Vào buổi sáng của ngày thứ mười hai, khi kéo tấm rèm không thể đoán nổi từng
có màu gì, nhìn mặt trời ủ lửa bên dưới lớp sóng thớ lợ, Nhị tưởng đã ở đây một
trăm lẻ chín năm rồi.
Chồng, vẫn chưa ngoi lên thở.
“Lại một ngày nữa”, Nhị nghĩ, hít một hơi ở gần cuối dãy hành lang, trước
khi bước ra gieo rắc khí hậu tang thương lên quầy lễ tân, gian sảnh, con đường bên
lề biển rồi chúng nhanh chóng lan khắp bãi Côi, qua những người bán rong dọn
hàng, những chiếc ghe câu lác đác trở về. Thấm hút sạch cái thanh lành, vui
tươi của buổi sáng, Nhị thay gió muối sảng khoái bằng thứ gió oặt bất hạnh.
“Chưa thấy gì đâu. Tụi này mà gặp cậu ta là báo cô hay rồi”, một ngư phủ ẩn
mặt sau đụn khói thuốc, nói luôn ngay khi Nhị trờ tới. Vẻ như không nghe thấy,
nó nhón chân nhìn vô lòng ghe, như chồng đang rúc trốn dưới hầm nước đá đầy vãy
cá, hay ém mình giữa nùi áo xống phía ca bin.
“Gần chục bữa đâu phải ít, nằm ngoài đó cá cũng rỉa sạch”, tổn thương bởi
cái sự không được tin tưởng, anh ngư phủ xẵng giọng. Hoặc anh ta đã hết chịu nổi
mỗi buổi sáng từ biển trở về, buộc gặp một người đàn bà mà anh không biết nên
nói gì cho phải. Ngoài chửi bậy và phun những chuyện gái trai tục tĩu ra, lưỡi
của một gã ăn đầu sóng không quen uốn mình nói những lời phù phiếm. Mất tích ở
biển nhiều ngày, chỉ có đường chết, vậy thôi.
“Thì cũng phải thấy đống xương đó mới được chớ”, Nhị nói.
Nó coi cái câu rằng chồng giờ chỉ còn bó xương sạch bong là lời an ủi nghe
được, so với mấy dỗ dành kiểu “sống chết có số cả”, “trời kêu phải dạ”, mà người
bãi Côi đắp lên Nhị suốt từ buổi sáng chồng biến mất. Trưa ngày thứ hai, một du
khách đã níu Nhị lại, kể chuyện ngoài quê, thằng em họ chị ta cũng mất tích
theo bè cá trong trận bão. Ba năm nước mắt nguội, cỏ lợp trên mộ gió, ba cái giỗ
vợ con thằng nhỏ bần thần kêu hương hồn trôi giạt ấy về ăn. Một bữa coi tin tức
trên truyền hình phát hiện ra thằng đó vẫn sống nhăn răng, ở tuốt miền Giữa, đứng
cạnh con đàn bà mang bụng chửa lặc lè, mặt thiểu não đứng trước máy quay kêu ca
năm nay hạn dài bầy cừu chết ráo.
“Thấy chưa, mất tích đâu có nghĩa là đã chết”, chị nọ nói, giọng hết sức
hài lòng vì đã tưới tắm cho sinh linh vắt không ra nước mắt này một cơn mưa rào
hy vọng.
Một cơn giận vô cớ bóp nghẹt Nhị, nó muốn vả vô mặt chị ta, cho vỡ lớp son
phấn trang trí dày cộm kia ra. Giờ thì không thể lờ đi cái ý nghĩ lởn vởn quanh
nó ngay sau buổi chồng chơi sóng, rằng anh ta đang trả đũa chuyện nó thù nghịch
suốt đường đi, bởi món nợ không đòi được, bởi anh đã đưa chiếc xe máy già lạc
vài chục cây số chỉ vì “nghe đằng trước tiếng trống múa lân, tưởng gần”, và lúc
chồng vuốt cổ chân rủ thử coi giường khách sạn có êm không, Nhị đã đạp anh văng
vào vách không chút xót.
Chồng sửa soạn cho cuộc biến mất ấy ngay trước mặt Nhị, với vẻ hớn hở thường
ngày. Chơi sóng một lúc, chồng trườn lên bãi uống cạn ly nước mía trong tay Nhị,
nói muốn lặn đua với gã nào đó đằng kia, “so với phổi cá của anh thì thằng đó
là đồ bỏ”. Rồi anh hụp khỏi lớp sóng khảm bạc, một tay bịt mũi, như thể bằng
cách đó anh có thể nhịn thở lâu hơn. Ngay trước mặt Nhị. Không quẫy đạp, vùng vẫy.
Chuồi vào đáy biển như đứa trẻ tuôn vào lòng mẹ, như lá rơi về đất. Sóng trải
lên chỗ chồng vừa biến mất không có xoáy hay vết nứt gãy nào. Cả khi không thấy
chồng trồi lên lắc bờm rũ bước, Nhị chẳng chút gợn lo, trong lúc lặn chắc thằng
chả đã di chuyển sang chỗ khác, và lẫn vào đâu đó trong bầy người đang ngụp lặn
trong biển cuối hè.
Sau này đội cứu nạn bãi biển cứ dằn vặt Nhị, thấy người không trồi lên mà
cô tỉnh queo, cả buổi rồi mới báo. “Sóng gió như vầy cái xác đâu có nằm một chỗ
mà chờ”, họ nói, khi cho tàu kéo lưới quây bãi. Nhị im lặng, ghì lấy mạn tàu nhìn
mũi dãi cùng những thứ trào ngược từ dạ dày tuôn vào biển.
Chồng không theo dấu.
Ngày xám thứ ba, Nhị trèo lên dốc núi chia cắt bãi Côi với thị trấn phía
bên kia. Nó nhìn lại dãy hàng quán được chằng néo tạm bợ trước bầy ngựa gió
điên dại phi từ biển vào, mấy cái nhà vệ sinh công cộng bị mất cửa, những cây
dương mọc không hàng lối thân xăm chằng chéo những lời thề ước lẫn chửi bới
nhau, miệng cống tuôn bọt trắng lên rảnh cát sẫm màu. Chồng đang núp ở đâu đó,
đắc ý ngó Nhị mắc kẹt trong vũng lửa cuối hè, ý nghĩ đó làm nó tức điên. Với sự
đồng lõa của biển, quá dễ để đào thoát khỏi Nhị, khỏi cái vườn sầu riêng bịnh,
khoản nợ nhà băng.
Lặn xuống và biến mất.
Lần biến mất gần nhất, chồng nhảy xe theo một đoàn xiếc thú ngang qua. một
tuần sau chiếc xe vẽ một con trăn lớn cuộn quanh một con voi buồn thiu rũ vòi mửa
chồng xuống đầu dốc. Đói lả. Nhị nhìn gã đàn ông và cơm hối hả, ngờ rằng anh
không phải nhớ mình mà về, như anh giả lả khi vào đến cửa. Nó cay đắng nhận ra
không thể giữ chân chồng bằng thứ tiểu xảo kiểu như giấu tiền, giấy tờ tùy thân.
Không có mấy thứ ấy anh ta vẫn trốn đi chơi như thường.
“Thấy chưa, đã nói rồi mà”, mẹ Nhị hả hê. Bà đã không làm gì để ngăn chặn
Nhị lấy một đứa trẻ lâu năm làm chồng, giống như không làm gì khi Nhị bị đánh
đòn, ngoài cái câu ‘thấy chưa, đã nói rồi mà”. Quên cách hạnh phúc khi nhìn con
cái hạnh phúc, nhưng có một câu mẹ Nhị không quên, khi một bữa nó sẽ ưng một
anh lêu lổng trong xóm,
“Có sao đâu, miễn là thoát khỏi cái nhà này”
Lúc đó Nhị chưa biết đứa trẻ kia lớn xác từ những tùy hứng, bốc đồng. Mỗi
buổi sáng anh xách dao ra làm cỏ vườn, Nhị không chắc anh sẽ trở vô vào bữa cơm
trưa. Dao cắm lên gò mối, người thì không biết được đang chổng mông vô trận đá
gà, hay vào thị trấn theo một đám sơn đông, hay đi xa hơn qua bên kia trại Bù Mắc
coi đua ngựa. Và đói lả, lúc về.
Để coi lần này thằng chả chịu được bao lâu, Nhị nghĩ, lúc nhìn mặt trời thỏa
mãn chìm xuống sau một ngày hết mình nung đốt.
Trở về phòng, Nhị nằm lên cái hõm nệm trải giường, nơi chồng từng nằm, hãy
còn hơi ấm. Thứ hơi ấm khiến Nhị bất an, hàng mấy chục tiếng đồng hồ trôi qua rồi,
sao nó vẫn chưa chịu nguội. Nó bật dậy mở toang tủ áo, ngó vào gầm giường, ngờ
mình sẽ xông vào bóp chết chồng nếu bắt gặp anh trong đó, ngó nó cười toe với bộ
răng vàng khói thuốc, nói hay quá ta, trốn vậy mà cũng tìm ra. Nhưng ở gầm giường
chỉ vài cái bao cao su đã dùng rồi, mớ lăng quăng mang sứ mệnh nhân giống nòi
đã chết khô, và phía trên nóc tủ là cái chổi lông gà phủ bụi.
Đội cứu nạn bờ biển thông báo ngừng tìm kiếm chồng Nhị vào ngày thứ năm. Nó
dọn qua phòng rẻ nhất, tận áp mái. Ở đó chỉ có thể ngó ra biển, một thứ xa lạ với
Nhị. Nhìn sóng lao mình điên cuồng vào mõm núi bên kia, khác với vẻ thớ lợ khi
liếm vào bờ cát, Nhị hình dung dưới chân miếu Nam Hải, sẽ thấy xác sóng nằm
phơi trắng. Những cái xác hãy còn tươi, ướt, sùi bọt.
Nghe lạnh chỗ dái tai, nơi đôi bông vừa bị gỡ ra gởi lại một tiệm vàng. Ở
đó giờ chỉ còn một đốm trăng xanh tái bằng đầu ngón út, chung quanh cháy rám cả.
Vết lõm trên chiếc nệm cao su rốt cuộc không phải của chồng để lại, nó là dấu vết
của bao nhiêu người đã thuê căn phòng đó, và mặt trời mùa hè rọi qua cửa chớp
làm ra thứ hơi ấm gây hoang mang. Phát hiện đó vẫn không làm Nhị chấp nhận chuyện
chồng giờ đã lạc vào một hải lưu nào.
“Chồng tôi đâu chết dễ vậy”, Nhị nói. Dân bãi Côi chẳng nhận ra mỉa mai
trong ấy, cảm thấy sự tự ru ngủ, huyễn hoặc mình, khi người ta không thể ngay lập
tức đối diện hiện thực.
Nhưng Nhị mộng du ở bãi Côi lâu hơn họ tưởng. “Cô ghi số điện thoại lại
đây, tụi tôi sẽ gọi nếu có tin gì mới”, người của đội cứu nạn gần cạn sạch kiên
nhẫn, khi mỗi cuối chiều Nhị tì tay lên bệ cửa sổ nhìn vào văn phòng của họ, chờ
đợi như một chủ nợ.
Sự hiện diện của một con đàn bà tiều tụy làm cho bãi biển đánh mất vẻ tự
nhiên vốn có, cô ta nhắc nhớ một kẻ bất hạnh bị biển mang đi, và ai đó nói chuyện
tiếu lâm và cười lớn, nô giỡn với con chó, hay áp tay vào rốn người tình đều tự
thấy mình có vấn đề về đạo đức. Cả những du khách mới tới cũng bị cướp đi niềm
vui khi biết ngoài kia có một kẻ đang ướt lạnh nổi trôi, và chẳng có gì bảo đảm
anh ta không kéo thêm người xuống đáy chơi cho đỡ chán.
Có thể cảm nhận được mùa hè bãi Côi đang bị vữa thiu vì mình, Nhị vẫn không
từ bỏ. Hiện hình vào mỗi buổi sáng, nó gầy rộc, hệt như những kẻ bị biển cướp
người thân, nhưng trong Nhị chỉ có cảm giác bị qua mặt. Không phải mất mát.
Đôi lần nó phải chỉnh vẻ mặt mình, sao cho thật sự giống kẻ mất chồng. Nhưng sẽ không tránh được xao lãng, như đi qua
chỗ người ta trưng hải sản tươi sống trong bể kiếng, Nhị nghĩ tụi này đắt phải
biết, và việc nhận ra một vài con số thay đổi trong thực đơn quán ăn đã kéo Nhị
ra khỏi sự tập trung vào cú biến mất của chồng,
“Nay cuối tuần, hèn chi họ mài máy chém”, không nén nổi, Nhị thở hắt ra.
Những thời khắc kiểu vậy làm Nhị hơi hổ thẹn, chồng vẫn chưa tìm thấy, mình
đang đứng trước cái tang lớn của đời, sao có thể để đầu óc vào chuyện không
đâu. Một lần, Nhị đã co chân sút trái banh đang lăn về phía mình trả về phía tụi
nhỏ đang chơi. Rồi hoảng hốt nhìn quanh sợ ai đó bắt gặp hành động không phù hợp
với hiện thực vấn khăn xô này.
Người bãi Côi xui hãy thắp nhang khấn vái cho linh hồn kia sống khôn thác
thiêng dẫn thân xác tìm về, rốt cuộc khói không tới nơi. Hoặc vì lúc cắm những
chân nhang lên cát, Nhị mỉa mai nghĩ thứ này với người sống thì có tác dụng gì.
Phải không, buổi tối đó chồng đòi đi biển chơi cho bằng được, chỉ là bốc đồng
? Chồng chắc lưỡi nói biển gần vậy mà không ra tắm cho đã, không phải quá uổng
sao. Lúc đó họ ở gần ngã ba Bù Mắc, rẽ trái là con đèo dẫn về nhà, biển ở bên
phải cách đó non ba mươi cây số. Mọi thứ đang đứng về phía ham muốn bất chợt của
chồng, dãy núi tối thẫm với con đèo không cao nhưng nhiều cua tay áo, vài chiếc
miếu lạnh cất bên miệng vực chỗ những chiếc xe trôi mang theo vài chục mạng người,
đá ứa ra thứ sương đục như sữa, đèn xe chập chờn lúc sáng lúc tắt ngóm không
theo một chu kỳ nào.
“Bởi cái thứ ăn hại anh, phải đừng đi lạc thì đã tới nhà mấy kiếp”, Nhị rít
lên cho dịu bớt cơn thèm nện thứ gì đó vào gáy chồng. Nhưng Nhị chỉ có bó đậu
đũa trong tay. Thứ duy nhất Nhị lấy được từ nhà con nợ, sau chặng đường đi non
trăm cây số. Biết được mục đích của chuyến thăm, họ đã bày ra một màn kịch nheo
nhóc. Đứa trẻ nhỏ nhất treo bên vú tóp khô của mẹ, mỗi lần vuột mất lại khóc ngằn
ngặt, hai đứa lớn hơn đánh nhau giành nắm mì tôm sống, và gã đàn ông từng nhận
xấp tiền từ tay chồng Nhị thì nằm sốt, răng va vào lạch cạch vào răng.
Gói tiền đó bọc trong tờ lịch nhét vào một cái bì thư, bên ngoài gói thêm tờ
giấy báo, Nhị đưa chồng đi đáo hạn ngân hàng. Anh ghé ngang quán nước, nghe gã thợ
hồ than vợ đẻ dưới quê mà không về được, phải chi kiếm được chút vốn mở tiệm tạp
hóa lây lất qua ngày, thoát cảnh chồng đông vợ tây, chồng vỗ đùi kêu cho mượn,
tiền sẵn đây rồi. Chiều đó Nhị nổi điên, anh không thấy có lỗi còn dậm chân bỏ
ra vườn, nói “cô coi trọng tiền hơn tôi”.
Phải không, từ lúc đó anh đã lên kế hoạch một cuộc biến mất theo phương
cách độc địa nhất, khiến Nhị có khóc ra nước mắt thì cũng không thể phân biệt nổi
đó là nước mắt gì ?
Khuya của ngày thứ bảy, Nhị thức giấc sờ mặt thấy ướt, tưởng mình đã khóc
được trong lúc ngủ. Nhưng chỉ là trần nhà nứt, dột ngay mặt Nhị. Mưa đêm.
Chỉ cơn nước trời tráng mỏng, sáng ra nắng nóng vẫn đặc quánh, cả gió cũng
im. Mưa như là cơn chiêm bao của mùa hè, tỉnh dậy chẳng dấu vết nào ngoài cơn
váng vất. Lũ ruồi kéo tới đông hơn, Nhị đi tới đâu khuấy cơn lốc đen tới đó,
đôi khi nó còn chọc vào đống vỏ tôm du khách bỏ lại trên cát, như chồng đang
núp trong ấy. Cái vệt thương cảm sau lưng nó giờ đã tàn, chỉ mỗi bà già bán
vòng chuỗi hạt ngọc trai còn chắc lưỡi thở dài, ‘tội nghiệp, hồi tới đây có đôi
mà giờ còn lại mỗi mình”. Buổi tối hôm bọn Nhị tới, chóng mặt bởi rừng khách sạn
chong đèn, đã ghé hỏi bà già ở chỗ nào thì rẻ.
“Cái thằng thiệt cao ráo, vậy mới uổng chớ”, bà già xác nhận mỗi khi có ai
hỏi về người mất tích. Đó là người thứ hai chứng thực là chồng Nhị từng tới
đây, ngoài lễ tân khách sạn. Không thì cái thân xác nặng sáu mươi tư ký đó trở
nên vô hình, chưa từng tồn tại. Anh đội phó đội cứu nạn, sau những ngày vớt bọt
nước, có lần ngó Nhị với ánh nhìn một con bịnh hoang tưởng,
“Có chắc là chồng cô đã tắm ở bãi này không ?”, anh hỏi, “Nhiều người nói
thấy cô chỉ có một mình, sáng đó”
Nhị không xuống tắm. Nó lót dép ngồi trên bãi cát vừa qua cơn co thắt bởi
thủy triều, ôm bộ đồ tây của chồng trong lòng, sợ ngấm ướt. Nắng hè nhễ nhại
trên những cơ thể trơn mịn treo hờ hững hai mảnh vải nhắc Nhị nhớ vết sẹo bỏng
chảy từ vai xuống giữa lưng hồi mười tuổi, và vô số vết hằn của roi mây, vắt
ngang thân suốt từ lưng đến tận đùi. Dù chồng nói sẹo roi là Nhị ảo giác thôi,
chúng không ở đó. Rồi anh nảy ra cách chữa thương càn dở là liếm cho liền những
vết vô hình. Lưỡi chồng nhiều gai, ướt mềm, Nhị chừng như quên.
Nhưng biển nhắc nó nhớ những lằn roi. Giống như biển nhắc mấy người đàn bà
đang ngồi xa xa ngó chồng con đi giỡn nước rằng họ thảm hại quá chừng với làn
da cháy cóc cáy, những chỗ nứt rạn sau sinh, những thân hình hoặc phị mỡ hoặc
lép xẹp, những sẹo vết không đếm hết. Dè bĩu mấy cô gái ngang qua mặc đồ tắm
chi mà nhỏ xíu, “chủ yếu để khoe thân”, họ còn không nhận ra cơn thèm muốn được
hóa hình vào dãi thân thể nuột nà kia, uốn lượn giữa biển xanh với hàng trăm
con mắt ngó.
“Tắm biển hơn tắm ao ở bộ đồ hai mảnh
đó”, chồng lim dim nói lúc ăn bữa sáng. Anh đã bắt chuyện với một cô gái khi Nhị
qua đường mua bánh mì. Nhìn theo dãi thịt da nâu bóng vừa kịp bắt sáng đã tan dần
trong sóng, giọng chồng rành rẽ, “Sắp bốn mươi rồi đó, chồng bỏ, cổ buồn tình
đi biển chơi”
Nhị nghe như không, cố nuốt mẫu bánh mì chẹn ngang họng, tan nát bởi viễn cảnh
chút nữa đây trở về nhà tay không, món nợ vẫn xa vời và những cuộc điện thoại từ
ngân hàng gọi tới. Và sầu riêng sau vườn vẫn rụng ngay khi chưa đầy múi, rụng
miệt mài, đêm ngày, suốt hai mùa nay, đến chiêm bao Nhị cũng thấy sầu riêng rụng,
và mẹ nó hả hê, “thấy chưa, đã nói rồi mà”.
Buổi tối lại sau khi chồng biến mất, nhận ra lúc mình chạy đi tới văn phòng
cứu nạn, quần áo chồng đã biến mất, Nhị mới tự hỏi sao trong khoảng thời gian
chóng vánh vậy, chồng nói về người phụ nữ kia thao thao như quen biết lâu ngày.
Phải không, đó là lần đầu tiên họ gặp nhau ?
Những câu hỏi tựa sóng, cao lút đầu, vỗ mãi vào người Nhị.
day dứt quá...
ReplyDelete20/10 vui vẻ nhé Tư
ReplyDeleteThấm thía, mà "khốn khổ cái thân tôi'...
ReplyDeleteQuá hay luôn
ReplyDeletechắc là chồng theo bà cô 2 mãnh đúng không ~ đời ~
ReplyDelete