May 28, 2012

trong mùa mặt rụng



Họ nói ở đây không có Mỹ Xuyên nào, Mèo Ngố lại càng không, chỉ có Lolita, Juliet, Esmeralda, Mecghi… Anh chỉ cái cô đứng ở góc kia, chỗ bàn nhậu bốn người hói đầu đó đó. Họ gật gù, à, chắc anh đang nói tới Carmen. Nhưng gái đấy đang phải trực phục vụ bàn ấy rồi. Hay là chúng tôi gọi Scarlett  O’hara cho anh, cũng trạc tuổi ấy, đẹp và khéo chiều lắm.

Không, anh chỉ muốn gọi Carmen. Đứa con gái mặc cái áo cổ trễ, khuôn ngực phồng lên như muốn chui khỏi lớp vải chật căng, như bưng ra đặt trước mặt tụi đàn ông nheo nhóc. Tóc nó bới cao để lộ cái cổ ngẳng ngọt ngào. Mặt tô lên một lớp phấn dày son đỏ như môi đang cháy, khi con nhỏ vòng qua để xoa vai cho một gã khách, anh nghe lửa tạt qua mặt mình vì cái váy quá ngắn kia không thấm tháp vào đâu so với đôi chân mảnh khảnh dài.

Chính những đôi chân cao và cổ muốt đã làm cho Hồng Hạc nổi tiếng. Quán bài trí lòe loẹt, món ăn không đặc sắc, rớ tới gì cũng đắt đỏ, nhưng những cô gái phục vụ bàn thì trẻ đẹp không chê được. Bữa nhậu ở đây luôn là hội hè của những rảnh sâu mà đám đàn ông ai cũng biết là chúng sẽ dẫn về đâu đó đâu đó đâu đó đâu đó đâu đó...

Nhưng anh tới Hồng Hạc chỉ vì Carmen, mà mười chín năm qua anh hay gọi là Mèo Còi, Mèo Ngố. Nó kia, nhơ nhởn phớt lờ, không có vẻ gì để ý tới anh. Định bụng sẽ chờ nó trong một sự nhã nhặn mót máy được suốt mấy chục năm làm thư ký tòa dân sự, nhưng khi con nhỏ ngồi lên đùi gã duy nhất còn tóc ở bàn nhậu bên kia thì anh nhịn hết nổi, lồng lên xáp lại lôi xểnh nó ra đường. Cả quán nhao lên. Vài gã bảo vệ định sấn vào, nhưng con nhỏ đã ra hiệu nó tự lo được.

Về, về mau, hư trời ơi hư thân tới nước này. Anh lắp bắp, từ ngữ nghẽn ở chỗ cổ họng bỗng phun xối xả như vỡ đập. Sau mỗi gầm ghè cổ tay con nhỏ lại bị xiết chặt hơn một chút. Thấp thoáng những cái quay đầu tò mò từ dòng xe cuồn cuộn cắt chéo qua ngã tư Hạnh Phước. Hoặc vì váy áo của Carmen nổi bật quá, hoặc vì anh lôi xểnh đi nom cục súc thô lỗ khó coi.

Sau này anh nhớ cái cảnh mình kéo con nhỏ đi như kéo một con trâu chứng và nói với nó đây đâu phải là gương mặt mày, có cảm giác chữ mày mới làm xương cổ tay nó nát vụn. Con nhỏ không dục dặc trì níu lại nữa, nó nói nhỏ nhẹ trong khi bàn tay nắm của anh bắt đầu có cảm giác lỏng ra, trơn chuội.

- Ông nghĩ mặt nào mới là mặt của tôi ?

Anh nheo mắt vì chiếc xe hơi quanh qua cua pha chói ngang tầm nhìn. Khoảnh khắc đó anh nhìn thấy một đứa bé con gầy cắt tóc búp bê, mũi dãi chảy lòng thòng đứng dán vào cửa lớp mầm non để chờ anh tới đón. Một con bé bịu xịu, mắt đầy nước ngồi mãi bên cạnh chó con kêu thảm vì nhớ mẹ. Một con nhỏ chừng mười bốn tuổi đen nhẻm tóc buộc nhỏng mặt đầm đìa mồ hôi lả vào tay anh ngay sau vạch đích một cuộc chạy việt dã. Một con nhỏ hơ hãi méc ba ơi có thằng lớp bên cứ viết thơ nói nhớ con hoài. Con nhỏ ấy chào đón tuổi mười bảy của mình bằng một công việc làm thêm : đứng ở ngã tư phát tờ rơi “để kiếm tiền mua đồ đẹp bằng chính sức của mình”. Mặt che kín bởi cái khẩu trang chống bụi, con nhỏ gần như chỉ lộ mỗi cái trán dồ ương bướng, nhưng rạo rực vì những trải nghiệm mới. “Nếu ai cũng đều che mặt lại, thì làm sao để nhận ra  nhau  ?”, nó hỏi, sau lần chìa tờ rơi cho anh mà ba nó hoàn toàn không hay đây là con gái của mình. Có bữa nó thử ghẹo một ông trung niên lạ hoắc, kêu “sao anh nói là anh chết vợ ?”. “Bà vợ ổng nghiến răng trèo trẹo và nhéo hông ông chồng khi đèn đỏ còn chưa chuyển sang xanh”, con nhỏ kể lại, cười toe khoái chí. Nắng gió ngoài đường đã làm phai mất những đường gân xanh trên gương mặt mộc của nó. Một bữa khi đứng ở ngã ba phát quãng cáo cho một đại nhạc hội, nó đã nhìn thấy thằng bồ mình thắm thiết cùng với cô gái khác. Con nhỏ về vùi mình vào đống chăn gối khóc như mưa bấc, bảo không tin vào đàn ông nữa. Anh nhớ mình đã cười xòa bảo, ôi trời, “đừng quơ đũa cả nắm, ba đâu  phải loại đó…”. Con bé thừa nhận, đúng rồi, ba không giống họ… Vài vì sao lại nhảy nhót trong mắt nó.

Giờ những ngọn đèn đường, đèn pha của xe cộ lũ lượt qua ngã tư Hạnh Phước cũng không thắp nổi trong mắt con nhỏ một tí ánh sáng nào. Cái ánh sáng bên trong đã mất, mắt sâu và tối hun hút. Trong một khoảnh khắc anh biết không thể mang những gương mặt trong veo kia trở về, không gương mặt nào mà anh từng biết hợp với nhân dáng đàn bà chín rục này, váy áo mời mọc này. Anh hơi tuyệt vọng, nhưng vẫn nắm tay nó. Cứ sợ bỏ ra lần này là vĩnh viễn mất.

- Về đi, coi như ba năn nỉ…

Con bé cười khẩy, mặt mũi chua chát. Anh thấy rõ ràng là mắt nó hướng về mình, nhưng ánh nhìn lại xuyên thấu mênh mang như không gặp rào cản nào từ gương mặt của anh (lởm chởm râu ria, tái dại đi vì lo lắng và tức giận) đang chắn ở đó.

Cái nhìn xuất hiện lần đầu vào tối hai mươi ba tháng mười hai, cả xóm người ta mở nhạc giáng sinh, các cửa hiệu trang hoàng rực rỡ. Con nhỏ thức khuya đợi anh ngoài cỗng khi, lầm lì hỏi ba để mặt rớt ở đâu rồi, con không thấy ? Anh sững sờ không biết mình phải nói gì với nó, những câu đã sắp sẵn trên đường về, dùng từ nào cho hợp, phải tránh né từ nào… tất cả chúng đã mọc cánh bay đi. Anh vẫn thấy mặt mình khi đi ngang qua tấm kiếng trên cánh cửa tủ, và chị vợ anh dù ngái ngủ vẫn hỏi nhậu về sao thấy buồn xo vậy ? Chó Tiểu Phù xoay tròn khuấy đuôi mừng, và sáng hôm sau khi tới gần chuồng chim cu gáy nó vẫn gục gặc gáy chào. Riêng có đứa con gái nghĩ anh không còn mặt nữa.

Chỉ còn đâu đây cái thân người dềnh dàng của anh mà mỗi sáng đứa con gái phải lách qua nếu muốn đi vào bếp. Nhà hẹp, đôi khi vẫn còn những va chạm để anh tin rằng mình vẫn còn một phần cơ thể. Chỉ mặt là vô tăm tích. Con nhỏ không còn ríu ran ba ba con con. Mái tóc dài mà anh rất ưa nó đã xén trụi đi, ống quần jean cũng bị xén lửng lơ trên  đầu gối, và công cuộc xén bắt đầu lân la đến áo. Dắt xe ra cửa nó chỉ chào thưa mẹ con đi. Nó không nhìn anh, nếu có thì ánh nhìn xa như anh đang tàng hình, cuối điểm nhìn là đâu đó sau gáy anh. Tấm hình cả nhà chụp chung trước vẫn đặt trên bàn học giờ úp mặt trong xó tủ, chung với những món đồ mà anh đã tự tay mua cho con nhỏ. Lá rụng nghẹt ống nước máng xối, tự nó trèo lên thông dù anh cũng đang quanh quẩn trong nhà. Trong vốn liếng ngôn ngữ tiếng Việt lẫn tiếng Anh học ở trường lẫn tiếng Nam Hàn học trong phim nhiều tập của con nhỏ bay mất chữ ba, hay papa hay appa.

Thỉnh thoảng nghe một giọng nói lanh lảnh cất lên từ nhà ngoài “ông lão ơi, cái quần cộc của ông rách rồi, “lù coi” cho coi”, “Ngố mua cái bàn chải đánh răng mới rồi đó, màu xanh dương, ông lão nhớ lấy xài nghen…”, anh biết mình vừa ảo giác. Một thứ ảo giác khiến người ta muốn rơi nước mắt, muốn cầm giữ mãi, muốn chìm vào đó.

Vợ anh hỏi hai cha con có chuyện gì, mặt dúi dụi vào cuốn giáo án năm nào cũng ngồi chép đi chép lại. Chị bận rộn vật lộn với đám học trò, với những cơn hen cấp từ trước khi sinh, không hay gần gũi với con bé vì hay mệt. Nhưng chị cũng nhận thấy không khí trong nhà sánh đặc. Anh cố cười bảo có chuyện gì đâu, cố nhớ lần gần nhất vợ nhìn thẳng vào mặt mình là lúc nào. Có phải chị cũng nghĩ là anh đã đánh rơi mất mặt ? Chị, chó Tiểu Phù và chim cu gáy có phải chỉ nhận ra anh bằng mùi, hơi thở, dáng điệu, thân người…

Có thể mặt mình mất thật rồi, tự dưng anh nghĩ vậy. Con gái ít nhiều đã thuyết phục được anh. Nó ngày mỗi vắng. Thấp thỏm với một tâm can bị phơi bày, anh cũng tránh đụng mặt nó. Tối qua vợ anh hớt hãi nói Mèo ngố ba bữa rày không thấy đâu. Mọi khi nó có đi làm thêm thì tối vẫn về nhà ngủ chớ. Chị sẽ lên cơn suyễn cấp nếu biết anh vừa mới tìm thấy nó, đã nắm được nó và rồi lại lỏng tay ra. “Sao ba không đi tìm mặt của mình, trước hết ?”, nó nói trước khi trở gót.

Trên đường về anh ghé qua một căn nhà trọ ở trong hẻm Lò Tương. Một người phụ nữ khi mở cửa cho anh đã không giấu được chán chường, “đã nói mặt mày ủ ê thì đừng có ghé đây mà”. Anh không trả lời, lặng lẽ vén mùng vùi mặt vào bụng thằng bé con đang ngủ. Nó càu nhàu trở mình, quắp con gấu bông quay vô vách. Con gấu này là quà anh tặng cho thằng bé vào dịp noel trước. Hôm đó ông già Noel lắc chuông giao quà tận nhà, bộ râu giả che nửa mặt, bụng độn to khệnh khạng, nhưng ông già không chúc thằng nhỏ ngoan, học giỏi mà cứ đứng đực ra nhìn cha con anh rồi bỏ đi một nước. Anh lạnh người nhận ra đôi mắt của ông già Noel sao mà quen, và tiếng chiếc xe máy cà tàng đó, hình như ngày nào cũng nổ giòn trước cỗng nhà anh, sau cuộn khói có một tiếng nói lanh lảnh, “ông lão ơi đóng cỗng giùm con…”.

Anh dáo dác nhìn quanh căn phòng mà trước đây anh thường đến ở vào giờ nghỉ trưa, cả khi thằng bé kia chưa ra đời. Gương mặt anh đã bị rơi trong căn phòng này vào cái đêm Noel ấy. Thỉnh thoảng anh lại nhìn thấy nó nằm chỏng chơ trên đất, nhưng chạm tay vào chỉ là những vụn bụi.

29 comments:

  1. thiếu nữ miền đông5/28/2012

    hi hi...khoái nhứt là khi "fan" than "lâu quá" cái Sầu "ừ" liền...

    ReplyDelete
  2. thiếu nữ miền đông5/28/2012

    trời đất ơi, mới đầu đọc hồi hộp muốn chết, suy đoán bậy bạ...sợ Tư tung đòn hiểm, cuối cùng thì ra truyện quen thuộc, bắt gặp hoài trên TTCT hồi xưa...

    thích "...nom cục súc thô lỗ khó coi" thích dân Miền Tây nói "nom" quá ta ơi

    chắc Cà Mau giờ cũng bị dân miền ngoãi đổ bộ vô chiếm hết y hệt Sài Gòn rùi...hehe

    ReplyDelete
  3. Ôi chao, lâu quá rồi không ghé lại blog của chị. Dường như d.l.h chưa bao giờ thật sự lắng hết lòng mình để đọc một bài của chị.

    ReplyDelete
  4. Em gái miền Tây5/29/2012

    Ko hay lắm , chắc bận quá mà cuối tháng rồi phải trả bài nên hơi vội... thông cảm được .Thôi ráng đợi tháng sau ..

    ReplyDelete
  5. chờ hoài mới thấy nỗi buồn lên tiếng....
    nhưng im lặng không có nghĩa đã ra đi......

    ReplyDelete
  6. thiếu nữ miền đông5/29/2012

    "em gái miền Tây" là ai vậy cà?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em gái miền Tây5/30/2012

      là ai để chi vậy bồ . Cũng là 1 fan của chị Tư thôi .

      Delete
    2. thiếu nữ Miền Đông5/31/2012

      thì người Miền Đông thấy người Miền Tây thì...hỏi thăm...

      Delete
  7. Anonymous5/29/2012

    Hì hì, có người không nói ra lại sợ người ta hổng biết mình là ai hay sao á! Tư mệt mỏi với phang nầy roài!

    ReplyDelete
  8. Anonymous5/30/2012

    Buồn quá chị Tư. Truyện nào của chị cũng buồn, mỗi người một cảnh, mà ai đọc xong cũng tìm được hình bóng mình trong truyện của chị hết

    ReplyDelete
  9. Vu Tran5/31/2012

    nhiều khi mình k muốn đọc truyện của Tư nữa. Cảnh đấy, người đấy, đầy trong xã hội, ở đâu cũng có nhưng qua câu chữ của Tư, sao nó làm mình chua xót hơn nhiều so với cảnh hàng ngày lướt qua thấy nhan nhản ngoài đường. Đọc xong thấy buồn hơn nhiều, như đọc Banzac vậy. Đây là cái xã hội mà đời cha ông mình, rồi đến thế hệ mình đã mong ước xây dựng nên sao? Không muốn đọc nhưng rồi lại không thể không đọc. Làm sao để không còn những cảnh này? Ai làm? có còn làm được nữa không?

    ReplyDelete
  10. Chữ "cỗng" sai chính tả rồi nha Tư!

    ReplyDelete
  11. buồn quá , định tìm trang web đọc đở buồn, nhưng càng buồn hơn....

    ReplyDelete
  12. con thương ba con lắm nên đọc bài này con buồn quá cô tư ơi...là cha là mẹ luôn thương con cái mà phải ko cô tư.có chăng là đời nhiều khi nghiệt ngã,bản thân dẫn dắt đi tìm cái còn thiếu,nên rơi zô cái vòng tròn lẩn quẩn hồi nào không hay..

    ReplyDelete
  13. tự dưng cô đặt tên cho con chó là Tiểu Phù có ý nghĩa gì không cô ơi?

    ReplyDelete
  14. Giá đừng có lỗi chính tả. Giống như ăn bát cơm gạo Tám thơm nhai phải cục sạn to tướng, cô Tư ạ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anonymous7/05/2012

      Tui nghĩ lỗi chính tả có gây mất hứng, thậm chí gây hiểu nhầm nhưng chẳng là cái đinh gì so với những vcụm từ trong văn bản luật - không sai chính tả nhưng khiến người ta hiểu mỗi người một kiểu mới nguy hiểm, thậm chí người dân hiểu A, cơ quan nhà nước hiểu là Á mới kinh chứ.
      Bác Vân mà học luật thì sẽ thông cảm vài ba lỗi chính tả lẻ tẻ này ngay.
      Traihoavanglxag

      Delete
  15. Anonymous6/02/2012

    Cô con gái đi làm thêm kiếm tiền vì muốn tự lập. Ngày Noel, cô gái hóa trang làm ông già Noel đi phát quà cho con nít và cô bàng hoàng khi nhận ra mình có một đứa em cùng cha khác mẹ. Người cha nhìn vào mắt "ông già noel" hoảng hồn vì nhận ra đó là con "mèo còi", 'mèo ngố" - con gái mình. Từ đó hai cha con không thèm nhìn mặt nhau. Cô gái giờ đã 19 tuổi quyết định đi làm "tiếp viên" trong quán "không lành mạnh", người cha đau đớn vào quán "lôi cổ" về, Ông bảo: "đây đâu phải là khuôn mặt mày", cô gái liền trả lời: "Ông nghĩ mặt nào mới là mặt của tôi?". Và đây là "mùa mặt rụng" mà Nguyễn Ngọc Tư muốn nói. Con người ngày thường có khi sống bằng rất nhiều khuôn mặt giả tạo chứ không phải bằng khuôn mặt thật của mình. Nhưng chắc chắn rồi cũng có một ngày những khuôn mặt giả tạo sẽ bị "rụng". Truyện đọc được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anonymous7/05/2012

      Trời ạ, đọc truyện là hiểu rồi, cần gì "dịch" lại nữa nữa nhỉ, chỉ khổ người đọc vì tưởng có gì mới.

      Delete
    2. Anonymous4/01/2014

      Có người dịch như vậy con mới hiểu cô Tư ơi, đọc lần thứ 2 rồi vẫn cứ mơ hồ :(

      Delete
  16. Đọc truyện này, thấy thương cả 2 cha con!

    ReplyDelete
  17. Từ cỗng là Tư cố tình mà. Sai đâu

    ReplyDelete
  18. “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”

    ReplyDelete
  19. Chân Tâm7/15/2012

    Nhớ đến "Kịch câm" của Phan Thị Vàng Anh. Khác là thời này con cái trả thù cho sự sụp đồ hình tượng cha mẹ bằng cách khốc liệt quá.

    ReplyDelete
  20. buồn và sầu có gì khác nhau nhỉ..???

    ReplyDelete
  21. Em vô tình mở bài này, đọc 2 dòng đầu, kéo xuống định không đọc nhưng nhìn thấy 2 comment "là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn" và "thời này con cái trả thù cho sự sụp đổ hình tượng cha mẹ bằng cách khốc liệt quá." thì lại kéo lên lại, đọc hết.
    Biết nói thế nào nhỉ, em cũng đang là 1 Mèo ngố, mặt ông già cũng "rụng" tính đến nay cũng tròn 3 tháng, chắc may hơn là em chưa làm rụng nốt cái mặt mình. Và e vẫn đang hoang mang, loay hoay chưa biết phải làm gì...

    ReplyDelete
  22. Tui không phải Mèo Ngố, nhưng mặt ông già thì đã rụng hơn năm. Giờ phát hiện ra mặt mình cũng đã rụng... Nói không ghét thì không phải, nói thương là dối lòng. Nhìn ông già không biết phải làm gì, chỉ đành để cho nước trôi tới đâu thì mình trôi tới đó...

    ReplyDelete