Giá của một gương mặt
Loạt phóng sự được chiếu tham khảo trong lớp học kéo dài ba mươi phút. Cảm giác nặng nề như được sao chép lại từ cái hôm truyền hình địa phương phát chương trình này lần đầu, về thực trạng bọn xấu cho vay nặng lãi trong các trường học ở thành phố. Tôi vẫn sững sốt, hoang mang khi thấy những em học trò – con nợ trốn chui nhủi, bị hành hung đánh đập, bỏ học. Vẫn giận dữ khi những đứa trẻ vênh váo nặng lời đòi nợ người đáng tuổi cha mẹ mình. Vẫn rấm rức xót lòng khi người cha nghèo khóc hức lên trước chuyện học hành dỡ dang của con cái…
Và còn nguyên nỗi buồn khi suốt loạt phóng sự điều tra, tôi chỉ nhìn thấy mặt của một bà mẹ, cái gáy của một nam sinh, còn lại là những gương mặt nạn nhân được bộ phận kỹ thuật đài truyền hình làm mờ nhòe nhoẹt. Thầy đứng lớp xem xong, cười buồn, “sao tôi thấy chúng ta chiến đấu với cái xấu mà mờ ám thế nào ấy…”. Bạn, người thực hiện những phóng sự này cũng cười trừ, bạn không làm khác được, bạn phải bảo vệ nhân chứng của mình, ai mà biết trước băng đảng cho vay nặng lãi, dùng bạo lực hành hung theo kiểu xã hội đen kia chúng sẽ dùng thủ đoạn nào để trả thù.
Bạn làm báo, tất nhiên bạn muốn ghi hình những đứa trẻ đang sợ sệt kia, vẽ gầy rộc, lo lắng, buồn bã trên khuôn mặt non nớt, trong trẻo và ngơ ngác. Cái cúi nhìn xuống chân thui thủi. Cái cắn môi đỏ nhừ. Giọt nước mắt hối lỗi cho sự nông nổi. Hay những nếp nhăn sâu hoắm, chảy tràn chua xót trên mặt của một người cha. Bạn muốn người xem cũng ám ảnh nỗi đau, sự bàng hoàng, hoang mang trên gương mặt của từng nạn nhân… như chính bạn đã từng. Hơn ai hết, bạn muốn tác phẩm của mình ấn tượng hơn nữa, đánh động dư luận hơn, vòng sóng lan rộng hơn đến mọi tầng lớp xã hội, và cuộc chiến chống cái xấu được thêm nhiều sức mạnh.
Buổi học chiều đó bạn có vẻ buồn, trong cách nói của thầy, dường như thầy nghĩ bạn sợ. Bạn ít nói, nên cũng không đứng lên mà thưa rằng, bạn không sợ. Chỉ là bạn không tin, và những người giấu mặt trong phóng sự kia càng không tin mình sẽ được bảo vệ bởi hệ thống luật pháp nhợt nhạt, vẫn chạy lẹt đẹt đằng sau bọn tội phạm, và lúc xảy ra chuyện trù dập, trả thù, người ta lại ngơ ngác “rất bất ngờ với hành động dã man, coi thường luật pháp…”. Chao ui, các anh có súng mà bất ngờ thì chúng tôi tay không biết làm sao ?
Thay vì ngăn chặn một vết thương, người ta chỉ biết làm công việc cầm máu. Băng bó, ràng rịt bằng thứ thuốc nào thì ở đó vẫn có một vết sẹo. Lòng tin cũng vì vậy mà mất mát, vợi đi. Tôi không biết, để được thấy những gương mặt đáng thương trong phóng sự kia, phải đổi bằng gì ? Bao nhiêu lòng tin thì đủ ? Mất bao nhiêu thời gian ?
Lúc bạn tôi ngồi dựng những đoạn phim này, và xóa nhòa những gương mặt đó, thì vết sẹo ở trong chính bạn cũng xé miệng và rướm máu. Bạn đang thực hiện một tác phẩm tuyên chiến với cái ác, nhưng chỉ có bọn xấu lởn vởn trong những khung hình. Tôi, trong vai một khán giả mà còn hí húi đau.
Chiều nay thầy cũng buồn, trong bài giảng của mình, thầy nói về sự tối cần thiết nắm bắt cái thần của nhân vật được phỏng vấn, của những nhân chứng sống, lúc họ thật nhất, bộc lộ mình rõ nhất sự dối trá, nỗi đau, niềm vui, hay khi bối rối, ngập ngừng… Những bộ phim thầy mang tới lớp, người được phỏng vấn đều nguyên vẹn mặt, họ nhìn thẳng, cười, đôi khi đau đáu, đôi khi ôm ngực nấc lên, trực diện với những sai lầm trong quá khứ. Nhưng nhìn những dòng chữ bên dưới màn hình “Đồng chí XZ, nguyên chủ tịch…”, bỗng nghĩ, họ cất tiếng nói khi đã rất già, đã không còn gì để mất, nhưng cái hồi họ tại vị họ có dám nói điều đó không, họ có gương mặt đó không ? Hay là họ sẽ nói bằng suy nghĩ, tiếng nói của người khác và giấu đi mặt thật của mình ?
Họ khi đó, cũng không còn mặt, theo một cách khác, không cần một can thiệp kỹ thuật nào. Thầy, trò cùng lặng lẽ trước sự thật, không phải lúc nào người ta cũng đối diện cuộc đời, để chiến đấu bảo vệ lẽ phải, bởi chính bản thân họ chưa được lẽ phải bảo vệ. Để đến một ngày, bỗng một gương mặt thật cũng là sự mất mát, là nỗi khao khát thèm thuồng được nhìn thấy lại, như được nhìn chút bình an bắt đầu tái sinh ở nơi lòng…
Một Trăm Độ xin được đưa bài này của Sầu Riêng lên Tiêu điểm.
ReplyDeleteCam on sau rieng da viet len nhung su that, va da khong che day luong tam cua minh.
ReplyDelete"họ cất tiếng nói khi đã rất già, đã không còn gì để mất, nhưng cái hồi họ tại vị họ có dám nói điều đó không, họ có gương mặt đó không ? Hay là họ sẽ nói bằng suy nghĩ, tiếng nói của người khác và giấu đi mặt thật của mình ?"
ReplyDeleteĐó cũng là suy nghĩ của tôi trong những ngày gần đây. Giá như có nhiều người nói và làm đúng như những suy nghĩ của chính mình thì chắc cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Ai bắt họ phải làm thế nhỉ? Chị Tư biết không?!
Tịnh Không.
Tôi vừa đọc lại tiểu thuyết Bố già của Puzzo, đọc bài viết của bạn thấy sao đúng quá. Lão chủ xe đòn đã cầu việc công lý của pháp luật và công lý đã được thực thi, nhưng đó là sự giễu cợt đối với nạn nhân. Nhưng họ còn có bố già mà nhờ vả, ta nhờ ai đây, Tư ơi!
ReplyDeleteCang viet cang co cam giac nhan` nha.t
ReplyDelete