Jan 14, 2012

...Một ! Beng ! Beng ! Beng !


Kính báo pà con, sau tản văn này tôi sẽ dừng thể loại tản văn trong vài năm, và nếu có viết cũng là thảng hoặc, không thường xuyên. Tôi có vài dự án mới phải làm và tôi cũng thấy hứng khởi với chúng. Cuộc này chỉ là tạm biệt thôi, tôi sẽ quay lại nếu vẫn còn duyên nợ.

Không tản văn, nhưng blog Saurieng vẫn sẽ không đóng cửa, dù không cập nhật thường xuyên nhưng mỗi tháng tôi vẫn tặng bạn đọc một vài món quà khác. Chúc pà con cùng gia đình một năm mới nhẹ nhàng và bình an ! 

BÁNH TRÁI MÙA XƯA
tản văn : Tui

Tết một lần, cùng hai lần đám giỗ, cậu lại ra nhà người anh cùng cha khác mẹ với mình. Lành như củ khoai, lành như đất, lành như một người kém trí, như cái tên Út Khờ. Đi lần nào cũng quên vài thứ, không quên mang dép thì cũng quên đội nón, nhưng có thứ cậu không bao giờ quên mang tới nhà anh chị cậu, là bánh. Giỗ này cậu đem bánh bột đậu, giỗ sau cậu góp cốm ngào đường, tết thường có bánh kẹp cuốn, bánh bông lan, bột đậu. Những thứ bánh trái quê mùa, nằm vơ vất trên bàn thờ, giữa những món đồ cúng đẹp đẽ khác. Vơ vất như thân phận của cậu : con riêng của ông nội với người đàn bà khác.

Anh chị và đám cháu không mê bánh nhà quê đó. Chỉ con nhỏ giúp việc nhà anh cậu là đón mừng nhiệt tình. Ăn một cái bánh nghe ngon nhức cả ký ức. Bánh của cậu gợi nhớ má nó đang nằm ho ở cái quê mị cà tha nào đó. Nó biết để có mớ bánh này, mợ (cũng hiền hậu thiệt thà y như cậu) đã phải nhồi bột đánh trứng từ hôm qua. Bột trứng dẻo nhẹo, cầm bàn chụp đánh mỏi nhừ tay, thì bột mới dậy, nở bung trong diệm, rồi được đem đi nướng. Than rực dưới đáy khuôn bánh, rải ủ đều trên cái nắp bằng gang nữa, cho hai mặt bánh vàng đều. Những mẻ bánh đầu hoặc khét quá hoặc chưa được vàng ươm như ý, mợ để lại nhà. Mớ bánh cậu mang đi phải là mớ bánh đẹp nhất, nuột nhất sau khi mợ trăn trở lửa trên lửa dưới. Mợ còn cắt giấy màu thành những sợi mảnh, rải vào keo bánh vừa để hút ẩm vừa trang trí cho đẹp.

Cậu mợ không biết rằng ra khỏi xóm làng rồi, vẻ đẹp ấy trở nên lạc lõng, bơ vơ. Chị dâu cậu thường càm ràm, đã nói đem bánh trái ra chi mắc công, có ai ăn đâu… Cậu hiền lắm, nói mười hiểu hai, cười cười, cúng ba má mà đi tay không, coi sao được chị.

Má con nhỏ giúp việc cũng thường nói vậy, khi lụi hụi chuẩn bị bột, nhân, lá để làm bánh này nọ đi cúng quảy ở nhà họ hàng. Cái hồi người ta chưa bán bột làm sẵn, má nó còn phải ngâm gạo nếp qua đêm, có khi ngâm với khóm cho gạo mau mềm, để xây làm bột. Làm bánh, nói gọn lỏn vậy mà có bao nhiêu chuyện lắt nhắt phải lo, đến nỗi tàu lá đem ra phơi nắng cho vừa héo để gói bánh, trẻ con cũng không phụ được, vì không biết cỡ nào mới vừa. Má nó lo toan hết. Chị em nó mười, mười hai tuổi đã được má dạy làm bánh, thành con gái rồi má nó vẫn lo “mấy đứa làm chưa khéo…”. Chị nó lấy chồng năm rồi, chuẩn bị cho đám gã, má nướng bánh bột đậu, bánh kẹp từ năm ngày trước.

Một cái đám ở quê thường được nhắc nhớ bởi những món ăn ngon. Bây giờ người ta vẫn nhắc món bánh bò bông má nó làm hôm gã chị. Mịn và xốp, và những múi bánh như cánh hoa nở đều đặn, tươi tắn. Làm ra một món ăn ngon, hay một cái bánh ngon, thì đến lửa nhỏ lửa lớn mình cũng phải chăm chút nữa. Má con nhỏ giúp việc không nói vậy, nhưng nó tự học từ cái cách bà nắn nót rút bớt cây củi ra khỏi bếp, hoặc thêm vào mấy cục than.

Hồi đó, mỗi lần má con nhỏ làm bánh là cả một cuộc hội hè. Ngoài những thứ bánh được gọi là sang chỉ có ở những giỗ, Chạp, hay dịp tảo mộ, còn có những tiệc tùng đơn sơ hơn, ít tốn kém hơn, mà vẫn thấm đẫm hương vị. Xay lá mơ tam thể với bột, đắp vào lá mít hấp lên chan nước cốt dừa, vậy là con nhỏ được ăn bánh rau mơ. Bột trắng cán bằng chai, xong xắt sợi thả vào xoong nước đường, bột chín nổi lên mặt nước vậy là thành bánh canh ngọt cho đám nhỏ sì sụp. Hôm nào có cá lóc thì má nó nấu bánh canh mặn. Rồi thì bánh chuối hấp, chuối chiên, bánh cam nhân đậu… Bột bánh ít thừa ra từ lần làm bánh trước, má nó đem treo giàn bếp, hôm nào mưa dầm bà đem chiên lên, chị em nó lại được gặm món bánh tổ nóng hổi.

Con nhỏ giúp việc, lần đầu tới nhà chủ, nó khoe nó biết làm nhiều loại bánh, kể cả mấy loại bánh ngon hết xảy như kẹp cuốn, tai yến, tàng ong… tất nhiên là không ngon bằng má nó làm. Nhưng bà chủ phủi đi, nhà bà không làm bánh bao giờ, muốn thì bước ra cửa, thiếu cha gì món ngon, ì ạch làm gì cực thân. Bà cũng từng nói với thằng em chồng khờ khạo của mình câu đó.

Và cậu Út hiền lắm, nói mười hiểu ba, lại nhoẻn cười bảo, nhưng vui lắm, chị.

Con nhỏ giúp việc cũng từng nghe câu nói đó từ người mẹ của mình. Cực mà vui. Chỉ là không biết giải thích làm sao với người khác niềm vui sướng khi lấy từ khuôn gang nóng rực ra những cái bánh thơm lừng, ngui ngút khói. Mẻ bánh đầu đời đó, con nhỏ vẫn còn nhớ, những hạt đậu phộng rang nó ấn vào giữa cái bánh như một nhụy hoa, nhưng bánh nướng xong thì đậu rơi mất, bánh bột đậu trở thành bánh bột. Má nó nói phải học từ chuyện nhỏ xíu vậy, mới làm được cái bánh vừa đẹp vừa ngon.

Ta chỉ cần ví cảm giác đó với cảm giác cô nghệ sỹ múa ba lê vừa hoàn thành một cú xoay khó. Kinh điển, với chỉ chừng ấy động tác, nhưng từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, người nghệ sỹ vẫn đổ mồ hôi để cố hoàn thiện nó. Nhưng cậu hiền đến ngớ ngẩn, nên chỉ có thể nói cực mà vui, để nhận được từ con nhỏ giúp việc một cái gật đầu đồng tình, đúng đó, vui. Người chợ thì nhăn mặt ngán ngẩm, nói gần nói xa mà không dẹp được vụ bánh trái quê mùa này.

Cũng phải, dẹp cả một nền văn hóa thảo thơm đồng bãi, đâu có dễ…



20 comments:

  1. Mong dzịp nào đó dzìa CM cafe với chế Tư hehe

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anonymous1/17/2012

      Chị nó lấy chồng năm rồi, chuẩn bị cho đám gã, má nướng bánh bột đậu, bánh kẹp từ năm ngày trước.

      Em nghĩ là chị viết nhầm. Hình như là "đám gả" mới đúng?

      Delete
    2. Anonymous1/17/2012

      Chị nó lấy chồng năm rồi, chuẩn bị cho đám gã, má nướng bánh bột đậu, bánh kẹp từ năm ngày trước.

      Em nghĩ là chị viết nhầm. Hình như là "đám gả" mới đúng?

      Delete
    3. Anonymous1/17/2012

      Chị nó lấy chồng năm rồi, chuẩn bị cho đám gã, má nướng bánh bột đậu, bánh kẹp từ năm ngày trước.

      Em nghĩ là chị viết nhầm. Hình như là "đám gả" mới đúng?

      Delete
  2. Hay.Đúng chất.Tôi cũng có một miền quê khốn khó mà thơm thảo miền Trung.Những ngày Tết,mấy dì mấy thím vẫn tỉ mẩn ngồi làm cái bánh Khô Khảo.Thứ bánh đen đen,rắc mè ở ngoài,cắn một cái thấy lớp nhân ở trong bằng bột nếp nhuộm nghệ vàng vàng.Con trai tôi nhăn mặt vì thấy bánh cũng không ngon lành gì,có lẽ nó nhận xét đúng.Đặt nó giữa mấy thứ bánh hiện đại ngày nay nghe tội nghiệp làm sao.Nhưng tôi nghe nói để làm ra cái bánh đó rất kỳ công,khéo tay.Tôi vẫn trân quý tấm lòng của các cô các thím,vẫn chọn ăn bánh Khô Khảo ấy như thương cả một miền quê nghèo,mà bỏ qua những cái bánh dẻo hiện đại chỉ cần móc túi xỉa tiền ra là có.Cảm ơn Tư.

    ReplyDelete
  3. Anonymous1/15/2012

    sao con riêng của ông nội hổng kêu bằng chú mà kêu bằng cậu ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anonymous2/14/2012

      Con nhỏ người ở thì đâu có họ hàng gì đâu mà phải kêu đúng là chú hay cậu. Nó kêu cậu chắc là thấy giống với má nó ở quê.

      Delete
  4. Anonymous1/15/2012

    Tôi cũng là người con của đất Đầm Dơi, có lẽ vì thế mà tôi có một sự xúc động sâu sắc khi đọc những tản văn của Chị. Ở đó, tôi bắt gặp lại tuổi thơ tôi, hoài niệm về một miền quê thanh bình mà nay chỉ còn trong ký ức. Và quan trọng hơn, qua mỗi tản văn, Chị đều để lại trong tôi rất nhiều điều phải suy ngẫm mà tôi tin, không phải ai đọc rồi cũng có những suy ngẫm như tôi. Có lẽ, tôi và Chị cùng có những hoài niệm giống nhau, cùng có chung tình cảm về một vùng đất và những trăn trở trước sự đổi thay của đất, của người mà không phải ai cũng hiểu được tại sao. Đó là một sự đồng cảm!
    Dĩ nhiên, tôi sẽ rất buồn nếu từ nay không còn đọc được những tản văn của Chị, khi không còn cái cảm giác "Hình như bà này viết chỉ để riêng cho mình đọc hay sao đó!". Tôi cũng là con người, cũng có cái bản chất ích kỉ của con người, nên thật lòng tôi vẫn muốn Chị cứ mãi viết "riêng" cho tôi đọc.
    Còn một cái tham lam nữa, là tôi rất muốn kết bạn với Chị. Tôi muốn một lần về Cà Mau đi nhậu với Chị. Không biết ý Chị thế nào?
    Năm mới, kính chúc Chị có một cái Tết thật đầm ấm như những cái Tết mà Tôi và Chị đã từng có trong hoài niệm.
    Trân trọng,
    Trình Tuấn Lưu

    ReplyDelete
  5. Anonymous1/16/2012

    Chúc mừng chị Tư có sự chuyển mới. Chúc dự án mới của chị Mới & Thành Công.

    ReplyDelete
  6. Anonymous1/17/2012

    Đọc đến đoạn thứ hai là em cảm thấy xúc động và... em muốn ăn sầu riêng, hi hi
    Chúc chị Đen-buồn-và-hơi-khùng có nhiều thắng lợi mới!

    Cám ơn bài viết của chị :)

    ReplyDelete
  7. Blog hay,Thât xứng đáng để nhận lời khen!

    ReplyDelete
  8. Những tản văn như vậy thật hay và gợi nhớ nhiều điều gắn liền với quá khứ đáng nhớ nhưng đang dần mai một bởi sự bành trướng của đô thị.

    Chúc nhà văn một cái Tết thật vui.

    ReplyDelete
  9. Tôi không ở Minh Hải, nhưng quê vợ tôi ở Giá Rai (Bạc Liêu). Đã 3 cái Tết rồi về quê vợ, Mẹ vợ đều làm những loại bánh như vậy để đãi con cháu và làm quà mang về.Cảm ơn NNT, có lẽ NNT đã "nêm thêm" hương vị để cảm nhận những cái bánh này ngon hơn, đậm tình hơn.

    ReplyDelete
  10. Tấn Thành
    tôi là độc giả quen thuộc của nhà văn, tôi đã đọc nhiều tác phẩm của chị,nghệ thuật trong tác phẩm của chị rất hay. Viết về tản văn này hay, tôi đã hiểu được mảnh đất này. Năm mới chúc nhà văn mạnh khỏe, thành công trong dự án sắp tới. Thân

    ReplyDelete
  11. Chị Tư à !
    Tôi phải bắt đền Chị, vì Chị, vì ngôn từ trên blog của Chị, vì văn phong của Chị, vì cái vốn từ Nam bộ đặc sệt như đất sét, ngọt như mía, bùi như khoai nướng, mằn mặn như khô nướng … làm tôi, tuy đang sống xa quê hương, quyết tâm lập nghiệp trên quê hương thứ hai, lại phải dằn vặt, nhớ nhung vùng đất nam bộ quê nhà.
    Mỗi lần lên blog của Chị, tôi lại phải dán mắt vào từng chữ, từng chữ, rồi cứ tưởng tượng ra, suy nghĩ mênh mang, tại sao người miền nam lại có được những người quê mùa chân chất, mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ đều từ đáy lòng, chân thật, không trách móc ai, đa số trách … ông trời, nhưng rõ ràng nhìn nhận cuộc sống, xã hội thay đổi xung quanh, ồn ào náo nhiệt, ngày càng xa rời chất quê mặn mà, bằng những nhận xét rất tinh tế, sâu sắc …
    Tôi phải nhờ những người quen lùng mua những quyển sách của Chị, vì tôi sợ những ngôn từ đặc sệt Nam bộ của Chị sẽ mai một đi, khi người dân mình ngày càng “đổi mới”, “tiến lên” rồi quên hết những địa phương ngữ tuy “quê mùa” nhưng sao mỗi lần nghe lại vẫn thấy ấm lòng, nhớ về một thời tuổi thơ với bao kỷ niệm êm đềm dù chưa đổi mới, dù còn nghèo khổ.
    Tôi lại sợ một ngày nào đó trang blog của Chị đóng lại, hay vì một lý do nào đó lại không xuất hiện trên mạng, tôi lại sợ viễn vông nữa là lỡ có một thiên thạch nào đó, hay có một cuộc chiến giữa các hành tinh với những người ngoài trái đất, để khi đó con người không thể có internet, không thể liên lạc nhau, nhất là ở giữa những vùng đất quá xa xôi như Việt Nam và Mỹ; khi đó, những lúc mệt mỏi, tôi không thể lên mạng để xem blog của Chị, thì ôi thôi, …
    Dù sao cũng rất cám ơn Chị, cám ơn blog của Chị. Chỉ ước sao với những trang blog nho nhỏ này, người dân mình có thêm chút thông tin, chút kiến thức để mọi người cố gắng sống tốt hơn, đoàn kết hơn, yêu thương nhau hơn, biết chia sẻ tình thương cho nhau để cùng sống tốt hơn, gìn giữ môi trường được trong sạch hơn, để những dòng sông quê hương Nam bộ vẫn tràn ngập phù sa, tôm cá vẫn tung tăng bơi lội, để những cánh đồng múa vẫn mênh mông bất tận. Và làm sao những tâm hồn trẻ thơ vẫn còn nét hồn nhiên, những thú vui dân gian vẫn còn cuốn hút chúng để chúng đừng vùi đầu vào màn ảnh ti vi, phim ảnh…
    Và cũng mong Chị vẫn còn sức khỏe, nhiệt huyết Chị vẫn còn sục sôi, đôi chân Chị vẫn “chân cứng đá mềm” để đi khắp vùng đất nước, và ngòi bút Chị tiếp tục đem lại những tin tức, những lời văn chia sẻ cùng dân mạng, thêm chút thông tin về cuộc sống của dân mình qua những hình ảnh nho nhỏ của Chị …
    Hai Nguyen (Nguyễn Hoàng Hải)
    Một người hâm mộ
    TB. Tôi sinh năm 1970, nhưng dù có lớn tuổi hơn tôi vẫn xưng Chị là Chị, vì tôi quan niệm những người làm hơn mình những việc có ích, mình cũng nên dùng danh xưng tôn trọng họ hơn, bất cứ ai.
    Tôi có một mong ước nho nhỏ, nếu Chị có vui lòng, tôi xin được Chị ký tặng cho một chữ ký, nếu Chị đồng ý, xin Chị cho biết địa chỉ liên lạc để tôi nhờ người quen gửi một tác phẩm của Chị xuống xin chữ ký của Chị.
    Mong Chị hồi âm theo địa chỉ email: [email protected] hay [email protected]

    ReplyDelete
  12. LinhEvil2/21/2012

    Má ơi thế má có viết tản văn trên SGTT NS nữa không? Không viết nữa tui biết vô đâu tui đọc giờ?

    ReplyDelete
  13. ko hiểu sao! đọc văn chị tư lúc nào cũng ngân ngấn nước mắt. chỉ là những chuyện nhỏ nhặt,như được ghi chép bởi một ngòi bút vu vơ, nhưng đúng là "đau thương đến từng con chữ". mình cũng xuất phát từ miền đất khốn khó, hơi đa cảm, từng che giấu sự cô độc trong cuốn truyện của murakamin, gbriel mazquez, holle qued (tác giả "hạt cơ bản" ko nhớ tên chính xác tác giả là gì :) . rồi cảm thấy lạc lõng, rôi mình cố gắng ko đọc sách nữa... lao vào cuộc sống với những buồn vui giả dối cùng đám bạn, cùng xã hội. nhưng mỗi lần đọc những trang viết của chị... cái yếu đuối lại xuất hiện. đọc, đọc ngấu nghiến, cho từng con chữ thấm vào trong tim. đọc xong để rồi lại tự nhủ "chữ nghĩa nó lừa người ta, nó làm cho con người ta mụ mị cả đi" (Nguyễn Huy Thiệp"

    ReplyDelete
  14. Doc truyen nao cua ban cung thay hay, thay dung di gan gui.
    Ban viet cu nhu tu trong long nguoi doc viet ra, ai doc cung thay mot chut minh o trong do.
    Moi ngay doc mot tan van hay truyen cua ban, thay ngay troi qua that de chiu.

    ReplyDelete
  15. Con rất thích bài này của Tư, đọc mà thấy hơi buồn vì phần nhiều giới trẻ bây giờ không còn yêu thích những thứ bánh mà chúng cho là "quê mùa" đó nữa! Nhưng với con thì sẽ chẳng có thứ bánh nào ngon như những thứ bánh đó, những thứ bánh được làm ra từ đôi tay tảo tần của Mẹ con! Cám ơn Tư vì một bài viết vô cùng có ý nghĩa (với riêng con thôi) để con nhớ rằng con từng có một tuổi thơ ngọt ngào và đầm ấm bên những thứ "Bánh trái mùa xưa" ấy!
    Nhớ..............................................

    ReplyDelete