Oct 30, 2009

"Người đâu mất người..."

Có còn người không ?

Câu hỏi đó thằng nhỏ hỏi mỗi ngày mỗi ngày mỗi ngày, khi đói khát, khi bị đánh đập cấu nhéo, khi phơi trần ra dưới nắng mưa. Khi nó nằm trên mặt đường và kêu khóc khản giọng. Nó hỏi vào đám đông lướt qua nó, hỏi ai đó dừng chân cho nó (chính xác là cho những kẻ chăn dắt nó) chút tiền lẻ. Nó hỏi những kẻ bắt nó nằm lăn lóc kêu khóc trên đường để kiếm tiền, để nhởn nhơ ăn mòn tấm thân bé nhỏ non nớt của nó. 

Nhưng tôi tưởng tượng thôi, trong lúc ngồi uống một ly cà phê mặn chát. Dường như cả quán hôm đó cũng có cùng cảm giác, sau khi giở tờ báo sáng, và nhìn thấy hình ảnh của thằng bé ăn xin. Nó nhỏ đến mức chỉ biết khóc. Ở truồng và khóc. Ướt và khóc. Bị đánh đau và khóc. Chấp chới giữa dòng người ngược xuôi đông đúc như con vịt con ngơ ngác mà người ta dùng để câu nhắp cá lóc. Em bé – con mồi sống không nói gì hết, mà tôi tưởng như nó hỏi, người ơi, người ở đâu ? 

Tôi đã nhận được câu hỏi đó bao nhiêu lần trong đời ? Không đếm được. Có đứa thậm chí còn không khóc. Nó ngủ mềm oặt, xanh rớt trên tay người đàn ông ngồi ở một góc đường. Một kiểu ngủ mụ mị vì tác dụng của thuốc. Buổi tối tôi đi qua chỗ đó và em lại hỏi bằng vẻ câm lặng im lìm. Như cái chết. Có còn người không ? 

Đám đông không lên tiếng. Không Lục Vân Tiên nào, đại diện công quyền nào đưa cả hai con người rách rưới về, gạn hỏi coi có thật là cha con như gã đàn ông phân trần, hay chỉ là kẻ chăn dắt với con mồi. Em bé ngủ vì thuốc ngủ hay vì sốt cao ? Em cần một mái ấm hay một bệnh viện cho qua cơn đau ? Bàn tay mỏng đó không quá khó để người đời nắm lấy. Nhưng dòng người lũ lượt không ai dừng lại. Chính xác là cũng có người bước tới cho vào cái ca nhựa bạc màu chút tiền lẻ, nghĩ sau đó mình sẽ nhẹ lòng. Tôi cũng vậy, tự lừa mình. Và cái góc đường trước Trung tâm văn hóa thông tin ám ảnh tôi dai dẳng dù em bé chỉ ở lại hai đêm rồi biến mất. Cuộc ra đi gây bất an hơn cả khi xuất hiện, bởi linh cảm em lại vạ vật ở một góc đường khác, bị nhấn chìm trong giấc ngủ khác. Ngủ là một cách hỏi, người đâu mất rồi ? 

Cũng như những em bé ăn xin mà bất cứ ai cũng có thể gặp một đôi lần trên đất nước này, chúng gọi con người bằng nhiều cách, bằng ánh mắt thất thần, bằng vẻ ngoài trần trụi và lem luốc, bằng tiếng khóc, tiếng hát, bằng bàn tay bẩn thỉu xòe ngửa, bằng những vết thương bầm tím trên da thịt… Ai đó nghe thấy tiếng gọi đó nhưng họ bận rộn, sợ hãi, bất lực, cũng có kẻ không nghe, không cảm nhận gì hết… 

Và những đứa trẻ đường phố vẫn tồn tại, như một phép thử. 

Thử coi người ta bất lực, rụt rè, ngại khó bao nhiêu ? Bao nhiêu người đã từng đi qua, chứng kiến những thân phận nhỏ bé khốn khổ. Dù ngoái lại, dù áy náy, dù thấy thương và bất an… nhưng chậc, mình lại phải đi rồi… Họ không làm gì mà kêu mấy ông nhà nước làm gì đi chớ… 

Thử coi người ta đã tha hóa, độc ác và  nhẫn tâm tới mức nào khi phơ phởn kiếm tiền bằng cách giày vò, đọa đày kẻ khác ? 

Thử coi nhà chức trách đã làm gì để bảo vệ luật pháp, quyền con người, quyền được sống được vui chơi ? Trẻ con họ không che chở được, thì họ hô hào khẩu hiệu, tính làm chuyện lớn lao chi hả trời ? 

Một phép thử đau. Nhưng thử thách bao nhiêu lâu rồi, nhân tình thế thái đã bày ra đó rồi, chuyện muốn biết thì đã biết, đám trẻ vẫn chưa ngưng gọi con người. Vẫn chờ đợi ai đó  đáp lời, chìa ra một bàn tay, một vòng tay ấm. Có điều, khi đó không biết chúng còn đủ sức để nắm lấy không ?

(Bài in báo Sài Gòn Tiếp Thị)


28 comments:

  1. mình đọc 1 bài báo trên báo mạng về những kẻ chăn dắt này, cách đây 2 ngày. Là 1 người mẹ, lòng cuộn lên nỗi đau khi nhìn hình ảnh bé con nằm lăn dưới vũng sình, cạnh bao người qua lại. Đúng rồi: người ở đâu? ở đâu? các bạn phóng viên có thể thấy, chụp hình...đâukhó gì để những người có chức năng giải quyết bọn người này?

    ReplyDelete
  2. Anonymous10/22/2009

    sự lạnh lùng thờ ơ đã trở thành bệnh dịch ở vùng đô thị, khi mà họ nhẫn tâm đi qua một sinh linh bé nhỏ và không tự vấn lương tâm mình.

    sự vô cảm giáo điều đã trở thành thói quen ắt-phải-có của những người đầy tớ nhân dân,khi mà họ dửng dưng bỏ mặc những thân hình non nớt ấy.

    có còn không người ơi

    ReplyDelete
  3. RubyTheKid10/29/2009

    "Trẻ con họ không che chở được, thì họ hô hào khẩu hiệu, tính làm chuyện lớn lao chi hả trời ? "
    Nghe xót xa một cách bất lực.
    Trẻ con, nhưng không phải con họ nên họ không cần quan tâm!

    ReplyDelete
  4. Anonymous10/29/2009

    Bài đăng trên báo SGTT đã bị báo SGTT bỏ mất một đoạn đi một đoạn "Thử coi nhà chức trách đã làm gì để bảo vệ luật pháp, quyền con người, quyền được sống được vui chơi ? Trẻ con họ không che chở được, thì họ hô hào khẩu hiệu, tính làm chuyện lớn lao chi hả trời ?". Khi mà người ta vẫn còn sợ đụng chạm, không dám nói ra sự thật (dù biết mười mươi) thì xã hội vẫn sẽ như vậy mà thôi

    ReplyDelete
  5. Anonymous10/29/2009

    Tư à,

    Phép thử đầu tiên, tui nghĩ là phải dành cho những người đã tạo ra những đứa trẻ tội nghiệp đó. Họ có đủ ý thức về cuộc sống & quyền của một con người chưa. Có nhiều đứa trẻ được sống trong gia đình có đầy đủ cha mẹ, nhưng cũng phải chịu cảnh "Nó nhỏ đến mức chỉ biết khóc. Ở truồng và khóc. Ướt và khóc. Bị đánh đau và khóc...". Cha nó đánh vì nó không nghe lời, mẹ nó còn hùa theo "Đánh cho nó chết luôn đi... biết đẻ ra con cái như vậy, tui thà đẻ cục đất cục đá cho rồi".
    Tui nghĩ mà buồn cho số phận những đứa trẻ phải sống thay cho cục đất, thay cho cục đá ...

    Cám ơn Tư.

    PS: Chuyện này cũng thuộc loại mưa bão trong lòng, gió giật cấp 8, cấp 9 Tư nhỉ?

    Nguyên.

    ReplyDelete
  6. Đọc xong thấy khó thở quá Tư ơi.

    ReplyDelete
  7. Anonymous10/30/2009

    "Thử coi nhà chức trách đã làm gì để bảo vệ luật pháp, quyền con người, quyền được sống được vui chơi ? Trẻ con họ không che chở được, thì họ hô hào khẩu hiệu, tính làm chuyện lớn lao chi hả trời ?" : câu trả lời sẽ là một câu trả lời kép, kiểu “Mặt trời bên Đông, mưa bên Tây”:

    A) Mặt trời bên Đông: “LUẬT BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM”

    Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10
    Điều 55. Trẻ em lang thang
    1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trẻ em đến lang thang phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trẻ em đi lang thang trong việc tổ chức, giúp đỡ đưa trẻ em trở về với gia đình; đối với trẻ em lang thang mà không còn nơi nương tựa thì được tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; đối với trẻ em lang thang của hộ nghèo thì được ưu tiên, giúp đỡ để xoá đói, giảm nghèo.
    2. Đối với trẻ em cùng gia đình đi lang thang thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trẻ em cùng gia đình đến lang thang có trách nhiệm yêu cầu và tạo điều kiện để gia đình lang thang định cư, ổn định cuộc sống và để trẻ em được hưởng các quyền của mình.
    3. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em lang thang được sống trong môi trường an toàn, không rơi vào tệ nạn xã hội.

    B) Mưa bên Tây:

    MELBOURNE - Một bài trên báo The Age của Úc hôm 30 Tháng Mười 2009 cho hay, ông Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc của công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) tại Hà Nội, được báo này nêu ra như một trong những con bài làm trung gian của vụ ăn hối lộ 10 triệu đô la Úc để in tiền polymer tại Việt Nam.
    Nói một cách khác, vụ chia chác tiền ăn hối lộ để nhập cảng máy móc, mực in và giấy nhựa polymer in tiền, không phải chỉ có bố con ông Lê Ðức Thúy (cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước VN) mà còn dính tới nhiều người và cơ quan khác nhau.

    ReplyDelete
  8. Anonymous10/30/2009

    Ngày xưa, thời cha mẹ mình, tôi được nghe kể về tính ưu việt của CNXH, mà tính ưu việt đầu tiên là trẻ em sẽ được chăm sóc ưu tiên nhất.
    17 tuổi, lần đầu lên Sài Gòn thi đại học, tôi đã sửng sốt khi thấy có em bé bán báo, đánh giày (ở tỉnh lỵ nơi tôi sống lúc đấy không có) nhưng lúc đó cũng còn ít. Tôi còn tự nhủ mình là có thể đất nước mới chiến tranh xong còn khó khăn.
    Còn bây giờ thì....
    Ở đâu cái xã hội mà cha mẹ tôi, và cả tôi nữa, đã từng tin tưởng, cha mẹ tôi đã từng đổ máu vì nó?

    ReplyDelete
  9. Anonymous11/01/2009

    chị Tư,
    con tui bằng con chị đó, tui coi báo online, tui thấy lòng tui đau như ai đang vò đang xé ... nát lòng .... cảnh một đứa con nít ở truồng (chắc ko có gì hơn lột truồng đứa con nít rồi cho nó đứng ngòai đường...) bò lê la... sao mà công an đâu, chính quyền khu vực quận đó phường đó đâu mà pó tay với tụi này? ko phải con người thờ ơ đâu, nhiều người như chúng ta lắm, đau xé lòng.... nhưng họ sợ vì công an mà còn ko mó tay vào thì người ko có trong tay quyền hành pháp làm sao làm gì tụi ác nhân đó được... tui nói thiêt, như tui, tui xử bắn hết mấy con người dã man đó... cả cha mẹ đứa nhỏ luôn... họ cần tiền đến mức lột truồng con mình hay bán cho ai để lột truồng con mình bò lê la phơi giữa lộ sao?

    tui căm giận chính quyền vì bao nhiêu tiền thuế dân đóng mà ko làm gỉ với tụi dã man đó được... tui là tui bắt rồi kín đáo bắt bỏ hết... thử hỏi vài tháng sau còn thằng nào con nào dã man như vậy nữa ko thì biết....

    ReplyDelete
  10. Anonymous11/01/2009

    Ái chà, chỗ này thành diễn đàn chống phá nhà nước rồi à!

    ReplyDelete
  11. Anonymous11/01/2009

    Lòng nhân là ở mỗi con người, người ta không làm thì mình làm, tại sao lại cứ thích đổ qua đổ lại như vậy, hỡi đứa con của nhà họ đổ.

    ReplyDelete
  12. Anonymous11/01/2009

    "Ái chà, chỗ này thành diễn đàn chống phá nhà nước rồi à!" : từ khi nào người ta bắt đầu cho rằng lên tiếng bảo vệ và đòi hỏi quyền cho trẻ em là "chống phá nhà nước"?
    Các dạng chụp mũ kiểu tương tự có vẻ xưa rồi Diễm ơi !!

    ReplyDelete
  13. Anonymous11/02/2009

    Tui thi tui khong trach mang, do thua cho tui chan dat tre em, hay cha me dem ban re con minh.. la vo nhan tinh hay tan nhan doc ac gi het, nhin thang vo van de, tui chi thay hai chu rat don gian "Doi va Dot", khi con nguoi ta "Doi" va "Dot" thi chuyen gi ma nguoi ta khong lam?? Nhung nguoi "Doi" va "Dot" nhu vay dau co dang so bang nhung nguoi tao ra ho? phai khong ne?
    Cuoi ra nuoc mat!!!

    ReplyDelete
  14. chống phá nhà nước chứ gì nữa.Đổ tội cho Đảng và Nhà nước không bảo vệ trẻ em chứ gì nữa. Thêm một ổ phản động. Rồi sẽ bị dọn dẹp sạch sẽ

    ReplyDelete
  15. Anonymous11/02/2009

    "Đổ tội cho Đảng và Nhà nước không bảo vệ trẻ em chứ gì nữa. Thêm một ổ phản động": hình như ở trên có một còm nói về “LUẬT BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM”. Chịu khó xem lại rồi hẳng đòi "dọn dẹp sạch sẽ mọi người" !
    Thường thường dốt thì hay la hét dọa nạt người khác, nhưng ít ra phải có chút kiến thức đã. Có định nghĩa nổi thế nào là "ổ phản động" không?? Buồn cười quá! Lẽ ra Sinh Hung này nên bàn cách tiếp tay vào góp ý giải quyết những cảnh thương tâm của trẻ em lang thang bị lợi dụng như trên thay vì đòi "dọn dẹp hết mọi người khác ý mình" như vậy! Chán!

    ReplyDelete
  16. Chuyện này không mới đâu, cho nên dẫu biết làm gì cũng chẳng được gì một khi người/kẻ CÓ TRÁCH NHỊÊM làm gì để chấm dứt cái mà chính họ cũng gọi là TỆ NẠN chả động ngón tay làm gì cho mệt xác....

    Thôi, lâu lâu đau quá rên một tiếng, rên như tiếng người, để nghĩ rằng mình còn là người còn đau nổi đau đồng loại. Chứ còn biết làm gì ?

    ReplyDelete
  17. Anonymous11/02/2009

    Dang va nha nuoc lam duoc nhung viec cao ca va vi dai den dau, dan minh sung suong binh yen, an nhan den dau thi ai co "mat nguoi" nhin vao deu biet. Ai them do toi cho Dang va Nha nuoc lam gi? Chi co nhung nguoi co mat nhu mu, giong nhu con Da dieu chi biet chui dau vo cat tron tranh su that thi moi hay "chup mu" nguoi khac nhu vay! Lai cuoi..ra nuoc mat! Oi!!!!

    ReplyDelete
  18. Anonymous11/02/2009

    Những đứa trẻ lang thang đói rách và bị lạm dụng ở khắp các nơi trên VN, từ thành thị đến nông thôn, sẽ còn bị vất vưởng kéo dài hơn nữa không phải chỉ vì cái nghèo hoặc sự bỏ bê của cha mẹ, mà còn vì sự thờ ơ hờ hửng của các cấp chính quyền có trách nhiệm, và đặc biệt là sự hùa theo chụp mũ những người lên tiếng bảo vệ chúng như Sinh Hung ở trên đây. Ông này bảo ổng sẽ cho dọn dẹp sạch sẽ những ai dám lên tiếng đặt vấn đề tại sao chính quyền không đứng ra thực thi trách nhiệm với những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ đang có thể bị những người lớn ác và xấu bóc lột đó.
    Thưa đ/c Sinh Hung, ý ông muốn nói "dọn dẹp" là cho vô nhà đá phải không ạ? Ông nói vậy thì những đứa bé nghèo khổ đó không thù tụi người lớn đang bóc lột nó bằng thù ông đâu.
    Ông này mất lập trường ác liệt rồi, bây giờ đâu phải đụng không thích ai là cho đi bóc lịch dễ dàng nữa.

    ReplyDelete
  19. Anonymous11/02/2009

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bằng những tiếng tăm nhất định của mình, nên điện thoại cho các ông Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Minh Thuyết hoặc Dương Trung Quốc để đề nghị quí vị đó đưa các thắc mắc về vấn đề trẻ em bị người lớn lạm dụng này ra trước Quốc Hội đang họp. Kính.

    ReplyDelete
  20. Tư mến,
    Chú đã đọc tạp văn của Tư trên "Kinh tế Sài Gòn" cách đây gần chục năm. Hồi đó chú cứ tưởng viết " trà dư tửu hậu" là của những cụ già đã về hưu, nhưng không ngờ Tư lại "già háp" như vậy ...Kể từ khi GS Dũng lập thư viện Tư trên Viet-Studies.info thì chú biết Tư rành hơn, nhất là sau vụ " Cánh đồng bất tận"...Các con của chú đọc Tư, mê tư, thần tượng Tư lắm lắm, thỉnh thoảng ái mộ gửi email cho chị Tư nữa !
    Tối nay đọc "Có còn người nữa không ?" không hiểu tại sao chú cảm thấy nặng nề quá ? Do bị dồn nén, bức xúc vì đạo đức của con người bây giờ xuống cấp quá trầm trọng, nhân tính đâu mất hết rồi ? Sự suy thoái đạo đức này bắt nguồn từ đâu ? Có cần lý giải nguyên nhân không ? Sự vô cảm có lẽ dần sẽ trở thành bản chất của người Việt mình... Hàng ngày, trên đường phố mình chứng kiến nhiều việc thương tâm và rất nhiều người bu lại xem vì hiếu kỳ, nhưng can thiệp hoặc giúp đỡ thì rất hiếm...Còn nhà chức trách thì lo "trách chức" mình chưa đủ để làm việc lớn hơn, nên chuyện nhỏ không đáng để họ quan tâm !
    Hỡi ơi, lương tâm làm sao bằng lương tháng và còn thua rất xa lươn lẹo !!! Chúc cháu ngủ ngon - Chú An.

    ReplyDelete
  21. Trong muôn người cũng có người nọ người kia. Vậy nên mới chọn bạn mà chơi. Trách là trách những người có trách nhiệm, chứ chúng ta chỉ là con người... May sao phần người chúng ta đang còn lên tiếng. Vậy là vui rồi !

    ReplyDelete
  22. Riết rồi em... sợ đọc văn của chị Tư. Như bài này, hôm trước em đọc được mấy dòng, sợ quá em không dám đọc nữa. Đêm về em trằn trọc... Sáng hôm nay lại quyết định... đọc. Đọc xong rồi lại... sợ quá! Sao chị Tư không vô tâm vô cảm thêm một chút, để những lời chị viết ra không làm em sợ! Em sợ nhìn thấy cảnh đau thương... Em sợ người đời quá vô tâm! Em sợ chính em, vì em cũng đang là kẻ vô tâm, không muốn nghe những chuyện khổ đau của kiếp người nữa, không muốn lương tâm bị đánh thức nữa...
    Thật sự là bài này của chị làm em sợ lắm. Con gái em được 13 tháng, cháu cũng tên An (Minh An)... Em rùng mình khi nhìn An và nghĩ đến những đứa trẻ nàm vật vạ góc đường hoặc đang bị đánh đập...
    Em ghét chị Tư....

    ReplyDelete
  23. Anonymous11/04/2009

    Con người mà không trằn trọc, suy nghĩ về thân người, kiếp người thì vô cảm quá chăng?

    ReplyDelete
  24. Nói nhiều quá, nhưng rốt cuộc thì nói vẫn hoàn nói. Nói xong rồi quên, nhiều người nhìn hình chép miệng, "trời ơi ác quá", "trời ơi tui đau xé ruột xé gan", có người lại nói "trời ơi có còn người không" (^__^)

    Nhưng tất cả bọn họ, nói xong rồi quên. Tôi hỏi, Có dám ôm hun một đứa trẻ lang thang đang nhơ bẩn khi nó lạnh, và dám tin tưởng giao cho đứa bé đánh giày đôi giày của mình, và có dám yêu đứa trẻ vừa móc ví của mình không?

    Mạnh miệng lắm. Nhưng, người thì vẫn hoàn người. Là người, nghĩa là người mình yêu trước, bản thân mình sau, và người-khác xếp cuối cùng. Tất cả bọn trẻ ấy, đều là người-khác. Người thành thị, chẳng qua, có khả năng tự bọc mình kỹ hơn thôi.

    Tui chẳng dám trách ai, vì tui không có quyền cũng như tư cách làm điều đó. Nhưng đọc bài này của Tư, rồi đọc mấy comment ở dưới, tự dưng thấy mình bốc khói ...

    Mà thôi ^__^ Có lẽ tui nên bớt nói một chút, cho đời nó lành! ^__^

    ReplyDelete
  25. Anonymous11/04/2009

    @Moon: sorry, vì có thể bàn tới trách nhiệm của Chính quyền làm bạn bốc khói. Lẽ ra không nên vậy !
    Có điều tôi nghĩ rằng một người dân như tôi và bạn khi thấy một cảnh tương tự, vì lòng trắc ẩn muốn làm điều gì đó, thì có pháp luật nào cho phép bạn tiến đến và cật vấn người mà bạn đang nghi là chăn dắt trẻ em xin ăn đó không, bạn sẽ bắt họ phải nói sự thật và giải lên chính quyền? Nhưng lỡ đó là cha mẹ thật sự của đứa trẻ thì sao?
    Chính quyền chẳng đã nói mọi người dân phải sống theo luật pháp đó sao? Bạn đâu được quyền điều tra để tìm chứng cứ ở những trường hợp như vậy. Thật nan giải phải không bạn?

    ReplyDelete
  26. Khanh Hung11/04/2009

    Nếu chúng ta giúp đỡ đứa bé xin ăn đó bằng tiền và hiện vật mà không cần biết đâu là sự thật thì đúng ý của những kẻ chăn dắt trẻ em xin ăn và khuyến khích họ mở rộng kiểu làm ăn này, kiếm và dụ dỗ thêm nhiều đứa trẻ khác nữa.

    Còn nếu muốn tìm hiểu sự thật thì làm sao đây? Hỏi căng quá lỡ gặp nhằm nguyên một băng chăn dắt trẻ em hung dữ thì không ổn.

    Tóm lại,"Có lẽ tui nên bớt nói một chút, cho đời nó lành!" ?

    ReplyDelete
  27. Lũ, dạ lũ. Xả, dạ xả... Ai xả cứ xả, ai bơi cú bơi. Dạ, Phú Yên chết đuối. Dân lành, đến mưu sinh còn khó. Khi lũ quét (Dạ, phải gọi như thế mới đúng) đến chỉ có thể bơi thôi. Bơi đến khi nào kiệt sức thì chết. Nhằm nhò gì mấy sinh linh bé nhỏ... Trời ơi, người ...

    ReplyDelete
  28. Anonymous11/10/2009

    Cam on Tu da danh thuc long nguoi, khong phai boi vi ngu quen ma la vi khong dam thuc. Cung may van con nhieu nhieu nguoi o VN la nguoi.

    ReplyDelete