Apr 30, 2010

Trời ở nơi nào ta ở đây…


Chị tính đi kiện công ty nhà đất, chủ đầu tư khu dân cư mà chị đang ở. Chị nói họ tráo trở nuốt lời. Họ hứa giữa xóm này sẽ có công viên và chứng minh bằng một bản đồ quy hoạch chi tiết, chị từng bò ra coi kỹ, rõ ràng họ vẽ một cái khoảnh tròn tròn nhỏ nhắn và ghi trên đó hai chữ "công viên". Ngay lập tức chị nghĩ tới những vòm cây xanh mát, những bầy chim sẻ chim sâu, những lối đi trải sỏi lâm râm chồi cỏ, những cái xích đu, băng đá nhỏ, vài khoảng trống cho trẻ con đá bóng đá cầu. Ngay lập tức chị nghĩ tới bầu trời. Và ngay lập tức chị quyết định mua mảnh đất gần công viên (còn trên giấy) đó, dù giá đắt hơn những chỗ khác.

Giờ thì cái ô nhỏ xíu đó mọc lên trường… chính trị. Người ta xây tường rào trước cả khi xây những dãy lớp học ngang dọc. Mỗi khi ngó thấy con chị mon men chạy chơi bên ngoài bờ rào cao và cốt gác cổng to đùng, chị cảm giác như bê tông đang sừng sộ trẻ con, ê tụi mầy đừng hòng bước chân vô đây.

Khoảng không đó, vòm trời đó đáng lẽ của trẻ con của khu phố này, chỗ chúng thở, chúng chơi. Giờ người ta giành giật cả những cái mà đám trẻ chưa kịp có, chị nói không phải em bé bị cướp thì là cái gì ? Thương lắm. Có tối chị làm cô giáo bất đắt dĩ cho con, nó hỏi "bao la" là gì. Chị ừ à thì là… Giải thích nghĩa hai chữ "bao la" thì dễ, nhưng dẫn chứng, làm cho trẻ con mường tượng hình dung khó. Bao la không phải là cái nhà ta, không phải con đường, càng không phải sân trường con học... Tóm lại "bao la" không có ở trong thành phố, chị kết luận. Em bé gật gù, hèn gì con không biết bao la lần nào. Thật ra nó đã gặp bao la một lần, vào năm sáu tuổi. Cả nhà đi biển chơi, và hôm đó màu mây như màu nước biển làm người ta không phân biệt được đâu là đường chân trời.

Chị thì đã sống với bao la cả một thời thơ ấu, nhưng “bao la” cũng như những từ ngữ gợi cảm bay bỗng khác, đã lâu rồi mất biệt trong thành phố. Chỉ buổi tối ngồi học cùng con, mới nhớ. Tinh khiết. Trong ngần. Mơ màng. Khẽ khàng. Dìu dặt. Vời vợi… Chúng gợi lại một ban mai dát một lớp sương mù mỏng trên những đồi chè, những sợi khói lơ đảng xiêu xiêu bay lên khi lửa đốt đồng đã tắt, những vạt bông lau vừa chớm chín ngụp lặn trong dòng gió non…

Nhưng ký ức em bé đâu giàu có vậy, với nó, từ ngữ chỉ là từ ngữ trơ trụi, chẳng gợi chút gì. Có bữa hai mẹ con tới quán ăn, chị cố tìm một chỗ có tầm nhìn, hoặc gần cửa sổ hoặc cửa chính, một chỗ vừa tránh bớt khói thuốc lá nồng nặc vừa hóng hớt được chút nắng trời gió trời không khí trời ngoài đó, chị phát hiện ra cái không gian ngột ngạt này cũng có thể làm chết người, trước hết là chết tâm hồn, chết những ngôn từ. Thời gian ngồi đó thường thì chị chỉ nói mỗi một câu với con, "ăn lẹ lên đi con, trễ học rồi kìa…". Chị nôn nao muốn mau mau thoát khỏi chật chội này để rồi rơi vào chen chúc khác. Mỗi lần bày ra trước mặt trang giấy trắng định kể một câu chuyện, cảm thấy chữ nghĩa ngày càng thưa vắng, cùn mòn…

Chúng rơi rụng ở những lần kẹt cứng giữa dòng người kẹt cứng.

Chúng mai một lem luốc giữa đám khói bụi mù.

Chúng tan tác trong tiếng còi xe.

Chúng bị chìm trôi vật vờ trên những con đường chìm trong nước và rác rưởi.

Không có những từ ngữ ngọt lành dịu dàng nào sống sót trong thành phố, nếu có cũng bị giẫm đạp. Những buổi tối bứt con ra khỏi ti vi, chị rủ nó đi dạo ngang qua ngã ba đường, đứng lại chốc lát dưới cây hoàng lan để nhặt trong khói thịt nướng quặt quại bay lên từ quán cơm tấm… một chút mùi hoa, mỏng manh mà nồng nàn. Chị nói với em bé về “ngan ngát” thì tháng sau người ta bật gốc hoàng lan để làm vỉa hè.

Diễn tả cho chính xác, đó là mất mát.

Nhưng em bé của chị, cả cảm giác mất mát cũng không có. Nó bị kẹt giữa hai màn hình ti vi và máy tính, nó bị nhốt trong mảnh sân con… nên có bữa nó nói muốn ăn cơm với cá khô nhưng không có tư cách; ti vi bị tắt lúc bộ phim hoạt hình đang gay cấn, nó giãy nảy nói mẹ giở trò với con. Chữ của nó rắn đanh, lổn nhổn và khô khốc. Tối nào nó cũng vật lộn với môn tiếng Việt, đổ quạu vì phải học những từ ngữ lạ hoắc chẳng bao giờ nó có cơ hội dùng, bứt rứt không biết "dòng sông là một đường trăng lung linh dát vàng" là cái gì, sông sau nhà mình rác ơi là rác hôi ơi là hôi. Chị vét tới đồng tiền dành dụm cuối cùng cho cuộc chuyển nhà này, vì cái ô tròn tròn có chữ "công viên" đó, hy vọng em bé sẽ yêu mấy chữ "thênh thang", "lồng lộng", "bầu trời"…

Giờ ôi thôi, chỉ vòm trời con con còn bị người ta lấy mất. Chị tính đi kiện. Vì những em bé xóm mình. Vì những hy vọng bị giẫm đạp của mình.

Củ khoai, chờ đấy !

(Chữ đăng báo Sgtt Nguyệt san)

11 comments:

  1. Lại ngậm ngùi, lại nhớ những ngày xưa, khoảng sân trống thênh thang, nhớ lũ trẻ khoảng 5 - 6 tuổi chạy tất tả trên con đường đê đầy đất giữa nắng hè, cầm con diều trên tay, nhớ một khoảng trời rộng bao la...
    Giờ, mọi thứ đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn một thực tại cứng nhắc, khô khốc, chỉ còn hình ảnh những đứa trẻ gật gù phía sau lưng cha mẹ chờ đến lớp học thêm...
    Ngày ấy, nay còn đâu?

    ReplyDelete
  2. Sống trong thời buổi bi giờ là học yêu chữ "chấp nhận" chị Tư ơi!

    ReplyDelete
  3. Anonymous5/02/2010

    Tư nè !Mỗi lần đọc mấy cái bài kiễu này,khóc theo Tư,khóc trong lòng nên không vơi đi được chút nào......

    ReplyDelete
  4. Anonymous5/02/2010

    Khi người ta đặt tiền bạc lên vị trí cao nhất thì moị giá trị khác sẽ bị lộn tùng phèo...
    cho nên kiện ai bây giờ???
    Cái quan trọng nhất là nói dối, người ta sẵn sàng nói chỉ để đạt được mục đích mong muốn.

    ReplyDelete
  5. Đúng vậy đó Tư...Ở đâu cũng vậy, những chân chất, những xanh rờn, những bao la và trong lành cứ ngày càng thu hẹp lại, cứa đau ruột...

    ReplyDelete
  6. Anonymous5/04/2010

    Toi nghiep cho nhung em be phai song trong nhung cai hop chat choi! U di kien di, biet la kg thay doi duoc gi, nhung it ra cung co mot tieng noi, neu co nhieu tieng noi thi con co chut hy vong mong manh, neu ai cung chi noi hai tieng "chap nhan" thi kg biet vai nam nua se ra sao? Khong tuong tuong noi!

    ReplyDelete
  7. Mạn phép mình dc hỏi số điện thoại liên lạc nhé. Thú thật, mình đang có công chuyện muốn bàn với bạn , nói ở đây hơi bất tiện, mình để lại số dt liên lạc , gấp nhé 0903038525 ( bật mí xíu về công việc: là về bài nói về 1 nhân vật nữ)

    ReplyDelete
  8. Hay quá, chị ơi!

    ReplyDelete
  9. Đọc xong em cảm thấy đang bị mất đi 1 cái gì đó. Buồn mang mác..

    ReplyDelete
  10. Anonymous5/16/2010

    Tội nghiệp cho thế hệ trẻ sẽ không cảm nhận được thiên nhiên bởi hậu quả tham tiền của thế hệ hôm nay, buồn :(

    ReplyDelete