Feb 1, 2010

Xe miền Tây

 

Người ta mở một đường bay từ Sài Gòn về Cà Mau. Mỗi khi có dịp đi khỏi nhà, mình lại có thêm một lựa chọn hoặc níu cánh máy bay vượt dặm dài hoặc leo lên xe đò đi túc tắc; hoặc loay hoay ngồi chưa ấm chỗ đã vụt đến nhà hoặc rị mọ tám giờ đồng hồ ê ẩm mông, đau nhừ lưng, đờ cả cổ. Và mình thường chọn cách thứ hai. 

Mình gọi đó là “liệu pháp đường xa” mỗi khi cần phải chống sốc vì phải đi về giữa hai môi trường sống, hai thế giới khác biệt. Quả thật thần kinh mình hơi… mỏng. Nên hoang mang gửi lại ngã ba Trung Lương. Đãi bôi bỏ bên cầu Mỹ Thuận. Ấm lạnh người đời mình thả xuống bắc Cần Thơ. Hội hè miên man bỏ lại ở quán ăn bên đường, cùng với được mất đắng cay sau những ngày rời tổ. Có quá nhiều thứ phải bỏ lại, và mình cần có thời gian. Cũng may đường rất dài mà xe chạy thì chậm rãi, nhà cũng xa vừa vặn để mình trở lại là mình (hoặc gần giống mình). 

Cũng có khi đi xa tới vùng đất nào đó rất xa, nhớ miền Tây quá lúc quay về mình dứt khoát leo xe đò. Vì ở đó có ít nhất ba thứ đặc miền Tây mà hầu như trên chuyến xe miền Tây nào cũng có : nhạc bolero (hoặc vọng cổ), dầu gió, và… người miền Tây (thí dụ như mình). 

Thứ nào mình cũng chịu được, nhất là chịu được cả mùi dầu gió Kim, Nhị Thiên Đường, Trường Sơn… nồng nặc trên một chiếc xe kín mít rù rì máy lạnh. Người miền khác ưa không vô. Có lần ngồi cạnh một anh cứ phe phẩy tay trước mũi chê hôi, mình muốn… nhéo anh ta bầm dập để anh thuộc cho rành cái câu nhập gia tùy tục. Thưa anh xứ này người ta bôi dầu gió lên mũi cho ấm, chà xát lên lưng trừ cảm cúm thông thường, uống cả dầu gió những khi đau bụng, hôi gì mà hôi. Tôi đây nè, mới chui ra khỏi bụng mẹ đã được tẩm dầu khuynh diệp, chưa đầy tuổi đã ngủ cùng bà ngoại, nghiện mùi cốt trầu, dầu gió đến nỗi không ngủ được lúc bà đi đâu vắng. 

Mình không quen chủ doanh nghiệp nào bán dầu gió để hỏi coi miền Tây hoang dại này mua của anh (chị) nhiều bao nhiêu, nhưng rõ ràng là miền Tây vẫn còn ăn dầu gió thở dầu gió. Ngồi xe đò thì thấy rõ, có nhiều thím bị say xe cứ như tưới tắm bằng dầu. Mình vài ba năm trước cũng hay say, trước khi đi chuẩn bị nào gừng nào củ sắn nào dầu gió xanh… trước khi lên xe còn lượm cục đá bỏ vô giỏ. Nghĩa là vài ba năm trước mình còn… hôi, theo như cách nghĩ của anh bạn đường đến từ xứ khác, xa xôi. 

Dù vậy, mình cũng thòm thèm xoắn áo động tay, vì chê bai dầu gió chán anh lại than vãn mấy cái bài bolero đang ca trong xe văng vẳng. Bài “Gió thổi bên sông” quặn lòng là vậy mà anh ta phì cười đã thấy giận rồi, chuyển qua “Đồi thông hai mộ”, “Chuyến đò không em” cảm động gần chết, mà anh nhăn nhó vậy có phải khó coi, ứa gan không ? Nếu vậy thì “anh tài xế ơi, có nhạc nào mùi hơn nữa thì mở lớn lớn nghe chơi. Hương Lan, Thanh Thúy hay Cẩm Ly… cũng được”, mình chọc tức anh chơi mà cả xe nhao nhao góp lời, “Ừa, được đó”. 

Thôi anh chịu khó, xe đò miền Tây nó vậy, bolero cũng như dầu gió, không có sao thành… miền Tây. Nếu anh đừng nôn nóng, đừng phủi như phủi bụi ngay từ đầu, anh sẽ thấy trong mỗi bài ca có một vài câu được lắm, ngọc nằm trong đá chớ đâu. Đây Phố đêm “đèn mờ giăng giăng/ Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên…”; đây Đường xưa lối cũ “có em tôi tóc xanh bay mơ màng/ Đường chiều dịu nắng, bóng em đi áo nâu in đường trăng”; đây Dòng đời “ngược xuôi bèo mây tan tác…”; đây Thói đời ‘cười ra nước mắt khi trắng tay gọi tên bằng hữu giờ giàu sang quên kẻ thâm giao…”. 

 Mình thiệt tình không dám chắc là chúng hay, nhưng biết đâu anh bạn cũng có mối tình dở dang như vầy, từng buồn như vầy, từng than thở như vầy, rằng “nếu không dang dở làm sao trọn đời nhớ em…”. Năm ba bữa nữa anh còn ở lại miền Tây là còn gặp bolero dài dài, ở quán ăn, chiếu nhậu, ở những chiếc xe bán nước giải khát rong ngoài đường. Nếu may (tôi nhấn mạnh là may), anh sẽ nhận ra vẻ đẹp của bolero vào một chiều tắt ngồi bên dòng sông mênh mang, ngó lục bình trôi dưới trời mưa mỏng; hay một buổi trưa hoang hoải ngó những cây thốt nốt trầm ngâm, kiêu hãnh cô độc đứng trên đồng; hay chút nữa đây xe sẽ trôi vào đêm tối, khung cảnh ngoài kia chìm trong mụ mị, anh nghe Cuốc kêu bên trời “ta gối lá ngắm trăng lên, hoa bần rơi trắng đôi bờ kinh…”, biết đâu anh không còn bĩu môi chê nhạc gì mà sến chảy nước, tới bán bia ôm, đi xe đò cũng viết thành bài hát nữa là sao ? Nhưng không bolero thì lấy đâu ra những bài hát cho những người thân phận mỏng, anh ? 

Mình thu nắm đấm (tưởng tượng) lại, thôi kệ anh cứ ghét đi, ghét cũng là nhớ, nhiều khi còn nhớ hơn thương, chớ giỡn. Cũng có thể anh đúng, biết đâu… Có thể mình giảy nảy lên vì mình ham miền Tây đến mù quáng mất rồi. Ví dụ như xe đò miền Tây này đâu có gì hay, ngồi mòn mỏi mất thời gian, phải ngồi máy bay thì đã tới nhà từ lâu lắm, ngủ một giấc đã đời, bồng trẻ con đi chơi. Nhưng mình vẫn chọn xe đò, lý do gì thì mình đã kể ở đây, ở những trang viết khác. Mình thấy không có gì là phiền phức nếu chị nọ ngủ say cứ tựa đầu vào vai mình, hay cái cách rút chân lên ngồi chồm hổm trên ghế của anh kia. Hay cái ông ngồi đằng sau chuông điện thoại cứ gióng lên câu vọng cổ “Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ…”, mà bao giờ chờ xuống xề ông mới chịu bắt máy trả lời. Kiểu nói chuyện điện thoại mình thường gặp trên xe, giọng oang oang, đầu thì gật lắc, tay xua xua, hấp háy mắt, như thể người bên đầu dây kia đang ngồi trước mặt. 

Thôi thì chân chất, ừ thì quê mùa… miền Tây mà, vẫn nghèo vẫn xa xôi. Đây không phải Sài Gòn Hà Nội, đây là một thế giới khác rồi. Thế giới mà người ta vẫn còn mua bắp luộc, bánh mì ở bến xe đem về xứ làm quà, trẻ con vẫn reo mừng tở mở. Xe ghé quán ăn dọc đường, nhiều người ngồi chồm hổm chờ ngoài sân không dám ghé mông ngồi vào ghế, sợ thức ăn đắt đỏ. Đi qua quầy trái cây mình thấy có người đứng đằng xa ngó, tay nắn hai túi áo bà ba mỏng, trên miệng túi cài cái kim tây. Có lần mình ngồi cạnh một bà già, cứ ngồi lận lấy mấy hạt lúa từ trong nẹp vạt áo, cắn lóc cóc. 

Những người miền Tây quăn queo lam lũ thật thà này, bolero này, dầu gió này mình không bao giờ gặp trên những chuyến bay. Lý do có vẻ ngớ ngẩn, nên thấy mình ham xe đò có bạn bè cười, mình chống chế bằng một câu danh ngôn nổi tiếng, những gì thuộc về con người thì không xa lạ với tôi. Nhưng trong bụng nghĩ, thôi bà sến thì nói đại là sến cho rồi, có sao đâu…

46 comments:

  1. Bài hay,em rất thích.Chúc chị và gia đình những điều tốt lành!Người miền Tây chân chất là vậy.

    ReplyDelete
  2. Anonymous2/01/2010

    Dang nghe dia nhac lien khuc "Ve Phuong Nam" Doc bai nay cua Tu nho Mien Tay that ruot. Tet nam roi ve VN, tui con may man duoc di tren chuyen pha Rach Mieu cuoi cung. mien Tay bay gio thay doi nhieu, giau co hon...nhung nguoi Mien tay mai mai van moc mac,chan chat,de thuong.

    ReplyDelete
  3. Gió Lẻ Loi2/01/2010

    Một truyện ngắn có đầy đủ dầu gió, cải lương, bolero vẫn cứ đặc sắc và hay. Khi người ta bảo “Truyện này mang tính chất cải lương” thì không có nghiã là họ cho rằng nó sến. Văn cuả Tư không sến, đời sống cuả Miền Tây chẳng sến. Vì vậy đừng bắt dầu gió, cải lương, bolero phải chịu thiệt thòi, cứ lôi cái anh khách kia xuống xe, cho anh ta đi bộ, la` xong ;-)

    ReplyDelete
  4. Anonymous2/01/2010

    hay qua sức, phục chế tư,nhớ mùi dầu gió quá...
    bac3phiq6

    ReplyDelete
  5. uầy, bolero ok, người miền Tây ok, mà cái vụ dầu gió kim fải coi lại, hix
    mùi dầu xanh thì em cũng thích, mà dầu gió Kim thì thua.
    có lần ngồi xe kế bà đó chơi nguyên chai dầu gió kim, trời ơi, em ói te tua luôn :((

    PS. chị đã chuyển lên SG rồi à? hơi tiếc nhỉ, em nghĩ ở CM sẽ có nhiều cảm xúc cho chị hơn

    ReplyDelete
  6. Anonymous2/01/2010

    Nếu như thì giờ không eo hẹp thì mèn ơi tại sao lại phải sợ bolero, zọng cổ, dầu gió các loại...;chuyện nhỏ. Cứ thủng thỉnh rồi đâu cũng ra đó thôi mà. Mỗi lần có cơ hội dzìa bển tui cũng khoái cà rịch cà tang để thưởng thức cái phong tục tập quán của dân miền Tây.

    ReplyDelete
  7. Anonymous2/01/2010

    Ngo ghe nhen,,Moi lan doc xong mot bai viet cua chi Tula tunhien muon dzot dzia lien Mien Tay...

    ma chi Tu va cac ban o dya oi..Cho minh hoi la sao trong Blogspot khi viet bai ko su dung chuc nang past duoc?? ko copy bai tu noi khac ve blog duoc?? may anh chi o day co ai lam duco ko? lam on chi giup minh voi.cam on nhieu.
    men chuc chi Tu luon duoc khoe va viet luon hay nhen chi.

    ReplyDelete
  8. Anonymous2/02/2010

    Doc bai nay ma nho que qua troi, qua la hay, hay o cho no don gian moc mac nhung lai dam chat que huong mien Tay. Nhung thu ma khong phai ai cung co the trai nghiem duoc trong cuoc song, mot hanh phuc don so.

    ReplyDelete
  9. Ừa, người miền Tây là vậy đó. Tôi là người miền Đông. Tôi thích cái cảm giác bồng bềnh trên xe về miền Tây. Yêu cái cảm giác của nhạc sĩ Thanh Sơn trong bài "Hành trình trên đất phù sa". Ông này nghê đâu quê ở . . . Đồng Nai. he he he. Théc rồi tui cũng bị mất hồn bởi 1 cô miền Tây. Thành rể miền Tây luôn. Vậy tui cũng sến luôn rồi

    ReplyDelete
  10. Anonymous2/02/2010

    Thanh Sơn quê ở Sóc Trăng bạn à. Trúc Phương ở Trà Vinh.

    ReplyDelete
  11. Anonymous2/02/2010

    Chị Tư viết rất hay. Nhiều cảm xúc. Bản thân em có những ngày buồn, tự cho mình chìm sâu đã đời trong bolero và cải lương, tâm trạng lúc đó thay cái gì khác vô cũng không hợp.

    Nhưng mà nghĩ lại, trên 1 phương tiện công cộng, mình nên tôn trọng quyền riêng tư của mọi người, cái mùi mình ưa lắm nhiều khi lại là nỗi khổ sở của người khác.

    Hồi nhỏ đi học, có 2 nhóm, 1 đòi mở quạt, 1 đòi tắt vì lạnh. Cô giáo dạy Văn ôn tồn khuyên tắt, vì bạn lạnh quá sẽ bệnh, còn mình nóng một tí cũng không sao, em nhớ câu nói này tới bây giờ.

    Vài dòng để chị thông cảm với anh chàng kia, chứ em thích đọc blog chị lắm, có nhiều góc nhìn lạ lẫm và nhân văn.

    ReplyDelete
  12. Anonymous2/02/2010

    Mấy bạn này thiệt thà quá, chị Tư chị dựng lên anh chàng đó để diễn giải thôi, làm gì có ai mà không biết nhập gia tùy tục nhập giang tùy khúc chớ.

    Với lại, đến vùng đất nào đó thì phải có thành ý với người lao động, giới bình dân ở đó, không phải ý chị Tư nói vậy sao ?

    Cần gì người ở miền xa tới, người miền tây khi quen mùi thị thành rồi cũng hay quay lưng lại chê ỏng chê eo, để tỏ ra mình sang trọng.

    ReplyDelete
  13. Đọc đến bài này,tò mò copy-paste mấy cái tựa bài hát kia và nghe..
    Chưa phải là chưa nghe nhưng quả là chưa bao giờ để ý đến ca từ của thể loại bị coi là sến.Có sến thật không nhỉ :-? Chỉ biết rằng từ nay có sến cũng sẽ tìm nghe thể loại này nhiều hơn 1 chút :D
    Cám ơn và chúc chị Tư cùng gia đình năm mới an khang thịnh vượng

    ReplyDelete
  14. Anonymous2/02/2010

    Ngoc Tu thuong lam cho toi giat minh vi co the viet rat hay nhung su viec rat binh thuong ma hau nhu moi nguoi deu da song qua. Cam on Ngoc Tu da lam cho cuoc song tuong nhu boring tro nen thu vi hon.

    ReplyDelete
  15. Anonymous2/02/2010

    Chào chị Tư, blog của chị mang lại nhiều cảm xúc ( dù buồn nhiều hơn vui)nhưng em "iu" Saurieng.Mỗi khi vào thấy cuộc sống đẹp hơn và mình fải sống có ý nghĩa hơn.

    ReplyDelete
  16. Đồng ý với Hương Nhiên ghê - chịu kg nổi mùi dầu gió. Người miền Tây chịu được là vì tắm cái mùi đó từ tấm bé, chứ những người kg quen, ói được. Ói thiệt. Có thể "tắm" lâu cũng lại quen, sau nhìn thấy người ói lại kêu "Kinh!"

    Cái anh chàng như vầy, đầy rẫy, chi phải dựng lên.

    (Đọc văn chị Tư nhiều nói giọng gì rồi không biết?)

    ReplyDelete
  17. Anonymous2/02/2010

    Chị ơi, loại nhạc Bolero này dứt khoát được sáng tác dành cho những chuyến xe đò miền Tây,ngồi trên xe, chạy dọc những con đường rợp mát bóng dừa và nghe mấy bài này "phê" không thể tả. Em là người Hà nội mà cũng mê những chuyến xe miền Tây, thích hóng chuyện của mấy bà mấy anh trên xe mặc dù nhiều lúc nghe hổng hiểu gì :D

    ReplyDelete
  18. Chị Tư làm em nhớ mấy chuyến xe Long Xuyên-Saigon quá chừng. Bây giờ xe đò 50 chỗ ít đi, thay vào đó là xe khách chất lượng cao ( Mailinh, Phương Trang... ) Nhưng sao em vẫn thích và nhớ xe đò của những năm ở ... thế kỷ trước. Con nít làm gì biết nhạc mấy bác tài thường cho nghe là bolero, chỉ biết mỗi khi nghe nhạc sến thì nghị thầm "trời, nhạc xe đò đây mà" hehehe! Mặc dù xe đò những năm chín mấy so ra ưu điểm hổng có nhiêu... Vừa nóng, vừa chật, lại hay đón khách dọc đường... làm cho chuyến xe dzìa quê càng xa tít mù. Hồi đó đứa con nít 10 tuổi thấy chiếc xe đò sao mà lớn quá, đoạn đường Long Xuyên-Saigon có 200 cây số mà nó chứng kiến bao chuyện vui buồn...

    ReplyDelete
  19. Anonymous2/04/2010

    Mai mốt em đến Cà Mau lại nhà chị chơi nhe.

    ReplyDelete
  20. Hồi còn trẻ nghe nhạc bolero sợ bị chọc quê là sến vì nghe nhạc máy nước. Nhưng đến khi quá nửa đời người và xa quê hương quá lâu thì khi nghe nhạc bolero lại thấy chạnh lòng và thấm thía biết bao nhiêu. Đọc bài của Tư lại muốn bay về VN ngay để được ngồi trên chuyến xe đò lục tỉnh về quê ăn Tết như cái thuở còn là sinh viên đi lên SG học. Cám ơn Tư đã nhắc lại một thời để nhớ xa xưa ấy.

    ReplyDelete
  21. Huỳnh Duy Thịnh2/05/2010

    "Đen, buồn và hơi khùng ...", ừ, sao giống mấy bài chách chách bùm quá.Thôi, về quê tìm "Ngọc trong đá" trên cánh đồng màu mỡ mà yếu lòng như nhạc Bolero vậy...Cảm ơn chị Tư quê mình.Xúc động quá!Con của đất mẹ Bến Tre không sợ tiếng súng!
    Huỳnh Duy Thịnh (Bến Tre)

    ReplyDelete
  22. Anonymous2/05/2010

    Em cũng thích đi xe đò đường dài nghe nhạc sến, bị nhiễm thói quen này hồi nào hổng hay, dù chỉ sống ở SG từ niên thiếu. Nghe nhạc trẻ chịu hổng nổi :)

    Nhưng mà hỏng chịu được mùi dầu gió, cái tật vậy rồi, dù bị ướp dầu từ bà ngoại.

    ReplyDelete
  23. Anonymous2/05/2010

    Chị Tư ơi còn một điều rất hay mà em thích nhất khi về miền Tây, đó là tiếng vọng cổ văng vẳng trong các quán nước, quán cơm ở bến phà. Nhớ da diết những chuyến phà buổi sáng sớm hay về khuya, lúc đó từng tiếng đàn rớt trên sông nghe ngọt lạ. Chỉ có dân đi xe đò mới được thưởng thức những khoảnh khách đó, chứ ngồi xe hộp thì đâu có phải xuống xe qua phà mà nghe được âm thanh bài vọng cổ rỏ dần khi phà dần cặp bến.

    ReplyDelete
  24. far from north america2/07/2010

    tui khong phai nguoi mien tay ma khong biet sao tui thuong 'nhung nguoi mien tay quan queo lam lu that tha' qua! ho lam lu vay ma ho co buon khong vay Tu? uoc gi ho khong bao gio buon nhu nhung nguoi 'thanh pho' Tu ha!

    ReplyDelete
  25. Anonymous2/10/2010

    Tu oi,

    Tu viet van hay va don gian cuc ky. Viet ve noi Tu song thi con hay hon nua. Doc van cua Tu thay long vua vui vua buon. Vui vi Tu danh tam huyet cho que huong cua Tu de cho nguoi khac doc va biet nhieu hon ve que huong cua Tu. Buon vi con rat nhieu dieu chua lam duoc cho rat nhieu nguoi dan lam lu ngheo. Cam on nhung gi Tu da viet va du dinh viet sau nay.

    ReplyDelete
  26. Bắt đền Tư, đang vui tết mà làm em muốn khóc.

    ReplyDelete
  27. Dân quê nào cũng quê quê một kiểu đăc trưng, mấy anh chị nhỉ?
    Nếu miền Tây kêu "lúa" chắc dân vùng em ở người ta kêu là "chuối" quá...

    ReplyDelete
  28. Ừa, nghe vui. Nói về thời gian như thế là "Chuẩn không cần chỉnh" ! Lâu chả thấy bài nào, chắc Tết bận rôn quá hử ? Chúc Tư và đại gia đình ăn Tết vui vẻ và hạnh phúc nhé. Chưa thấy mặt, chưa nhìn người ... nhưng người như em, khó có thể không hạnh phúc được ! Trừ phi thiếu người đối ẩm, đối thoại ...

    ReplyDelete
  29. Anonymous2/15/2010

    Tự do là có thể làm bất cứ chuyện gì mà không ảnh hưởng đến người khác, nhất là nơi công cộng. Điều này giúp xã hội trật tự, tránh nảy sinh mâu thuẫn. Bạn có thể nghe nhạc thoải mái nhưng xin đeo dùm headphone ... Thật kinh khủng khi mỗi bên là một loại nhạc, một loại mùi.

    ReplyDelete
  30. buồn wá...
    khóc...
    nhớ miền Tây wá...

    ReplyDelete
  31. Các bạn, tui suy nghĩ hoài hong hiểu sao entry này lại làm nên tranh cãi. Tui nghĩ rằng nếu ta yêu một vùng đất (hay người) nào đó, ta yêu cả những cố tật của họ. Tui nghe nói thức ăn của Ấn Độ rất nặng mùi nhưng tui vẫn ao ước đời này được Ấn Độ, tui biết nước sông Hằng ô nhiểm nhưng tui cũng muốn lội xuống đó một lần.

    Tui đi Tây Bắc nhìn nồi thắng cố sợ ơi là sợ nhưng không vì thế mà tui không ham Tây Bắc, không gì thế mà tui chê bai vùng đất quyến rũ đó.

    Tui đang nói đến bản sắc, và bạn nào đang nhắc tới tự do thì tui cũng xin trả lời là tôn trọng bản sắc của người đó vùng đó cũng là tôn trọng tự do.

    Người ta có câu nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Bạn tới nhà tui mà bạn chê bai nhà tui này nọ, thì cũng lạ quá đi, lạ nhất là tui đã hết sức cởi mở chào mời. Thí dụ vậy...

    Ở đây chỉ có Sầu Riêng thôi, nếu bạn không chịu nổi mùi đó, thì xin đi nơi khác. Chuyện đơn giản vậy thôi mà...

    Nhưng tại sao cái mùi đó, khúc nhạc đó ngăn cản bạn đến với những điều hay ho hơn, đẹp đẽ hơn ? Tại sao bạn không thể bước qua những rào cản đầu tiên đó ? Bởi vì bạn quá yêu chính mình ?

    Đây cũng là thí dụ vậy...

    ReplyDelete
  32. Anonymous2/16/2010

    Tự nhiên sinh ra sầu riêng có mùi không hợp với 1 số người, nhưng đó là tự nhiên. Còn cái bản sắc do sự thiếu tôn trọng người khác sinh ra thì do con người "thiếu ý thức". Nói điện thoại oang oang, nhạc mở tùy thích, khói thuốc phun phì phèo,..., cái bản sắc này, trong không gian mở ngày nay, cần phải chỉnh sửa. Bởi vì, cái không gian trong xe không phải chỉ của riêng dân miền tây mà còn là của những người khác trên chuyến xe đó.
    Trên phương diện xã hội, nếu thiếu quy tắc chung và ai cũng làm điều mình muốn thì ... loạn.

    ReplyDelete
  33. Tôi thì nghĩ người nào cũng y hệt như người nấy cũng lịch lãm cũng văn minh cũng cười một kiểu nói một kiểu thì chắc chán chịu không thấu.

    Mà tôi thật sự cũng mong một ngày nào đó được nhìn thấy nông dân miền Tây đeo headphone ngồi tàu đò. Giờ thì có trái bắp luộc qua cơn đói cũng đôi khi là may phước ông bà để lại.

    Mà có gì phải cãi qua cãi lại trời, nếu bạn không chịu nổi những điều đó, thì bạn đi máy bay vậy. Tôi là dân miền Tây nên tôi yêu tất cả những gì thuộc về miền Tây, chớ sao ?????

    Tôi chọn mùi dầu gió, không chọn mùi của những đống nôn ói (tình trạng này là không thể kiềm chế được, dù bạn lịch lãm sang trọng cỡ nào). Thề !

    ReplyDelete
  34. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  35. Tôi là người Miền Tây, Vĩnh Long, năm nào cũng về quê. Về MT bây giờ đa số là đi xe máy lạnh. Đọc bài này rất hay, nhưng thật tế thì mùi dầu gió trong xe máy lạnh rất khó chịu, hơn nữa trong xe máy lạnh đã có rất nhiều mùi khó chịu rồi. Khổ một cái là người sức dầu không cần biết những người xung quanh. Thêm cái tật ăn bánh bao trong xe nữa.
    Mong người MT mình tiến bộ hơn nữa

    ReplyDelete
  36. Anonymous2/17/2010

    Nếu dầu gió mà giúp người ta đỡ say xe, không nôn ói thì tôi thà chịu mùi dầu gió

    Ở quê tôi có cây cỏ hôi (hay còn gọi là cỏ cứt heo) hôi ơi là hôi nhưng làm thuốc rất tốt. Nếu tôi chịu được mùi của nó thì nó chữa tôi khỏi đau, có gì đâu ?

    Say xe giống như một loại bệnh và nếu dầu gió giúp được cho những người nông dân (mà cả đời có khi chỉ một lần ngồi xe hơi) thì dù khó chịu tí tôi cũng vui vẽ sẵn lòng.

    ReplyDelete
  37. Chị Tư àh. Chị sến quá! Sến hết biết ! :D
    Người ta đang rầu muốn chết mà cái đầu máy cứ ca "ta xa rồi em nhé, đường em em cứ đi" huhuhu...hứ!
    Kiếm cái headphone, em mở maximum để khỏi phải nghe cả list dài toàn bolera của bác tài. Chứ nếu không thì em không cầm được nước mắt trước khi đến nơi. Giận chứ, giận quá mà phải hôn chị Tư ? :D

    Cái mùi dầu gió, hồi nhỏ em xức hoài, sau này lớn, ra khỏi nhà thì em phải tập bỏ. Mùi dầu gió trên xe đò quện với mùi dầu xe, mùi mồ hôi, mùi bánh mì thì thiệt là khổ. Nhưng mờ nhìn mấy người hay lườm, hay nguýt, hay dò hỏi coi ai đang xức dầu vậy vẫn thấy khó ưa.
    Chị khoái đi xe đò, em khoái đi xe lam. Xe lam thì chắc thoáng hơn xe đò. Chị kiu anh gì đó đi xe lam đi chị. Cũng vui lắm. :)
    Mà em không phải dân miền Tây nha. Vậy với ngộ!
    (comment này không liên quan đến những comment khác nha chị)

    ReplyDelete
  38. Comment cho vui thôi, chia sẻ với ai có đi xe về MT mới hiểu...không có ý chê bai hay miệt thị dân mình đâu. Chắc thế nào cũng có người hiểu lầm. Nói thật là ông bà của tôi cũng vậy thôi, cái gì cũng xức dầu...không biết có tác dụng gì không hay do thói quen...Chúc năm mới vui vẻ!

    ReplyDelete
  39. Em thấy chị viết bài này hay thiệt hay, chị Tư. Nó giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc.

    Công nhận với chị đúng là ngồi xe đò về miền Tây ngắm cây cối, cánh đồng lúa chín, nước sông phù sa cuộn chảy, nhà cửa, cảnh sinh hoạt bình dị của người dân dọc hai bên đường... rồi nghe nhạc bolero buồn buồn thì thật là bắc hii :)

    À xin nói rõ cho những người có ác cảm với cải lương, vọng cổ, nhạc bolero mà kêu sến này sến nọ là không có nhạc nào sến hết, nếu ai mở miệng nói dzậy thì thiển cận, nông cạn lắm, và có lẽ do não chưa phát triển đầy đủ. Mỗi loại nhạc có giá trị và lượng người yêu thích riêng của nó. Dân miền Tây tui yêu cái thật thà, giản dị, có ý nghĩa, có tình người của nó lắm. Chớ đừng đụng chạm.

    Mà sao lạ là không thích thì đi đi vô đây chi dzậy?!?

    ReplyDelete
  40. troi oi ! Nam nay trung manh hay sao ma an tet lau vay ba chi ?

    ReplyDelete
  41. Mui dau gio neu trong khong gian chat hep, thieu khong khi thi thuc su cung rat anh huong den nguoi xung quanh chi Tu a :)

    Giong nhu di may bay ma ngoi canh mot nguoi xuc dau thom suc nuc hoac co "mui la" thi cung khong thoai mai gi.

    ReplyDelete
  42. Anonymous3/10/2010

    Dễ thương từng câu từng chữ, dù em dân Xì Gòng, đọc vẫn thấy ...ghiền :).

    ReplyDelete
  43. Vô Khả3/18/2010

    Nhiều taxi ở thủ đô cũng mở nhạc bolero. Hôm rồi đi công tác nước ngoài về, a tài xế trẻ mà mở nhạc bolero,nghe sướng hok biết nói gì.
    Cứ nói sẽ về quê, sẽ ...
    Ngày về quê xa lắc lê thê

    ReplyDelete
  44. Em cũng miền Tây, nhưng gần SG lắm, nhớ má thì xách xe ra vọt 90 phút theo quốc lộ 50 là tới nhà nhưng lâu vẫn về nhà bằng xe bus. Bus thì y như xe đò,không máy lạnh, cũng gà vịt cạc cạc, chuối, mía, dừa xiêm, mãng cầu bình bát tràn ra lối đi, gửi xe đạp cũng được tuốt. Nguyên cái xe nói rặt giọng miền Tây, cũng có dầu gió nhưng hổng có nhạc.

    ReplyDelete
  45. phonui4/12/2010

    hay quá! phonui đọc mà thấy đúng gì đâu, cười quá chời :) nhớ mùi dầu gió, dầu cù là, dầu khynh diệp ghê. truyện rất có duyên. một trong những truyện phonui thích nhất :)

    ReplyDelete
  46. bạn viết bài này xem khoái,tôi chưa về miền tây lần nào mà vẫn cảm thấy gần gũi thân quen quá.
    cảm ơn bạn.

    ReplyDelete