Jan 19, 2011

Đi chợ chợ xa


Tản văn 

Lần chiếc xuồng ra khỏi rạp xuồng lúc trời vẫn còn tối mịt, bà già nghe sương nhểu từ những đuôi lá dừa nước xuống vai mình. Con nhỏ ngồi đằng mũi vít vít cây dầm xuống nước quẩy chủm quẩy chủm, âm thanh hớn hở như nó đang hớn hở : bữa nay bà ngoại cho nó đi chợ. Nó sợ bị bỏ lại, nên dậy theo bà già từ ba giờ sáng. Phụ bà nhúng nước mấy bó ngò gai, húng lủi… lạnh móp cả đôi tay. Mùa chướng sờ đâu cũng lạnh, ờ mà thật ra, là cái gió lạnh đang hiện diện cùng khắp, nó sờ mình.

Chếch bên trời còn một mảnh trăng. Xuồng cứ nhắm bên phải trăng mà đi. Bà già chèo gấp rãi, sợ đụng chợ trưa khó bán mua đã đành, tìm một chỗ ngồi cũng khó. Sương thấm ướt cái khăn rằn đội đầu. Con nhỏ nằm ngủ queo rồi, nằm giữa cà vung trầu và buồng chuối chín bói chim ăn mất mấy trái. Vài chiếc xuồng đi chợ sớm khác đuổi kịp nhau, hỏi han râm ran chuyện lúc thóc, mùa màng. Nghe bên kia nói vô bồ được trăm hai mươi giạ mà nhà tới mười miệng ăn, bà già thở dài thương cảm, như đang thương chính mình.

Bà già cảm thấy hơi lạnh dù chèo mệt, người rịn mồ hôi. Người quê, những cơn lạnh đến rồi đi đôi khi không vì gió. Trời hửng thì con nhỏ bị đánh thức bởi tiếng nhạc phát ra từ dãy nhà cất ven sông. Mới đầu thì nhà họ còn thưa, rồi san sát dần, ồn ả sáng lóa dần.

Chợ.

Đây là lần đầu tiên con nhỏ đi chợ bằng đường sông. Nó nhìn phía sau những ngôi nhà chen chúc nhau nhón chân trên nước nghe ngạc nhiên hết sức. Trông chúng lộn xộn, gần gũi, dung dị như như ở một xó quê nào vậy. Có người bưng gàu mên nước ngồi chồm hổm bên thềm rửa mặt. Có trẻ con cởi truồng tắm sáng. Có ông già chống gậy ra cửa sau tựa vào cây gậy ngó mông lung. Cá khô xỏ xâu phơi trên sào quần áo, những giẻ lau đủ màu sắc giắt gần đó, phơ phất như đuổi chim trên ruộng. Những xô chậu, những lu khạp, những cái võng treo xiên xẹo… Đằng lưng của chợ nhìn thân thiện với người quê, con nhỏ thích.

Nhưng cửa sau thì không phải chỗ bán mua, chợ phải là mặt chợ kìa. Chỗ đó lộng lẫy và sáng loáng làm con nhỏ cảm thấy hai bà cháu mình trở nên nhỏ thó và lem luốc. Dãy nhà lầu bên kia đường cao, đến nỗi bóng chúng ôm hết cái chợ chồm hổm đến nửa buổi sáng thì mặt trời mới chạm vào đôi dép cũ đã vá tèm lem của con nhỏ. Nắng lên, đôi dép xấu xí hơn. Không gian tràn ngập thứ ánh sáng như nôn nả dồn đuổi, như xua người ta về với ruộng vườn xanh bóng cây. Ở đây, mọi thứ đều chói gắt lấp lánh. Cả tô hủ tiếu mà đứa trẻ chợ kia ngồi ăn cũng lung linh lạ thường. Con nhỏ cảm thấy mình dòm miệng đứa kia hơi lâu, tự mắc cỡ ngoảnh đi chỗ khác.

Chợ trưa dần. Bà già vẫn còn mười một ốp trầu trong cà vung. Vài chị mang guốc lóc cóc lại, kêu thím ơi coi như chẵn chục đi, tôi mua hết. Con nhỏ lạ lắm, lạ suốt từ sáng giờ. Nó học lớp một trường làng, sự thật mười một không thể là mười được, hai con số ấy khác nhau. Như hồi sáng ngoại nói nải chuối ba trăm đồng, khách nài hai trăm rưỡi đi cho chẵn. Con nhỏ thấy rõ ràng sự chẵn của khách không chẵn chút nào. Nhưng khách đã dợm bước để chứng tỏ mình cái quyền tối thượng của mình : quyền đi chỗ khác, quyền ngoảnh mặt, quyền được đúng. Bà già chịu thua.

Nhưng bà già không cay đắng, quạu quọ… bà ung dung, thanh thản. Từ hồi bằng con nhỏ bà đã theo người lớn đi chợ, đã được dạy rằng người quê không có quyền định giá món hàng mình làm ra. Và giá của những rau những lúa không bao giờ đứng yên, chúng chạy thót tim theo cơn nắng sáng, mưa chiều. Pin đèn không vậy. Cây kim may tay cũng không vậy.

Con nhỏ rồi sẽ phân biệt được thôi, khoai mì và bột ngọt khác nhau không chỉ vì chúng là khoai mì và bột ngọt. Chúng khác xuất thân. Giờ thì bà già dẫn con nhỏ đi ăn hủ tiếu. Chị bán quán vét hết mấy thứ trên bàn thì vừa tròn tô hủ tiếu, dù nước súp đáy nồi sắc mặn như kho. Bà già chỉ nhá gói xôi và ngồi ngó cháu đang ăn ngon lành, tô hủ tiếu đầu đời của nó. Lấp lánh và muốt, đó là cảm giác của nó về tô hủ tiếu, và khi trả tiền nó nhận ra mình vừa ăn nửa cà vung trầu. Biết nói sao, vừa lảo đảo say vừa ràn rụa cay.

Đường xuống bến đậu xuồng xuyên thấu qua lòng một tiệm tạp hóa, bà già nói nhà này hồi trước ở xóm mình, loạn lạc quá mới tản cư ra đây. Hèn chi gặp nhau cứ nghe giòn chuyện xóm làng đồng áng. Hèn chi họ bày hàng hóa lủ khủ lềnh khênh mà không chút dè chừng những khách quê bao bận lên xuống bến, như thể đã thuộc lòng sự ngay thẳng của nhau. Con nhỏ ngẫm ngợi trong lúc chờ bà già loay hoay mua dầu hôi nước mắm, đường mía, ống khói đèn chong, ống chỉ đen … Tất nhiên bà già không quên chai dầu gió bôi cho đỡ nhức đầu và mấy lọ Tế Chứng Thủy trị đau bụng. Tất nhiên con nhỏ không quên đòi mua đôi dép mủ mới. Thấy bà ngoại lúi húi mở kim tây lấy tiền trong túi trái, con nhỏ biết rằng những món trong vườn sáng nay không đủ đổi lấy mấy thứ lặt vặt này. Bà già vừa bù thêm một phần tiền lúa.

Buổi chợ đầu đời mãi mãi ám ảnh con nhỏ, hai mươi tám năm sau khi nó ngồi nhớ lại, vẫn thấy mình đi chợ về te te lấy sách ra ngồi học, bởi không muốn lớn lên trồng trầu và rau húng lủi. Vẫn nhớ trong tô hủ tiếu đầu tiên mà mình được ăn, có dư vị trầu cay xé họng. Và đi bằng xuồng chèo thì chợ của người chợ xa lắm, rất xa, xa…

11 comments:

  1. Nhớ cái thời vừa ngủ vừa đi hụp hửi theo Ngoại đi chợ xa. Nhớ lắm. Cám ơn Tư nhiều!

    ReplyDelete
  2. Lúc nhỏ được lẻo đẻo chạy theo mẹ đi chợ thiệt là hạnh phúc. Ở đó có bao nhiêu thứ mới lạ và hấp dẩn dù rằng khi đi về mẹ chỉ mua cho vài viên kẹo cau mút. C làm e nhớ lại phần kí ức nhỏ nhoi ấy. cảm ơn c Tư nhiều lắm. Chợ đã thay đổi bao đời.

    ReplyDelete
  3. MỹHằng2/17/2011

    "đi chợ về te te lấy sách ra ngồi học, bởi không muốn lớn lên trồng trầu và rau húng lủi . . ." - đọc nghe mà thương quá, và thương cả những dây trầu những liếp rau húng đã giúp nuôi lớn bao nhiêu người trẻ, để có thể có sách để ngồi học, để có thể thay đổi bao đời . . .

    ReplyDelete
  4. Anonymous2/17/2011

    Bài viết rất xúc động. Cảm ơn bạn nhiều lắm!

    ReplyDelete
  5. Dân Cà Mau bây giờ trồng rau thì ít, Làm vuông, nuôi cá thì nhiều, có vậy mà đời sống bà con khấm khá hơn...

    ReplyDelete
  6. Anonymous2/26/2011

    Chị Tư làm em nhớ quê quá, em cám ơn bài viết rất hay của chị!
    Hồi lúc em còn học cấp 3, đang là học trò lớp vẽ của thầy Lê Công Uẩn thì có biết qua chị khi chị mang tặng thầy Uẩn quyển "Cánh đồng bất tận". Từ lúc đó cho tới nay, khi giờ em đã là kts rồi, mỗi lần em nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bà, nhớ mẹ, em lại cứ đọc truyện của chị.
    Một lần nữa, em muốn gửi lời cám ơn đến chị rất nhiều, vì đã mang đến cho những người con đang xa quê hương như em những cảm giác rất gần gũi, rất...nồng nàn.
    Chúc sức khỏe chị và gia đình!
    p/s: mình cùng ở p5,hehe

    ReplyDelete
  7. Cám ơn Tư nhiều lắm!
    Hồi nhỏ tui chuyên ngồi giữ xuồng cho má tui lên chợ bán đồ (ở quê không có dịch vụ giữ xuồng như giữ xe ở TP) và không có cơ hội ăn một tô hủ tiếu, dù mặn. Bây giờ có con rồi, dù giải thích chúng cũng khó cảm nhận được. Ở đời nước mắt chảy xuôi mà...

    ReplyDelete
  8. Em thích câu tự giới thiệu của chị ghê... Hình như giông giống e ^^! Thương 4 nhìu... Em đợi đọc sách mới của chị ... Chúc chị vui

    ReplyDelete
  9. Đọc xong thấy nhói vì buồn...mắt nhìn của con trẻ và cách nghĩ của người từng trải...nặng...

    ReplyDelete
  10. Anonymous4/25/2011

    đọc truyện của chị Tư (ngoài những bài châm biếm) không khi nào cầm được nước mắt, không biết vì mình quá mít ướt hay cũng nặng lòng với miền Tây như chị...
    Cám ơn chị Tư nhiều lắm...

    ReplyDelete