Apr 28, 2011

Tháng Tư


Bao giờ thì cũng là thứ nắng đỏ quạch quánh đặc như có thể nắm một nắm trong tay. Gió lặng ngắt hoặc có cũng phảng phất chút gì như xa vắng thảng hoặc. Vài trận mưa thập thò hệt đứa trẻ thử rưới ít nước lên chảo lửa ngun ngút rồi đâu lại đó, nắng đỏ hơn, ngằn ngặt đến tận cuối chiều, muốn ăn lan cả vào đêm.

Giữa nắng và nắng và nắng gắt gỏng như nhau, người ta hầu như không được chọn lựa. Cứ chịu trận và chờ đợi thứ gì đó chậm chạm trôi qua. Trên đỉnh mùa khô, trời đất đứng trân trân, không khí phập phồng rịn mồ hôi. Cây cỏ lả đi. Mùa rừng cháy. Mùa giáp hạt. Mùa bới khoai. Trẻ con chân trần đi mượn gạo nhà hàng xóm ngang qua những đám sậy cháy xém, tưởng như da thịt cũng bốc hơi. Người lớn khum khum tay cho đỡ chói ngó về phía chân trời, nơi những núi mây xám một hôm nào đó sẽ đùn lên mang mùa màng tới.

Đặc sản của tháng Tư ngoài nắng còn có...  phim tài liệu, cũng hôi hổi, ngun ngút những đạn bom, những vùng trời bùng lên cháy loạn. Hồi nhỏ, không hiểu sao tôi mê loại phim này, trong khi đám con nít cùng xóm hoặc thắc thỏm ngáp vắn dài chờ tới giờ chiếu phim truyện, hoặc ra sân chạy chơi. Thành ra buổi đó chỉ có tôi lọt thỏm cùng người lớn, chẳng hiểu mấy, thấy đánh nhau là khoái, cứ níu tay ba hỏi bữa nay bên mình đánh bên nó tới chỗ nào rồi. Màn ảnh vô tuyến rùng rùng những người những xe, những mũi tên màu đỏ chạy về một nơi nào trên nước Việt gầy gò này mà tôi không hình dung nổi.

Những ngày đó thì chú Năm Thái không thấy qua coi ké ti vi. Cái góc bộ ván ngựa nhà tôi bỗng dưng trống trải, vắng thím Năm hay ngồi ngủ gà gật bên cạnh chồng. Hết tháng Tư, họ mới quay lại, thất thần và nặng trĩu như đã đi đâu xa lắm, mới về.

Những thước phim năm qua năm càng thêm lem nhem. Nhì nhằng như có mưa. Xước như gai táo cào trên da thịt. Tôi gần như thuộc lòng những hình ảnh trên đó, dần dần rút ra kết luận trong mấy cái phim tài liệu tháng tư những người cầm cờ hoa chân thường phải giẫm lên áo xống giày dép nón cối nằm lủ khủ dưới đường… Phát hiện ra phim nào thì cũng hùng hồn hối hả từ giọng người đọc lời bình đến nhạc phim đến  nhịp điệu phim… Phát hiện ra chú Năm không qua coi truyền hình vì hồi trước chú theo bên nó, mà trên phim người ta gọi bằng giọng rắn đanh là “địch”, “quân bán nước”, “lũ tay sai”... Chỉ trẻ con nhà chú là nhởn nhơ vô tình, lâu lâu lại ngán ngẩm rên lên, “sao bên nó không chịu thua sớm sớm để hết phim cho rồi, để tụi mình được coi “Biệt động sài gòn”, “Ván bài lật ngửa”. Má tôi ngó đám trẻ khét nắng ngậm ngùi.

Ti vi tháng Tư không cho trẻ con nhà nghèo hồi ấy nhiều lựa chọn, chỉ khác nhau ở chỗ nhiều hay ít, chứ kiểu nào cũng trầy xước.

Giờ tôi đã xem thêm nhiều bộ phim tài liệu nữa về sự kiện tháng Tư, với những cách kể khác, góc nhìn khác. Như thể tôi được ngắm bên phải bên trái bức tượng mà mười mấy năm trước khi còn là đứa trẻ chỉ được nhìn chính diện. Những thước phim của các hãng thông tấn nước ngoài sáng đẹp như mới quay hôm qua, như hôm qua chiến tranh hãy còn đang thở dốc trong cái nắng tháng Tư sôi sùng sục. Ngó vào màn ảnh trong veo nhưng cái cảm giác xây xước vẫn chưa bao giờ tan mất. Cảm giác ai đó và cái gì đó lại bị tháng Tư cào rách, không phải trên mặt, mà sâu ở lòng.

Tôi nhớ người hàng xóm bỗng rời rã vật vờ không bởi vì cái nắng tháng Tư ngun ngút. Nhớ những cái phim trầy trụa được đem ra chiếu đi chiếu lại hồi xưa, nhớ giọng người đọc lời bình, trời ơi, chưa bao giờ chùng xuống. Lẽ nào lại mãi mãi không ???

38 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. Cái đó thuộc về quá khứ
    Quá khứ mà không nhớ thì tương lai không biết đi về đâu
    Quá khứ có thể tốt đẹp với người này, không tốt đẹp với người khác, nhưng không ai được phép lãng quên
    Ai đã tốt đẹp thì nhớ là mình đã tốt đẹp. Ai chưa tốt đẹp thì nhớ để sống tốt đẹp hơn!

    ReplyDelete
  3. Anonymous4/28/2011

    Vết thương rồi cũng lành nhưng luôn để lại thẹo ha Tư. Vết thương bên ngoài đã vậy, vết thương trong lòng thẹo còn bạo hơn. Chỉ điều ít để cho người khác thấy.

    Chúc Tư luôn khỏe.

    Tuấn

    ReplyDelete
  4. Eric Maria Remarque noi dai y : sau chien tranh , ke that tran la nhung nguoi linh cua ca hai ben. Ben nay ben kia deu co nguoi duoc ke mat , cu nhu la tai so phan. 30.4 khoc & cuoi. Minh theo Duong Tuong ve phe nuoc mat.

    ReplyDelete
  5. Anonymous4/28/2011

    Lịch sử mãi mãi không thể chối bỏ được.
    Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng các cuộc chiến tranh vẫn luôn được cả Thế giới nhắc đến. Tất nhiên là không phải chỉ để làm đau một nhóm người nào đó. Mà là nhắc cho thế hệ hôm nay hiểu được giá trị của hiện tại, sự khốc liệt của chiến tranh. Để từ đó yêu quý, trân trọng, góp phần giữ gìn vun đắp những gì đang có.
    Phải hiểu là sau 01 cuộc chiến, 02 bên không thể xem nhau như 02 người bạn ngay được (nếu có thì đó là giả tạo), phải có thời gian để những hận thù phôi pha. Đó là hậu quả của chiến tranh, không thể tránh được.
    Con người mà: thành công thì muốn nhắc mãi, thất bại thì mong quên. Điều đó . . . bình thường thôi.
    Tư cứ vầy hoài chắc Fan của Tư chỉ còn những người như chú Năm Thái thôi quá . . . Sao vậy ta $$$

    ReplyDelete
  6. Anonymous4/28/2011

    Ông bà mình nói hổng có sai hén Tư: "Thắng làm Vua, thua làm Giặc" mừ. Giả tỷ kết quả ngược lại chắc cũng một đống Việt Cộng bị xử, rồi cải tạo, học tập, xét lý lịch, ... Vậy thôi suy nghĩ mần chi cho mệt não.
    Đâu có ai đem tính mạng, tuổi xuân, máu, nước mắt, người thân, gia đình, cuộc sống an lành, ... của mình ra để đánh "giặc", xong rồi đi ca ngợi ... kẻ thù (nếu có chắc bị não rùi).
    Tư dạo này giống mấy nhà làm Phim truyện truyền hình quá: sáng tác theo đơn đặt hàng. Nhưng chắc khác người đặt hàng hả Tư.
    Chúc Tư và gia đình nhiều sức khỏe!

    ReplyDelete
  7. Anonymous4/28/2011

    "Thắng làm Vua, thua làm Giặc" là khi chưa thuộc về ai. Người ta đem tính mạng, tuổi xuân, máu, nước mắt, người thân, gia đình, cuộc sống an lành, ... của mình ra để đánh "giặc" là bởi vì giành lại những gì thuộc về họ. Cũng như tôi, tôi vẫn nhớ mãi kẻ trộm, dù là trộm đàn gà của tôi, dù là nhỏ nhặt và...đôi lúc quên!

    ReplyDelete
  8. Anonymous4/28/2011

    Tư viết đâu có phải để kiếm fan, em nghĩ vậy, đúng không Tư??! Viết là những tấc lòng gan của Tư trải ra với đời chứ đâu có phải theo đơn đặt hàng, phải không Tư!!??

    ReplyDelete
  9. Tháng tư trong lòng cô Tư... đầy nắng và nặng quá... Mưa sẽ về và cây cỏ lại xanh tươi... Đất không còn nức nẻ... những vết rách rồi sẽ lành...
    Cảm ơn những hình ảnh phương nam, nhớ lắm...
    Chúc cô Tư vui khỏe bình an!

    ReplyDelete
  10. thiếu nữ miền đông4/29/2011

    hãy mua đĩa phim chép "CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN" sẽ thấy bìa đĩa ghi chú: PHIM TRUYỆN MIỀN NAM - VIỆT NAM
    hình như cái cụm từ MIỀN NAM - VIỆT NAM để chỉ những gì thuộc về MIỀN NAM trước tháng 4/1975 ???
    Chú Sáu của chúng ta đã từng nói (đại ý): có một triệu người vui mừng thì cũng có một triệu người đau khổ
    "nửa xanh nửa đỏ" là vậy

    ReplyDelete
  11. Anonymous4/29/2011

    Quan trong la sau bao nhieu nam "chien thang" VN minh da co nhung gi ? Hay con lui xa hon so voi cac nuoc tren the gioi ! Co gi de tu hao !

    ReplyDelete
  12. Anonymous4/29/2011

    Tu oi ! Ban long chi nhieu ! Tre con bay gio ko quan tam nhu Tu ngay truoc dau. Tui nho gio coi phim My nhieu hon phim VN. Khai niem "ben minh" khac lam roi !

    ReplyDelete
  13. Ti vi chieu nhung phim do bi gio ko ai coi dau ! Mac coi phim TQ va Han quoc roi !

    ReplyDelete
  14. Anonymous4/29/2011

    Em bi giờ mà mở tivi ngay lúc chiếu film tài liệu về chiến tranh là bật kênh khác liền, hình như là bị bội thực về mặt oánh nhau rùi...

    ReplyDelete
  15. Nỗi đau lớn nhất của mảnh đất hình chữ S trong chiến tranh thuộc về các Bà Mẹ ...
    Văn minh như Tây vẫn có chiến tranh huống hồ mình.
    Trích câu nói của Putin :
    Ai không thương nhớ nước Nga (Hay LBCN CH XHCN XV) là kẻ không có trái tim.
    Ai luyến tiếc nó là người không có khối óc !

    Mà đất nước đó là cả một tượng đài trong "Kim chỉ nam" một thời của chúng ta. Đa xờ vi a đa nhi a !

    Hình chữ S như một sống lưng quá đày ải bởi Nỉ hảo, bông dua, dờ đờ rát xờ vui che, hello và không hiểu nổi.

    Chúng ta có cái gì nhỉ ? Hình như không ...

    Nỗi đau thời chiến và hậu chiến thật khó miêu tả hết bằng lời. Làm trẻ con mà tha thứ chăng ?

    Trên hết là nỗi đau NGƯỜI.

    ReplyDelete
  16. Và tháng tư, đối với người trẻ, sinh ra từ cả hai thập kỷ sau trận chiến, như tôi, còn là để cho mình thêm tự hào! Tôi không quan tâm đến việc bên này thắng, bên kia thua! Tôi đặt mình ở vị trí của người hướng về phía trước, tháng tư dòm lại, và lại tiếp tục quay đầu!

    Chứ rồi liệu cứ ngoảnh lại hoài thì có được củ khoai, củ sắn gì mà ăn hay không?

    ReplyDelete
  17. Bài viết rất thật.

    ReplyDelete
  18. Chị Tư viết gì cũng được, miễn đó là sự thật, tôi luôn ủng hộ chị. Chán nhất là cảnh " cha chung không ai khóc, lắm sãi không ai đóng cửa chùa".

    ReplyDelete
  19. Anonymous4/29/2011

    "Cảm giác ai đó và cái gì đó lại bị tháng Tư cào rách, không phải trên mặt, mà sâu ở lòng."
    Trời, câu này hay quá thể. Cả bài cũng hay luôn

    ReplyDelete
  20. Trường giang sóng sau xô sóng trước,
    He! he! thế hệ teen học hỏi rất mau lẹ và trả bài bằng các video clip tung lên youtube... Tương lai các em sẽ leo lên đỉnh cao chói nọi???

    ReplyDelete
  21. AuViet4/30/2011

    Đọc bài này mà nói là Tư "cảm tình" với chú Năm Thái, hoặc nói như MY NGAN rằng Tư muốn quên quá khứ thì oan cho Tư quá. Đã bao năm qua rồi, kẻ thù xưa giờ cũng là đối tác. Vậy thì giọng đọc trong những thước phim cũ cũng nên chùng lại chứ. Lẽ nào lại mãi mãi không ???

    ReplyDelete
  22. Quang Dũng4/30/2011

    Hôm qua đọc truyện Đời như ý của chị, khóc quá trời luôn

    ReplyDelete
  23. Cô Tư ơi, những người lính 2 miền không hề mãi mãi vùi thây ngòai chiến trường mà đã biến thành đàn chim sếu bay cao.
    Журавли
    http://www.youtube.com/embed/yB1J7JBszys?fs=1

    ReplyDelete
  24. Anonymous5/01/2011

    Tinh nguoi la chan ly. Sau nay nguoi ta cung nho on Tu nhu la nhac si Trinh Cong Son vay.Biet dau truoc noi dau cua con nguoi. Dung tuong nguoi tre VN lam thinh la chap nhan nhung dieu sai trai.Ho noi bang Blog do. Khong ngo co nhung y kien sac ben va biet cuoi hom hinh phai khong Vit:))

    ReplyDelete
  25. Anonymous5/01/2011

    Em nhớ một truyện của chị Tư "Vết chim trời" khi đọc nó em cứ nhớ mãi hình ảnh người cha như chết lặng đi vào một trưa tháng 10...vì một tiếng khóc, vì một trận chiến xa xôi nào đó. Dường như đối với Tư khi viết là cho tất cả mọi người, để kéo mọi người lại chỗ người hơn và gần nhau hơn. Cảm ơn chị hén! Đọc chị dù có nặng, có đau, có buồn đến mút chỉ cà tha vẫn thấy rất gần với yêu thương :)

    ReplyDelete
  26. Anonymous5/01/2011

    Xin cảm ơn nhà văn. Thời gian trôi qua, những màn sương khói ảo thuật sẽ tan dần và sự thật sẽ lộ ra. Xin chúc cô mọi điều tốt lành.

    ReplyDelete
  27. Nghi ngoi lam zi cho met chi Tu

    ReplyDelete
  28. Dường như những người muốn gợi lại những nỗi đau xây xước, muốn xem lại những vết cào trong tim(người khác), chẳng bao giờ muốn thấy, và chẳng bao giờ muốn con cháu mình thấy cái "góc nhìn khác" đó đâu.

    ReplyDelete
  29. bé Vân5/02/2011

    Cũng có chuyện tháng Tư muốn kể Tư. Một trang tin tức online có đăng "MC (ca sĩ người Mỹ) sinh con đúng ngày 30-04". Bao nhiêu bạn trẻ xí xớn nhảy vô thắc mắc, ngày 30-04 là ngày của mình đó chớ, bên Mỹ người ta biết gì đâu mà để tít vậy chi. Nhưng té ra là ngày 30-04 là kỉ niệm ngày cưới vợ chồng người ta, điều này trong bài viết đã ghi rõ, chớ chẳng phải "ngày của mình" gì cả. ây dà dà. 85% người đọc các tin kiểu đó chỉ xem mỗi cái tít rồi tám lung tung chớ chẳng bao giờ đọc tới dòng chữ thứ hai. ;))

    ~


    Hôm bữa thấy báo chí có giới thiệu quyển "Chân trần, chí thép", của một cựu binh Mĩ từng tham chiến tại Việt Nam. Ông này sau chiến tranh từng mang nhiều định kiến thù hận về đất nước Việt Nam. Nhưng sau một lần về Việt Nam thì ông đã thay đổi cách nhìn, tập nhìn dưới góc nhìn của kẻ phía bên kia chiến tuyến. Con có dịp mua :(, mà con thấy có vẻ hay đó Tư :D.


    ~

    tháng Năm phẻ mạnh, viết bài đều đều Tư nghen

    ReplyDelete
  30. Dân hồi đó5/02/2011

    Những ngày tháng Tư ở miền Nam, giao thời của 2 mùa mưa nắng, nắng thì hừng hực nứt đất nẻ da, mưa thì nhão nhoét chèm nhẹp lầy nhầy ngập ngụa... hệt như lòng người sau ngày 30 ấy ! Còn những ngày giao mùa thì mãi vẫn còn nỗi cảm hoài khôn nguôi, phải không cô Tư ?

    ReplyDelete
  31. Anonymous5/03/2011

    Dường như hai đoạn văn đầu chị Tư viết với một giọng văn khác, một thử nghiệm gì chăng. Đoạn sau thì trở lại giọng văn bình thường của chị Tư...

    Tháng tư, với những kẻ giao thời vẫn thường hay ngơ ngác...

    HH

    ReplyDelete
  32. bé Vân5/03/2011

    ai nói giọng văn Tư khác gì đâu chớ con vẫn thấy Tư sừng sững, cơ bắp cuồn cuộn, gồng mình với con chuột bự chảng, trong từng chữ Tư viết...hê hê.

    ReplyDelete
  33. Anonymous5/03/2011

    đọc các phản hồi trên ,thây hlnh như các bạn vào đây đơn thuần chỉ đọc để giải trí thì phải,mình thì thấy các bài viêt của TƯ luôn mang nhưng thông điêp ,

    ReplyDelete
  34. Quân ta thắng quân mình đó Tư.

    ReplyDelete
  35. Dong y voi ban Anonymous o tren: các bài viêt của TƯ luôn mang nhưng thông điêp.
    Minh nghi tai sao giong hao hung "Giai Phong Mien Nam " khong chung xuong sau bao nhieu nam nhi? Neu "phe ta phe dich" hoai thi lam sao hoa giai, hoa hop???

    ReplyDelete
  36. Người ta nói: chiến tranh là cuộc uýnh lộn của mấy tên không biết nhau (binh lính, sỹ quan mà nói chung là cấp.... thấp của cả 2 bên) chớ còn đám biết nhau (cao và thiệt là cao) thì kô bao giờ uýnh hết, Quý vị có thấy mấy sếp bự của 2 bên có uýnh thiệt bao giờ không???? Lúc cao trào thì con mấy vị đó xung phong đi.... tây không hà. Mà thôi, bây giờ người ta hòa hợp rồi, thấy con anh Ba Dũng không??? Chỉ thương cho đám cắc ké muốn lấy vợ hay chồng phải theo quy định này nọ. Ai không tin thì thử vô quân đội, công an thử coi!!!!

    ReplyDelete
  37. Hoa Hướng Dương5/19/2011

    Cảm ơn Ngọc Tư. Bài viết không chỉ thể hiện tấm lòng, mà còn cho thấy một tư duy sâu sắc và đầy lương tri.

    ReplyDelete
  38. Anonymous11/22/2011

    Gửi bạn MYNGAN:
    Quá khứ (cái nắng tháng tư) có đau khổ, có tốt đẹp đối với mỗi người. Dù thế nào đi nữa thì nó đã là một phần trong ký ức mỗi người rồi, có lúc nhớ lúc quên; có người muốn nhớ, người muốn quên. Chẳng nên áp đặt cho ai phải thế này hay thế khác, mà có áp đặt cũng chả được.

    Tốt hay không tốt, đúng hay sai chẳng phải chuyện để có thể bàn luận ở đây, ngày xưa Nguyễn Ánh chẳng đã sử dụng cụm từ "ngụy Tây Sơn" đó thôi... câu chuyện lịch sử ấy cũng chỉ mới hôm nào.
    Có người muốn nhắc lại chiến công lẫy lừng, những vết sẹo minh chứng của một thời dọc ngang.
    Có người muốn quên đi những vết sẹo đang phai dần theo thời gian.
    Đừng bắt chú Năm phải ghi nhớ, phải ăn năn về những "lỗi lầm" vốn dĩ không thuộc về chú.
    Cho nên còn đó những đoạn băng tua đi tua lại xước như gai táo, còn đó những ngày tháng tư nắng đổ, thì sẽ còn đó những chú Năm anh Sáu lặng im nhìn lại những vết sẹo tưởng rằng năm tháng đã phai.

    Hãy nhìn lại được hay thua những thắng bại kia?
    Hãy nhìn lại mặt quê hương tan nát từng giờ
    Hãy nhìn lại người anh em trên chiến trường xa
    Hãy nhìn lại tìm đâu ra những nét mặt thù?
    (Trịnh Công Sơn)

    ReplyDelete