Bên xóm có bạn
tập viết kịch bản phim.
Bạn hay qua
nhà mình vò đầu bứt tóc vì không biết để nữ phụ hại nữ chính bằng cách nào, “phải
kiếm thứ gì ác ác”. Suốt ba chục tập phim mà bạn định viết, chúng dằng dặc âm mưu hung hiểm mà biên kịch nhất định phải
bày ra cho cô gái vượt qua chạm bờ hạnh phúc. Giống như tên phim, bạn miêu tả
nhân vật cưng của mình y hệt bông giấy, mỏng manh càng nắng hạn càng rực rỡ,
càng khắc nghiệt càng bền dai. Khổ cái, bạn không thông thạo những chi tiết,
mánh khóe mà người dùng hại người, kinh điển kiểu bà dì ghẻ biểu Tấm trèo cây để
cưa gốc cho té chết trong cổ tích. Mấy âm mưu mà bạn có thể nghĩ ra loanh quanh
chỉ thả nhện lên giường, giăng dây giữa đường cho vấp té, trộn thuốc xổ vô ly chè,
pha nước mắm vô dầu gội đầu thì không được đen tối nhức nhối lắm.
Mình không
chối là thấy vui vui trong lúc bạn rầu. Vui như đứng trước vào một ao nước
trong veo thấu đáy. Hay là đọc báo đi, mình xúi, ngày nào mà chẳng đăng vài vụ
ác. Bạn ứ hự, giờ báo đưa toàn những tin gọn gàng rởn gáy. Mượn rượu chém con
dâu bằng dao bầu. Giết người yêu cũ trong nhà nghỉ. Cãi nhau trong tiệc cưới,
chú rễ đốt cô dâu. Phim của bạn thì để nhân vật túm tóc nhau bạn còn thấy đau. Bạn
muốn cả nhân vật phản diện trong phim cũng có chất người, vừa đáng thương vừa
đáng giận. Cái ác do nông nổi, lầm lẫn, còn có đường quay về.
Thôi thì coi
phim nhiều vô, mình lại xúi, coi người ta tạo xung đột, thắt mở kiểu gì. Giữa
tuần sau bạn khoe xong rồi, ân oán trong phim đã có dân giang hồ lo. Người đẹp
phản diện chỉ cần rút điện thoại ra, nói “a lô, xử nó đi”, cùng với đuôi mắt rợn,
gương mặt nanh ác, cái nhếch miệng hung hiểm. Cách giải quyết đó ở phim truyền
hình xứ mình nhiều lắm. Sau cuộc gọi ngắn ngủn sẽ có vụ đụng xe, đốt nhà, hay bắt
cóc. Chắc chắn nữ chính sẽ thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc cho tới tập cuối
cùng.
Buổi này
phim và đời khó thấy vết tích những hẻm hóc tăm tối lắt léo trong tâm hồn người.
Bóng tối chừng như không thèm len lỏi, gió tối chừng như không thổi từng cơn, thấy
ào ra là thành lũ thành bão. Cái ác chừng như sốt ruột, cũng ra tay nhanh như
trở bánh phồng. Đi pháp đình hóng chuyện thường nghe ba chữ “ai mà ngờ…” vang bốn
bức tường, nằm lềnh khênh trên nền gạch sờn mòn. Người ta không thấy dấu hiệu
nào bất ổn, đáng ngại trước khi cô gái mặt
mũi hiền queo kia, ông già cù lần nọ đứng trước vành móng ngựa.
Buổi này
kiên nhẫn đâu mà nói phải quấy, ông chú ở quê ra than vậy. Cuối chiều vừa nhỏ
nhẹ nhắc hàng xóm đừng đổ rác qua rào, tối lại họ trút thuốc rầy xuống ao nhà
ông cho cá lật bụng chết trắng. Giờ vác đơn đi kiện, nhưng cầm xấp giấy tờ ông
già thấy pháp luật xa quá chừng. Cái ao cá nhà hàng xóm thì gần, chỉ cần nửa
đêm chui qua rào, đổ vài chai thuốc xuống là xong. Công bằng. Gọn lẹ.
Buổi này đến
ăn miếng trả miếng cũng sốt ruột. Chuyện xưa kể có kẻ hàng chục năm nằm gai nếm
mật để từng bước một đợi cơ hội rửa hận, thấy khó tin. Tối ngồi quán ốc nghe
bàn bên rôm rả vụ án trộm dê nào đó xử hoài không xong, một anh chửi tục nói
xách dao phay xử cho rồi, đỡ tốn thời gian tiền bạc. Nghe giọng mình ngờ là
không phải do hơi bia. Bây giờ đã hết tháng Giêng, mùa người ta cướp lộc đền
chùa đã lắng. Nhưng cơn sốt ruột vẫn còn dai dẳng. Người trong giới giải trí không lộ hàng thì cũng khỏa thân chụp ảnh bên nai, cho mau nổi tiếng.
Bây giờ đã hết
tháng Giêng, kịch bản bạn viết cũng sắp xong, kết phim theo hướng gieo giang hồ
sẽ gặp giang hồ. Tụi phản diện rốt cuộc sẽ bị mấy đại ca trở dao kề cổ. Phim
cũng không bị chê là phi lý, vì giang hồ ngoài đời có mặt khắp nơi. Đòi nợ, đâm
chém thuê, bảo kê thì quá thường, các đại ca còn có thể giải phóng mặt bằng, giải
quyết tranh chấp đất đai, thừa kế.
"Buổi này phim và đời khó thấy vết tích những hẻm hóc tăm tối lắt léo trong tâm hồn người. Bóng tối chừng như không thèm len lỏi, gió tối chừng như không thổi từng cơn, thấy ào ra là thành lũ thành bão. Cái ác chừng như sốt ruột, cũng ra tay nhanh như trở bánh phồng. Đi pháp đình hóng chuyện thường nghe ba chữ “ai mà ngờ…” vang bốn bức tường, nằm lềnh khênh trên nền gạch sờn mòn. Người ta không thấy dấu hiệu nào bất ổn, đáng ngại trước khi cô gái mặt mũi hiền queo kia, ông già cù lần nọ đứng trước vành móng ngựa."
ReplyDeleteĐọc đoạn này của chị Tư, nghe như bình thường vậy nhưng sao nghe trong dạ nó ray ray rức rức làm sao í. Lâu thiệt lâu mới thấy chị post chỗ này. Cứ thích đọc của chị ở đây thôi, dù biết là về chị, về tác phẩm của chị người ta đăng đầy, in đầy ở mọi nơi...
Chị luôn bình an nha.
tôi cũng thích doạn này
Deleteđoạn này đắt giá nè
DeleteVâng, em cũng lâu rồi mới thấy chị post ở đây. Chắc cũng đang tập trung viết truyện dài mới hả chị? Cho em hỏi chút là "khỏa thân chụp ảnh bên nai", vậy "bên nai" nghĩa là gì chị?
ReplyDeleteChúc chị chiều chủ nhật vui.
PS: à chị ơi, chỗ mục lục ấy, sao mình không chọn dạng cho nó hiện ra, để người đọc thấy tiêu đề, dễ dàng click vào bài chưa đọc.
Hi Ngọc Tròn,
Delete"bên nai" chắc là bên con nai. Chị Tư có thể ngại nói đến con khác vì sợ người ta kiện vì dám đem chiện đòi tư lên mạng mà không xin phép:)
Á, trời ơi, em đã hiểu "bên con nai" là cái gì rồi, đầu óc em bị ngộ chữ, "bên con nai" theo nghĩa đen thôi mà em cũng không hiểu. Cảm ơn bạn Tám Tàng nhé :)
DeleteHiểu em ko ai = 4
ReplyDeletenay mới thấy 4 xuất hiện....:D
ReplyDeletelâu lắm rồi mới thấy Tư xuất hiện à, chắc đang bận viết tác phẩm mới hả chị?
ReplyDeletebài viết rát hay
ReplyDeleteĐọc truyện C.Tư nhiều lúc nằm há miệng ra cười vì những chi tiết cô miêu ta, mà sao lần nào đọc xong cũng đau đáu cái lòng, thương cho thân phận những n.vật, tiếc...." Phải lòng" cô Tư rồi à nghen...huhu
ReplyDeleteCái hay của cô Nguyễn Ngọc Tư
ReplyDeleteĐọc báo kiểu của chồng tôi -để biết cảnh bên nhà giờ ra sao- mà tôi thường hay cản ổng, vì chỉ làm buồn, làm chán nản cái gốc Việt Nam của mình khi có cảm giác tất cả đều là lừa gạt, tàn nhẫn thì uổng thì giờ lắm.
Nhớ Việt Nam, tôi hay kiếm bài vở, sách, văn tiếng Việt để đọc. Gặp được Nguyễn Ngọc Tư, tôi hồ hởi giới thiệu chồng tôi. Kể từ đó, hai vợ chồng bị mắc kẹt trong bài vở của cổ, không còn muốn làm gì khác hơn.
Bài nào của cổ cũng buồn hiu như mọi người than. Nhưng cái hay của cổ mà tôi mến phục, là cổ làm tôi thấy gần gũi hơn với quê hương dân tộc của tôi. Cổ trả lại tôi niềm tin vào nguồn gốc của mình. Tôi cần điều nầy lắm. Tôi phải tin, mới có sức để dạy con tôi. Hy vọng không quá trễ. (Mà chắc đã trễ. Buồn thay. Không đứa nào biết đọc biết viết tiếng Việt hết.)
Tôi muốn gom sức mình, dịch vài bài tiêu biểu (theo mục tiêu của tôi là vun đấp chữ Việt Nam trong lòng các con tôi) ra tiếng Danmark, nói là để giới thiệu bạn bè ở đây văn hoá "của tôi", nhưng là để cho các con tôi đọc đươc.
Ước mong em Tư biết được tình cảm của vợ chồng tôi dành cho em.
Nguyễn Đức tịnh Trí- Lene Huỳnh Phương Linh