Rượu đến độ hăng, cuộc nhậu
cũng đủ lâu, hai nhà cùng xóm rủ rê đổi vợ chồng cho… mới, chung đụng cũ xèo
hoài chán thấy mồ. Những người chứng kiến tưởng vì rượu nói chơi cho vui, nhưng
sáng hôm sau hai bà vợ tỉnh bơ xách gói chuyển sang nhà của nhau sống với chiếu
giường mới mẻ. Họ nói hết tháng ai lại về chỗ nấy, có sao đâu. Người kể chuyện nhẩm
đếm bữa nay nữa là mười ba ngày họ đổi ngôi, chị nhớ vì buổi nhậu ấy ngay dịp
đám giỗ má chồng mình.
Mấy câu chuyện kỳ khôi bạt mạng
kiểu vậy vẫn thường lửng lơ trên những chuyến xe bus ngược xuôi liên huyện. Chỉ
mấy bà già là còn kêu quỷ thần ơi, vợ chồng với nhau đâu phải cái áo. Nỗi mệt đường
dài bay biến, thay vào đó là hoang mang, tự hỏi những gì xảy ra dưới gầm trời này
ta biết được bao nhiêu, những giá trị đạo đức đang sấp ngửa đến độ nào. Hồi đầu
tôi thường phản ứng bằng ý nghĩ thiên hạ đồn
thổi chơi thôi, chắc gì thiệt. Giờ thì ngờ ngợ, biết đâu đó. Miền Tây chẳng gì là không thể. Người ta vẫn kể chuyện
năm ông nhậu xỉn kích nhau bơi qua sông, hai trong số ấy mãi mãi không lên bờ nữa.
Chuyện thằng nhỏ đi ở đợ, bị chủ hành hạ bằng những nhục hình thời trung cổ.
Chuyện hồn cô Ba xác chú Chín chữa ung thư bằng vuốt ve. Chuyện cả một ấp xóm mấy
chục nóc gia nhưng người học cao nhất chỉ đến nửa chừng lớp Bốn. Chuyện lúa rớt
giá cả vùng rủ nhau trồng mía, mùa sau mía chẳng ai mua họ chất thành đống đốt
cho khói lên trời. Chuyện những cô gái lấy chồng ngay sau cuộc gặp chú rễ một
ngày, gọi tên nhau còn trật lất. Có sao đâu, dân miền tây chịu chơi mà. Ai quan
tâm lằn ranh của chịu chơi và liều mạng.
Bạn có lần dỗ dành, nói viễn
tây nước Mỹ, miền tây nước Pháp cũng là xứ chịu chơi đó chớ, “Mà dân miền tây cá gô gột gẹt của em có máu lưu xứ giang
hồ trong người, sẵn sàng bỏ xứ sở đất đai, đền đài để ra đi tìm đất mới, may mà
biển kìm chân chứ không thì chẳng biết họ dừng lại ở đâu”. Ờ, chắc nhờ chịu
chơi nên mới có miền đồng bằng trù phú bây giờ, cú đốt tiền nịnh gái của công tử
Bạc Liêu mới đi vào kinh điển, dân sông nước mới từ bỏ cái Koler tịch tang cải
tiến máy xe chạy võ lãi xé gió lở bờ. Cái hiếu khách, phóng khoáng cũng từ chịu
chơi. Ghé một nhà bất kỳ, cuộc nhậu lập tức bày ra, sau ba ly rượu xình xang ta
sẽ biết có bao nhiêu lúa trong bồ, thêm ba ly nữa biết có bao nhiêu vàng dưới
đáy tủ. Phơ bày, dù mới gặp lần đầu. Và vì chịu chơi nên đi đâu tôi cũng nghe
giọng con gái xứ mình. Cả cái day dứt của tôi hồi mười năm trước khi nghe tiếng
tiếp viên trong quán tối, giờ cũng phai màu. Có gì lạ đâu, nổi trôi bất tận.
Dường như không gì khiến người
xứ này day dứt lâu. Mấy cô dâu Việt bỏ mạng bởi bạo hành ở xứ người chẳng ngăn
nổi tụi con gái ùn ùn xếp hàng chờ đàn ông ngoại quốc săm soi coi mắt. Những
cái chết chẳng gây xáo động là bao, ngoài cái tặc lưỡi ơ hờ, “chậc, sống chết
có số hết, đâu phải cô dâu nào cũng giống cô dâu nào. Có sao đâu”. Viết báo cứ
phân vân không biết gọi sao cho chính xác, vô cảm hay bất chấp, hết mình hay sống
không có gì để mất. Nói là “bán mua” cứ sợ quá lời, khi người con gái mà ta mỉa
mai là món hàng lại háo hức, rạng rỡ như thể đã lấy đúng người mình yêu.
Mỗi lần nhìn những con người
lem luốc, quê mùa lơ ngơ trên bến xe miền Tây, rõ ràng là chỗ ấy đất bằng gió bụi
nhưng như nhìn thấy họ đi cầu khỉ. Chênh vênh chới với trên thân cây nhỏ giữa
dòng. Tâm thế qua cầu khỉ là cứ đi đã, đến bờ bên kia được hay không, có rơi xuống
sông không, tính sau. Như những đứa nhỏ phải bỏ học vì không có tiền đi đò, chẳng
ai nghĩ đó là một cú đóng sập cửa của mặt trời chi cho ghê gớm. Không học nữa
thì đi mót lúa, cắm câu. Có sao đâu. Xứ này ưa nói “mút mùa lệ thủy”, “quăng
nguyên con”, “chơi tới sáng” nên cũng có những cụm từ tự an ủi lúc thương đau :
“có sao đâu”, “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”.
Dân gian miền Tây ít hoặc không
xài “thảng thốt”. Kể cả một bữa ta nghe tin thằng bạn dưới quê đang nằm viện ở
Sài Gòn, vì biến chứng sau vụ tự bơm silicon vào cúc cu cho hoành tráng. Mắc cười,
nhưng không kinh ngạc. Ta nhớ thằng đó hồi nhỏ cũng hụt chết một lần vì nuốt trộng
con cóc sống, chỉ để chứng tỏ anh hùng. Nhưng đêm nằm ngẫm nghĩ, cái dửng dưng kiểu
này, là bởi ta vô cảm hay do miền tây vốn chẳng có chuyện lạ nào.
HIX
ReplyDeletehoang mang rồi cũng phai màu...
ReplyDeletePhía sau những câu chữ là cái lạ... bởi nhòm ngó làm chi cho uổng cái đuôi con mắt. Vỗn dĩ cái đuôi chỉ để dành cho những tình tứ chết tiệt đến tận...chân răng!
ReplyDeleteNhiều bài viết của bạn hay qúa ! Gái miền Tây sống thật lòng , rộng rãi và hiếu khách lắm nha :)
ReplyDeleteVốn dĩ miền tây là vậy nhưng đọc Nguyễn Ngọc Tư lúc nào cũng man mác buồn...
ReplyDeletesầu riêng
ReplyDeleteĐiểm mạnh cũng là điểm yếu.
ReplyDeleteChào Cô Tư...viết tới nơi,
ReplyDeleteMình thích câu chữ của Cô cứ lúng liếng thế nào ấy...hay tại miền Tây nước chảy ròng chảy suốt chảy mệt hỏng nghĩ?! Cái gì đặc trưng cao cũng...phê hết trơn. Hihi
Cô tư viết hay quá ghen.
ReplyDeleteĐọc văn Ngọc Tư mình thích thú vô cùng: Nhẹ nhàng, trong sáng, sâu sắc mà cứ như đùa. Theo cảm nhận của mình bài này có tính luận chiến nhưng là chiến theo kiểu cùa Ngọc Tư.
ReplyDeleteNghe qua thì hình như lúc này Tư đang sống ở "phố". Hỏi thiệt Tư nghe, Tư thương cái miền Tây "chẳng gì là không thể" này không Tư ? Lúc này trên mạng người ta nói về nó hơi nhiều, có cả những nhận định hồ đồ và vô học. Làm sao họ hiểu được tâm hồn của những con người lưu xứ đã "..từ bên này sông Tiền, sang bên kia sông Hậu, mang theo cây đàn lục huyền cầm và câu thơ Lục Vân Tiên..kiến nghĩa bất vi vô dõng giả.. "(thơ Sơn Nam). Vú mẹ làm sao quên, phải không Tư? Tôi biết Tư thương lắm, nhớ lắm. Tôi cũng vậy. Nếu thương thì cô Tư hãy bền bỉ "...trèo non cao, mua mưa, thâu mây cho tan mệnh bạc..(lời Lê Cát Trọng Lý) cô Tư nhé!
ReplyDeleteSách cô Tư tui mua liền mỗi lần mấy quyển, hổng phải để đọc mà để tặng mấy ông bạn hổng biết in-tờ-nét.
ReplyDeleteĐọc cô Tư tui thấy nhẹ cái đầu, nhưng lại nặng cái trí quá.
Mới hồi nãy tôi đọc thấy thông tin cái cô "Sợi xích" định rũ cô Tư và một số Nhà Văn nữa đi kiện bảo vệ bản quyền. Trời ơi cổ vịn cô Tư chi ác vậy hổng biết.
Hay !
ReplyDeleteTôi thật là thích thú ! :)
ReplyDeleteNgay cả khi đọc thông tin sau, tôi vẫn thích tính khí của Dân Miền Tây: chất phác và chân thật, chơi với mấy ổng khỏi mất công đề phòng, nói chuyện với mấy ổng khỏi nhức đầu.
ReplyDeletehttp://laodong.com.vn/phap-luat/phien-toa-doc-nhat-vo-nhi-xu-vu-can-cua-quy-gia-100-trieu-dong/130649.bld
This comment has been removed by the author.
Deletemiền Tây Nam bộ không có gì lạ ? Có đó nghen. Nguyễn Ngọc Tư và Phương Mỹ Chi không lạ sao. Với tôi giọng văn của Ngọc Tư, giọng hát của Mỹ Chi tưởng không có gì lạ nhưng ngẫm ra lại rất lạ nên đọc hoài, nghe hoài được hoài.
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteMiền tây không có gi lạ nhưng Cà Mau có chi 4 lạ . Moi nghe Phương Mỹ Chi hát Áo mới Cà Mau muốn đi Cà mau liền xem có phải người Cà mau dễ thương vô cùng không? Làm sao tìm gặp được chị đây?
ReplyDeleteDân bắc kỳ như em vô đó thì lạ mắt thiệt, có thể chị đã quá thân thuộc, nên cũng chẳng thảng thốt. Từ văn hóa, lối sống và đặc biệt là suy nghĩ. Cái cách mà người miền Tây cầm tờ tiền và xài nó cũng khác bất kỳ con người ở miền quê nào khác. Rồi chuyện gia đình, đối nhân xử thế cũng khác nhau, gương mặt người đối diện với nhau cũng khác.
ReplyDeleteĐể hiểu được miền Tây phải là người bản xứ, hoặc là những người yêu và sống cùng với mảnh đất này. Thoáng qua như thằng Bắc kỳ là em đây thì chỉ gọi đó là cảm nhận và kỷ niệm. Người miền tây phưu lưu, có lẽ phái nữ là nhiều nhất, dải rác khắp 64 tỉnh thành.
Ba cái chuyện mà Phong kiến còn man mác ngoài bắc không có thì vô miền tây là chuyện thường. Để người bắc mà sống ở miền tây, hoặc ngược lại thì có chăng là sự gượng ép.
hay
ReplyDeleteBài viết hay quá
ReplyDelete