Nov 20, 2009

Nhéo thêm tí nữa...

Khói trời lẩy bẩy

(Tiếp theo và chưa hết)

9

 Phiên lớn từ bữa nó treo toòng teng trên võng hỏi, “mẹ ơi, sao anh Thơ khùng có ba, còn con hong có ?”.  

- Có chớ con, ai cũng có ba hết. 

Ngay lập tức, trên môi thằng nhỏ có câu hỏi khác đã thập thò, và dấu chấm hỏi quăng ra bỗng như xóc ngược cái móc nhọn vào cổ tôi, nghe đau đến trợn trạo miếng cơm, “vậy ba con đâu ?” 

Phiên không bao giờ để tôi nợ lại bất cứ câu hỏi nào của nó. Mà nó thì hỏi cho tôi nghẹt thở, cứng họng mới thôi. Nhưng tôi không muốn ngăn nó lại, bởi hỏi cũng là một vẻ đẹp. Mẹ ơi nước dưới sông chảy chừng nào mới xong, sao con chuồn chuồn này màu đỏ mà con kia lại đen, sao con chó Vện cũng già lại không có tóc bạc giống như ông Sáu ? Trả lời muốn đứt hơi rồi, nhưng vừa dứt tiếng nó đã nhảy tọt vào câu hỏi mới. Hỏi và tin, và thích đào bới tận cùng. 

Hồi nhỏ tôi cũng tin có tận cùng. Nhưng mẹ tôi không có tận cùng nào cho tôi, bởi trong lòng mẹ cũng bị tình yêu bỏ lửng một câu trả lời. Lớn lên tôi đánh mất vẻ đẹp hỏi, tôi dần từ bỏ nó, xa lánh nó. Bởi càng lớn càng hoang mang trước cái gọi là tận cùng, hoặc không có tận cùng hoặc tận cùng là cái gì đó mơ hồ, nhưng buồn. Cảm giác đó tôi trải qua rồi khi đi tìm cha tôi, lần đầu. 

Giờ Phiên cũng đi tìm ba. Tôi tô vẽ một câu chuyện bảy hư ba thực. Tôi kể có một chàng dũng sỹ suốt đời đi bảo vệ những đôi tay đẹp, những loài cây quý, những cái cây tỏa hương từ phiến gỗ chứ không cần đến hoa. Người xấu muốn cướp đôi tay của trẻ con để chúng khóc mà không có gì lau nước mắt, muốn đốn cây về chụm củi cho lửa… thơm. Chàng phải chiến đấu với người xấu bao giờ xong mới về, mà có thể mãi mãi không về vì ngày càng có nhiều người xấu. Thằng Phiên ngồi mặt chảy ra, quần xoắn cao tới bẹn, đầu gối vượt khỏi lổ tai, ngẩm ngợi, “tội nghiệp ba con thiệt, chắc ổng nhớ con…”. 

Người xóm Cồn khen thằng Phiên có nhiều nét giống tôi, nhưng những khi kỳ cọ cho nó bên dòng nước, tôi chỉ xuống mặt sông xao động, nói, giống ba in hệt. Nó sung sướng lắm, “trời, vậy là ba cũng đen thùi lùi vầy hả ?”. Tôi cũng không biết nữa, khi miêu tả ba nó, tôi cảm giác như đang ôn lại những bóng hình xa xôi. 

Tuổi lên sáu Phiên nhận được từ tôi một món quà hơi đặc biệt, những chữ cái đầu tiên. Cái ca. Trái cà. Con gà. Nó không đến trường, một phần vì cồn không có trường. Nhưng bên kia sông có. Tôi không đưa Phiên qua vì nghi ngờ trường học làm những đứa trẻ biến mất. Tôi đã thấy trẻ con đi vào đó, và trở ra như những người lớn mệt mỏi, muộn phiền. Tôi giữ cho tuổi thơ Phiên đẹp như Phiên có. Hoang dã. Trong veo. 

Thằng Phiên chấp nhận điều đó, vì qua sông thì có thể bọn người xấu nhận ra nó là con của chàng dũng sỹ, và bắt nó để ép chàng đầu hàng. Mà bên sông người ta không cho con nít tự ý vào nhà người khác, lục cơm nguội của người khác ăn, ngủ trên giường người khác… Họ không thích con nít nhấc chân như con chó vện, đái vô những bông bí, làm tụi nó héo quéo. Ở Cồn thì chuyện đó là bình thường, không sao hết. 

Nhưng thằng Phiên hay nghĩ ngợi. Lúc suy nghĩ nó sẽ lấy cọng lông gà ngoáy lổ tai, lim dim khoái cảm, sau đó nó gật gù, nếu đái vô bông bí thì bông bí sẽ ngộp thở, tội nghiệp. Tội nghiệp là câu đầu môi của thằng nhỏ. Chúng tôi không ăn những con cá nhỏ vì tội nghiệp, không nhổ cải đi bán vì tội nghiệp và kết quả là tôi có một giồng bông cải thắp nắng lộng lẫy giữa mùa mưa, khi trong túi lép kẹp tiền. Và những con cá mang bụng trứng no tròn sẽ được chúng tôi trả lại cho sông. Mấy bà tiên đi ngang Cồn, thấy Phiên tốt bụng quá nên tặng nhiều quà, những khi nó ngủ. Lúc thức dậy đã thấy trên vạc có cây viết chì, hay những cục kẹo xanh đỏ, cục đạn cu li, mấy củ khoai nóng hổi còn mặn bụi tro… Đôi khi nó giả bộ nhắm mắt ngủ để rình coi mặt bà tiên, nhưng tiên biết nó thở làm sao mới là ngủ thiệt. Ngủ giả thì tiên ghé làm gì. 

Tôi lặng nhìn Phiên đẹp qua tuổi thơ bận rộn của nó. Buổi sáng đi dài xóm ngửi mùi khói bếp coi nhà nào có đồ ăn ngon nó sẽ ghé chơi. Sau đó tới giờ radio ca cải lương nó sẽ nghe với Thơ khùng, sẽ đứng một chân hay đứng bằng cả bốn chân tay, tùy hôm đó cả hai là vịt hay chó. Ngủ trưa lang chạ ở đâu đó, bất cứ giường nào võng nào của bất cứ ai, thức dậy nó sẽ tới chòi chơi với ông Sáu. Trên đường di chuyển giữa chỗ này qua chỗ nọ, gặp nhãn lồng chín nó ngoẹo đầu đớp ăn luôn trên cây như chim trao trảo, khỏi phải thò tay hái mắc công. Nó thử coi ổi chua hay không cũng bằng cách này, nhá cái răng chó nhọn hoắc lên những trái vẫn đang lủng lẳng trên cành, thấy vừa thì ăn, còn chát sẽ bỏ đó chờ thêm ít bữa. Vừa ta bà ăn chơi vừa ngó trời, thấy chuyển mưa nó chạy về nhà giúp tôi gom củi đem cất trong bếp, bắt mấy con gà con vô nhà. 

Có khi nhìn thằng Phiên nằm ngủ, mấy con gà con cũng khoanh tròn trên bụng nó, tôi tự hỏi có gì đẹp hơn vậy. Có gì đẹp như trẻ con, gà con, như mạ vừa nhú lên, cỏ vừa vượt đất. Xanh lấm tấm. Xanh chưa thẳm. Mong manh. 

Phiên càng mong manh. Nó thường ngoái lại cái chợ chúng tôi vừa rời khỏi, hí hửng xài luôn tiếng chửi thề vừa mới học ở đó, “má nó, cục kẹo này ngon dễ sợ…”. Phiên thích ríu ran kể những chuyện giang hồ nó nghe được từ những chiếc ghe hàng bông tấp vô Cồn nấu cơm hay tránh giông, nó thường đứng dưới những cây bần quỳ già cỗi, ngó về bên kia bờ, đã thấy lốm đốm những mái nhà thay cho màu xanh của những bờ lá rậm. Ở đó có đứa con gái hay theo mẹ qua đây mua đồ rẫy về bán lại, con nhỏ lanh chanh, hay nhỏng nha nhỏng nhảnh kêu Phiên, “quỡn đứng đó làm gì, xách giùm cái này coi...” Thằng Phiên lúng búng chạy mất, nhưng lén ngó theo khi xuồng họ đã buông bờ. 

Nó thấy cái cồn Bần này dường như không đủ. Nó cô đơn, và không thể che giấu điều đó, giống như tôi. 

10 

 “Đồng cỏ bạn đang dạo chơi một ngày kia sẽ biến mất. Dòng sông bạn đang tắm một ngày kia sẽ biến mất. Tiếng chim hót ban mai một ngày kia sẽ biến mất. Những người thân yêu của bạn một ngày kia sẽ biến mất. Bạn có muốn giữ lại tất cả những gì mà bạn nghĩ là đẹp nhất, tinh tế nhất, quý giá nhất của thế giới này ? Hãy tới làm việc với chúng tôi…”. Mẫu rao tuyển nhân viên vừa đa cảm vừa bí ẩn của Viện di sản thiên nhiên và con người khi đến tay tôi là một mảnh giấy gói thuốc Đông dược, phảng phất mùi cam thảo. Tôi cất rất kỹ. Vào năm thứ ba làm việc ở Viện, có nhiều đêm tôi lấy ra đọc đi đọc lại, như nuốt trộng chúng, lục cục ở cổ họng, thấy đau.

Đó là quãng thời gian tôi sắp làm chuyên đề về thời thơ ấu của con người. Tôi muốn dõi theo một đứa trẻ từ khi sinh ra, khi toan tính, cám dỗ, vật chất chưa làm phai đi chất thánh thiện của nó. Tôi viết đề cương sau một thời gian đi xa hơn mọi cuộc đi xa. Tôi đón bất kỳ chiếc xe nào, vì những chuyến xe rời thành phố không mang anh theo nữa. Tôi cười nhiều hơn, và khi gặp anh bởi những chuyện buộc phải gặp, thấy cái nhìn ngạo nghễ đã hao hớt bởi sự dằn vặt, tôi buồn. Vì tôi đã giỡn với anh, hơi vô duyên khi một hôm nào nói, anh ơi, mình có con rồi. 

Một mối tình có trăm kiểu bắt đầu, cũng có nhiều cách kết thúc, một trong những cách đó là cô gái nói, anh ơi, anh sắp làm cha đó nghen. Tình yêu chấm hết ở một cái vẫy tay không hẹn gặp, ở một phòng khám sản khoa kín đáo, hay ở một đám cưới bỡ ngỡ, vội vàng. Khi tôi nói câu đó, tôi giả đò rất bâng quơ, nhẹ nhỏm, nhưng rủi quá, đang nai nịt máy móc để lội qua suối Nang Oi sùng sục nước, nên trong lúc quàng chéo sợi dây dù lên vai, tôi kịp thấy vẻ bất an, bối rối và bàng hoàng, đến nỗi tôi nghĩ, mình vừa nói mất cánh rừng nào sao ta, một người sinh ra tương đương với một mảnh rừng bị mất ? Tôi tính khi nào qua tới bờ bên kia, tôi sẽ ôm bụng ngặt ngẽo cười, “người ta nói giỡn mà có người tưởng thiệt, haha …”. 

Nhưng lúc qua suối tôi gặp một tai nạn, gọi là nhỏ vì tôi chưa chết, gọi là lớn vì tôi suýt chết, nước đã dìm trôi một quãng, rồi quăng quật vào một gờ đá nổi bên bờ. Tôi thấy đau đớn rã rời, người ướt ròng, khóc như vắt nước mắt. Không phải vì sợ hãi, không phải vì mớ máy móc chuyên dụng đắt tiền đã ướt mèm, tôi khóc vì đã sang bờ nhưng không thể cười và nói em giỡn anh ơi…. 

Anh không dỗ, vơ vất ngó quanh vì anh biết lý do tôi khóc. 

Chúng tôi chia tay nhau. 

Thành phố mừng húm, nó níu tay anh lại. Những cuộc gặp thưa vắng đã làm an ủi cả hai. Lần cuối cùng gặp anh là hôm tôi trình bày đề cương “thơ ấu đời người…”. Tôi gõ vào cánh cửa và đẩy nhẹ nó, thấy buồn, khi đây không phải là cánh cửa quen mở ra căn phòng quen gặp một người quen. Nó không có tiếng kêu kèn kẹt đầy bí hiểm như sắp mở ra một kho báu tuyệt vời. Phòng viện trưởng rộng hơn, sang trọng hơn với những chiếc ghế bọc nhung, lạnh lẽo, ngăn nắp, đèn nhiều hơn và Anh cô đơn hơn. Khi biết địa chỉ đứa trẻ tôi chọn để làm chuyên đề, Anh tần ngần : 

- Em hy vọng gì khi tới đây ? Có thể sẽ rất buồn… 

- À, em có vài thắc mắc nhỏ… 

Tôi bỏ lửng vì thấy nó hơi riêng tư, liên quan tới tình yêu của mẹ tôi mà. Anh không hỏi nữa. Không biết dự cảm nào mà hôm đó anh bắt tay tôi rất chặt, làm muốn tôi rớt nước mắt. Tôi tự hỏi sao khi đi giữa dòng suối ngầu sôi kia, khi thấy tôi chới với, anh đã chụp tay tôi rồi, cũng chặt như vầy, nhưng anh đã buông, anh thả những ngón tay anh cũng nhanh như khi nắm vậy. Tôi đã chìm ngay lúc ấy, dù sau đó anh sực tỉnh rướn theo, bươn bả, chới với tìm. Giữa dòng nước hung hăng, có con nhỏ chết trôi. Vào khoảnh khắc đó anh đã nghĩ gì, nghĩ gì, nghĩ gì ? Tôi tự đưa ra nhiều giả thuyết, nhưng kiểu nào cũng có chút liên quan tới lời nói đùa kia, nó giống như sương mù làm con đường anh đi trở nên mù mịt. Anh mất bình tĩnh, muốn vùng vẫy rũ bỏ.  

 Giờ tự tôi khép tôi lại. Vừa kịp đón chuyến xe chiều đi tới một vùng đất đỏ, một quán nước quen, nơi có bé trai vừa chào đời, đứa em cùng cha khác mẹ với tôi. 

(Quá trời còn tiếp)

10 comments:

  1. Anonymous11/21/2009

    chắc chết vì chờ đọc, sao sách lâu ra vậy Tư

    ReplyDelete
  2. Cám ơn chị. Chờ sách của chị từng ngày

    ReplyDelete
  3. Ko hỉu sao chị viết bằng giọng văn tưng tửng, dửng dưng mà nghe buồn quá chừng !
    Tôi nghĩ đó là nét giản dị mà ko tầm thường rất riêng của NNT. :)

    ReplyDelete
  4. Anonymous11/22/2009

    Tư oi, đợi sách ra chứ đọc từng đoạn thấy khổ .....:)

    ReplyDelete
  5. Truyện vừa đăng báo theo kỳ đễ lãnh nhuận bút cũng là một hướng đi tốt, sống khỏe mặc dù không mới. Theo tui, thể thao van hóa cuối tuần là một sự lựa chọn không tệ. Gọt bút thì đừng, nhưng ai đăng thì dăng , hông thì tui post.

    ReplyDelete
  6. Anonymous11/23/2009

    chài, chị Tư khéo típ thị ghia vậy đó, lỡ đọc rùi thì ráng m....đợi chứ bít làm seo....

    ReplyDelete
  7. Viết hay quá, đọc là phải đọc đến dòng cuối cùng, không dừng được.

    ReplyDelete
  8. Chị có cách dùng và tạo ra những từ láy rất lạ. Em thấy thú vị bởi những ngôn từ này.

    ReplyDelete
  9. em rất vui vì vô tình biết được Blog của Chị...Em cũng thường viết Blog(trên 360plus). Em chưa có Blog trên trang này nhưng vì thần tượng chị quá nên em tạo ngay một tài khoản để comment cho chị iu nè..hehehe

    ReplyDelete
  10. Anonymous3/31/2010

    Trời ơi, chừng nào có sách vậy trời!!!!!!!!!!!!!!!!

    ReplyDelete