Cương quyết viết một cái gì đó vui thiệt vui, chớ bạn bè ghé thăm than nhà này giống cái chùa quá rồi, buồn chi mà buồn dữ vậy trời ? Đây, cái này vui nè... (thấy màu tím là biết rồi, hén)
Một vài buổi sáng khi mở tầng tầng lớp lớp những ổ khóa cửa, tôi tính đâu đêm qua nhà tôi đã trôi ra khỏi thành phố rồi.
Lúc đó ngoài đường có vài người đàn ông quần cụt đóng phèn, quảy túi câu thả đi qua, tay xách đòng đưa giỏ cá, ôm thêm mấy cái lờ, lọp. Cả người họ ướt, tóc ướt chảy xuống gương mặt ướt. Họ đi lủi thủi về phía cuối đường, nơi có một đám lau sậy chắn ngang, họ vạch mớ cỏ cây hoang dã đó ra, chui vào và mất hút.
Cũng có khi thấy vài người phụ nữ bước ra từ bức rèm lau lách, đội thúng rau đi ngang nhà. Nước từ những mớ rau cải chảy tong tong. Có mấy đứa nhỏ lắc xắc chạy theo, da đen và tóc cháy, người cũng ướt đẫm vì va quệt phải sương sớm còn đẫm ướt.
Tôi nhớ cái xóm ngoại ô của mình, những buổi sớm, ngoài đường cũng có những người đi giống hệt như vầy. Chỉ khác là khung cảnh xung quanh chúng tôi là vườn ruộng, bên đường là một con kinh. Nhưng ở chỗ này, khi cánh cửa mở bằng một góc một trăm tám mươi độ, tôi sẽ thấy tấm panô lớn vẽ quy hoạch khu tái định cư phường x, như một lời hứa hẹn sẽ rất hiện đại và sang trọng, với quãng trường, trung tâm hành chính, những trường cấp một, hai, ba. Hoặc khi tò mò dõi theo coi những người ướt nhẹp đó đi đâu, mắt tôi phải trượt dài theo những dãy nhà cao ngệu. Nhà tôi không trôi đi đâu hết, nó vẫn nằm trong thành phố, chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy hai cây số về hướng Đông, theo đường chim bay.
Và những người nương náu trong lau sậy cũng quá gần tôi, đến nỗi ngày nào cũng có những con chó cò chó vện mặt mũi giang hồ chạy ra chọc ghẹo đám chó kiểng xinh đẹp thơm tho, cho dậy động cả xóm lên, rồi tung tăng đắc thắng chạy về, co chân bậy một phát đánh dấu lãnh thổ của mình trước khi mất hút. Ngày nào tôi cũng thấy những đứa trẻ từ trong đó chui ra đi tới cửa hàng ngoài này mua kẹo, chai nước tương, đường cát, tiêu tỏi hay bột ngọt… Khu quy hoạch vẫn còn dang dở, mở đường tới đâu người ta xây cất nhà theo tới đó, hết đường thì sậy mọc che giấu những thân phận bí ẩn khác. Lần theo những lối mòn nhỏ xíu, lần theo những sợi dây điện máng lòng thòng trên mấy đọt tre khô, hay mấy cây so đũa… sẽ gặp nhà, gặp người. Họ từ nơi khác trôi giạt tới, hay họ đã từng là chủ của những mảnh đất này, khi nó còn là đồng ruộng. Và giờ họ đi trên nó như những người khách lạc lõng buồn bã. Mai kia con đường nhựa xuyên thẳng qua cái hàng rào lau sậy đó, họ sẽ nấp xa hơn trong một đám lau sậy xa hơn, hoặc vĩnh viễn rời đi, hoặc phải cất nhà lầu (bằng tiền bán đất, hay bán cá, bán rau…).
Bởi trong khu quy hoạch, có những con đường nhất thiết phải cất nhà cao ba, hay bốn tầng. Nhiều chiều rủ thằng con đi dạo, chào hỏi người này người kia đôi ba câu, mới hay cả một con đường không có nhà nào đã từng sống ở đây, trước quy hoạch. Khu tái định cư này thực chất đã bỏ chữ “tái” ở lại quán phở bò.
“Ở nhà lầu mà đi cắm câu còn kỳ cục hơn là đi cắm câu trên đường nhựa”, có lần kêu một thím trong xóm sậy mua bó cải xanh, thím nói vậy. Chúng tôi ngồi ở nơi xưa là miếng ruộng của thím và thím nói, lần nào đi qua cũng nhớ chuyện hồi đó… Đất bán hết, tiền sắm cho đứa này chiếc xe, cho đứa kia miếng nền ra riêng, ở lại tạm bợ trên vườn cũ, bao giờ người ta lấn tới, thì mình đi.
Nhưng cũng có những người trong xóm sậy lại có hoàn cảnh khác, họ giữ lại được nền nhà, dành dụm được ít tiền để cất nhà gởi ngân hàng, nhưng chờ năm này qua tháng nọ, con đường nhất định không bước tới là không. Chờ đợi lâu và tiền cũng hao hớt, họ lo khi người ta cho xe ủi mở đường, cặm cột điện ngang qua mảnh đất còn chút xíu của mình, có khi mình cũng phải cắm bảng bán nền.
Họ chạy xe ôm, chờ đợi.Họ cuốc đất trồng rau quanh nhà, chờ đợi. Họ đi cắm câu đặt lọp ở một nơi cũng đã được quy hoạch rồi, nhưng vẫn còn đầy ao đìa, đồng trũng, họ chờ đợi. Một sự mất mát nào đó sẽ tới. Họ không phát quang đám sậy che chắn quanh, tôi tự hỏi không biết họ làm biếng, hay khi cỏ cây rạp xuống, phơi bày cuộc sống là một nỗi đau, và chúng tôi có trông thấy nhau thì phía họ cũng bị quên lãng, bị gãy rời.
Chỉ đôi khi dậy sớm, tôi nhìn thấy những con người đen đúa ướt đầm đi qua cửa, họ không cười, nhanh nhanh và lầm lũi, họ không nhìn quanh chỉ đăm đăm hướng về phía lau sậy mịt mùng. Lúc đó, mới nhớ họ vẫn còn ở đó, rất gần.
(Bài đăng Sì gòn Tê Tái)
Chị ơi, đọc bài này xong thầy buồn quá chừng. Bây giờ cái gì trong cuộc sống này cũng mong manh và bấp bênh, ngay cả nơi chôn nhau cắt rốn cũng trôi đi đâu... Riết rồi 9x, 10x ... sẽ như dân Mỹ, thích đổi nơi ở theo mùa ...
ReplyDeleteMới hay, con người là một giống loài cô đơn và độc ác. Người nghèo phải cô đơn để che giấu cái nghèo, kẻ giàu thường độc ác vì phô trương cái giàu. Và chẳng ai thấy nỗi đau của nhau. Đời vẫn vui là vậy.
ReplyDelete4 ơi, đọc entry cua 4 , tưởng đâu sẽ được ăn kẹo, té ra lại phải ...uống thuốc!!! hehehe.
ReplyDeleteTheo tui, 4 cứ mãi lo ra mấy chuyện xã hội, chuyện ...đương thời thì những người mến mộ còn uống thuốc dài dài. Tui đang chờ những viên thuốc bọc đường của 4 "lối ra cho những bức xúc của 4 & của cả những nhân vật của 4".Chúc 4 cuối tuần vui vẻ nhé!
Trời ơi, chuyện này ai vui vậy?
ReplyDeleteMột lúc nào đó sẻ không còn màu xanh trên trái đất này , thì loài người chúng ta sẻ sống như thê nào Tư có biết không ...?
ReplyDeleteVui đâu chả thấy, chỉ thấy cái ổ khoá vô duyên giữa khung trời, Tư chưa nói đến hàng rào à nha ...
ReplyDeleteĐọc cái này hổng thấy vui gì hết! Chị Tư mà bỏ được nỗi buồn thì chắc không viết văn được nữa đâu...(nói đùa chị đừng có rầy nha!)
ReplyDeleteChị Tư à,em mới đi xem vở Kịch Cánh đồng bất tận về nè, nên viết comment cho chị luôn. Các nhân vật đều đóng rất đạt,dĩ nhiên không hòan tòan theo nguyên tác nhưng chấp nhận được. Có điều dường như khi đọc truyện em nghĩ nhân vật Nương khác đi, giờ Cát Phượng đóng thấy không giống, thấy tiếc tiếc. Mà ngẫm lại cũng có lý để cho vở bớt nặng nề hơn, khi có vài chi tiết hài hài...nhưng mà vẫn thấy tiếc! hic.
Thích cậu bé đóng vai Điền chị à! Người đóng vai người chồng cũng rất đạt, cô Sương cũng hay luôn! cả 2 bé đóng vai Điền và Nương lúc nhỏ cũng rất dễ thương, có nhiều lời thọai đắt.Nói chung mua vé đi xem kịch này không tiếc chút nào...hihi (Nói nhỏ chị nghe là sân khấu 5B kín chỗ ngồi luôn đó)!
Chúc chị cuối tuần vui vẻ, bình an!
Chuyện vẫn đầy rẫy ra đấy, trơ lì ra đấy... Đời nó thế.
ReplyDeletezầy mà nói vui!!!
ReplyDeleteChị viết đọc thì chẳng thấy từ nào buồn bã, nhưng cứ ... đắng đắng!
chị nói là hổng viết chuyện buồn mà sao... đọc vẫn cứ thấy xốn xang
ReplyDeleteCu vay di nho Tu oi, chi thich nhung bai viet cua nho, neu moi nguoi thay duoc cai buon cua nho, vay la vui roi vi biet rang van con do nhung tam long dang tran tro cho dat nuoc va dan toc nay. Ne nho, co ra them cuon tan van nao chua, neu co thi cho moi nguoi biet de mua ve nghen, con chua thi mau mau cho ra di nho.
ReplyDeleteCó nhiều cách để đóng góp cho đất nước, chị vẫn đang làm đấy thôi, xin cám ơn chị!
ReplyDeleteHồi còn phổ thông rất ghét môn văn (có lẽ do cách dạy văn của thầy cô nhàm chán qúa) sau này lại học kỹ thuật nhưng bây giờ lại thích đọc văn. Phong cách chị viết và sử dụng từ ngữ rất ư là nam bộ ( miền Tây thì chính xác hơn). Mình rất thích và thường hay đọc truyện của chị. Mình cũng là người miền tây mà chắc k phải vây, mà là tất cả mọi người đều thích.
Trời! Tư kể vầy mà kêu là vui vui và còn để chữ tím tím nữa...đọc xong thấy buồn tím tái...(quên mất: tái rớt ở quán phở rồi) bữa nào Tư đổi viết bằng chữ xanh thôi, chứ hy vọng Tư viết chút gì đó vui vui chắc không tới được rồi! :)
ReplyDeleteIm hơi lặng tiếng wá vậy cô? Sao cô không ghi gì nữa?
ReplyDeleteRồi sẽ còn buồn hơn nữa đó Tư, người ta mơ màng về một đô thị cấp 2 mà bây giờ những có những tiêu chí cấp 3, 4 .vẫn còn NỢ. Cái vùng mà Tư nói ấy, nếu không phải là nơi chẻ nhánh của 2 cái quốc lộ, thì nó chẳng có gì nữa. Ông PV phải đặt cái KDD ở đó thì ông PV làm thêm được cái của ông PV. Còn thì người ta chẳng làm gì cho nên hồn, trừ NHẬU. Cái dịp may " cả họ được nhờ " rồi sẽ qua mau.Rồi sẽ trở lại với bất tận những cánh đồng xoắn xuýt gió nghèo thôi Tư à. Buồn nhỉ.
ReplyDeleteCô Tư ơi,
ReplyDeleteTừ ngày đọc cô, tôi lại thấy yêu văn chương trở lại. Không phải thứ văn chương thiên hình vạn trạng Booker, Nobel mà là thứ của đời sống bình dị dân mình. Như đọc hai chữ "thiệt tình" cuối một bài mới đây cô viết, tôi lặng đi ... đừng lo, tôi không sao cả ... thấy sung sướng còn có người viết thần tình mà dễ dàng tự nhiên như thế. Thì bởi!
Bài mầu tím không vui, thật, nhưng riêng tôi được vui vì được đọc nét văn chương đặc biệt của cô Tư.
Mà thôi, tôi viết lòng vòng thế này là chỉ để xuống xề một câu cám ơn cô Tư.
Thiệt tình.
Đọc bài này chợt nhớ Phim Lời thề Đất Mũi
ReplyDeleteCô Tư viết buồn quá nhưng thực tế còn não nề hơn. Thương gì đâu. Dù thời nào, người nông dân nghèo cũng không thoát khỏi những chèn ép về đất đai.
Coi phim này thấy nhớ mấy bài viết về Cà Mau của Cô Tư lắm, tui chưa có tới nhưng đã mến thương
Lời thề Đất Mũi
http://4phim.com//index.php/home/watch/36234/1/loi_the_dat_mui.html
Em không hiểu chị Tư lấy đâu ra cảm xúc, năng lượng, ý nghĩa mà viết văn đều đặn và hay đến thế. Một người rất thích văn của chị và ngưỡng mộ chị.
ReplyDelete