Mar 29, 2009

Cho em còn chút… ngạc nhiên

Bài này của bạn Cao An, hỏng phải tui đâu nghen, vì tui có tới 2 bà chị dâu mần ở bệnh viện. Với lại sau này tui phải vô đó mà mấy ảnh chỉ... mần thơ là tui chết chắc :) Đó là chưa kể tui bị... vỡ kế hoạch, phải sinh lần nữa, hic... 

Nhớ, có lần bạn gọi điện thoại cho mình, một hai kêu lên Sài Gòn sinh. Mình cười, “Bà con mình sống sao em vậy, họ có đi Sài Gòn đâu mà con nít cũng lủ khủ ra đời…”. Lúc đó nói giỡn chơi, chỉ là ngại đất lạ, đường xa, chứ không phải ta đây “hòa mình vào quần chúng” gì đâu. Nghĩ tới một bệnh viện sạch đẹp, thiết bị y tế hiện đại, những y bác sỹ luôn tươi cười cũng thèm lịm người.

Nhưng rồi mình lại chọn một bệnh viện công buồn hiu. Đêm đó người ta tổ chức một chiếu nhậu ở văn phòng bệnh viện, các anh chị y bác sỹ vừa trực phiên nhàn nhã đầu năm vừa hát karaoke. Dàn âm thanh bệnh viện tốt ghê, trắng đêm mình nằm nghe nào là “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”, nào là “anh sẽ về khi mùa xuân đơm hoa trước ngõ…”, rồi thì “chim kêu, chim kêu…”, mình ngạc nhiên lắm, nơi này dường như không hợp cho việc hát ca.

Ngạc nhiên nữa, là mình vẫn còn biết… ngạc nhiên. Cứ nghĩ mình trơ, không còn bật ngửa khi nghe những chuyện giật gân kiểu như anh em chém nhau giành tấc đất, người kia đi dạo phố bị móc túi lấy mất bốn tỉ đồng, anh nọ ăn bóng đèn dây tóc… Nhưng đôi lúc những bệnh viện mình đã từng qua đã an ủi mình, rằng cái cảm xúc ngạc nhiên của mình vẫn còn dồi dào lắm, thưa mình. 

Nên có lần mình đứng đờ ra chứng kiến một bệnh nhân rã rượi rời khỏi phòng cấp cứu. Chị tự tử bằng thuốc trừ sâu, thím hàng xóm cùng chỗ trọ hụp hửi kéo chị tới bệnh viện, “bác sỹ cứu giùm con nhỏ dại dột này, nó mà chết rồi bỏ thằng con non nớt không biết sống sao…”. Lúc chuẩn bị bơm súc rửa dạ dày, chị giãy dụa quá, không có người thân để kềm giữ ngoài bà già láng giềng hom hem, bác sỹ để cho chị về vì thái độ “bất hợp tác”. Bước vài ba bước lại chực khuỵu xuống, chị xiêu vẹo ra đường, thím hàng xóm tuyệt vọng bởi sau lưng cô hộ lý đã giận dỗi sập cửa lại rồi.

Mình ngẩn ngơ, chị ấy sẽ chết mặc dù có thể cứu được. Không ai cho chị thêm thời gian và cơ hội để làm lại, để ôm đứa con vào lòng, ân hận về sự nông nổi của mình, để thấy cuộc sống không bao giờ là vô nghĩa. Làm được việc đó, trước hết, chị phải sống cái đã.

Nhưng những bàn tay giữ sống cho chị không nắm chặt. Những bàn tay đã chìa ra nhưng có vẻ quá hờ hững. Và lơ đãng, như đã có anh đau dạ dày mà được phẫu thuật tháo khớp tay. Nhiều trường hợp tự chuyển viện về tuyến trên chỉ vì lý do giản dị, “chuyện sống chết mong manh vậy mà thấy mấy y bác sỹ đi đứng chậm rì, lờ đờ y như làm… thơ”, hay “chị y tá đang đo huyết áp mà cứ day qua nói chuyện... phim Hàn Quốc”. Bệnh nhân nản lòng, không phải vì thiếu máy móc thiết bị, thiếu người giỏi chuyên môn, mà thiếu sự nồng ấm của bàn tay, ánh mắt. Mình có lần vào viện gặp một vụ hờ hững, anh bảo sốt như vầy thì nằm viện làm gì, cứ tới phòng khám của anh, ở địa chỉ xyz này, vào giờ này này. Bàn tay anh đưa danh thiếp, bỗng dưng nó thắm thiết, nồng nhiệt lạ lùng. 

Những chuyện ấy người ấy nghề ấy đã làm mình thấy lạ, bởi họ đang làm công việc dắt tay mình ra khỏi nỗi đau thể xác, khỏi bờ vực chết, nhưng rồi không biết vì mất tập trung, mệt mỏi, giận dỗi, hay vì lý do nào đó bất ngờ họ để mình rơi xuống vực. Rơi như một cái lá chứ không phải như một con người. 

Có lẽ mình sẽ hết ngạc nhiên, trên đường rơi vào đất chết. Hơi muộn màng. Muộn hơn cái chị cùng tuổi nằm giường cạnh mình, chuyển dạ đúng giao thừa, mấy cô mụ đỡ bảo chị cố… chờ, để mấy cô ra sân xem pháo hoa tí, rồi hãy sinh. Mình nghe kể tình tiết kỳ quặc này mắt tròn mắt dẹt. Nhưng chị, người đi biển một mình (thì lúc đó trong phòng sinh còn người nào nữa đâu), lại không một chút ngạc nhiên, “lần trước mấy cô hộ sinh quạu quọ nạt nộ dữ lắm, mấy cô này vui vẻ hơn…”. 

Phòng bệnh ruồi muỗi bay rợp, chị không chút phàn nàn. Lần sinh trước, chị phải nằm chung giường với một bà mẹ khác, nằm bằng bề cạnh, nghiêng người suốt năm ngày đêm. Nên giờ dù lời ca tiếng nhạc đang lùng bùng dội vào tai, chị vẫn ôm em bé ngủ ngon lành, có gì lạ đâu so với những phòng bệnh quánh đặc hơi người, ra rả tiếng bán rao bán trà đường phê đá, bắp luộc, bánh mì nóng giòn… mà chị đã từng qua.  

Mình thao thức, vì còn thấy lạ. Rồi mai kia, mình cũng như chị, như hàng ngàn, hàng triệu người khác, không còn ngạc nhiên gì hết… 

Điều đó vui, hay buồn ?! 

6 comments:

  1. Chuyện gì cũng tin được nhưng đến chuyện đau ruột thừa tháo khớp thì có thiệt không bà ? Không thiệt ngành y tế kiện ráng chịu à !

    ReplyDelete
  2. Hỏng thiệt. Đau dạ dày mà tháo khớp tay mới thiệt. Vụ này báo in rùi ông

    ReplyDelete
  3. Tình thiệt nhiều lúc không muốn đọc Nguyễn Ngọc Tư nữa! Đọc rồi ba cái chuyện sầu riêng bổng dưng thành cái chuyện sầu chung! Bần thần cả ngày. Đêm đến lại mất ngủ. Xì-trét vài ba hôm! Trời! Nếu tôi quay lưng được với cái blog này thì chắc tôi phải cúng nãi chuối quá...

    ReplyDelete
  4. Anonymous3/31/2009

    chị ơi đọc xong buồn hẳn cả người...Chắc chị viết mà lòng cũng buồn nhiều lắm! Mong sao có cô bác sĩ, chị y tá nào vô đọc được mấy dòng này.

    ReplyDelete
  5. Buon, nhung khong ngac nhien, chuyen thuong ngay o tat ca moi mien. Biet roi, kho lam, dau lam... nhung cu noi di nghen moi nguoi.

    ReplyDelete
  6. Em cũng buồn vì em cũng làm ngành y tế, dù không phải trong BV, và cũng không phải ngành Y. Nhưng mà nhiều khi em tự hỏi, người ta cứ nhìn vào những nhân viên y tế, đánh đồng tất cả như một thì những người tận tụy, những người hết lòng khổ sở biết chừng nào. Em thấy báo chí nhiều khi cũng hay nói quá, mọi người tin thiệt, thành ra lại ác cảm. Chị Tư thấy sao ạ?

    ReplyDelete