Jun 6, 2012

Gọi tên nỗi sợ


Hồi nhỏ tôi sợ ông Chà Và. Chưa từng nhìn thấy, nhưng ông hung thần đó sống động bằng những thêu dệt của người lớn. Đen nhẻm, cao lớn dị thường, ông quảy theo cái túi to, có thể chưa được vài ba đứa con nít mà lão tóm được ở dọc đường đi. Những đứa ham chơi dang nắng, những đứa hay khóc, những đứa quậy phá, nghịch dại… Người lớn luôn có cách trị đám con nít bằng những truyền thuyết mù mờ và ly kỳ. Không phải tự dưng mà nơi nguy hiểm cho trẻ con luôn là chỗ các loại ma trú ẩn. Riêng ông Chà Và không chỉ náu trong bóng đêm, rờ rỡ dưới  mặt trời ông hiện diện khắp nơi, ông bắt trẻ hư đi bán, lão mổ bụng dồn trấu chúng nó…

Mười năm sau nỗi sợ trẻ con ấy đã được hóa giải bằng những cuốn sách, những hình vẽ về người Java trong thư viện thị xã, những giả thuyết về Chà Và. Họ là những người Ấn, người Phi có đầy đủ chân tay, mắt mũi. Lấy họ để dọa trẻ con không hẳn vì kỳ thị, mà vào cái thời giao lưu với bên ngoài còn hiếm, những người nước ngoài vượt biển không cùng màu da, ngôn ngữ đến đây được xem như đến từ trời khác, thế giới khác. Họ, cùng với ma, trở thành khắc tinh của trẻ hư.

Mười năm, vài ba nỗi sợ hoang đường đủ để đứa trẻ tự điều chỉnh sự hoang dã bản năng của chính mình, hình thành nhân cách một cách cơ bản nhất. Ngay khi người ta chưa biết đến những điều khoản trên giấy tờ của luật pháp, họ đã được nhen lên trong đầu mình những thứ luật tục riêng, những đạo lý riêng. Khi cắt cổ con gà, nghe bà ngoại tôi thì thầm “gà mày đừng có oán tao, tao hóa kiếp cho mày để đi đầu thai mau mau”, con bé bảy tuổi là tôi bắt đầu tin có cái – gì – đó sau cái chết. Tôi tin có thần có phật, có những linh hồn dõi theo mình dù mình không nhìn thấy. Đi cùng nỗi sợ là đức tin, rằng làm điều xấu quấy sẽ bị trừng phạt.

Nỗi sợ hồi ấy cũng đầy mơ mộng, mông lung. Giờ thì con chị bán cá chợ trời sợ công an, vì ông hay đuổi má nó chạy dài vào những ngày lễ lớn. Con chị bán bánh sợ bà cho vay bạc góp nặng lãi ở xóp vẫn hay chửi xói vào nhà. Con anh thợ hồ sợ chính ba nó những ngày say rượu về gây gỗ đuổi đánh vợ con. Bọn nhỏ còn sợ cô giáo hay vớ lấy tất cả những thứ cô lấy được trong tay để làm roi.

Nỗi sợ bây giờ mang nhác mang gương mặt người thân thích. Gọi nỗi sợ bằng những cái tên mà từng chữ cái ghép nên chúng tưởng như chỉ gợi thương yêu, không phải là phập phồng, rón rén. Người ta có thể vẽ lên mà không cần tưởng tượng, hình dung. Nên nỗi sợ giải thiêng cũng nhanh. Những đứa bé nhanh chóng nhận ra chú công an, bà cho vay, ông cha say hay cô giáo… không phải ai cũng sợ. Và không phải lúc nào cũng đáng sợ. Chiếc xe đạp - gia tài quý giá của chị bán cá đã bị đánh cắp, và đứa trẻ ngộ ra thằng ăn trộm không sợ chú công an, nếu sợ thì chúng đã không đánh cắp, và nếu sợ mẹ nó đã chạy đến đồn để méc. Chú ta chỉ giỏi rượt đuổi mẹ nó thôi.

Trên nỗi sợ đã hết phép màu là một khoảng hoàn toàn trống trãi, không còn nỗi sợ nào tồn tại để chế ngự bản năng. Người ta bắt đầu tự do như cỏ dại trước nhà.

Những bụi cỏ cao nhất đám hay lấn lướt đè bẹp những bụi gần nó nhất. Con người bắt đầu có dấu hiệu sống như cỏ. Những tội ác ngày càng dày, càng bất ngờ khó tưởng tượng khi lần lượt cha, mẹ, vợ, chồng, con trở thành nạn nhân của chính người thân của mình. Không ngoại trừ nhiều nhân vật thủ ác trong những câu chuyện tương tàn trên trang bốn, trang bảy của các báo, đã từng là đứa trẻ nắm vạt áo người lớn gánh giấy bạc đi mua lộc của thánh thần, và nó thấy những pho tượng cổ có vẻ mặt thần bí kia, có phép màu gì mà thân giắt đầy tiền lẻ nom như ông già ăn mày ngoài chợ. Nó thấy những bậc chân tu – người đang làm sứ giả của thần thánh cũng chơi game trên điện thoại di động và miệng ngúc ngoắc cây tăm.

Cả thánh thần cũng giải thiêng rồi, cũng gây cho người ta cái cảm giác “có thể mua được”, “bình thường thôi, không đáng tin”…giống như pháp luật đã yếu mà còn mua được, lệ làng đã cũ mà còn mua được… chúng ta còn gì để tự điều chỉnh hành vi của mình những lúc bản năng tà ác ngoi lên, biết lấy nỗi sợ nào để chế ngự nó ?

Nỗi sợ lớn nhất là không biết sợ gì, tôi ngờ quá. 

32 comments:

  1. Rảnh rỗi bàn phiếm tý chút: câu hỏi và câu trả lời có vẻ "hiền" nhưng cứ nghĩ tiếp, đi xa hơn chút nữa thì đây là "nan đề"/luận đề rất khó- nan giải, liên quan đến bản năng sống thuộc về con người/văn hóa và sự giáo dục.
    SỢ thể hiện ra là một trạng thái cảm xúc gắn liền một hành vi tự vệ để tồn tại/sống sót ở động vật bậc cao/có thần kinh trung ương và đương nhiên cũng có ở CON NGƯỜI. Do đó, chẳng cứ hình ảnh "sợ rúm ró lại", "sợ vãi đái" gắn liền con vật mà cả ở Con Người cũng có...Tuy nhiên, với sự xuất hiện xã hội của con người thì cái BẢN NĂNG SINH TỒN đang nói đến ở đây đã làm nên sự khác biệt giữa CON VẬT & CON NGƯỜI, đưa đến những THANG GIÁ TRỊ NHÂN BẢN liên quan đến VĂN HÓA- GIÁO DỤC.
    Nam bộ, trẻ con sợ "ông Chà Và"/ngày xưa cũng không khác gì trẻ con ngoài Bắc bị "dọa" bởi "ông BA BỊ"...Vấn đề đặt ra là việc "dọa dẫm" như vậy để làm gì ? Nếu chú ý một chút, đây là hành vi "giáo dục" tự phát trong cộng đồng Con người, thay thế cho sự điều chỉnh bằng roi, gậy, hay cái tát tai,...Tóm lại, thay cho "nhục hình" điều chỉnh hành vi đứa trẻ, thành viên trong cộng đồng thì người ta lấy ra một hình tượng mơ hồ nào đó để dọa, tương ứng một hậu quả đứa trẻ sẽ nhận nếu nó vi phạm các chuẩn mực gia đình hoặc cộng đồng...Nó/đứa trẻ lớn lên chút nữa, nếu cộng đồng vẫn quan tâm đến các thang giá trị đạo đức chung thì đứa trẻ thay vì bị "dọa" bởi "ông Chà Và","Ba bị" mà lúc này là Thần, Thánh, là Địa ngục(Vạc dầu, núi đao,...), là vòng Luân Hồi Lục súc,...
    Một mặt, tôi rất ngưỡng mộ Nhà văn ở năng lực thấu thị cuộc sống, từ đó đưa lại những mô tả văn học mà người bình thường không thể diễn cảm được. Mặt khác, tôi cũng hay "dị ứng" với những "cảm xúc văn chương" của các nhà văn. Như vấn đề đề cập ở đây: Nỗi SỢ, tác giả đã đưa lại không chỉ "hiện tượng xã hội" mà còn nêu lên "thực trạng xã hội" Việt nam hiện nay: nó đã và đang đánh mất chuẩn mực văn hóa và giáo dục của mình.
    Nếu dừng lại ở chỗ: "tôi ngờ quá" thì chẳng đi đến đâu cả. Tôi còn nhớ, hồi đi bộ đội ở miền Nam, có câu cửa miệng của người trong đó: chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ. Với NỖI SỢ cũng vậy thôi, khi nó không là sản phẩm văn hóa- giáo dục thì nó phụ thuộc vào sự trải nghiệm và trả giá của mỗi cá nhân, điều này cũng đồng nghĩa là xã hội đã và đang mất đi tính NHÂN LOẠI của nó, đã và đang vận động tuân theo cơ chế TỰ NHIÊN mà mỗi CON NGƯỜI đang sống, trước hết là ĐỘNG VẬT BẬC CAO tự điều chỉnh hành vi tồn tại của mình.
    Để sống nó phải kiếm ăn và bản năng sinh tồn ở cá thể hoang dã sẽ tự tạo nên các thước đo về SỢ HÃI khác nhau, tùy thuộc vào việc TRANH ĂN có kết quả ra sao. Giả định, sự tranh ăn không gặp việc trả giá đáng kể nào, do nó có răng sắc hơn, có mưu mẹo hơn,...thì nói đến "duyên nghiệp" là chuyện thừa. Tương tự, sự ĂN BẨN cũng chẳng có giá trị gì, kể cả về mặt Y học, nếu chủ thể không bị đau bụng đi ngoài, bị mang bệnh,...
    Tóm lại, SỢ là một nan đề không chỉ được nghiên cứu trong Tâm lý học, Giáo dục học, Triết học,...mà còn là vấn đề của thời đại ngày nay trong góc nhìn Văn hóa. Tuy nhiên, nó chẳng có ý nghiã gì khi như tại Việt nam đang trở lại thời Nguyên Thủy: nói như Tổng Bí thư nào đó, thay vì đợi Trời cứu là Tự cứu. Do đó,SỢ mơ hồ thuộc về cảm giác cá nhân: có hay không là Con cháu các cụ, có hay không, như gã Luyện, dân quê nhưng thích sài hàng hiệu...

    ReplyDelete
  2. thích nhất câu kết của 4................................

    ReplyDelete
  3. Anonymous6/07/2012

    So la cam xuc tu nhien. cai dang so la nguoi ta loi dung cam xuc do!

    ReplyDelete
  4. Đó là luật pháp không nghiêm, đó là còn nhiều kẻ buôn thần bán thánh, đó là chánh tà không còn phân định được nữa, người ta đã quen sống dối trá, dối trá làm người ta không còn biết sợ là gì nữa vì ngay cả sợ cũng là một sự dối trá...

    ReplyDelete
  5. Tư có phải là Hai Lua không ?

    ReplyDelete
  6. Anonymous6/07/2012

    Ông Trời có mắt ko?, Trả lời: CÓ và KHÔNG. KHÔNG vì chắc chắn "Mắt" của Trời không thể giống mắt Người trần mắt thịt. CÓ vì rõ ràng chẳng có gì mà không được "nhìn thấy, ghi lại" trên đủ thứ: bia đá, giấy tờ, gỗ lạt, bia miệng, ký ức,... và ngày nay được ghi lại trên những PC, laptop, mạng Internet,... của "Đám mây điện toán - iCloud".
    Ông Trời có đáng sợ ko? Trả lời, CÓ và KHÔNG. KHÔNG đối với người tốt và CÓ đối với kẻ ác, kẻ xấu. Dĩ nhiên, phải tính cả cuộc đời của họ. Mỗi chúng ta cũng chỉ là những diễn viên và khán giả dưới sự sắp đặt của Tạo Hoá - Chương trình Tạo hoá hoặc nói theo dân IT, mọi thứ đều đã được "lập trình" một cách tinh vi của Ông Trời.
    Vậy, bất kì ai, rốt cuộc phải biết đến chữ "SỢ" chứ?.

    ReplyDelete
  7. "Nỗi sợ bây giờ mang nhác mang gương mặt người thân thích" câu này hơi khó hiểu bạn Sầu ơi, nếu ý là "Nỗi sợ bây giờ nhang nhác gương mặt người thân thích" thì mình rất đồng ý phát hiện của bạn, và nỗi sợ có lẽ thêm rờn rợn gấp hai...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ, em mắc cái lỗi kinh điển là sai chính tả đó chị. Thừa chữ rồi. Chị í đọc kỹ ghê :))

      Delete
  8. Lãng Tử6/08/2012

    Tôi cũng như rất nhiều người hâm mộ cô Tư, hay vào đây đọc trộm văn của cô, cứ ngỡ như được tắm trong dòng sông miền Tây hiền hoà bình dị.
    Cô đã viết đúng tâm trạng của tôi khi còn nhỏ, cô cũng nhắc lại như y lời má tôi nói mỗi khi cắt cổ gà, mặc dù quê tôi ở tận Bình Định xa xôi. Bây giờ lớn lên đi xa, thấy cô nhắc chuyện xưa mà nhớ.
    Điều cô suy tư tôi cũng từng nghĩ tới. Nhưng theo tôi con người không bao giờ cạn nỗi lo sợ đâu. Nó nằm rất sâu trong vô thức mỗi người, trong cả mỗi sinh vật trên trái đất này, nó chỉ thay đổi đối tượng gắn kết thôi.
    Lẽ ra, thay vì doạ trẻ con ông Chà và, ông kẹ hay ma quỷ, nên dạy sợ làm cha mẹ buồn phiền; thay vì sợ thần thánh, nên sợ sự vô cảm, ác độc. Thật ra nếu giáo dục trẻ con không nên sợ những điều vớ vẩn, rèn luyên tính tự tin, dũng cảm đúng mực, thì lớn lên nhân cách của chúng đỡ méo mó đi nhiều. Quan trọng là đừng doạ dẫm lừa bịp trẻ con.
    Mấy dòng trao đổi với cô Tư vậy thôi. Chúc cô mạnh giỏi và viết nhiều hơn nữa.

    ReplyDelete
  9. Anonymous6/08/2012

    Lời này, đúng là Tư nói nè! Bài trước đọc nghe tây tây, sờ sợ...

    ReplyDelete
  10. Có một thứ mà ai ai đều sợ: ta sợ, Tây cũng sợ. trẻ ranh sợ, người lớn cũng sợ. Đó là nỗi sợ " ma "!
    Hỏi: đã ai nhìn thấy con ma nó thế nào? thì hầu hết chẳng ai nhìn thấy nó vuông tròn ra sao? nhưng ai cũng sợ!
    Trong xã hội chỉ những kẻ bị điên, bị mất trí thành kẻ ngây ngô thì mới không sợ 1 cái gì cả.
    Với những kẻ như vậy, nó hành xử cũng không theo lí trí , tình cảm mà là hành động vô thức. nó có thể tùy hứng đốt nhà, tùy lúc có thể giết người...Nhưng khi có hành vi như vậy nhưng nó không phải chịu hình phạt của pháp luật, hoặc bị tòa án lương tâm lên án.
    Cán bộ của ta từ TW đến địa phương hiện nay đều là những người " không biết sơ"- Họ nguy hiểm lắm !

    ReplyDelete
  11. thiếu nữ miền đông6/09/2012

    dạo này Tư xài từ "nom" hoài nha...

    ReplyDelete
  12. Như tất cả mọi nhà văn chân chính khác, đau đáu với nỗi chuân chuyên của số phận con người, NNT đang dần chuyển sang viết chính luận.

    ReplyDelete
  13. Em gái miền Tây6/10/2012

    Câu kết của chị rất hay . Thật ra không phải không sợ gì mà do có quá nhiều nỗi sợ ... , giống như có lúc trong đầu mình thấy trống rỗng không có nghĩa là mình không có gì để nghĩ mà là có quá nhiều điều để nghĩ .Lúc đó là bị stress rồi ...Phải hông chị?

    ReplyDelete
  14. "Nỗi sợ lớn nhất là không biết sợ gì", rất chính xác! câu này làm tôi nhớ đến mẫu chuyện với bác Tư Tào biệt động Sài Gòn năm xưa, bác ấy tếu táo nói- anh hùng(còn sống và nhận huy chương) là những người biết sợ, còn những người dũng cảm thì đều đã hi sinh cả rồi, khi anh sợ anh sẽ thận trọng trong hành động để đạt hiệu quả công việc và vận dụng mọi giác quan của mình có được để sinh tồn. Khi anh không còn sợ điều gì nghĩa là anh mặc nhiên từ bỏ những cảnh báo nguy hiểm đối với bản thân. Mẩu chuyện này hơi lạc đề một tí bởi nó đơn thuần chỉ là kỹ năng sống, vấn đề mà chị Tư đặt ra lại lớn hơn nhiều đó là đạo đức xã hội, đạo đức của một thế hệ đã xuống đến tận đáy vực.Khi câu chuyện Tấm Cám của tổ tiên để lại đã bị đem ra mổ xẻ về các ác mà phần lớn người phê bình lại không hiểu tính nhân văn của ông bà ta đã truyền vào trong đó thì xã hội thật sự có vấn đề.Bản chất truyện Tấm Cám là một truyện dùng để kể không phải là một văn bản dùng để đọc. Khi ta nghe ông bà, cha mẹ kể trực tiếp truyện này (cũng như các truyện cổ tích khác) thì tính khốc liệt đã giảm đi rất nhiều, bởi họ đã gắn tình cảm của họ vào lời kể , bởi họ muốn con cái nên người, xa rời cái ác, chính điều này gắn kết riềng mối gia đình cũng như nền tảng đạo đức cho các thế hệ kế tiếp. Nghe thì có vẻ đơn giản chứ mấy ai thực hiện được sinh hoạt văn hóa ấy!! Theo tôi gia đình và xã hội mỗi bên chịu trách nhiệm 50,50 trong việc hình thành nhân cách của một con người, của một thế hệ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. người qua đường6/16/2012

      nghe đâu truyện "Tấm - Cám" hổng phải của "tổ tiên" gì đâu, đó là truyện được "làm ra" và "dùng" cho CỔ TÍCH VIỆT NAM ...và Tấm Cám...mặc áo tứ thân, khăn mỏ quạ...

      Delete
  15. ngờ ngợ từ "trống trãi" --> Hình như "trống trải" em mới quen mắt
    Câu kết hay, đọc thấy sợ sợ cái người k biết sợ gì hihi

    ReplyDelete
  16. Anonymous6/12/2012

    Hôm qua tôi đọc báo Tuổi trẻ, tác giả Trung Nghĩa bàn về chuyện bóng đá có nhắc đến "tinh thần Marie Cuire" nhằm nhắc nhở đội tuyển bóng đá Ba Lan trong trận đấu với đội tuyển Nga. Marie Cuire là nhà khoa học nữ nổi tiếng của thế giới, bà sinh ra ở Warsaw (Ba Lan; )theo Trung Nghĩa thì trước khi qua đời Marie Cuire đã để lại cho người dân Ba Lan một câu rất nổi tiếng: "Không có gì trong đời là đáng sợ, ta chỉ cần hiểu rõ nó thôi. Khi càng hiểu rõ cuộc sống chúng ta càng can đảm hơn". Tôi thích câu này hơn là câu kết trong bài viết của Nguyễn Ngọc Tư.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bắp Cải thích cái còm này.
      "Không có gì trong đời là đáng sợ, ta chỉ cần hiểu rõ nó thôi. Khi càng hiểu rõ cuộc sống chúng ta càng can đảm hơn".

      Delete
    2. xin lỗi một chút nhưng cm ở trên chả liên quan.

      Delete
    3. xin lỗi một chút nhưng cm ở trên chả liên quan.

      Delete
    4. Anonymous7/05/2012

      Oh, theo tui thấy câu "Không có gì trong đời là đáng sợ" chỉ là nội hàm trong câu kết "Nỗi sợ lớn nhất là không biết sợ gì, tôi ngờ quá". Chính "tôi ngờ quá" mới hay làm sao.

      Delete
    5. "Nỗi sợ lớn nhất là không còn sợ gì nữa" một câu kết đầy đủ nghĩa như thế cho một xã hội hiện nay bạn không thấy hay hay sao? Hãy thử nghĩ, nếu mọi người đều không sợ gì cả, kể cả pháp luật thì lúc đó có phải là bạn luôn sống trong lo âu sợ hãi không! Câu kết của nàng Tư là quá chỉnh, các anh không cần chỉnh.

      Delete
  17. Sống trong sợ hãi. Đó là nghiệp chướng

    ReplyDelete
  18. Anonymous6/17/2012

    Tôi bắt đầu đọc truyện Vietnam năm 2009 (có nghĩa là hơn 28 năm tôi không biết gì về văn Vietnam cả) Đọc say mê và đọc rất nhiều.
    Ý riêng tôi thì ở Vietnam có Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư viết hay quá! Đọc văn của N.N.A và N.N.T thật sự đã đưa tôi trở về Vietnam với linh hồn của Vietnam. Cám ơn nhiều.
    T.H.

    ReplyDelete
  19. Đọc bài này của chị Tư em như thấy nhẹ nhõm cả người, vì nó đã nói hết những gì trong lòng em thấy bức bối. XH bây giờ sao mà độc ác và hoang dại đến thế, mới cách đây chỉ 10 năm thôi, khi em vẫn còn là đứa học sinh, cả ngày trời chạy lang thang khắp đường khắp phố mà vẫn thấy an toàn yên tâm, bây giờ người lớn rồi, bước ra khỏi nhà 3 bước vẫn thấy sợ, sợ chính quyền, sợ giao thông, sợ bầu trời và sợ sông Tô Lịch.

    ReplyDelete
  20. hổm rày mới lại được ngó 4.....^^

    ReplyDelete
  21. Văn của chị đã rất khác so với hồi em mới tập tễnh đọc Cánh Đồng Bất Tận. Nò buồn hơn? Không hẳn...Nhưng em thấm thía cái nặng nề tự sự, cái u uẩn và chua chát khi chị viết về xã hội này. Vâng, em biết thiên chức của người cầm bút trước khi viết hay là phải viết đúng. Nhưng em giá như chị có thể như chị từng chia sẻ trong một bài tản văn khá lâu "Đừng đọc báo nữa...", đọc xong bài tản này của chị em thấy không buồn, mà nặng. Bởi, nó đúng, bởi nó trình bày cặn kẽ rõ ràng, nó khiến người "cố tình" làm lơ như em không thể làm lơ như những chuyện "rành rành" và "vô lý" không tồn tại.
    Dẫu sao, em vẫn tin vào một cái kết khác trong một tản văn khác của chị, một cái kết tươi sáng, hy vọng.
    Em cũng băn khoăn rất lâu trước câu hỏi của chị? Mình sợ gì. Và trên hết, nỗi sợ ma, sợ mất người thân, sợ cướp, em sợ đánh mất bản thân mình.

    ReplyDelete
  22. Anonymous6/25/2012

    Thật may mắn khi Ta còn biết Sợ

    ReplyDelete
  23. Chúc mừng có nhà mới nha .

    ReplyDelete
  24. Anonymous7/26/2012

    Em rất thích cách dùng từ của chị. Bài viết của chị rất hay. Có những nỗi sợ giúp mình dừng lại đúng lúc trước lằn ranh giữa Người và Con. Nhưng cũng có những nỗi sợ khiến con người trở nên hèn kém.

    ReplyDelete
  25. Cảm ơn những bài văn chị viết vì nó đã dạy em trưởng thành, dạy em biết nhìn nhận cuộc sống. Em xin gửi tất cả những yêu thương cho chị và gia đình.

    ReplyDelete