Sáng nào xóm
hẻm cũng ướt. Nước triều từ ngoài sông tràn vào con lộ nhỏ, nước nhiểu tong
tong trên những bộ quần áo phơi rợp dãy rào xiêu, nước giặt rửa từ trong nhà hắt
ra đầy váng xà bông, rau cải úng. Nước mắt nước mũi trẻ con đòi tiền quà bánh, bên
cạnh mấy bà mẹ im lìm ngồi hong mớ tóc vừa gội xong. Những làn da tối màu làm
thành một khối im sẫm trong con hẻm thấp tối.
Không biết biến
động nào khiến người ta bứng nguyên cái xóm Khmer từ miệt Bảy Núi về trồng trong
lòng thành phố, cùng với ngôi chùa. Dân quen gọi hẻm Khờ Me. Lần nào qua đó
cũng nghĩ gần năm mươi năm rồi mà họ vẫn như rớt như rời. Không phải vì tóc
xoăn và mắt to, viền mi đậm, làn da sẫm không lẫn vào sắc tộc khác, mà sự bơ vơ
cứ hiện lên trong cả đời sống, ánh nhìn, cách ngồi. Dòng chảy đô thị chẳng làm
cho họ thôi sống trễ nãi trong những căn nhà xập xệ, và chẳng ai biết họ nghĩ
gì qua ánh mắt không đậu vào đâu.
Điểm nhìn cuối
chắc là rất xa, nơi có cánh đồng với những chòm cây thốt nốt, bầy bò ốm cùng với
những bãi cỏ úa mùa khô. Là tôi hình dung vậy. Trong dáng đứng ngồi bất động, họ
lang thang qua hội đua bò nơi đôi vợ chồng (khi hãy còn ở tuổi mười lăm, mười bảy)
đã lẻn đi chơi lần đầu cùng nhau. Núi đá vôi thấp mà người đàn ông đã từng lần
theo đường mòn gài bẫy thú. Buổi lễ cúng trăng giữa sân chùa trong tiếng nhạc
ngũ âm. Những đứa trẻ trèo nhánh cây sầu đâu vừa gõ hơpâm vừa hát ngêu ngao. Ở
miền ký ức, không khí lễ hội chưa cạn đến đáy lại đầy, mỗi năm có đến vài ba
cái tết. Nhưng biết đâu họ không nghĩ gì hết, quá khứ thì xa xôi, tương lai cũng
chẳng có gì để nghĩ về.
Không đất trồng
trọt chăn thả, buổi cà phê của đàn ông xóm hẻm thường dài, có khi cả ngày, nếu
không có ai gọi đi phụ hồ, bốc vác vật liệu, chở nước đá. Ngày bên ly cà phê
khét mùi bắp rang và chai rượu đế, cũng vì vậy mà rất dài. Nhà lụp xụp cất tràn
ra lộ hẻm, tuyệt không có cây thốt nốt nào. Buổi sáng bóng chùa cố che phủ cái
ngã ba, nơi mọi người tụ tập, chỉ được một vài giờ thì bóng hụt. Họ lại trơ trụi
dưới mặt trời. Cái nghèo không có cỏ cây, rát mặt.
Những bước
chân trần khất thực của ba lục trẻ nhón trên mặt lộ chỗ khô chỗ ướt. Lục Cả
nhìn theo, kêu lúc rày tụi nhỏ cũng ít chịu vô chùa tu tập. Đứa thì đi làm mướn,
lượm ve chai, nhiều đứa mới mở mắt là lêu lổng chơi rong. Chùa đâm ra vắng, tết
Chol Chnam Thmay kỳ rồi sân chùa không còn ai múa Lâm Thôn. Trên vách phòng lục
treo cái ảnh chụp một tăng đoàn bưng y bát đi trên cánh đồng xanh rì, xa xa là
rặng cây thốt nốt, và mặt trời đang lặn. Phong cảnh u tịch mà không thấy con
người trong đó cô đơn như bóng áo vàng vừa đi ra khỏi dãy nhà lụp xụp, đoạn đường
phía trước các lục toàn là cỗng với rào cao. Những cư dân mới tới không phải
tín đồ Phật giáo tiểu thừa nên thờ ơ ngồi giũa móng tay khi y bát đi qua.
Lục Cả than,
dân Khmer xóm hẻm đã bán nhà quá nữa, giờ còn một nhúm sống co cụm gần chùa, như
bầy người đi lạc. Hỏi những người bỏ xóm đi đâu, lục nói có nhà dọn vào hẻm sâu
hơn, xa tới mức chùa không với tới, nhưng cũng có người về. Chữ “về” của lục
làm nguội nắng. Về, dựng hàng rào xương cá bọc lấy căn nhà lá tạm bợ, nuôi mấy
con bò, lấy nước thốt nốt nấu đường, chờ cơn lũ chìm đồng tháng tám để bắt cá
giăng câu, và chờ những mưa biên giới triền miên làm xanh cỏ núi. Cảnh nghe có
vẻ buồn, nhưng họ không trơ trụi như ở nơi chỉ cách Ủy ban thành phố non một
trăm mét. Cái nghèo mà có ngọn rau trái ớt mọc bên hè, thì không đến nỗi tuyệt
vọng.
Những người ở
lại vẫn ơ thờ chờ ngày qua. Cái dáng ngồi bất động của người đàn bà Khmer cũng
giống hệt với người đàn bà Êđê, Bana bất động trước căn nhà lợp thiếc bên những
nẻo đường Tây Nguyên mù bụi. Bị bóc đi khỏi núi rừng bởi một dự án thủy điện ất
ơ nào đó, buôn làng bị dồn vào khu tái định cư, mà người làm chính sách cứ hí hửng
khoe cuộc đổi chác ấy vậy đã công bằng rồi. Nhà cũ đổi nhà mới, đèn dầu đổi đèn
điện, huề. Rốt cuộc thì làm gì còn bầu trời nào khác cho con chim đã bị lấy đi
bầu trời ?
bai viet hay qua
ReplyDeleteHaiz......
ReplyDeletebài này thiệt sâu sắc,..."công bằng"... ứ hự...
ReplyDeleteHay.
ReplyDeleteTui hay đi ngang hẻm ấy mà không nhận ra.
Xin chào A...
ReplyDeleteBài viết của chị 4 hay quá chời nhưng buồn quá vì nó chạm đến nỗi cô đơn,lạc lõng,mất mát của cả những kiếp người dân tộc ...thiểu số.con chim mất cả bầu trời,con người mất cả phương hướng để "to be or not to be"Cảm ơn chị 4!
ReplyDeleteCon chim mất bầu trời,con người không hiểu tồn tại bằng cách nào và để làm gì,chị 4 ơi!
ReplyDeleteBuồn...
ReplyDelete