Apr 12, 2014

Nhà xuồng


“Má bây cưng chiếc xuồng còn hơn cưng tao”, gã nói với đám con khi nghe vợ réo dưới bến kêu tỉnh rượu thì đốn lá để lợp lại nhà xuồng. Bữa trước trời giông, gió lốc giỡ gọn cái nóc, giờ chỉ trơ trụi bộ khung. “Lần nào đi đám giỗ cũng xỉn tới mấy bữa sau”, vợ vói giọng lên cằn nhằn, “hổm rày chiếc xuồng phơi nắng, bắt xót”. Gã chồng cười hề hề nói thấy chưa, rõ ràng bả mê xuồng hơn mê chồng, rồi úp cái nón lá lên đầu, liêu xiêu đi xuống bến, tổ cha cái thứ rượu xóm Dừa, làm người ta say dai quá.


Tụi nhỏ cũng từng nghe mẹ chúng rên lên ba mày cưng xuồng hơn vợ. Đó là bữa giữa cái nắng trưa chảy mỡ, gã hè hụi trét chai, lấp dầu trong, bịt miếng nhôm cho mũi xuồng khỏi xây xước nếu lỡ va vào bến nước, chân cầu. Một chiếc xuồng be mười kèm(*), với gia đình đông miệng ăn thường xanh mặt qua mùa giáp hạt, nó đáng giá cả gia tài. Mùa khô, chiếc xuồng theo hai vợ chồng ngược xuôi kinh Đứng kinh Ngang mua rau trái đem ra chợ xã bán lại, rồi chở rơm chở củi, nhận đưa đón gần chục đứa học trò trong xóm tới trường. Mùa mưa, đường xóm bùn nhão chia cắt mỗi nóc nhà là một ốc đảo, chiếc xuồng trở thành thứ duy nhất kết nối với thế giới, là đôi chân của con người ở cái xứ sông rạch bủa vây. Không có xuồng là chịu chết.



Người quê cưng xuồng y hệt dân chợ cưng xe. Vì cưng nên làm nhà cho xuồng. Nghèo thì xách dao đi dài xóm cũng xin được mấy cây cột cặm, nhặt nhạnh vài tấm thiếc cũ hay đốn mấy bẹ dừa che cho chiếc xuồng đỡ nắng mưa. Người khá giả hơn, xuồng được cái nhà vách phên cửa nẻo tử tế. Đất quê mênh mông, tranh thủ cất nhà xuồng cho rộng để chất vài cự củi, chục bó lá dừa khô dành nhen lửa, mấy ổ gà, hoặc treo cái võng nằm chơi. Bên chiếc xuồng nằm thảnh thơi sau ngày dầm dãi còn có cha ngồi vá lưới chài, đẽo cán búa; mẹ bó chổi rơm, nướng bánh bông lan, kháp rượu. Những đứa trẻ quê nghịch ngợm nào cũng nhớ mình từng rúc vào nhà xuồng trốn đòn, rồi giật mình thức dậy thấy mình vừa ngủ quên trên đống trấu. Chiêm bao thơ ấu luôn phảng phất mùi củi khô, mùi hũ giấm nuôi, mùi những trái khế chín cây rụng tá lả ngoài hè.



Xuôi về miệt biển, ở khoảng nghỉ ngơi ngắn giữa hai chuyến đi, chiếc xuồng chui vào giữa ngôi nhà sàn cao cẳng là xong. Cũng có nhà đâm chái hơi dài, khoảng dư ra đủ cho xuồng đậu. Làm thêm cái ròng rọc, tối về quay tay treo xuồng khỏi mặt nước, “của bền tại người”.



Một đời người mấy xác xuồng, phải bấm đốt ngón tay mới nhớ. Cũng không nhớ bao lần lợp lại mái, thay cột cho nhà xuồng, không đếm nổi bao giấc ngủ từng đong đưa ở đó. Chiếc xuồng mà gã đàn ông từng so bì vợ cưng nó hơn mình, một bữa đã bị bán đi để lo tiền viện phí sau vụ ngộ độc rượu. Đi qua nhà xuồng trống không, gã thấy ân hận vô phương, thấy thương vợ mình vừa nãy bấm ngón chân trên đất sình đội rau đi chợ… 

(bài in Nhà đẹp)

11 comments:

  1. Chị ơi đẹp quá...Ước gì có dịp được ghé :(

    ReplyDelete
  2. Lâu rồi 4 mới lại up hình.....:)

    ReplyDelete
  3. nhìn chiếc võng mắc ở nhà xuồng, mắt rượi !. Muốn nằm đu đưa quá chị!

    ReplyDelete
  4. nhà mình cũng có nhà xuồng nè Tư!

    ReplyDelete
  5. Từ một vùng nước nổi khốn khó đã ra được một kiểu sống hợp với cuộc sống đó nhỉ -
    Chúc bạn chiều vui nhe -

    ReplyDelete
  6. ước gì có được cơ hội gặp chị ở 1 cái chợ nào đó của Cà Mau.hichic

    ReplyDelete
  7. đang đọc 'đảo'.

    ám ảnh.

    ReplyDelete
  8. Sông nước nhìn mát mẻ , yên bình dễ sợ,

    ReplyDelete
  9. Cảm động . Cảm động. Cảm động.
    Quý vị đàn ông ở Việt nam, chỉ riêng quý vị hay uống rượu, tôi không dám quơ đũa cà nắm, có biết rằng con gái ở nước ngoài không dám đụng tới thanh niên Việt Nam vì các ông hay không? (Chắc tại lỗi của các bà má không dạy kỹ con mình cái câu "(chỉ là) con sâu (đừng) làm rầu nồi canh".)
    LHPL

    ReplyDelete
  10. Anh tên Sơn ở xa lắm, anh có đọc văn của Tư rải rác trên mạng miển phí nên thấy áy náy quá em à , nếu có thể em cho anh xin địa chỉ của em để anh gửi chút quà từ xa về coi như bù cho em cái tội anh đọc ké mà không trả tiền . Đây là email của anh nếu em thấy không tiện public your address . [email protected] . Rất mong hồi đáp

    ReplyDelete
  11. Hic..chưa khi mô được đặt chân xuống miền Tư...😊

    ReplyDelete