Chỉ ba mươi giây là mình chạy khỏi đồng diều, Trọng nghĩ vậy,
nghe dòng mồ hôi trườn chậm rãi men
theo sóng lưng xuống xương cụt. Rủi gặp bầy bò ăn rong dềnh dạng trên đường,
nhiều lắm là vài phút chiếc xe máy cũng bỏ chỗ ấy lại phía sau. Vậy là xong,
như chưa từng xảy ra chuyện gì.
Lúc đó thiệp cưới đã gửi đi gần hết, Trọng về Vĩnh Hòa để
đưa cho bà con bên ngoại mấy cái thiệp còn sót lại. Không có đường nào khác đi
Vĩnh Hòa ngoài con lộ ngang qua đồng diều. Không ai thay Trọng mang xấp giấy
báo cưới này đi, và cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian cho nó trì hoãn, “để mai”.
Qua khỏi khu vườn chùa là tới bãi cát của một dự án đô thị bỏ
hoang. Mùa hè cư dân thành phố đổ ra ngửa cổ, vô vọng kết nối con diều với bầu
trời bằng một sợi dây. Giờ gió thổi phồng áo Trọng. Gió đến ngộp thở. Gió như bữa
Trọng hít hà da thịt Lê trên cỏ rạ đồng diều.
Hôm đó, lúc ra về Lê nói, mình cưới nhau đi.
Hai đứa tới nhà nhau thường hơn, gặp sớm mai đã hẹn nhau tối lại. Lê nuông chiều Trọng
hơn, có bữa lén cho bồ vào buồng riêng chút cha chút chít, thay vì phải véo
mông hớt hãi sau bếp những lúc mẹ Lê ra sân đuổi đám con nít vặt sen. Câu chuyện
của hai đứa giờ xuôi về chủ đề xốn xang. Chụp ảnh cưới ở đâu, áo cưới màu gì
thì lên ảnh đẹp, tiệc cưới có cắt bánh kem không hay chỉ rót rượu hồng lên tháp
ly sương khói.
Như chưa từng xảy ra chuyện gì.
Vài lần phải ngang qua những cửa hàng bán diều treo tràn ra
vỉa hè, Lê thường bô lô gợi chuyện, những chuyện tếu kiểu như ông kia ngoắc chiếc xuồng bán bánh mì bên kia
sông, người ta mừng quýnh càn nước ngược chèo qua, ổng hỏi có thấy xuồng bánh
bao đâu không. Mắc cười hén ? Ừ, mắc cười. Cũng có hôm hết chuyện vui để kể, Lê
thuật lại nội dung tập phim Thái chiếu hồi tối vừa rồi, quên mất Trọng cũng có
coi chung.
Như chưa từng xảy ra chuyện gì.
Trọng bắt đầu diện những bộ thật bảnh. Kiểu gì cũng phải đẹp.
Áo hơi nhàu là thấy day dứt trước Lê rồi. Không như cái hồi mới quen, chỉ dép kẹp
quần đùi chở Lê đi ăn chè, giờ phẳng phiu đến từng sợi tóc. Có bữa đi gần tới đầu
hẻm nhà Lê, sực nhớ đầu quên chải keo nó quay xe lại. Nhiều khi người bên nhà
Lê ngờ Trọng chắc bị sảng, mưa gió ngập đường mà nó đóng giày da, mỗi bước nước
mỗi trào ra. Những ai từng quen biết một thằng Trọng buông tuồng cẩu thả đều
kêu đám cưới thiệt thần kỳ, vừa dự tính thôi đã ngay lập tức thay đổi một con
người. Trọng cười nhợt nhạt, thấy tuyệt vọng vì mình không thể đẹp hơn. Nó sợ
nhìn thấy hình mình in trong mắt Lê rúm ró.
Trong khoảng thời gian hai đứa mặn nồng đến nghẹt thở đó, có
một lần Trọng nổi khùng, đá cái ghế bật ngửa, bỏ đi. Lý do nó giận cũng không
giống lý do, dưới gầm trời này chẳng ai quạu chỉ vì bồ bịch sớt cho mình mớ hột
vịt muối của phần cháo trắng ăn khuya. Cả nhà Trọng quý Lê, nên lèo nhèo, “đốt
đèn cũng không kiếm ra đứa nào tốt cỡ con Lê, mê mày như mắc nợ vậy, ăn cơm
cũng lựa cho từng miếng cá”. Yêu
là yêu sao có thể là mắc nợ, Trọng nghĩ bụng vậy nhưng lừ lừ không nói,
ngồi lì chơi điện tử. Chiếc xe Trọng điều khiển như tự sát, cứ lao xuống vực
sâu.
Và chiếc xe lại hồi sinh ở vạch xuất phát trong một màn chơi
mới. Giống hệt chuyện xảy ra ở đồng diều mà Trọng với Lê đều (làm như) quên.
Nhưng đêm ấy thường trở lại, với ánh trăng chưa đến rằm nhưng vẫn đủ sáng dãi dề
trên bụng Lê khi gió thổi lật vạt áo con nhỏ lên, làm thằng bồ khổ sở kiềm giữ
cơn bứt rứt chết được. Lúc đó đồng diều vắng tanh, người ta đã cuốn dây bỏ về
lâu rồi. Hai đứa nán lại ôm nhau chút chít thêm ở giữa trăng sao và cỏ rạ. Đột
ngột không thấy trăng đâu, trời tối sầm bởi năm cái đầu chụm lại dòm đôi bồ lom lom. Một thằng rọi đèn
pin vô mặt Lê kêu :
- Ê, con nhỏ ngon quá tụi bây !
Giọng thằng cầm đèn hụt hơi, tê mê, hệt như người đói khát
nói về chim cút khìa nước dừa, hay cải ngồng xào tỏi hay tôm càng nướng trên
than đỏ. Chỉ cần cắn ngập dấu răng vào da thịt kia, những gì thơm ngọt nhất sẽ ứa
tươm môi. Những thằng còn lại cũng hết sức đồng tình, ờ, em cưng thơm phức.
Nhưng Lê không bị bọn du côn cắn miếng nào, cả chạm vào cũng
không. Chúng giữ lời hứa với Trọng, sau khi dạng háng cho Trọng luồn qua. Những
cái quần lưng sệ đáy thấp đến mức Trọng gần như trườn sát đất dưới từng thằng
người khai khẳng mùi bia mùi nước tiểu mùi loăng quăng. Cỏ đâm vào cổ, cát chảy
vào trong áo. Không thằng du côn nào cười cợt, tụi nó đạo mạo như dự một nghi lễ
quỷ thần.
Không khí nghiêm trang ấy, sau này Trọng nghĩ, là đưa tang
nó, một thằng đàn ông thảm hại
quỳ lạy, mếu máo bò sát đất, trước cái nhìn tê dại của bạn gái.
Đi khỏi đồng diều, nơi xảy ra cuộc gặp gỡ chớp nhoáng mà dài
vô tận, đám lang thang biến mất nhanh như khi đến. Diều băng rồi, người ở lại chỉ còn nắm
được cọng dây. Nỗi sợ hãi nuốt gọn tụi Trọng trong cái bụng đen ngòm
của nó, rồi nhả ra theo một cách quá dễ dàng, làm cả hai lặng đi. Về gần tới
nhà, Lê bỗng nói, mình cưới nhau nghen. Và Lê bắt đầu cuộc ân cần mà Trọng
không thể phân biệt nổi đó là vì biết ơn hay thương hại.
Không còn là cô bồ ương bướng mỗi lần cãi nhau hay bất cần bảo,
“ừ tui vậy đó, không thích thì chia tay”. Lê từng nông nổi ngang phè, nhưng Trọng
thích. Nó nhớ Lê của những ngày tháng cũ, khi móc điện thoại ra gọi cho cô, ở
chỗ cách đồng diều non cây số. Có đi tới chân trời thì mình không bao giờ ra khỏi
đó, Trọng nghĩ vậy, và nói, “Lê, mình chia tay đi”.
Mớ thiệp cưới Trọng thả xuống mương lộ đã tắt những vòng
sóng, chúng trôi yên bình, tựa lá khô củi mục. Từ phía đồng diều, những con bò
thong thả đuổi kịp Trọng, lẫn trong tiếng bò gõ móng xuống mặt đường nắng bỏng,
là giọng Lê, “Ừ, mình biết rồi !”
Đau nhoi nhói, đau nhất là khi đọc đến câu "Ừ, mình biết rồi !"... thấy hụt hãng mà bình yên đến lạ, phải chăng đó là thứ cảm xúc giống nhau chỉ khác nhau ở tên gọi....
ReplyDeleteThà kết thúc vầy, đỡ cực về sau. Chứ cái kiểu cưới nhau về, ăn chung mâm ngủ chung giường mà hai bên cứ canh cánh suy nghĩ của người kia về mình (do bản thân tưởng tượng thêm dây nhợ) còn đau ghê hơn.
ReplyDeleteEo ơi. Sao vậy trời. Tự dưng chia vậy hả trời... dau quá
ReplyDeleteTư ơi, em vừa đọc xong cuốn "Ngày mai của những ngày mai " của Tư ,hay lắm Tư à, tựa như là cuốn tạp văn hay nhất của Tư mà em từng đọc vậy . "Nước chảy về đâu" . Cuốn này mới chính là Tư, nói sợ Tư buồn chứ em cảm giác "Đong tấm lòng" không phải là Tư lắm :( . Em yêu Tư trong "Ngày mai của những ngày mai " quá chừng luôn , giống như yêu Tư trong "Sông" và "Đảo" vậy , Tư ráng mạnh khỏe nghen.
ReplyDeleteEm thích truyện này của Tư.
Sao buồn triền miên vậy em?
ReplyDeleteNếu thử viết phần khởi, vui, sống động một thời gian, biết đâu chính em sẽ vui.
Chị Linh
Cái đau trong văn chị khiến người ta day dứt mãi không thôi...
ReplyDeleteEm cảm ơn chị vì những tác phẩm thật sự xa.
Chị tả em Lê giống Đường tăng gặp yêu tinh quá :D
ReplyDeleteDạ, em chào chị Tư!
ReplyDeleteTư ơi, em và một vài người bạn rất thích đọc tác phẩm của Tư, nên đã mạo muội lập ra một trang facebook lấy tên của Tư và post những truyện của Tư đã xuất bản để chia sẻ với những người có cùng sở thích (cái này rất mong Tư đừng giận tụi em). Có nhiều người vào hỏi thăm chia sẻ, tụi em đều đính chính rõ ràng về tư cách của trang. Và cũng có rất nhiều bạn đọc hâm mộ muốn hỏi xin cách liên lạc trực tiếp với Tư.
Hôm nay em mạo muội thay mặt các bạn hỏi xin Tư cách thức để liên lạc với Tư (mail, phone...) Mong Tư sớm hồi âm. Em và các bạn rất cảm ơn!!
Thưa chị Ngọc Tư,
ReplyDeleteEm tên Nguyễn Thụy Đan. Sống bên Mỹ. Em chuyên về ngành văn học Anh-Mỹ (English literature), quen biết nhiều giáo sư, thầy giáo, và độc giả quan tâm văn học Việt Nam. Em rất ngưỡng mộ văn tài của chị. Biết trước đây chị đã cho phép và hợp tác với một số người ở đại học San Jose để tuyển dịch truyện ngắn của chị sang tiếng Anh. Em muốn xin phép dịch sách "Đảo" của chị sang tiếng Anh. Em có nhiều kinh nghiệm trong việc dịch thuật, các bản dịch tiếng Anh của em thường đựoc đăng báo, trước đây dịch từ Hán văn lẫn tiếng Việt.
Email của em là: [email protected]
Mong được liên lạc và nói chuyện thêm với chị.
Nay Kính
Nguyễn Thụy Đan