Nhiều năm trước, ở ngay chỗ
tôi nhìn người đàn ông cất vó sông, chính ông cất vó khi ấy vẫn trẻ ranh hôi nắng,
cũng đang ngó cha mình cất lên một lưới đầm đìa nước.
Đó là một thằng nhỏ háo hức.
Không ngóc ngách nào của làng cổ mà nó không thò mắt mó tay vào. Nghe gà gáy,
nó biết trúng phóc gà nhà ai, nhìn sợi mưa nó đoán nước sông Châu ngập đến mức
nào ở chân cầu, và có bao nhiêu tường vách thâm sì của những ngôi nhà trong
làng cổ được rêu lợp kín. “Phải cuối tháng chín rêu mới trổ bông”, đôi khi du
khách gặp một thằng nhỏ móc chân treo ngược trên nhánh cây bảo vậy. Rêu thơm dậy
động chỉ ít ngày là hết, cậu khoe thêm, thơm tới nỗi ông Út Gù mất ngủ, cả đêm
cứ lội bộ lang thang, tru từng chập hệt chó rừng.
Vài cái tên người làng thường
xuất hiện ơ hờ trong câu chuyện của thằng nhỏ, như những cái bẫy vô hại. Khách
tò mò, lỡ miệng hỏi ai là Út Gù, tức thì thằng nhỏ sẽ làm màn ảo thuật để ông
già bên xóm hiện ra. Nó kể vanh vách từ đời bà cố lũy người đàn ông tật nguyền ấy,
tên những con chuột ông nuôi bằng thịt mèo, và ý nghĩa của những chữ khắc trên
thềm đá trước nhà ông, món cá hũn hĩn kho quéo ưa thích. Như thằng nhỏ đã nuốt
trộng cái làng cổ này, giờ ai hỏi tới đâu nó thuộc làu tới đó.
Nhưng với một đứa háo hức
tràn ra mắt, không bao giờ nó ngừng thòm thèm, thôi cảm thấy đói ngấu những thứ
mới mẻ của cuộc đời.
Khi những mảnh ngói trong
làng không còn gợi cái ý nghĩ dưới đó giấu một lá bùa, dưới ngói chỉ là một
viên ngói khác, hay miệng giếng này không dẫn đến kho báu mà đến những bó xương
gà, thằng nhỏ chạy theo du khách để háo hức trong đó đừng chết đói. Một hướng dẫn
viên tận tụy, chẳng bao giờ xòe tay đòi tiền, bù lại, thằng nhỏ biết nước dừa ở
Maidives ngọt y như xứ nó, ở Yukon đá bào chất đống ngoài đường, và người da
đen máu cũng đỏ như thường. Họ có dình dàng bằng ba người làng bó lại, mắt nâu
hay xanh, khi xước da họ cũng nhăn mặt, rớm nước mắt. Và họ luôn luôn vô tình
làm thằng nhỏ đau.
- Ở chỗ tao, có cái tháp cao
gấp hai chục lần cái gác chuông này.
Giỡn hoài, cái tháp chuông
này cao nhứt hạng rồi, thằng nhỏ phải mất nửa tiếng mới trèo lên tới đỉnh tháp.
Ở đó có thể nhìn thấy từ đầu đến cuối làng, vượt mắt qua những khu vườn ra tận
giữa sông Châu, nơi có vài cù lao hoang tháng chạp bông lau lợp trắng. Nhưng
khách chứng minh cái tháp chuông mà thằng nhỏ tôn thờ chỉ là muỗi, khi khoe tấm
hình ngọn tháp xứ họ lên đèn ngay bên cạnh trăng sao.
Thằng nhỏ không làm sao hình
dung nổi cái thứ cao hơn gấp hai chục lần tháp chuông làng mình. Nằm ngửa, tâm
tưởng cậu lấy tháp này chồng lên tháp nọ, nhưng luôn bị mất mối nối giữa chừng.
Nó rã rời trong cái ước muốn tận mắt nhìn ngọn tháp ngạo mạn chọc ngoáy vào những
bó chớp, như những lần tuyệt vọng muốn sống trong một đêm Bắc Âu trời vẫn sáng
trưng, hay nếm thử thứ trà khiến người ta luôn mơ thấy mình bay.
Những lúc đó, thằng nhỏ ra chỗ
chân cầu ngồi nhìn cha mình cất vó. Cái bộ điệu lơ tơ mơ khi người đàn ông vươn
vai kéo gọng vó lên làm phiền nó hết sức, cả cách ông lơ đãng chẳng thèm dòm
ngó đám tôm cá quýnh lên trong lưới. “Phải mình là mình coi có con cá lạ nào lạc
vô không”, nhiều lần nó nghĩ vậy. Nhưng cha nó không thèm những tặng vật của
dòng sông, mỗi tháng ông nhận được khoản tiền lương cho cộng việc này, vậy là đủ.
Cứ mười lăm phút ông cất vó một lần cho du khách đứng coi, chụp hình. Rồi rít một
hơi thuốc, ông già buông cái vó cho ngập miệng vào sông, kệ tụi tôm cá trong lưới
thong dong đi mất. Thằng nhỏ ngờ là cái tính háo hức của mình chắc là di truyền
từ bà mẹ xưa giờ chưa từng thấy mặt. “Nhưng phải có ai đó đẻ mình ra chớ”, nó
nghĩ vậy, và bà mẹ tồn tại trong nó bằng cách ấy. Hỏi cha thì ông nói, “đất nẻ
đẻ mày”, rồi bỏ ra chòi vó.
Một ngày làm việc của ông kết
thúc, khi chuông nhà thờ đổ, và làng mở những bản hòa tấu quen thuộc, thứ nhạc
cả chục năm nay không đổi, phảng phất tựa khói nhang. Cất vó, khép cửa chòi, trên đường về nhà ghé
tiệm mua xị rượu, và lấy rượu chườm ướp cho men Xiêm ngấm vô chiêm bao. Thằng
nhỏ sinh ra đã thấy nhịp sống tẻ nhạt của cha mình, đến la rầy con cũng chẳng
câu nào mới, mười bốn năm trời chỉ ba chữ “đồ con hoang” mà trên miệng ông đã mất
dần cái âm sắc nhọn và độ rền của sự giận dữ.
Cậu nhỏ cảm thấy phiền, bởi
người cha diễn trò cất vó ngoài sông, bởi dì The hát ầu ơ cho tụi búp bê nằm
võng vang cả phố trưa, cũng là diễn cho du khách khúc ca để họ chạnh lòng quay
lại chơi ở cái làng nửa thế kỷ trôi qua vẫn cổ. Thằng nhỏ cũng chịu hết xiết
người làng cả ngày lơ đãng, kệ khách lại qua trước tiệm lụa nhà mình, nếu không
có cái quạt ve vẫy trên tay thì chẳng khác nào tượng đá. Ngay những đứa cùng
trang lứa với nó như con Hương cũng tự buộc tuổi mười bốn vào khung dệt chiếu,
chắp trân đố có mắc lỗi nào. Những trưa đi theo cái bóng của chính mình dọc
theo đường chính của làng, không khí êm đềm đến nỗi thằng nhỏ thở không ra hơi.
Nó cảm thấy mình sắp chết tới nơi.
Một bữa, thằng nhỏ nhảy chuyến
tàu sớm rời làng. Nó biết chị Cẩm sẽ đứng bên đường ray vẫy tay, như hai chục
năm nay sáng nào nghe còi tàu đằng xa chị cũng bổ nhào ra chào người cha đã bỏ
đi hồi chị còn ẳm ngửa. Dưới những tia nắng non chiếu xiên, những nhánh tay khô
khằng của chị chói lên trong cái chào mà thằng nhỏ tự vơ vào cho mình.
Rồi một xế trưa của mười bốn
năm sau, cũng chị Cẩm vẫy đón thằng nhỏ trở về. Chị không già đi mấy, nhưng thằng
nhỏ háo hức ngày xưa giờ trở thành một gã đàn ông sạm nắng, áo sứt nút, tóc phủ
vành tai, ẳm theo đứa nhỏ nói chưa sõi. Gã không kể mình đã đi đâu làm gì, kể từ
biến mất trong toa tàu sáng ấy. May thì lúc say, trong bữa giỗ hay cuộc nhậu
xình xang, khi nghe ai đó nhắc tới một thị trấn vùng biên mịt mù, gã buột miệng
“chỗ đó thiếu chút nữa là tôi đâm chết con Phấn”. Mọi người đoán Phấn chắc là vợ
gã. Nhìn hai trái chanh chai sần trên bàn tay, nghĩ mười mấy năm qua chắc thằng
nhỏ chạy xe ôm hay xe tải, xe đò, mấy công việc rày đó mai đây. Thấy sẹo vết chằng
chịt khắp người nghĩ gã chắc va chạm nhiều để kiếm miếng ăn. Ngó thằng người thừ
lừ ngồi ngoài thềm, ruồi bu không đuổi, mắt đổ ghèn không dụi, biết lòng đã hết
háo hức rồi. Giờ trộn gã với người phố cổ, sẽ không dễ nhận ra bởi cái thờ ơ ăn
lan trên gương mặt, ánh mắt.
Sáng thứ hai từ buổi đặt chân
về làng cổ, gã đi tới nhà chị Cẩm dúi con vô lòng chị, biểu “từ giờ giữ con cho
tui”. Chị nói “mười tám phút nữa tàu qua”. Gã dặn “thằng nhỏ ăn gì cũng được,
cho húp nước cơm vẫn sống như thường”. Cẩm vuốt mái tóc đứa nhỏ khét nắng, lại
nói “cha có nhìn thấy mình không ta ?”. Năm ngoái, có anh lái tàu mủi lòng trước
những cái vẫy tay, đã tìm tới và rủ Cẩm đi, nhưng chị nói tàu sắp qua, chị phải
vẫy chào cha, đi thì sợ chạy về không kịp.
Tay lái tàu ấy sáng nay chắc
vỡ mộng khi thấy chị Cẩm bồng trẻ nít đứng chào bên đường ray. Hình dung đó làm
cho cha của đứa nhỏ hài lòng.
Thằng người lừ đừ ra chòi vó,
chậm rãi đái một phát như chó đánh dấu lãnh thổ, và nói với ông già, từ giờ chỗ
này của tui. Đồ con hoang, ông già chửi, rồi xách chai đong rượu về. Thằng con
hút xong điếu thuốc, búng tàn lại sau lưng, hững hờ cất vó, không đếm xỉa coi
có gì ngoài rác nằm trong lưới. Sông Châu giờ cũng chảy bâng quơ cho có, nhìn
nước bằng mắt thường khó biết được nước xuôi phía nào.
Bóng in mặt sông, gã đốt điếu
thuốc mới, nhả ra mớ khói lờ đờ như hút thuốc cũng là một phần của hợp đồng
công việc. Từ giờ gã bắt đầu đi vào những khung hình, trở thành nhân vật chính
trong những bức ảnh mang tên “yên ả”, “thanh bình” hay “cất vó” (mặc dù trong ảnh
cũng rành rành là cất vó).
lâu lắm rôì mới thấy tư post truyện mới, bữa này vô thăm ai dè có thiệt, vui quá là vui!
ReplyDeleteEm vẫn dõi theo mỗi bài viết của chị, em thích văn chị và trong cách sống cách nghĩ của em, kể cả đôi lời tâm sự trên mạng xã hội của em đều ảnh hưởng giọng văn của chị, nghĩ đến đây em thấy hay hay
ReplyDeleteChúc chị sức khỏe
Em Hoàng
bây giờ coi cái khung hình "cất vó" bắt rợn tóc gáy :(
ReplyDeleteCô Ngọc Tư ơi, tôi tự giới thiệu là GV văn học đã tham gia cuộc tranh luận lần đầu tiên trên Tuổi Trẻ sau khi "Cánh đồng bất tận" đăng trên Văn nghệ của HNV....Số báo Tuổi Trẻ đăng ý kiến tôi chót cùng, trong số ấy có ý kiến Hữu Thỉnh đăng trên đầu trang. Số báo đó kết thúc cuộc tranh luận....Nói như vậy để Ngọc Tư biết rằng tôi là một bạn đọc tử tế của bạn. Xin vui lòng gửi cho tôi email của Ngọc Tư để tôi giới thiệu lại cho một người bạn muốn hỏi việc cô Tư.(địa chỉ của tôi là : [email protected]) ) Cảm ơn Ngọc Tư trước nha.
ReplyDelete