Địa chỉ in trên thiệp cưới có vẻ hẩm hút, kinh ông này ấp bà
kia, nhưng hóa ra rất dễ tìm. Suốt con kinh xẻ dọc vạt rừng, chỉ mỗi đám cưới
thằng Mọt. Ngay từ đầu kinh đã nghe tiếng nhạc sàn mở hết cỡ, cứ vịn theo đó mà
đi.
Không thể nhận ra thằng Mọt suốt ngày lặn ngụp nhổ bông súng
bán đang đóng bộ âu phục, dúi mũi vào gò má cô dâu cũng tây vô cùng trong tấm
hình chình ình cửa rạp. Mặt hai đứa được chỉnh sửa láng o hệt đào kép trên lịch
những năm 90. Má Mọt khoe chụp bộ ảnh này gần chục triệu, có quay phim nữa, chừng
làm lễ sẽ mở cho bà con coi. Chị mặc áo đầm vàng, mang dép Lào, chắc vô thức xỏ
nhầm.
Khách không nhịn được trầm trồ, ở rừng mà đám cưới y chang
ngoài chợ, có khi còn trội hơn ở khoản khoa trường, ồn ào. Sà vô mâm tiệc toàn
họ hàng, hỏi bà dì Bảy khỏe không, bà trả lời, ờ món này cay thiệt, nghe mùi muốn
chảy nước mắt rồi. Thấy không cạnh tranh nổi âm thanh của dàn nhạc mướn từ
ngoài huyện, khách đổi qua cách giao tiếp quen thuộc của những tiệc cưới thời
nay : ra dấu.
Hỏi thăm mới biết không phải tự dưng mà người nhà thằng Mọt
nảy ra ý tưởng làm đám cưới sang. Từ năm ngoái cưới kiểu chợ đã phả hơi thở thơm
phúc nước hoa của nó vào rừng, xuyên qua những vạt tràm, lan rộng khắp như gió
chướng. Tiếc là không thể rước dâu bằng xe mui trần, vì xứ rừng không có đường
bộ. Vào cái ngày được coi là trọng đại của đời người, vợ chồng thằng Mọt cũng
được tắm mình trong những thứ sặc sỡ nhất, gần như không có khoảng cách giữa chợ
và quê, giàu với nghèo.
Nhưng cái nghèo chỉ lồ lộ khi khách ra khỏi rạp cưới vòng ra
sau nhà. Gian bếp sắp đổ, lưng dựa hẳn vô hai cây tràm chỏi đỡ. Một bên vách
rách, thấy bịt lại bằng mấy cái bao bố tời. Nhạc vỗ mạnh, cái nhà muốn rung lắc
theo. Ba thằng Mọt nói cũng tính sửa nhà đón mùa mưa sắp tới, nhưng tiền đã dồn
vô đám cưới thằng con. Chẳng đủ đâu là đâu, phải vay thêm một mớ. Hai chục năm
nay thằng Mọt lặn ngụp sình bùn, mấy khi được hớn hở rỡ ràng như vầy để sau này
kể lại cho con cháu.
“Nhưng cô đừng có lo, đám cưới xong tụi nó dắt nhau đi Bình
Dương làm trả nợ, mấy hồi”, chắc thấy mặt khách hơi lo, ba thằng Mọt dỗ dành. Ngày
này tháng sau, ở cái thành phố công nghiệp xa xôi cách quê nhà năm trăm cây số,
đôi vợ chồng trẻ này nằm trong gian trọ hẹp như lổ mũi, nhắc hoài nhớ không anh
bữa đám cưới mình mấy thằng bên sông nhậu xỉn quá, mửa tại chỗ, nhớ không em
lúc bong bóng nổ tung cơn mưa giấy màu xuống đầu tụi mình, con nít cả xóm vỗ
tay quá chừng. Ký ức đó có làm hai đứa quên cặp giò sung phù vì tăng ca, và những
đầu ngón tay rướm máu, quên nước mưa tràn vào nhà trọ và cơm cháy thì khô nuốt
cong cổ họng ?
Thực lòng, với tư cách cô họ thằng Mọt, cảnh nó mặc com lê xanh
đọt chuối, cầm ly bia vàng tăm tăm bọt, nhìn bảnh hơn nhiều so với thằng Mọt
môi mỏ tím ngắt mà khách từng gặp dầm mưa ngồi ngoài chợ, bán mớ nhái còm nhom.
Biết đâu những gam màu u ám bôi vào cả đời thằng nhỏ, trong ký ức chỉ mỗi ngày
cưới là rực rỡ, duy nhất chói lên mỗi khi ngó lại.
Nhưng ông nội thằng Mọt không chịu nổi cái lý đó, giận lẫy bỏ
ra ngồi ngoài hậu vườn từ sáng sớm. Liếp chuối cách rừng chỉ một con mương khô
đáy, muốn đốt điếu thuốc hút cho đỡ buồn, nhưng sợ tàn lửa gây cháy rừng, nên
thôi. Thấy khách ra thăm ông già nói xóc óc, sao không ở trỏng nghe nhạc cho sướng
mà ra đây chi, mướn dàn nhạc bộn bạc, không nghe uổng tiền.
Nói vậy thôi, ra tận bìa rừng nhạc vẫn bám gót dội theo. Ông
già nói tụi chim nghe còn sợ hết hồn. Đầu mùa mưa có bầy cò về làm tổ, ông mừng
hết nước. Chim cò chịu tới ở, thành sân chim, ông già sẽ xui ba má thằng Mọt cất
quán nước bán cóc ken cho khách du lịch, đỡ nghèo. Nhưng nhạc nện suốt ba ngày
đám cưới, tối qua chim về thưa lắm.
“Không biết tụi nó có quay lại không ?”, ông nội thằng Mọt
nói. Khách tự hỏi không biết ông già đang nói tới bầy chim hay những đứa cháu
ông, nay mai đây sẽ bỏ rừng ra chợ, cày cục trả nợ cho cái đám cưới thiệt sang.
Cảm ơn Tư!
ReplyDeleteBnao c,Tu viet ve bieu dien ỏa thân ở phố đi bộ.
ReplyDeleteQuê mình giờ đám gì cũng có nhạc sống hết, đám giỗ, đám cưới, đầy tháng, sinh nhật, đám ma, thu hoạch vườn xong cũng có nhạc sống,... tiếng nhạc át hết tiếng người, từ xa nghe xôn xao dữ lắm, chỉ tội mấy người già,...
ReplyDeleteMắc cười, mà nghe nước mắt rớt cái độp. (Chữ của cô Tư đó nghen, riết bị lây luôn 😜)
ReplyDeleteĐời cũng phải một lần hoành tráng chớ.
ReplyDeleteBình Dương, Đồng Nai... Cả dòng họ gặp nhau trên đó, một bếp ga mini và hai manh chiếu, con cái để lại cho bà ngoại, bà ngoại thì buồn chuyện con cái bỏ đi hết, giải buồn bằng cách sang hàng xóm ngồi xoè từ sáng tới tối...
Cà Mau đó.