Aug 7, 2012

Hẹn hò trên lúa



Nhìn thấy chị lần đầu khi mình trèo lên cửa sổ. Mảnh ruộng xanh ngằn ngặt, thằng nhỏ tám tuổi không phân biệt được kia là cỏ non hay mạ non. Chị ngồi trên con trâu này, chân gác lên con trâu kia, nón màu cỏ khô, lắc lư như đang hát. Không mặt không tuổi tác, nhìn từ chỗ mình, chị chỉ to hơn con thỏ. Từ hôm đó, mình không còn bắt thằn lằn chẹt chúng dính vào bàn học để nói chuyện chơi. Mình đã có chị rồi.

Giờ thằng nhóc ấy vừa qua tuổi mười bảy, chị vẫn không mặt, không tuổi. Muốn đặt tầm mắt vào đúng góc trên khung cửa, mình chỉ cần kê một cái cái ghế nhỏ dưới chân là vuông đất hiện ra. Ở tầng hai mươi, trượt cánh cửa kính sang một bên gió sẽ thổi nhiều đến mức mình nghĩ quần áo sắp đứt tung tơi tả. Giống y như thằng bù nhìn đang cặm chân trên ruộng chị.

Lúa và cây trong vườn bị quây nhốt giữa những khu chung cư cao ngệu. Khi tòa lầu cuối cùng khép kín thành một vòng tròn, người ta không còn nhớ mảnh ruộng ấy nữa. Chị bị bỏ quên. Có thể hồi xây nhà, những ông thợ hồ đã từng thắc mắc sao lại xuất hiện một đám lúa chín vàng ở chỗ kia, chắc phải có ai đó trồng giữa thành phố này chớ, nhưng mấy ổng chỉ tò mò một chút rồi thôi, hơi sức đâu. Quần quật cả ngày, chiều còn phải đi nhậu, tối về đánh vợ con nữa. Sổ sách ở phường chắc cũng ghi có mảnh đất bị lạc mất đâu đó, nhưng đất nông nghiệp có kiếm chác được mấy đâu mà tìm. Có thể những đứa trẻ nhà khác cũng leo cửa sổ, thấy những chùm chôm chôm chín như thắp lửa trong  vườn, nhưng tụi nó chơi game, xem hoạt hình đỡ mỏi chân hơn là bám theo coi ai làm ra lọn khói cuộn lên từ căn chòi nhỏ.

Hồi nhỏ mình đã thử nói với mẹ sau nhà mình có một cánh đồng, mẹ mếu máo nói với cha, “Bé Đông bị bỏ ở nhà một mình miết nên đầu óc bị sao rồi, nói nhảm sợ lắm”. Họ hoảng hồn khi phát hiện ra thằng bé con cả ngày đeo mình trên cửa sổ, và ngoài ấy không hề có người nào cưỡi trâu đi trên đồng như nó miêu tả. Cho đến giờ họ vẫn không nhìn thấy chị, mảnh ruộng chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của thằng nhỏ nhiều mơ mộng. Nhưng họ mặc kệ nó, nói có núi ngoài đó cũng không sao, nó vẫn học hành chăm chỉ và xử sự vô cùng bình thường, vẫn tĩnh táo đến mức không bao giờ quên gọi cha mẹ là dì dượng mỗi khi nhà có khách. Không bao giờ mình quên diễn vai thằng cháu trong quê, nhà nghèo nên được người dì cưu mang cho ăn học. Mình cũng chẳng so đo với hai chị Đinh, Đang, không ganh tị mỗi khi họ được đi tiệc tùng cùng người lớn. Nhân viên trong Vụ nói nhà mình hạnh phúc vậy, hèn chi cha thăng tiến vù vù. Vụ trưởng rồi, mai kia bộ trưởng mấy hồi. Báo Tuổi Xanh số tết còn in bài báo chật hai trang lớn, có ảnh cả nhà xúm lại chụp chung. Trừ mình ra. Chẳng ai minh họa cho bài báo về đời thường của ông vụ trưởng lại có mặt thằng cháu trong ảnh gia đình, cha phân trần với mình, sợ mình tủi. Nhưng mình cười rất tươi, bảo, không sao, con sợ vác mặt lên nằm chình ình trong báo lắm, bà con trong quê họ hay xé đi thăm cá tra.

- Áo Đông lại chật rồi.

- Xuống đây. Chị đọ coi ai cao hơn.

Hai chữ xuống đây làm mình tê mê. Chị hay rủ rê. Kiếm được ba con đuông dừa, đang nướng rơm, béo phải biết, xuống đây ăn đi, chị nhường hết. Bông mận trắng cây, râu mận rụng đầy, cũng đẹp, xuống đây. Chị thấy lạnh quá, Đông ơi xuống đây.

Ừ, thì bữa nào xuống.

Mình bắt đầu nghĩ tới chuyện trốn xa hơn, khi thấy cơ thể ngày càng phổng phao lên như một thứ lửa khó gói giấu. Mẹ mình hay tái mặt gượng cười khi nghe người ta khen cháu giống dì như hai mẹ con. Nghĩ cũng không nên ra đường nhiều quá, thiên hạ trầm trồ. Thỉnh thoảng thì mình được đưa đi chơi. Mẹ nói để bù đắp những thiệt thòi. Ở đó ít gặp người quen. Ông cậu ở Mũi Né nuôi mình đến bốn tuổi, dạo lẩm cẩm thường nhắc mẹ mầy né ở đây từ lúc mang bầu đến lúc sanh, nuôi mầy cứng cáp mới về. Hồi về mẹ trắng, đầy đặn, bạn bè đồng nghiệp nói du học ở nước ngoài về có khác, chỉ tội ông chồng gà trống nuôi hai đứa con gái. Cha cười, hy sinh một chút cho nhau, có gì đâu.

Mình được đón về nhà trong vai thằng nhỏ ở quê vừa mồ côi mẹ. Khách đến bẹo má hững hờ nói vậy hả, tội nghiệp quá, xong day qua âu yếm hỏi hai chị mình quà sinh nhật cô chú tặng có thích không. Mình lửng thửng trèo cầu thang về phòng, chỗ mà mình hay tha thẩn chơi mỗi khi cả nhà cùng nhau đi đến chỗ đông người.

Trừ lần mình đái ra quần vì ánh mắt trừng trừng của ông nội trong cái ảnh thờ nhìn sợ quá, một lần té rách môi trong lúc tự đi tắm, một lần tự nấu mì ăn đùi trái bị bỏng nước sôi … thì việc trốn trong nhà một mình rất ổn. Cha mình vui vì có thêm đứa con trai mà thăng tiến không bỏ lỡ một nhịp nào. Mẹ mình vui vì ai cũng khen mẹ thương cháu như con. Hai chị mình vui vì nắm giữ một bí mật – một điểm yếu của cha mẹ, có thể dùng nó làm áp lực để vòi vĩnh, nếu cần. Mình thì hơi quạu mỗi khi họ bảo thương mình nhất. Có vẻ gì đó hơi buồn cười vì mình bị bỏ rơi nhiều nhất.

- Đông vô bếp kiếm trứng luộc đây.

- Cả nhà lại đi vắng hả ? Xuống đây. Có đậu đũa kho.

Mình thấy bớt vắng từ khi biết có chị ở ngoài kia. Sáng dậy trong lúc đánh răng mình tranh thủ ghé mắt qua ngó chị dắt mấy con trâu ra buộc dưới gốc cau cho bọn nó nhai rơm. Đầu tóc còn sổ tung, trễ nãi. Nét mặt chị ngái ngủ như một đứa trẻ con, hình dung ấy làm mình thấy ngọt ngào. Mình tới trường trong lúc chị làm cỏ vườn, cũng có thể ra đồng dặm lúa. Buổi trưa thì chị đã ra cái võng giăng giữa hai cây xoài, tàng cây rậm rạp quá mình không cách nào nhìn xuyên qua kẽ lá được. Nhớ quá, mình đành ngồi gặm mấy bài học, chờ cho đến buổi chiều huy hoàng.

Khi ấy, chị sẽ ra trảng cỏ cuối vườn để thả diều, tắm cho mấy con trâu trước khi đi cắm nhang ở mấy ngôi mộ ở bốn góc đất. Khi ấy mặt trời bị khuất, chị có thể ngửa cổ lên cười với mình.

- Ê, bữa nay có gì vui không ?

- Chán lắm. Đá gió bị xước móng chân. Con Lé hết bị ghẻ chưa ?

- Chưa, nằm gần tanh hôi muốn chết. Đau không ?

- Kệ. Em muốn chị quá.

- Xuống đây.

Chữ chị đổ tháu. Mình nói chuyện với chị nhờ tóm được con diều khi nó đảo gần cửa sổ. Mình ghi vào đó hai chữ “Chị ơi”. Diều bay rồi mới quên dấu chấm than đằng sau như cô giáo dạy. Lâu lắm mình mới nhận được một cánh diều khác, trên đó có mấy chữ bằng lọ nồi ngờ ngợ “Nhìn thấy hả ?”. Mình mới biết chị không có bút. Chị sống hoang dã, bị quên bỏ, bị nhốt giữa những tòa lầu. Bốn lu muối nuôi sống chị là nhờ đã có ý thức tích trữ trước để bám đất đến cùng. Lâu rồi chị không ra khỏi mảnh đất của mình vì sợ họ lấy mất.

- Cực khổ trần ai chị mới giữ được đó.

Mình thả giấy viết cho chị, suốt ngày lần dò tìm một cái ngách có thể dẫn vào chỗ chị. Cánh cửa phải nằm ở đâu đó, nhưng nó thật sự đã khép chặt rồi. Gặp một ông già bán rễ tranh mía lau, nói hồi xưa có con nhỏ lì lắm, nó dám cởi truồng mỗi khi họ đến đòi lấy đất. Lúc đó họ còn biết mắc cỡ, nên con nhỏ mới giữ được miếng ruộng. Giờ thì dễ gì. Mình ngờ con nhỏ mà ông già kể là chị.

Mình ngờ không tự dưng mà chị bị nhốt cùng với miếng đất. Bỏ quên cũng là một kiểu trừng phạt, mình không cần phải trưởng thành mới hiểu ra điều đó. Hỏi chị buồn không, Nấm nói đã có mấy con trâu làm bạn, đó là không kể lũ gà, chó. Bọn nó ngày càng nhỏ. Mình lên mạng đọc, thấy người ta bảo động vật sinh sản đồng huyết sẽ làm nòi giống lụi tàn.

- Chừng Đông xuống với chị, sẽ đem theo con chó đực lông xù, giống Nhật.

Giờ thì không trò chuyện bằng diều, mình thả một sợi dây dài buộc mảnh giấy kèm vào thanh sắt cho đủ nặng. Chị viết nguệch ngoạc, chắc vì kê giấy lên đùi hoặc trải ra đất. Hôm nào trò chuyện nhiều sẽ mỏi tay.

- Lúa trổ đòng đòng rồi. Thơm lắm. Xuống đây.

Muốn bứt tung khung cửa gang, vàng nhờ nhờ. Chúng đã lên nước bóng rợn vì mình hay níu lấy. Mình đã nghĩ chuyện bay xuống cánh đồng đó những khi chị nói xoài chín rụng lầy đất. Đang đốt cỏ khô đây, rất thơm. Vừa đi nhổ cỏ lúa về, mưa ướt đầm đìa, lại sốt.

Diễm vào phòng mình một lần, lấy cớ là mượn tập. Mình vật Diễm ra giường, cố lừa bản thân Diễm là chị. Mình nghĩ đây là tóc chị, mắt chị, môi và cổ chị. Và lưỡi rất mềm này, ngực rất nóng này. Nhưng mình không làm được vì không ngửi thấy mùi cỏ, mùi sương, mùi lúa ngậm đòng đòng và mùi hoa xoài lúc bung nở trắng mà chị thường kể. Chật ứ trong mũi chỉ toàn mùi nước xả vải và nước hoa bọn thiếu niên hay dùng.

Cô bạn mặc lại áo và thở dài, được cái mã đẹp trai thôi mà cũng không xài được, chán gì đâu. Diễm không biết mình là cậu ấm nhà giàu, tưởng chỉ ăn nhờ ở gửi. Hôm sau vào lớp cô bạn lại lơ mình như không. 

Chị nói chị cũng ôm bù nhìn và nghĩ là em. Mình giấu không nói đã chứng kiến cảnh ấy, đã đập đầu vào vách đến sưng trán, và lén mua về một cây cưa sắt. Cả nhà mừng rỡ vì sắp được dọn ra biệt thự dành cho cán bộ cấp cao nên tưởng vẻ mặt hớn hở của mình là góp vui chung.

Hôm mẹ tháp tùng cha đi công du nước ngoài, hai chị sang biệt thự trang trí phòng riêng, mình cưa vài chấn song. Con gà trống bị trói chân nằm trên giường mình bậy ra mấy bãi, rồi gáy. Lúc mua nó mình hơi nhớ thánh Noah. Con SuJu không sủa vì mãi gặm mấy khúc xương. Thấy hơi tiếc là không mang trâu theonó sẽ làm mình không bay được. Hai con thằn lằn thò thụt ở vách tủ cược với nhau sau mấy hôm thì mọi người mới phát hiện ra có hai thứ thuộc về giống đực ở trong nhà đã biến mất. Mình hơi khoái chí vì ý nghĩ rốt cuộc mình đã thuyết phục được cả nhà tin rằng có mảnh ruộng bị bỏ quên ngoài đó thật.

Nhìn những vụn thép mịn màng rơi, mình bâng khuâng nghĩ tới một cú bay rực rỡ, mình sẽ lượn vòng và đậu trên thảm lúa đang ngậm đòng đòng.

Chị chờ mình ở đó. Chỉ cần mình tin là có.

P/s : Tui còm giùm cho pà con mấy cái này luôn :( 
- Miền Tây gọi là phỏng nước sôi mà Tư đen thui viết bỏng là sao là sao là sao, lai thằng Bắc Hà nào ?
- Làm gì có chuyện một cánh đồng bị bỏ quên giữa chợ, dóc quá xá
- Tại sao nhà của thằng nhỏ đó giàu mà hong có osin, vô lý.
- Khoảng cách xa vậy mà thằng nhỏ biết người thấp thoáng dưới kia là đàn bà, pà Tư viết xạo pà cố.


35 comments:

  1. Không thích truyện này!

    Không đủ sâu như chị Tư vẫn rất sâu, không đủ tình như chị Tư vẫn rất tình. Vẫn kiểu của chị Tư nhưng đã nhợt nhạt đi nhiều... :(

    ReplyDelete
  2. Anonymous8/07/2012

    Truyện của Nguyễn Ngọc Tư có ý tưởng rất hay.
    Nhưng dường như thiếu một cái gì đó.
    Có lẽ theo thời gian, cái thiếu này sẽ được lấp đầy.

    ReplyDelete
  3. Anonymous8/07/2012

    Chị Tư dạo này kể chuyện lạnh tanh. Không có cái da diết hồi xưa. Nhưng có sự mới.

    NDT

    ReplyDelete
  4. chị làm em buồn
    chị vẫn vậy, vẫn làm em buồn, sắp khóc
    e đọc truyện của chị bằng trái tim mà

    ReplyDelete
  5. mới đọc, ko có cảm nhận gì đặc biệt, để đọc tiếp coi sao......tới đoạn giữa thì rùng mình vì những ý nghĩ mơ hồ trong đầu....và đoạn cuối thì thấy đời, rất đời......đọc xong thì lòng bâng khuâng xót xa................
    cảm ơn 4 vì đã trải lòng trong bài mới.............
    chúc 4 và mọi người an lành............

    ReplyDelete
  6. lần đầu tiên vô nhà chị...e vẫn thik giọng này, lạnh tanh mà 1 đống thứ đằng sau đó...iu ghê

    ReplyDelete
  7. thiếu nữ miền đông8/08/2012

    Nguyễn Ngọc Tư....hơi hơi....Nguyễn Ngọc Ngạn

    TTCT đang "mê" kiểu này nè, kiểu như "17 cây số đường ma" đó... nửa "ma" nửa "liêu trai" (hoặc "liêu gái") hehe
    viết kiểu gì Tư cũng lồng "thời sự" vô, "tôi rất thích em, em đã làm chủ được....cái bàn phím của em" hahaha

    ReplyDelete
  8. Anonymous8/08/2012

    Hello Nguyen Nhoc Tu,

    I am not sure if you will read this or if you can read English. I found your blog via the website Goodreads. I read your book 'Cánh dòng bát tan' in Swedish and found it was great and that you are a very good storyteller. I wonder if there are any authors that inspire you or that you would recommend? Also, what inspires you in your own writing?


    Regards,
    Sebastian

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hello Nguyen Nhoc Tu,

      Tư được bạn đọc người Thụy Điển nhắn này:
      Tôi không chắc là bạn có đọc mấy dòng này hay bạn có đọc được tiếng Anh. Tôi tìm thấy trang blog của bạn nhờ qua website Goodreads. Tôi đọc quyển sách 'Cánh dòng bát tan' (nguyên văn) của bạn bằng tiếng Thụy Điển và thấy truyện rất hay cũng như bạn là người kể chuyện rất giỏi. Tôi không biết có tác giả nào gợi cảm hứng cho bạn (viết quyển nay) không hay bạn có thể giới thiệu (một tác giả VN khác để tôi đọc)? Ngoài ra (nhờ bạn cho biết), điều gì gợi cảm hứng cho bạn khi viết?
      Trân trọng,
      Sebastien

      Delete
  9. Cái tựa gợi lên sự tò mò rồi chị

    ReplyDelete
  10. Sáng tạo là một con đường đầy chông gai, hay hay dở nhiều khi phụ thuộc vào tâm trạng của người đọc.

    ReplyDelete
  11. nghe chuyện chị kể buồn gì đâu... :(

    ReplyDelete
  12. Xạo pà cố mà có người rinh dìa không thiếu bài nào, hi hi..

    ReplyDelete
    Replies
    1. Truyện là phải vừa thực vừa hư cấu,có lẽ bạn HIV bị nhiểm virus nên không hiểu thế nào là truyện

      Delete
    2. Nick name HHV tôi cứ lầm HIV mà có lẽ đúng vậy vì bản bị nhiểm virus nên chẳng biết truyện là gì,có thể thật có thể hư cấu phần nào để viết nên một câ truyện hấp dẩn bạn đọc

      Delete
  13. Vẫn Tư đấy, nhưng nếu không phải Tư thì là bốn thôi! Ai cũng đòi Tư phải thế này thế kia, hay Tư làm Anonymous quách đi. Hĩ hĩ

    ReplyDelete
  14. Dạo này mình thấy blog vui vì có cãi cọ. Fang tiếp đi các bạn !

    ReplyDelete
  15. Anonymous8/09/2012

    Buồn quá!
    Riết rồi sợ đọc truyện của bạn, vì biết chắc sẽ đau lòng lắm. Trăn trở là phải sâu cay như thế sao bạn?!

    ReplyDelete
  16. Anonymous8/10/2012

    Ui cha, lại thấy Tư rùi. Đây đích thị là Nguyễn Thị Ngọc Tư (nếu không đúng thì đính chính giùm nha.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, đúng là em nhưng em đây rất căm thù chữ "thị". Đính chính giùm chữ đó hén

      Delete
    2. Anonymous8/15/2012

      Sao căm chữ "thị" vậy Tư
      Hay vì có nó mà "hư" cái người

      Lại còn căm dân Bắc Hà nữa... Sao vậy Tư?
      Cổng đền Ngọc Sơn ở Hà Nội có chữ "Ngọc ư tư" (ở đây có ngọc). Tên em cũng có tý nguồn ở Bắc Hà đấy chứ.

      Delete
  17. Tôi đọc bài của Tư thấy được cái sâu cay, rất tình và rất người trong đó. Cám ơn Tư!

    ReplyDelete
  18. Tại sao lài có đoạn "mình vật Diễm ra giường" vậy cô? Bi đát quá.
    Sao cô không cho cậu bé ấy tìm được cây cưa máy, cho nhanh
    Lo hỏi mà quên, cám ơn cô, hôm nào vào blog cô thấy có entry mới con mừng lắm :)

    ReplyDelete
  19. thiếu nữ miền đông8/12/2012

    căm thù chữ "thị" há há
    thị...Mầu nè, thị....Nở nè
    còn em là...thị....Hến!! hihi

    ReplyDelete
  20. Em gái Miền Tây8/13/2012

    Nghĩ cũng ngộ ,vào nhà người ta đọc ké mà cũng khen ,chê tùm lum .chị mừng là đúng vì theo tình hình hiện tại thì cái gì có tranh cãi là lượng xem tăng rất cao và cố làm cho có chuyện để cãi nhau ầm ầm lên báo, đài mỗi ngày . Cho nên chị cứ vậy mà viết nhé !

    ReplyDelete
  21. Truyện thật là cảm động qua đi thôi

    ReplyDelete
  22. Truyện nào cũng hay và cũng buồn. Hay là vì buồn mới hay.

    ReplyDelete
  23. Rất hay chị ạ.
    Bên lề 1 tí: Chị là fan nhạc hàn hay ko mà lại đạt con chó lại tên là SuJu :) cẩn thận chi tiết này làm chị mất nhiều fan đấy nhé ^^

    ReplyDelete
  24. Chị ơi, sao bây giờ người dân quê trong truyện chị đi lạc đâu mất tiu hết rồi, e chỉ còn thấy khói mây bảng lảng liêu trai trong truyện này thôi, còn những bà con chân quê, mộc mạc hồn hậu của em đâu mất hết rồi.

    ReplyDelete
  25. Chị ơi, những người bà con miền tây quê mùa chất phác của em lạc đi đâu hết rồi trong những câu chuyện của chị ... bắt đền đi

    ReplyDelete
  26. Đọc lại lần thứ 3, nhận thấy nỗi thèm khát cháy bỏng của thằng bé về chị- hiện thân của những làng quê bị bỏ quên mà như cách nói của tác giả- bỏ quên cũng là một cách trừng phạt!

    Cảm ơn chị về câu chuyện nhẹ nhàng và giàu tính thời sự.

    ReplyDelete
  27. Chào chị Tư, em không giỏi viết văn, viết truyện, làm thơ, nhưng em lại thích đọc những gì mà người khác viết. Thích truyện của chị lắm. Ngắn, giản dị, dễ đọc, dễ nhớ.

    ReplyDelete
  28. Thấy ghê nghen! Đọc mà tưởng lại mấy vụ nhảy lầu tự tử là sởn da gà da vịt hết trơn rôi! :)

    ReplyDelete
  29. Ai chê truyện này không sâu thì người đó cạn. Tư đã lấy hình ảnh của một cậu trai lớn lên trong bốn bề bê tông cốt thép cùng với những tiện nghi mà một cậu ấm nhà giàu có được (chó kiểng, game, bạn gái thời trang). Nhưng có nhiều quá thì chán ddaam ra sinh bệnh đưa đến tương tư một hình bóng thôn dã.

    ReplyDelete
  30. Truyện này em lôi ra lôi vào đọc mãi, thấy thấm thía sự cô đơn, không có người nên phải tự tạo ra người. Sự sống của mình không được người thân công nhận, sống thui thủi một mình, cách biệt với thế giới bên ngoài. Giọng văn lạnh ngắt, như lòng của Đông, hay lòng của một trong số những độc giả cô đơn. Nỗi đau ấy chỉ được giải thoát khi mình biết vượt qua bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài, khi giải phóng tân hồn ra khỏi những tầm thường của cs.

    ReplyDelete