May 24, 2009

Mỏi nhìn cây cỏ…




Cho tới khi những hạt mưa mùa rụng xuống nơi hoa rụng thì tigon đã bò đầy giàn trước sân nhà, lá hoa đan kín. 

Cái hồi dây mới bò một đoạn có anh thu tiền điện ghé qua, anh nói thứ tigon này lúc sắp tàn nhìn xấu lắm. Chị bạn tới chơi cũng chê bai, hơi sức đâu mà quét bông rụng bông rơi, sao không trồng thiên lý để hái bông ăn luôn cho tiện. Mình bị lung lạc, lấy dao ra chặt gốc dây tigon, dù trong lòng thấy mình cũng dở khi mà trước hoa lại toan tính thiệt hơn, vừa mới trồng cây đã lo ngày cây tàn. 

Rồi cũng qua cơn áy náy, người ta hay quên tội lỗi của mình chỉ bằng cái chắc lưỡi, phẩy tay. Vắng nhà hơn một tháng, về thấy từ gốc tigon còn lại mọc ra những nhánh mới và chúng đã bò vượt khỏi đầu, đi tới đâu trổ hoa tới đó, như thể cây dùng hoa để chiêu dụ người, để người đừng phủ phàng xách dao ra chặt lần nữa. Mà đúng là không đành lòng trước những chùm hoa líu ríu mong manh, mình để chúng tự do lan trên giàn. Những chiều đứng ngắm khoảng sân bỗng nghĩ mình đối với cây tệ đến vậy, từng muốn hủy diệt nó, vậy mà cây vẫn hồn nhiên sống tiếp và trổ hoa tặng mình.

Chắc mình nhớ tới phép nhân hóa học hồi xưa, chớ cây cỏ sao biết lấy ơn trả oán (chuyện này con người nhiều khi còn không làm được, huống chi…). Chỉ là đất, nước, mặt trời… làm cây cỏ tốt tươi, ra lá trổ hoa như bản năng vốn có để sinh tồn. Nhưng việc sống còn hồn nhiên đó nhiều khi làm mình giật mình. Bị vùi dưới lằn bánh xe, bị chà đạp bởi bước chân người, bị máy cắt xén… rồi lại xanh mượt, lại trổ bông, ôi cây cỏ kia cứ mãnh liệt sống tới nao lòng. 

Người sống tự nhiên kiểu người, cỏ cây sống tự nhiên kiểu cỏ cây, mà đi cùng nhau đôi lúc người còn thấy mình thấp, tự nhiên. Vậy mà người còn tự làm mình thấp hơn nữa, họ chơi phong lan cho ra vẻ… sang, họ trồng mai, phát tài vì muốn lấy hên, trồng trường sinh để cầu sống dai… Trồng một cái cây không phải vì tình yêu cây cỏ, vì vẻ đẹp của nó hay do tha thiết với thiên nhiên mà trồng vì tô vẽ cho mình. 

Ông ngoại mình xưa cũng trồng xoài trồng ổi những mong cây nhiều trái cho con cháu ăn. Tay ông thật thà chai, mồ hôi thật thà đổ. Lứa trái đầu tiên xao xuyến như cây và người chịu ơn nhau. Cây già theo ông, cây không ra trái nữa, không vì thế mà ông ngoại đốn bỏ. Ngày ông chết, cây quanh nhà cũng phơ phất mảnh vải chịu tang. Trồng một cái cây hình như ai cũng có mưu cầu, chỉ khác nhau là một bên yêu chúng thật lòng, một bên chỉ mượn chúng để khoác cho mình tấm áo.

Những cây ô rô mọc theo mé sông, những cây lứt dại bên đường, những cây cỏ mực, cây nhãn lồng, mỏ quạ… mọc hoang trong vườn, hay hàng trăm thứ cây cỏ khác không ai trồng tưới, chăm bón, chúng vẫn cho người những món ăn, phương thuốc, làm an ủi cái bụng đói, dịu những cơn đau, có toan tính gì đâu. Ấy, mình lại dùng phép nhân hóa.

Thậm chí mình còn nghĩ cỏ cây biết cười. Ở quán café vỉa hè chỗ mình người ta đang kể một chuyện trồng cây nhân ngày sinh nhật Bác. Ban đầu dự tính chú bí thư trồng cây ở khu nhà sàn (mô hình tưởng niệm) Bác Hồ, nên bên nông nghiệp định mua bọ cạp nước, thiên tuế cho hợp với phối cảnh chung. Chú chủ tịch sẽ trồng cây sao trong khuôn viên bệnh viện. Chuyện suôn sẻ nếu như không có người thắc mắc, sao cây bí thư trồng lại thấp hơn cây chủ tịch. Mọi người lại phải cuống cuồng nghĩ coi cây nào thì tôn vinh chú bí thư. Cuối cùng, chú ấy trồng… cau vua. 

Hỏi coi cây có nhịn được cười không, hay là cây khóc ? Mình tưởng tượng ra chuyện vầy, một hôm nào đó, mấy chú ấy bứng cây ở nhà mình - những cái cây mà mỗi ngày sau giờ làm việc họ từng nâng niu chăm sóc - họ đem đến trồng ở trường học, bệnh viện hay công viên nào đó, ở những nơi nhiều trẻ con chơi, ở những con đường chang chói nắng. Họ trồng cây âm thầm, âm thầm viết ỷ niệm đời mình lên đất, âm thầm vui khi đi qua tán cây mát rượi mà bàn tay mình đã vun xới một năm xưa.

Họ không chờ đến những ngày lễ lớn, không cần truyền thông đến đưa tin. Họ có thể trồng cây bất cứ chủ nhật nào trong năm, trồng vì yêu thương cây cỏ chớ không phải trồng để trình diễn. 

5 comments:

  1. doc thay thuong qua . chot nho toi vuon hoa cuaMa tui ghe.

    ReplyDelete
  2. Văn chị Tư rất riêng, đọc mãi .. mà buồn buồn ..

    ReplyDelete
  3. Anonymous5/27/2009

    Cô nói nghe sao mà buồn quá, lúc trước nhà con có nguyên cái vườn rau nhưng khi chuyển nhà thì dẹp mất tiêu. Con đã thôi không buồn nữa nhưng khi đọc bài này con lại nhớ cái máng hồ trồng rau ấy quá chừng!...

    ReplyDelete
  4. Anonymous5/27/2009

    Hoa mùa hạ
    Trên đời ai từng thấy hoa mùa hạ?
    Trên đời ai đã từng thấy thời gian qua?
    Hè đến phượng nở hoa, cả đất trời bừng nắng.
    Phượng vẫn nở đỏ, mặc kệ sân trường vắng!
    Hoa phượng là hoa cuả mùa hạ,
    Là hoa của phần đời ta đã qua...
    ***
    Tự nhiên thấy hợp hợp chủ đề nên thảy dô, không có ý bon chen à nha, thiệt tình lắm à, có sao nói vậy. Híhí!

    ReplyDelete
  5. "...Lứa trái đầu tiên xao xuyến như cây và người chịu ơn nhau." Chị ơi, có bao nhiêu người có "cái nhìn" như vậy đâu? Đọc chị em thấy hình như mình bỏ qua nhiều thứ quá, vô tình lẫn vô tâm, chị "soi" xuyên hết trơn hết trọi... mà sao chị chứa hết từng ấy thứ trong người được vậy? Đôi khi thấy 1phần nhỏ trong đó đã quá sức của mình rồi. Em đọc chị từ CĐBT, nao lòng trước những câu văn, đau trước những tấm lòng mà mỗi nhân vật của chị mang, tự hỏi sao 1con người có thể mang trong lòng từng ấy nỗi đau, cảm thấy nghẹt thở và se thắt và gục ngã... mà những con người ấy vẫn bình thản đau... Em là một đọc giả yêu thích chị, thèm được trao đổi với chị, thèm được biết những cảm nhận, những cái nhìn của chị về cuộc sống, thèm được gặp và hỏi chị cái này cái nọ, để em biết được mình nên sống làm sao cho phải- nhiều lúc thấy rối bời bời. Em cũng có ôm ấp nguyện vọng viết thư cho chị, ghé thăm nhà chị nếu có dịp đến Cà Mau... em vừa khám phá ra Blog của chị thôi, nên tạo 1cái mà chưa đầu tư gì cho nó cả, em cũng thấy chị có quá nhiều comment, quá bận rộn, có lẽ cũng khó để trả lời hết thảy mọi người... hehe. Năm mới sắp đến rồi em chúc chị và cả nhà thật nhiều sức khỏe, hai nhóc của chị hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, thông minh...năm mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc!

    ReplyDelete