Aug 8, 2009

Gỡ bỏ cho nhẹ bớt...

"Cúi xuống vùng non xanh mát..."

Cạnh quán cà phê Văn Nghệ có ông trải chiếu ở vỉa hè bán đồ cổ, hay mở cái băng nhạc Trịnh Công Sơn Hát cho quê hương Việt Nam 1 thu âm năm 1969. Nghe lần đầu, thề có mấy lá bàng rơi bữa đó, tôi muốn chạy qua ôm ông đồ cổ một cái, vì ông đem những bài hát này ra con đường vốn chỉ rùng rùng nhạc vũ trường, nhạc trẻ kiểu “yêu thì nói hông yêu cũng nói”… Giữa bụi đời mù mịt, giữa xe cộ ngược xuôi, cô Ly của bốn mươi năm trước cất tiếng hát trong veo, “Cúi xuống. Cho bóng đổ dài. Cho xót xa mặt trời. Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha…”, nghe mát rượi lòng, nghe khoẻ dễ sợ.Nhạc “nghe khoẻ”, là chữ của thằng nhỏ ở tiệm bán băng đĩa quen. Một lần tôi ghé qua, nó khoe “em có nhạc này nghe khoẻ lắm, bảo đảm chị thích”, rồi nó đem ra mấy cái đĩa nhạc thu âm hồi năm một ngàn chín trăm mấy mươi gì đó. Gương mặt của Thái Thanh, Hà Thanh… trên bìa đĩa coi trẻ măng, trong sáng, hơi quê quê, dễ thương kinh khủng. Nghe chúng lần đầu, tôi đã nghĩ, tình cờ thằng nhỏ tặng mình quà quý.
Nhưng thằng nhỏ không tình cờ chút nào khi miêu tả cảm giác về một bài hát bằng chữ “khoẻ”, mà không phải là “hay”, là “xúc động”, là “sởn tóc gáy”. Khoẻ, vì dễ chịu, khoan khoái, thoải mái. Vút khỏi tiếng đệm guitar bập bùng, là chơi vơi tiếng hát non trong, mộc mạc, chân phương, đôi lúc vụng về, run rẩy. Ca sĩ không dùng bất cứ phương tiện nào kỹ thuật nào để nương dựa, lấp liếm hay che đậy, cứ hồn nhiên như vậy cất cao tiếng hát từ đáy lòng, thanh thoát.

Những ca sĩ ấy sau này khi đạt đến đỉnh cao của tài năng, họ rực rỡ, họ nổi tiếng, họ thu nhiều bản nhạc gần như hoàn hảo, nhưng sự giản dị năm xưa mãi mãi ở lại với… năm xưa. Tôi ngã lòng vì sự giản dị đó. Kiểu giản dị mà mười năm trước chưa chắc tôi đã thích, bỗng dưng bước chân qua tuổi ba mươi, bỗng dưng thấy… khoẻ khi đứng trước những tấm ảnh trắng đen, những bức tranh lụa, những trang viết của Thạch Lam, những minh hoạ nguệch ngoạc mấy nét chì, những bản nhạc thu âm năm xửa năm xưa, hay những bản demo trên mạng…

Ông già bạn tôi có lần nói, viết sao cho càng giản dị thì văn chương càng đẹp. Tôi cười nói, “câu này của chú mười một chữ, mà hai mươi hai năm nữa chưa chắc cháu làm được”. Ông cười cười, “sai bét, cháu đã làm được rồi, mấy cái truyện đầu tay đó”. Nhưng những trang viết giản dị, ngây ngô có phần khờ khạo đó tôi càng sống càng trải đời càng rời xa chúng. Giờ mà viết được vậy, coi bộ khó hơn lên trời.

Ngó qua ngó lại, tôi thấy cải lương cũng vậy. Hồi trước, tôi mê cải lương, mê ngẩn ngơ những bản vọng cổ xa xưa thu trên đĩa nhựa. Nghệ sĩ giọng nào ra giọng nấy, chữ nào tròn chữ nấy, ngón đờn dù tài hoa lả lướt đến đâu vẫn giữ sự trong trẻo, hồn hậu, vẫn tôn giọng ca lên hàng đầu. Thứ vọng cổ này nếu ngồi kế cassette thưởng thức chưa đã, phải dỏng tai nghe ké bên hàng xóm, hay ngồi ngoài vườn nghe trong nhà vẳng ra, chỉ tiếng ca và tiếng ca, gió đàn qua đánh lại, mùi ác liệt. Cải lương giờ đã qua thời hoàng kim, người ta biện ra nhiều lý do, nhưng nó làm rơi mất một đứa hâm mộ như tôi chỉ vì một bữa kia Vũ Linh nắm tay Tài Linh chạy lên đồi cỏ non. Xét theo tính hợp lý, tôi chấp nhận được chuyện ca vọng cổ lúc yêu nhau, đánh nhau, bắn giết nhau, miễn là xảy ra trên sân khấu, trên sàn diễn, nhưng giữa đường tự nhiên có hai người vừa ôm khít rịt mắt nhìn đắm đuối vừa ca khơi khơi chắc tôi phải nghĩ tới bệnh tâm thần. Tô Ánh Nguyệt năm xưa đau nỗi đau xa con chỉ cần nghẹn ngào bước từng bước run lẩy bẩy, nắm tiền trong tay bay bời bời; Tô Ánh Nguyệt bây giờ vừa gào thét vừa bứt xé hàng khuy áo khoe da thịt, mệt gì đâu.

Chia sẻ ý nghĩa này với ba đứa bạn, một đứa cười “vậy mới là tìm tòi, sáng tạo”, đứa kia hỏi vặn “bộ khùng sao mà đi coi cải lương”, đứa còn lại nói “thấy ghê thiệt nhưng thời này nó… phức tạp vậy”. Ừa, đúng là thời này phức tạp thiệt, bữa trước muốn mua cái áo “nhìn thấy khoẻ”, màu sắc nhã nhặn, hoa văn đơn giản, kín đáo mà phải lục tung cả cửa hàng trong con mắt căm hờn của chị chủ. Sách, băng đĩa thì nhất thiết phải siêng năng lục lọi, lâu lâu mới rinh được một cuốn văn đẹp kiểu Thạch Lam, lâu lâu mới chộp được một vài đĩa “nhạc nghe khoẻ”, sao chép lại từ những nguyên bản của mấy chục năm trước nên chất lượng cũng được chăng hay chớ.

Có lần hỏi thằng nhỏ mấy cái đĩa nhạc cổ lỗ sĩ này bán chạy không, nó nói “người ta mua nhiều lắm, nhưng chị là trẻ nhất”. Lại hỏi tiếp, “bộ thấy tôi mệt mỏi già nua lắm sao mà nghĩ nhạc này hợp với tôi”. Thằng nhỏ cười, “tại em thấy chị không đeo vòng vàng gì hết”. Câu trả lời này làm tôi nhớ mấy giai thoại thiền, kiểu như hai ông đi bên bờ sông, một ông hỏi đại niết bàn là gì, sư trả lời, “mau”. Hỏi “mau gì”, ông sư trả lời, “xem nước”. Hiểu chết liền.

Bữa qua ngồi quán chiều vắng ngắt, ông đồ cổ lại mở cái đĩa hát cổ, cô Ly đổ giọng ca mát rượi ra hè phố, “Cúi xuống. Vùng non xanh mát. Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan…” bỗng thấy tâm hồn mỏi mệt của mình đang được sự giản dị nào đó cứu chuộc. Cảm giác gan bàn chân tôi vừa chạm vào mặt đất, hình như tôi vừa tháo giày ra bỏ bên đường.

Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?

(Bài đăng Sài Gòn Tê Tê)

Dưới đây là lời bài hát Cúi Xuống Thật Gần của bác Sơn, bạn nào muốn nghe kêu google bưng link tới, ngoài Khánh Ly còn có Bích Ngà ca cũng ngộ lắm. vậy hén !


Cúi xuống 
Cho máu ngược dòng 
Cho nước sông cạn nguồn 
Cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ 

Cúi xuống 
Cho bóng đổ dài 
Cho xót xa mặt trời 
Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha 

Cúi xuống 
Nghe đời nhấp nhô 
Nghe tim rạn vỡ 
Nghe trong tuổi nhỏ khóc oà 

Cúi xuống 
Trên bờ xót xa 
Trên cơn lửa đỏ 
Trên khuôn mặt đã im lìm 

Cúi xuống 
Nhìn sâu trong mắt 
Và nghe mưa bão tan đi trong đại dương 

Cúi xuống 
Cúi xuống thật buồn 
Cho nước sông cuồn cuộn 
Hai mươi năm no tròn tuổi biết đau thương 

Cúi xuống 
Cho tắt nụ cười 
Cho chút da thịt người 
Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang 

*** 

Cúi xuống 
Cúi xuống thật gần 
Cho trái tim đập dồn 
Cho đam mê thay vào đổ nát quê hương 

Cúi xuống 
Cúi xuống thật gần 
Cho chiếc hôn ngọt nồng 
Cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không 

Cúi xuống 
Cho tình dấy lên 
Cho da thịt mềm 
Cho cơn mặn nồng ngất lịm 

Cúi xuống 
Cho đời lãng quên 
Cho mây trời chìm 
Cho đêm mở hội âm thầm 

Cúi xuống 
Vùng non xanh mát 
Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan 

Cúi xuống 
Cúi xuống thật gần 
Cho tóc em bềnh bồng 
Cơn đau anh vui lòng bóng mát trên cao 

Cúi xuống 
Cho đến bạc đầu 
Trên phút giây nhiệm mầu 
Hai mươi năm xin còn một sớm thương nhau

Muối và đường luôn thể : Kính thưa quý đồng bào, tui vô cùng xin lỗi là để mất nhiều cái còm của các bạn, vì tui gỡ bỏ 3 entry liên wan tới cái truyện Khói trời... Do tui chưa thấy ưng ý lắm, nên tui sẽ viết lại nó, chừng nào xong tui hứa sẽ cho các bạn đọc trước một... nửa. (hehe, nửa còn lại chừng nào tui bán xong tui mới quyết định có post lên hết hay không). Nhưng nếu mà tui tuyệt vọng quá, thấy không thể thay đổi gì được, tui delete nó vĩnh viễn khỏi sự nghiệp bán chữ của tui, các bạn cũng đừng có buồn, nghĩa là tui đang mần ăn tử tế và tự trọng  để khỏi hổ thẹn với các bạn. Vậy !

33 comments:

  1. Anonymous8/09/2009

    Cúi xuống
    Cho thiên thu sầu
    Cho nắng thêm màu
    Cho 4 thêm phần ..long lanh...

    Chúc 4 đầu tuần vui ve ;o)

    ReplyDelete
  2. Anonymous8/10/2009

    Trời ơi, sao Tư bỏ truyện "Bảy Trầu" đi vậy? Muốn đọc truyện đó, thì phải làm sao hả Tư???

    ReplyDelete
  3. Anonymous8/10/2009

    NT ơi, cái truyện Khói trời ấy tui thấy hay lắm, có sửa sang chút ít gì thôi chứ đừng bỏ uổng nghe Tư, và nhanh chóng post lên lại nghe. Giờ đã muốn đọc lại rồi nè

    ReplyDelete
  4. blog chi Tu giong nhu truyen 1984(G.O); chuyen nao nghe khong duoc la chi xoa di!

    ReplyDelete
  5. @treesmusketeers : coi bộ bạn đang giận hả ?

    ReplyDelete
  6. Anonymous8/10/2009

    ko giận sao đc ta?

    ReplyDelete
  7. Xin lỗi rồi mà ta ?! Trước giờ ai úynh tui mà sau đó xin lỗi là tui tha thứ liền hà. Kakaka
    Mà tui thấy tui bù lại một truyện hay thiệt hay, hong được sao ?

    ReplyDelete
  8. Hầu như bất cứ lúc nào khi tôi được nghe nhạc của Trịnh Công Sơn - dù là ngày còn nhỏ làm học sinh (lúc Khánh Ly hay Elvis Phương còn trẻ) hay nay đã lớn, dù đang làm việc hay đang nghĩ hè ở biển – những khoảnh khắc đó tôi đều cảm thấy một cảm giác hạnh phúc, dễ chịu lạ lùng. Người ta gọi Trịnh là “một phù thủy của lời nói”.
    Cho dù còn nhiều nhạc sĩ tài ba khác, cho dù họa sĩ Trịnh Cung có nhận xét gì, tôi vẫn luôn mến phục người nhạc sĩ tài ba đó.

    ReplyDelete
  9. Anonymous8/10/2009

    "Ngoài thềm rơi chiếc lá đa,
    Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng." Còn cái lá bàng nào rớt xuống làm chứng cho cái cảm xúc bất chợt của cô chắc rơi xuống nghe nặng cái bịch luôn quớ. Lòng người nặng hay lá nặng? :))

    ReplyDelete
  10. Anonymous8/10/2009

    Mà cô nói đem chiện đó đi bán? Là sao? In thành cuốn hay là trong báo? Nếu in thành cuốn thì con mới có cơ hội đọc, nhà không chuộng đọc báo. =))

    ReplyDelete
  11. Mắt bão8/11/2009

    Lần sau đọc truyện nào từ trang này em đều sẽ copy lại, không cần biết tác giả có cho phép hay không, để đề phòng mấy chuyện như vầy!
    Nói thiệt với chị là: nếu chị không viết tiếp truyện đó, thì em buồn chị dữ lắm lắm. Đọc mấy truyện gần đây, em thấy nó giống văn của mấy bà nội trợ, nghĩ chắc chị Tư thành bà nội trợ thiệt rồi (mỗi thành phần viết văn có một phong cách riêng, em không có ý chê bai những bà nội trợ viết văn)
    Riêng truyện này thì em thấy thích hơn, khác Gió và Cánh Đồng nhưng vẫn là Tư. (Hay là, viết tới đó rồi tắc...?;))

    Mà, sắp tới sinh nhật rồi há! Nhắc mọi người nhớ, để không thôi cái tiếng chửi thề cất trong túi từ năm ngoái giờ lại lôi ra :))

    ReplyDelete
  12. Đọc hoài giờ mới thấy nhắc đến TRỊNH. Văn của TƯ chưa ngấm được vào một phần người cần ngấm, cũng như nhạc của TRỊNH. Ngày xưa khi ông ấy còn sống, chả ai hát nhạc Trịnh trên phát thanh và truyền hình cả. Giờ ông ấy đi rồi, lại hát mênh mang. Nhưng có một điều không thay đổi, đó là thiên hạ vẫn cứ hát cho dù gì đi chăng nữa... Đó là sức mạnh của văn chương.

    ReplyDelete
  13. @Mắt Bão : Câu Hay là, viết tới đó rồi tắc...?; tui cho qua, coi như trò khích tướng cũ mèm.

    Nhưng cảm ơn nhiều ơi là nhiều vì nhắc tui nhớ ngày sinh nhật tui nghen.

    Thiệt là xúc động... đậy quá sức. À, Tết này tui viết một bài về Cà Mau cho bạn.

    ReplyDelete
  14. Mặc dù mình là người Hà Nội, nhưng luôn yêu thích và mến mộ các nhà văn MN, đặc biệt là miền Tây, giọng văn tình cảm, mộc mạc, yêu lắm Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Ngọc Tư... mỗi lần đọc văn, cảm giác như mình đang ở trong bối cảnh ấy, câu chuyện ấy, thậm chí hình dung được cảnh vậy ấy. Cảm ơn tác giả nhiều lắm

    ReplyDelete
  15. chi tu. doc truyen hay tap van cua chi , em cam thay duoc chia se phan nao , vi von di , em cung la nguoi mien tay ma.

    ReplyDelete
  16. Anonymous8/13/2009

    Cảm ơn và cho mình xin copy về facebook nhé.

    ReplyDelete
  17. Bai nay cua NNT doc xong thay cung "khoe" that...cam on Tư!

    ReplyDelete
  18. Chèn ơi, vậy là xóa rồi hả bây??? :D

    ReplyDelete
  19. Cau chu hay lam. Nhung sao toan dang o SGTT khong vay?

    ReplyDelete
  20. Chắc phải đặt mua dài hạn bài sg tê tê lại để đọc bài chị Tư quá, vừa mới hết hạn mà chưa đký lại, đóng 1 lần 4 chăm mí đau nòng quá :p

    ReplyDelete
  21. à, sáng nay mới đọc ké SG tê tê của hàng xóm, mới hay '' Cánh đồng bất tận '' đã được diễn ở nhà hát TP, sắp sửa còn được đi lưu diễn ở Tây. Chúc mừng chị nha, hôm nào phải tậu 1 vé coi mới đc,chắc phải kím vé chợ đen để được ngồi gần sân khấu :D

    ReplyDelete
  22. LinnieWinnie8/14/2009

    bù truyện hay thì ko sao, chứ ko là em thù dai lắm đó nha Tư

    ReplyDelete
  23. Anonymous8/14/2009

    Vay la khoi phai doi nua. Cam on Tu

    ReplyDelete
  24. Chị Tư! Em mê nhạc xưa lắm đó, cũng đang tập nghe cải lương , ở TP ít dc nghe cải lương quá, ước gì có dịp về long an, cần thơ hay cà mau là em ngồi miệt vườn nghe đờn ca tài tử riết thôi. Nhạc xưa thì em mê cũng hỏng thua chị. đồng ý chị cái khoản ca sĩ trẻ ngày nay dù nhạc lý trình độ cao, có chất giọng như hát vẫn chưa "tới". như các tiền bối ngày xưa chị nhỉ?

    ReplyDelete
  25. Anonymous8/16/2009

    chi tu, doc bai nay cua chi thay rat tam dac cai vu giong ca cua cac nghe si cai luong.em rat thich cai luong cua 20-30 nam ve truoc, nhat la giong cua thanh nga, thanh sang,le thuy,ngoc huong,thanh hai...
    co dieu nay muon noi nho voi chi thoi,so noi lam cac nghe si cl ngay nay buon, cac giong ca cl bay gio neu gom chung voi cac giong ca doi truoc thi dam chi dong vai day to hay linh le thoi,noi that day
    a noi them dieu nay nua, rat thich tap van cua chi,cam giac la gan gui lam

    ReplyDelete
  26. Anonymous8/19/2009

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2009/05/tap-duc-am-nhac.html#comments

    ReplyDelete
  27. Tư à, phải biết bối cảnh của bản nhạc Cúi Xuống Thật Gần nghe mới thấm thía. Thời mà cuộc chiến VN vào giai đọan khốc liệt nhất trong lịch sử cận đại con người, triết thuyết hiện sinh, sống trước đã, trở thành con đường cứu rỗi. Phong trào hippy của giới trẻ sống thác lọan, ma túy, tình dục thời đó có khẩu hiệu là Make Love, Not War ! ( Làm Tình, Đừng Làm Tội !).
    Ban nhạc Cúi Xuống Thật Gần của TCS là 1 bản nhạc Make Love, Not War. Bài nhạc này không viết theo luật cân phương, không phân chia phiên khúc và điệp khúc , hay đúng hơn chỉ tòan là điệp khúc đều đặn như tiếng tụng kinh, như tiếng chuông gọi hồn gồm 3 đọan với 10 trường canh. .
    Phần đầu là Not War hình ảnh người góa phụ dẫn con đi nhận xác chồng .
    Cúi xuống nhìn " khuôn mặt đã im lìm " của 1 người chồng trẻ vừa vào tuổi " Hai mươi năm no tròn tuổi biết đau thương", đã ra đi biền biệt " da thơm trên người nay cũng phôi pha ". “Cúi xuống cho bóng đổ dài, trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang” là hình ảnh người góa phụ phủ phục khóc ngất che ngang ánh gay gắt mặt trời thành bóng mát đổ dài lên xác chồng như đoan cuối của cuộc tình Roméo và Juliette.
    Chuyển qua phần Make Love, là những hình ảnh yêu đương của đôi tình nhân này khi người trai trẻ chưa ra chiến trường “ Cúi xuống cho chiếc hôn ngọt nồng , Cúi xuống cho tình dấy lên, cho da thịt mềm, cho cơn mặn nồng ngất lịm.
    Cúi xuống vùng non xanh mát …là chuyện người lớn , chứ đâu phải cởi giầy ra bỏ bên đường đâu Tư.

    ReplyDelete
  28. Dạ đúng. Nhưng tui đâu có bình nhạc Trịnh đâu bạn, tui nói về cảm giác khi nghe lại giọng hát giản dị ngày xưa của thím Ly mà. Còn tui cởi giày là giờ tui già rồi, bắt đầu ở tuổi tháo gỡ cho nhẹ thân mình bớt, hong mắc mớ gì tới Cúi xuống thật gần.

    ReplyDelete
  29. À, nhân chuyện viết Đông hiểu Tây, tui thấy hàng triệu người đã từng nghe Cúi xuống thật gần, có bao nhiêu người hiểu not war hay là make love ? Chắc ít, nhưng dù họ không biết họ vẫn thấy hay, theo cách cảm nhận của họ. Và theo cái nhìn của mỗi người, nó có thể được hiểu với ý nghĩa khác. Bác Sơn không thể chạy đi nói với người này người kia là tui viết A, chứ không phải B đâu nghen. Làm điều đó chẳng phải là không thể sao.

    Một truyện ngắn cũng vậy, tôi không thể giải thích với từng người mong họ cảm nhận nó đúng như ý tôi muốn. Và sự đa dạng trong cách hiểu, cách cảm của mỗi người có khi còn thú vị hơn.

    ReplyDelete
  30. Thiệt tình nghen cô Tư. Tưởng chỗn này bài cũ vắng người nên viết lưu niệm chơi, nào dè được người tôi ái mộ nhất ghé mắt xanh đến thiệt là hân hạnh. Mà sao kỳ há, đàn bà con gái hễ có chút xanh là đều đẹp lộng lẫy như mấy ông thi sĩ hay tả tuổi xanh, mắt xanh, tóc xanh là bóng dừa hoang dại, đẹp gì đâu. Còn đàn ông hễ có chút xanh dính vào là đều dễ sợ, thí dụ như ... quỷ râu xanh!
    C

    ReplyDelete
  31. (tiếp )
    Cô Tư rất đúng, nghệ thuật hay nhất là ở chỗ không giải thích, dẫn giải mà đường đột đi thẳng vào lòng người rồi ở lại. Phật giáo gọi là Thiền. Văn nghệ gọi là truyền cảm. Âm nhạc hơn hẳn những nghệ thuật khác là đòi hỏi sự giao hưởng, tức sự rung động cùng tần số của người nghe. Có cả ngàn người đi qua con đường trước quán Văn Nghệ nhìn ông bán đồ cổ dửng dưng , nhưng chỉ có mình cô Tư trân trọng được. Cũng tương tự như đọc bài " Gỡ bỏ cho nhẹ bớt...", nghe cô Tư diễn tả tiếng hát Khánh Ly thiệt tình còn truyền cảm hơn là nghe Khánh Ly hát.

    ReplyDelete
  32. Anonymous9/08/2009

    Thu+a Co^ va` Chu'
    Theo em hie^?u Cu'i xuo^'ng vu`ng non xanh la` da^~n du. hi`nh a?nh con bo` cu'i dda^`u ga(.m co?, no'i le^n tha^n pha^.n nhu+o+.c tie^?u cu?a nu+o+'c Vie^.t nam bi. ngoa.i quye^`n cai tri.
    Vi Tra^`n ( Colorado )

    ReplyDelete
  33. Anonymous11/12/2010

    Văn chị Tư chắc gọt giũa ghê lắm. Trước khi pots lên cho bà con đọc là đã sửa đi sửa lại nhiều lần rồi.
    Đọc văn chị Tư thấy tự nhiên như hơi thở. Chị cho hỏi em chút những nhân vật trong truyện của chị có thật không??? MÀ em thấy chị viết mượt và chặt chẽ, logic cứ y như đó là những câu chuyện của những con người thực chị từng chứng kiến. Không phải một sản phẩm sáng tạo của nhà văn...Nó chung không có dấu vết của sự hư cấu...Hic hic em phục chị quá.
    Xin lỗi chị vì câu hỏi của em hơi liên quên đến chuyện "bếp núc" của nhà văn.

    ReplyDelete