Tôi bới đằng sau khoảng trống
của bìa bốn, đỏ mắt một cuộc tái sinh của La Rô. Chắc là chú lừa sẽ trở lại bằng
phương thuốc thần kỳ nào đó, bằng một kiếp sau dưới hình dáng một cây thị, hay
chim vàng anh. Hoặc nửa đêm nào thần thánh sẽ ban phép mang linh hồn lừa vào con
ngựa gỗ đang mang “yên cương, hàm thiếc, và dây tròng của con La Rô tội nghiệp”.
Ngựa gỗ động đậy, và người thi sỹ kia lại có bạn cùng rong chơi.
Nhưng sau cái chết của La Rô không
có điều kỳ diệu nào. Sau cái chết chỉ là cái chết. Không có đoạn kết khác ngoài
lão nhà thơ đứng bên nấm mộ của con lừa, nghĩ về La Rô đang dạo trên đồng cỏ
trên trời, “ngươi có còn nhớ ta không ?”. Đáp lời ông chỉ có một chiếc bướm trắng
chấp chới bay.
Đọc cuốn sách của Juan Ramón
Jimétez vào năm tôi mười bảy tuổi, gặp nỗi buồn gì mà kỳ. Tuồng như, nỗi buồn
mà trước đó tôi biết không phải buồn, những vở cải lương làm tôi khóc sụt sịt
vào những đêm thứ bảy, cái áo mới bị lem mực, hay tiếng vạc sành kêu sốt ruột
trong những tối mưa. Con lừa và tôi
gieo buồn kiểu khác, đó là tình bạn gần như tri kỷ của nhà thơ và con lừa, đó
là ngôi làng “trông giống đồng xu nhỏ rét rỉ và mất giá”, là bọn trẻ con khốn
khó đóng giả tương lai của chính cuộc đời mình: ăn mày. Chúng khoe bố mình có khẩu
súng, nhưng đó là “khẩu súng trường không giết nổi cơn đói”. Cuốn sách có nhiều
cái chết, những em bé ngây thơ, con chó ghẻ, thúy yến, ngựa trắng…và cuối cùng
là La Rô. Những mất mát không thể cứu vãn. Cái chết không để lại hào quang, hay
một thứ khí tiết nào đó như những bài học trong sách giáo khoa và thư viện của
trường. Chỉ có sự trống trải miên viễn.
Một dạo tôi hay vẽ vời hóa tuổi
trẻ của mình, nghĩ đọc Con lừa và tôi
xong, con bé đó bắt đầu lân la đến cái gọi là thân phận người, sự vô thường. Tất
nhiên, là vẽ xạo trên cái nền tờ mờ của cảm giác.
Sách đó viết về vụ gì ? Tôi vẫn
hay nhận câu hỏi kiểu vậy mỗi khi nhắc tới chuyện La Rô và thi sĩ. Câu hỏi khó.
Những câu chuyện nho nhỏ được kể chậm rì. Mỗi chương đẹp như một bài thơ, kể cả
viết về nỗi đau, cũng đẹp. Một người một lừa, hai kẻ gần như lạc lõng khỏi đám
đông cùng ngôi làng lúc nào cũng hội hè, lễ lạt. Họ xa lạ với cộng đồng nhưng lại
chìm đắm trong thiên nhiên, trong sự tĩnh lặng. Họ rong ruổi qua những buổi trưa tháng tư chiều tháng mười, họ
nhìn chim chóc, cỏ cây và những con người cùng khổ bằng “cặp mắt anh em”. Giao
cảm bằng tâm hồn, không cần nhiều lời, họ gắn bó đến mức thi sỹ nghĩ rằng con lừa
mơ những giấc mơ của chính ông, thứ tình cảm mà cả hai không tìm được ở đồng loại.
Họ đi từ mùa xuân cho tới mùa đông, cảm nhận chậm rãi vẻ đẹp của đất trời, mà rất
nhiều trong số chúng là phù du, như “màn hơi mảnh mai trên trời đang bay bay về
hư vô”, như “đốm sao băng rạch ngang một nửa bầu trời”…
Nghe kể xong, bạn bè phần lớn
là chưng hửng, chỉ vậy thôi sao, thấy có hay ho gì đâu, ta ? Nhận ra chẳng phải do diễn đạt lọng cọng, mà cuốn sách
của Juan Ramón Jimétez vốn dĩ không thể kể. Đó là cuốn sách để đọc, thật chậm.
Món quà dành cho kẻ cầm cuốn sách lên tay, nhấm nháp từng chương nhỏ, rồi cảm
thấy chính mình đang ngấm dần, bả lả quanh mình mùi cam từ một ngôi làng Tây
Ban Nha nào, gần lắm.
Con lừa và tôi
không làm thay đổi cuộc đời tôi, chỉ một cuốn sách thôi khó có thể khiến con nhỏ
làm vườn bỗng dưng bán chữ. Lì như tôi, cả đống sách thì may ra xoay chuyển nổi.
Nhưng cuốn sách mỏng ấy gây ảnh hưởng nhiều đến ý thức viết lách của tôi. Chữ,
cũng có quyền bi thương đến dòng cuối cùng, không cần mở ra tương lai tươi sáng
nào, không cần liều lượng ba phần u ám bảy phần tươi tỉnh, hồi đó tôi nghĩ vậy.
Và sau này, đọc lại những trang viết buồn rượi của mình, vài lần thoáng nghĩ đó
là mớ dây leo mà gốc rễ xa xôi mọc từ ngôi mộ của con lừa “bằng thép pha với chất
bạc của cung trăng”...
Tôi già đi, cuốn sách không đẻ
thêm chữ nào. Nhưng mỗi lần đọc lại tôi nhận ra những vẻ đẹp mới. Hồi biết yêu,
đọc thấy câu nào trong sách cũng đầy da diết với vẻ đẹp chóng tàn. Và chất thơ đẫm
rượi của nó, đọc nhanh sẽ dễ bỏ qua. Con
lừa và tôi thơ hơn cả những bài thơ mà tôi từng được đọc của Juan Ramón
Jimétez… Riêng cái cảm giác u buồn mà tôi từng có hồi mười bảy tuổi, cùng cuốn
sách, vẫn tươi nguyên vậy. Nhặt ở chương này sự mong manh của thân phận con người,
như một thằng bé thơ ngây biến mất sau “một cơn gió đen oan nghiệt thổi qua con
đường trắng”. Nhặt ở chương khác một con lừa không thích hòa mình vào các đám
rước. Nó, cũng như thi sĩ, “không sinh ra để làm việc đó”. Và chương nọ, có thằng
nhỏ mục đồng tuyệt vọng ước La Rô là của mình, và chủ nhân của con lừa thì tuyệt
vọng vì không thể cho cậu bé. “Trở về… Nhưng về đâu ? Và từ nơi đâu ? Tại sao
trở về ?”, đọc những câu kiểu vậy, lòng chùng xuống.
Có thể tôi đã không gặp được Don Quixote, Người đẹp ngủ mê, Của chuột và người, Đói, Mắt biếc, Gào thét trong mưa
bụi, Tìm nơi hoang dã … trước Con lừa
và tôi. Nên ngay cả khi tốn bộn nước mắt cho cuốn truyện trẻ con Chim hót trong lồng, tôi vẫn nghĩ tác phẩm
của Juan Ramón Jimétez là buồn nhất. Điềm
tĩnh trên những chia lìa. Buồn ròng
nhưng quang đãng. Bi thương nhưng không ai oán. Giản dị mà sáng như chữ dát bạc.
Bản này hơi khác với bản trên báo Tuổi Trẻ do tui chỉnh sửa xong lại gửi nhầm file cũ :(
Sự tuyệt vọng, cũng có vẻ đẹp riêng của nó.
ReplyDeleteHờ hờ, trường hợp này là vẻ đẹp của món tiền nhuận bút con con :)
DeleteNhân tiện, bạn Thao hãy để người ta nhìn thấy vẻ đẹp sự tuyệt vọng (nếu có) của mình đi, đừng có trốn biệt thế.
vẻ đẹp trong sự tuyệt vọng của bạn Thao hình như là ở chỗ trốn biệt đi thế ấy mà ;p (có vẻ như bạn Thao rất tâm đắc vụ này hi hi)
ReplyDeletevà đôikhi ta phải chiêm nghiệm vẻ đẹp ấy nhiều lần ^^
ReplyDeletetiền nhuận bút giờ chỉ là "con con"...
ReplyDeleteôi nỗi buồn...con con
ReplyDelete.....................
ReplyDelete"Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa"
ReplyDeleteTuổi Trẻ chọn "cô làm vườn nhỏ" bình sách quả là hợp lý vô cùng :)
ReplyDeletevà tui có thêm vài tựa sách để ... ngắm nghía, hehe :p