có lẽ vậy chăng?
traihoavang-lxag
À quên, vài chi tiết nhỏ trong truyện có vấn đề, mong Tư xem và xét lại : "Sanh vào chùa để “kiếm ăn”", "Chùa không hẳn là thiêng liêng với họ", "người trong sroc mượn sân chùa làm lễ cúng trăng", "mắc tiểu quá, con muốn đi tiểu" (coi chừng tụi nhỏ bắt chước thì Tư lớn tội, haha), ... còn nữa nhưng để các còm khác tìm tiếp.
ReplyDeletetraihoavang-lxag
Ơ, bạn ui, cậu Sanh này vô thần đó, tại vì cậu không còn mục đích sống nữa.
ReplyDelete"chùa không hẳn là thiêng liêng với họ..." họ ở đây là mấy má cho vay nặng lãi.
Vô thần mà trốn đói trong chùa là không ổn rồi Tư ạ.
ReplyDeleteSanh vào chùa để “kiếm ăn”, như lời nó nói, là chọn lựa giữa đói triền miên và đói nửa buổi.
ReplyDeleteTui còn cha mẹ đâu mà tu báo hiếu, Sanh nói thẳng.
Vẫn biết chị Tư hiểu rõ vấn đề này nhưng chỉ cần chạm vào là ... bị giật (như điện) ngay, đã bảo là vấn đề nhạy cảm mà lại, không cần biết ý của nhà văn, chỉ cần nói không "chuẩn" là bị xin tí huyết rùi. Sao Tư không khen họ cho họ bằng lòng. Ý em vậy (em không Khmer, không đạo Phật, mà theo đạo của Tư đó nhé) kakaka, traihoavang-lxag
ReplyDeletetraihoavang nói đúng đó chị Tư, người Khmer trọng đạo lắm, chị tung cái này ra có thể sẽ có chuyện rùm beng, mà lại động đến vấn đề dân tộc và tôn giáo thì... hic hic, hậu quả khó lường, khó lường!
ReplyDeleteEm không nghiên cứu văn hóa Khmer, nhưng quê em ở Trà Vinh, người Khmer nhiều, em rất rợn khi nghĩ đến chuyện họ sẽ phản ứng thế nào khi bị "chạm tự ái". Hic hic
Truyện hay, nhưng đọc một đoạn là biết ngay cái kết như thế. Nói thế thôi, chứ viết được như chị là khó lắm đó.
ReplyDeleteHom qua to di chua, vao thay rat nhieu su tre mang, lu luot ra nhin to cham cham , nhu an tuoi nuot song, to linh vao trong dien dung ngo Phat, thi thay mot su rat tre, ra dung lan la lam quen, hoi bao nhieu tuoi, da co chong chua. Hom nay thi doc truyen nay cua banh. hahaa.
ReplyDeleteCon thì hông biết nhiều về văn hóa các dân tộc khác nhưng con thấy tôn giáo rất quan trọng và là chỗ dựa tâm linh nên bài này hơi sao sao! Con thấy vậy nhưng nếu cô xuất bản thì con ủng hộ! Còn tên Mùa nước chảy thì con hông có ý kiến, vì không biết gì để đưa ra ý kiến ý cò! Con nhỏ nhất trong trang này thì phải, không dám nói nhiều, sợ đụng chạm.
ReplyDeleteTheo em biết thì người thanh niên Khmer trước khi đế tuổi trưởng thành thì vào chùa tu để học kiến thức và trau dồi đức hạnh bởi Chùa là nơi dạy chữ dạy giáo lý và dạy nghề.Họ quan niệm đi tu là một trong những hành vi tôn kính Phật, và là nghiã vụ,thể hiện sự đền đáp công ơn cho cha mẹ, Chùa là trung tâm văn hoá của họ nên họ rất tự hào, nói chung đó là một nơi thiêng liêng nhưng gần gũi với họ.Chính vì điều này mà chị nên cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định in, bởi đụng vào văn hoá là dễ sinh ra chuyện như anh trên nói chị sẽ "bị giật ngay" mặc dù thông điệp gửi gắm của chị là đúng.Gìơ thì còn tuỳ vào quyết định của chị thôi.Chúc chị thành công.Nếu in thì em sẽ chờ coi chị đụng được tới đâu...keke
ReplyDeleteỦng hộ xuất bản truyện nầy trong tập sách mới! Đề nghị tác giả không lấy tên tập sách là Mùa Nước Chảy, nghe nó giống mấy phim dự thi Cánh Diều Vàng quá =))
ReplyDeleteChúc tác giả Tư đầu xuôi đuôi lọt với tác phẩm mới nầy.
Truyện nầy cũng hông nhạy cảm lắm đâu, lúc nầy người ta bận lo những chuyện nhảy cảm khác lớn hơn nhiều rồi.
Và đề nghị các bên liên quan lẫn không liên quan không làm phức tạp thêm tình hình để tác phẩm được ra lò :))
À, chị Tư, hôm bữa em đã về Cà Mau và đi ngang nhà chị!
Em còn đi ngang con đường mới, chỗ đường Ngô Quyền đi vô khu khí điện đạm, nhưng không được vô đó mục sở thị mấy anh công nhân TQ. Chèn ơi, đứng trên cái cầu gì mới xây nhìn xuống sông mới thấy Cà Mau đẹp làm sao, bạt ngàn cây cối ôm lấy con sông (kênh?), giống y hệt con sông bông tràm rụng vàng mà có lần chị đã post hình lên đây (hay là con sông nào cũng như nhau ?!). Mà chắc bây giờ cũng không còn nhiều nơi như vậy nữa, cảm giác như ôm cả đất trời, vào sâu bên trong còn có đồng lúa miên man. Nhớ quá!
Em chờ hoài mà chưa thấy bài về thành phố Cà Mau, năn nỉ tác giả cho nó vô tập truyện mới! :)
Truyện này hay, rất nên xuất bản còn ai muốn có ý kiến, đánh giá, phản đối gì thì cứ ... kệ họ. Đâu phải truyện nào cũng tạo được nhiều chiều dư luận đâu nè :) ...
ReplyDeleteXin đính chính, em ủng hộ chị Tư đăng truyện này, vì truyện này hay và có tầm vóc lớn như em đã khoái ngay từ đầu. Tuy nhiên, nghe chị Tư bảo có thể bị xin ... tí huyết thì em rất ngại. Em cũng dự định đề nghị chị đổi thành chùa thường (ko phải chùa Khmer để tránh vấn đề nhạy cảm) nhưng như vậy phải đổi toàn bộ truyện rồi, uổng ghê.
ReplyDeletetraihoavang-lxag
Em lại sợ là không chỉ một mình chị Tư bị xin tí huyết đâu. Cẩn ngôn vô tội, cẩn tắc vô ưu, thiện tai...
ReplyDeleteChả có gì để tác giả truyện phải lo ngại cả!
ReplyDeleteThời gian đến khi ra tập mới ... chắc cũng khá dài. Bồ có thể cho nó thêm ... kýlô mồ hôi ko?
Truyện này... ngộ
ReplyDeleteNhưng mà chị Tư nên dìm bớt vài chữ mà đọc lên 1 cái là truyện rõ ràng chớt quớt như "sao cô gái đó chọn Sanh ?"
Đường: chữ rất hay, rất sống & rất sầu riêng
ReplyDeleteMuối: "cái hay lại không mới"
Ơ hơ - Chuyện cũ như trái đất. Như thị Mầu ngày xưa chẳng hạn... Chẳng qua là giờ người ta thấy thường hơn (Híc). Ngày xưa có mỗi chuyệnn như vậy mà thành áng văn thơ. Còn bây giò thì "Lộ đề lộ đề lại lộ đề. Năm nào cũng lộ mới là ghê !"
ReplyDeletengười Khmer đúng là rất coi trọng chuyện tu hành và tôn giáo của họ. Nhưng cuộc sống cũng có những đổi thay và những sự thật khắc nghiệt: Trong những năm gần đây, có rất thiếu niên tá túc ở chùa không vì lý tưởng tu hành mà vì ở đó họ không bị đói, còn có tiền cúng để dành. Mình biết điều này từ chính tâm sự của một trong số họ.
ReplyDeleteĐó chỉ là một sự thực mà thôi. Tức giận, hay đau lòng, cũng cần nhìn thấy sự thực hơn là những mô tả đẹp đẽ nhưng không phản ánh đúng cuộc sống.
Cảm ơn Tư.
@chị Tư,
ReplyDeleteĐọc chuyện chị em nhớ quê ngoại ở Nam Định quá. 15 năm trước, quê em có một chú tự dưng bỏ đời đi tu, bỏ lại cô người yêu cùng làng 19 tuổi đang có bầu. Sau đó ít lâu, cô ấy uống một chai thuốc sâu tự vẫn, bỏ lại một đứa con trai mới sinh. Em đã từng nghĩ bỏ đi tu và tự vẫn là những hành động vô trách nhiệm, hoặc do cùng đường mà làm như thế.
Quê ngoại em cực nghèo. Có lúc nào chị Tư viết chuyện xảy ra ở làng quê miền Bắc không ạ? Em chờ đọc.
Cô Tư à, đành rằng những giá trị đạo đức đang bị lung lay, nhưng Cô có thể viết vài truyện chung quanh cổng Chùa, trước khi Cô đi thẳng vào trong Chùa. Chân giá trị đạo đức lung lay chưa đến mức như Cô nghĩ rằng tôn giáo cũng không cứu vãn được... Tôn giáo là cái gì đó lớn hơn cái thành Phố Cà Mau, Cô Tư à... Hãy nhớ lại những câu khiêm tốn cô viết trước khi bắt đầu "Cánh Đồng Bất Tận"... Một chút ý kiến cá nhân gởi Cô.
ReplyDeleteChúc Cô cùng toàn thể gia đình vạn sự bình an tốt đẹp.
Tội cho Sanh quá, có quá khứ xấu chắc chắn sẽ làm điều xấu. Ở đời đâu đơn giản thế!
ReplyDeleteNếu để cho Sanh có chút suy nghĩ, mình ăn của chùa còn học được tí ít tánh thiện. Còn ngừơi sa ngã là Nhêm thì thuyết phục hơn. Đạo dù có gì đi nữa thì cũng còn để lại cho đời ít nhiều lòng tốt chứ lị!!!
Bài này hay chị Tư ơi. Đúng là ý tứ không mới. Nhưng vẫn hay. Truyện Kiều ý tứ có mới đâu. vẫn hay như thường.
ReplyDeleteNếu ai đi Myamar rồi thì thấy "cảnh đi tu" bên đó giống những gì chị Tư viết. Đi tu để được ăn no và được bà con kính trọng.
Truyện rất hay (nói hơi dư, vì Tư nghe câu này hoài, chắc sẽ nhàm). Hay và rất thấm. Nhưng mà, hơi thắc mắc 1 điều. Tôi đã được đọc truyện ngắn này vào khoảng đầu năm lẻ tám, vậy sao tới bây giờ mới trưng cầu dân ý? Là sao? Hay là Tư đã nghe có ai ... dám xì xào về câu chuyện này??!!
ReplyDeleteLê ATu, Bỉ.
chuyen hay, nhung ma thay ro ban tay cua tac gia sap dat ro qua. Hon nua, ko the noi la ton giao ko con cuu van duoc cac gia tri dao duc, boi vi hai nha su tre dau co vi tin Phat ma di tu. Chi vi doi va danh vong, nghia la ho moi chi la su, chu chua la Phat, va ho se ko the.
ReplyDeleteTon giao co the cuu van cac gia tri dao duc, khi no co co hoi duoc truyen ba thuc su. Hai nha su chi loanh quanh di xin an don co, va ep hoc kinh..
Van la mot chuyen hay va an tuong. Neu nguoi thuc su hieu ton giao thi cung ko cho la truyen nay xuc pham ho dau.
Chuc Tu khoe
Em mới tìm được blog chị. Sách củaa chị thì em đọc hết rùi.Em thì ko hiểu biết nhìu, nhưng em thấy truyện này xuất bản thì cũng không có gì đông chạm(dù em cũng là Phật tử chính quy hì hì ). Cũng như bộ phim " Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân" đấy. Truyện cũng mang nhiếu tư tưởng Phật Giáo đấy thôi. Em cũng ủng hộ chị phát hành truyện này ạh
ReplyDeletetruyện này hay chị Tư ơi. Có thể nguwòi đọc không hiểu câu chuyện theo đúng định hướng ban đầu của chị, but sẽ cảm nhận ở 1 góc độ khác, coi như là đồng sáng tạo. Câu chuyện sẽ có đời sống riêng của nó, như đứa con do cha mẹ sinh ra, but sẽ có cuộc đời riêng. Em thấy truyện hay vì chạm được vào những ham muốn rất nhân bản của con người.
ReplyDeletetruyện này hay chị Tư ơi. Có thể nguwòi đọc không hiểu câu chuyện theo đúng định hướng ban đầu của chị, but sẽ cảm nhận ở 1 góc độ khác, coi như là đồng sáng tạo. Câu chuyện sẽ có đời sống riêng của nó, như đứa con do cha mẹ sinh ra, but sẽ có cuộc đời riêng. Em thấy truyện hay vì chạm được vào những ham muốn rất nhân bản của con người.
ReplyDelete