Jan 15, 2011

Rạch Rập



Tên thì rõ ràng là rạch, nhưng đoạn chảy gần chợ người ta lại gọi kinh, và dòng chảy bị bóp nghẹt bởi hai dãy nhà sàn san sát. Rạch Rập chảy sâu về phía Nam thì rộng dần ra, qua những ruộng vườn xanh ngắt nghe trẻ con rủ nhau tắm sông tụi bây ơi.

Hồi tôi bảy tuổi, đó là con sông rộng nhất trần đời. Nhất là những buổi chiều tần ngần nhìn ông ngoại chống xuồng đưa má qua sông, rồi má một mình lội men theo bờ ruộng lên lộ xe, đi thêm gần chục cây số nữa, là đến nhà. Cái tổ đó tôi chui rúc cho đến năm bảy tuổi, cái tuổi cần tới trường mà ngoảnh đi ngoảnh lại trường nào cũng xa, đường nào tới chữ cũng bị mưa nhấn chìm ngoi ngóp. Má đưa tôi về ở với ngoại, trường học cách nhà ngoại chỉ một mảnh vườn, còn gì tiện bằng. Chủ nhật tôi tha thẩn chạy chơi ở đâu cũng ráng dỏng lổ tai ngóng bên sông coi có ai kêu ới lên không. Phía đó lao xao có nghĩa là má vô thăm, có khi đi cùng ba, cùng anh hay chị. Buổi má ra về, chắc thấy nắng úa dần trên đám lá dừa nước trước nhà ngoại chưa đủ cho tôi mủi lòng, mấy con bìm bịp còn đem rải tiếng kêu rầu rĩ lên mặt sông đang đầy cho buổi tiễn đưa sầu sâu thêm nữa.

Chắc hồi ấy tôi hơi buồn, nên ký ức về sông Rạch Rập cũng khoác một vẻ buồn thẳm suốt. Với những rặng dừa nước, những cây bần, cây vẹt mọc nghiêng nghiêng chểnh mảng ven bờ. Những hàng đăng đó lơ phơ chồi sậy, những cái vó cất gác chếch lên hóng gió sau một đêm sũng nước. Những chiếc ghe hàng bông neo lại bên rặng mắm nấu cơm chiều om lên vài lọn khói còm nhom. Hai bên sông nhà cửa lưa thưa, núp ló sau những bụi rậm mọc hoang những ô rô, chùm gọng, ráng, choại...

Sông buồn đến có thể ngửi được, khi ngồi ngoài bến. Thoảng trôi lại mùi của những cái bập dừa ngâm trong nước lâu ngày, mùi lá ráng mục nát, mùi sình non đùn trên ổ con chù ụ, và mùi những bông tra, bông quao nằm chới với trên bãi chờ nước lớn để bắt đầu cuộc đi hoang.

Một dòng sông lẻ, chảy hiền, dáng vẻ hơi hiu quạnh như thể ở bên rìa đời, không nhiều người biết không nhiều người lại qua nhưng nó vẫn sống tất tả một đời sông. Cũng chảy ngược xuôi mê mãi, cũng nhiều tôm cá, cũng nước ngầu ngầu phù sa, cũng nước lớn tràn bờ, ròng phơi bãi. Mỗi lần vớt chiếc dép còn mới, con búp bê nhựa bị mất tay, hay cái bình trà mất nắp… tôi vẫn chờ đợi một ngày nào đó sông sẽ đem tới cho mình phần còn lại của chúng. Bà ngoại kể những năm chiến sự ác liệt, ra sông gặp một đoạn chi người tấp vô ven đó là chuyện thường. Một năm sau cái Tết Mậu Thân, bà ngoại vẫn không ăn tôm cá ngoài sông vì ghê sợ chúng đã từng sống nhờ vào những mảnh người trôi dạt. “Là máu thịt đồng bào mình…”, ngoại ngậm ngùi. Trận đó thương vong lớn, kẻ khuất sông đưa về đồng bãi, kẻ sống sông che chở trong lòng, nhiều người không rút kịp ngụp lặn dưới những dãy nhà sàn tồi tàn lụp xụp, lần lượt cũng qua khốn khó.

Những câu chuyện kể của ngoại đã có tác dụng đáng kể, nó tác dụng ngay lập tức lên trí tưởng tượng phong phú của tôi, ngoại khỏi phải giữ chằng chằng cháu bà lén xuống sông tắm nữa. Nó sợ. 

Nên Rạch Rập với tôi vừa thân thiết vừa bí hiểm, vừa thương vừa giận. Những ngày bên sông im lìm không tiếng ới, tôi đòi ông ngoại cho tập chèo xuồng. Ngoại cười, tướng chỉ cao hơn cây cột chèo mà đòi chèo… rồi ngùi ngùi hỏi nhớ má hả, để ngoại chở về. Ông ngoại chèo giỏi, nghe nói hồi chiến tranh ông chèo đi công tác hàng trăm cây số cũng thường. Và quãng đường gần tám cây số đường sông giữa nhà và nhà ngoại, giữa những chuyến đi về, tôi học làm người.

Đi xuồng phải ngồi day lại, nhìn nhau. Vì sao hả, vì cái lưng con người ta là ngó buồn nhứt hạng. Ông ngoại tôi nói vậy khi cười cái tướng tôi ngồi đằng mũi nhóc mỏ ngóng như chó chờ xương. Bỗng nhớ tới lưng má mình mỗi khi qua sông và chìm lút trong đám lức trên đường mòn. Tôi ái ngại xoay mặt lại về phía lái, mới hay áo ông ngoại ướt đầm, mà trước đó tôi còn cằn nhằn ông chèo chậm, ngồi mỏi quá chừng vẫn chưa tới nhà má.
Bài học nhỏ về sự vô tâm đó, và cái lưng gây buồn ám ảnh tôi, nhất là những lúc nhìn lưng ấy ơi ấy à xa khuất. Tôi còn mang theo nhiều thứ nữa từ con bé bảy tuổi ngày xưa,  từ những chuyến ngồi xuồng cà tịch cà tang xuôi sông Rạch Rập. Con bé nhận ra nôn nóng cũng chẳng ích gì, sao không thử cảm nỗi lẻ loi của cái chị kia đang chèo một mình cất cái mũi xuồng lêu đêu đi giữa dòng gió, thử ngửi sự hiu quạnh của ngôi đình Tân Hưng nằm lút dưới những tàng cây rợp tối, thử nhìn mây trời mà tưởng tượng mơ mộng, thử học mót chút nào sự khoáng đạt của sông…

Quãng đường đó dễ chừng hơn mười lăm năm tôi không quay lại. Khi đi khỏi nó tôi vẫn chưa biết chèo, ông ngoại nói chuyện chèo chống con nít không phải làm. Rạch Rập nước vẫn chảy, mỗi lần cắt ngang dòng để đi qua thắp nhang cho ngoại, lại nhớ chiều dọc mà hai ông cháu từng đi, nhớ những chòi vó, rạp xuồng nằm núp ló trong tán cây, nhớ tiếng hỏi han hổn hển của những người quen đi ngược chiều.

Dòng sông chỉ chảy qua đời tôi hai năm chẳn, nhưng đã mặc định mãi mãi trong tôi rằng, sông thì buồn. Tôi té xuống sông Tiền, đi thuyền trên sông Hàm Luông, ra chơi giữa sông Hồng, thò chân xuống sông Nho Quế, nghe Sereprok sôi réo… thì vẫn không nguôi được cảm giác buồn của sông. Muôn thuở. Của chia cắt, của thầm lặng, của những cuộc luân lạc gần như bất tận, của sự cho đi, chỉ có cho đi.

19 comments:

  1. Anonymous1/15/2011

    Doc truyen cua chi thuong buon nhung lai thay binh yen trong long. Cam on chi.

    ReplyDelete
  2. Thèm truyện vừa của Tư ...

    ReplyDelete
  3. Mình mê văn chương, cũng tập tành viết lách, vậy mà ngồi đọc lại chỉ muốn ói. Tối ngày, toàn mua sách của Tư về luyện, chưa đủ đô phải lên bờ lốc coi tiếp.
    Tư có bí quyết gì, cho mình xin trang cuối?

    ReplyDelete
  4. Tư biết không : "dòng sông" đầu tiên của mình là một con đuờng ! Khi ấy mình 7 tuổi, mình nhìn con đường sẽ băng ngang và tưởng tượng đó là một dòng sông. Vì cho tới lúc đó, mình chưa bao giờ thấy cho tử tế một dòng sông để biết nó ra làm sao.

    Vậy nên, có một dòng sông để thò chân vào từ tuổi ấu thơ là một diễm phúc, với mình.

    ReplyDelete
  5. Chị Tư viết chuyện này hay quá chị Tư ơi !

    ReplyDelete
  6. Đọc truyện của bạn thấy nhớ tuổi thơ ở quê nhà quá đi!

    ReplyDelete
  7. dòng sông của tuổi ấu thơ luôn chảy trong mỗi chúng ta, dù mình có quay lưng lại với nó bao lâu đi nữa...

    ReplyDelete
  8. Anonymous1/16/2011

    Sông tuổi thơ tôi có bờ xe nước, có đò đưa, có cây cầu thật đơn giản cho xe goòng chạy qua, có tắm mát và cả..."ma gia" nữa. Đọc Tư viết mà nhớ da diết, mà hổng lẽ mong trở lại ngày xưa ?

    ReplyDelete
  9. thiếu nữ miền đông1/16/2011

    Tư ơi Tư ơi Tư biết biết hôn Tư....

    ReplyDelete
  10. Chị ơi!. lâu nay e bệnh ko ghe thăm Blog. Hôm nay mừng wa đc đọc nhiều truyện hay của c. cảm ơn c lắm.

    ReplyDelete
  11. Vui khi sap tet roi lai duoc doc van hay cua chị

    ReplyDelete
  12. Tu viet thiet hay, doc thay phe gi dau!!!
    Nhat la dang o xa dong song que nha ngan dam. Doc chuyen ma cu tuong nhu co tieng song nuoc vo xao xac dau day.
    Cam on Tu nhieu lam, biet khong?

    ReplyDelete
  13. Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi..
    Buôn bán không lời, không lỗ, chèo chống mỏi mê...

    Nhớ con rạch nhỏ phía sau nhà mình, và tiếng Má ru những buổi trưa...

    ReplyDelete
  14. làm tôi nhớ con đường nhỏ ngập nước trước nhà ngoại mỗi khi trời mưa lớn, nhớ ghê.. cám ơn chị

    ReplyDelete
  15. Nhân dịp năm mới Tân Mão, em kính chúc chị Tư và gia đình một năm an khang thịnh vượng, nhiều thành công và hạnh phúc, riêng chị Tư thì tiếp tục sáng tác những áng văn chương với ngôn ngữ Nam bộ rất đẹp, giàu tình cảm, sâu sắc và tinh tế.

    Chị Tư ơi cho em mạn phép hỏi ý kiến chị về một vấn đề từ ngữ, nếu chị có thể bớt chút thời gian trả lời thì em rất cảm ơn chị.

    Em có đọc lời bài hát "Anh ở đầu sông em cuối sông" thì thấy có câu "Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá/ Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng". Trong bài "Rạch Rập" trên đây thì chị viết : "mấy con bìm bịp còn đem rải tiếng kêu rầu rĩ lên mặt sông đang đầy" và "nước lớn tràn bờ, ròng phơi bãi". Vậy em có hai điều muốn hỏi :

    1- Bìm bịp kêu khi nước lớn hay nước ròng, hay cả hai ? Hoặc là nói chung khi nào thì bìm bịp (thường) kêu ?
    2- "Nước ròng" chỉ có nghĩa là "nước xuống" mà thôi(chứ không có nghĩa là "nước lên") đúng không ạ ? Còn nước lên thì gọi là "nước lớn", đúng không ạ ? Ở dưới miền Tây còn có từ nào khác để chỉ "nước lên", "nước lớn" không ạ ?

    Em mong được chị trả lời, em cảm ơn chị.
    Lan Hương

    ReplyDelete
  16. Anonymous2/07/2011

    Tôi sống gần hết đời ở ngay vùng Miền Tây sông nước của cô Tư. Mấy năm gần đây ông trời bắt đi nửa vòng trái đất sống chuỗi ngày già còn lại trong heo hắt buồn nhớ quê hương. May mà có cô Tư để tôi được sống lại quê hương. Xin cám ơn cô Tư rất nhiều. Cô Tư thể hiện được cái hồn Nam Bộ một cách tuyệt với nhất.
    Sáu Già Lang Thang.

    ReplyDelete
  17. Anonymous2/25/2011

    Đọc mà thấy lòng buồn mênh mang như mặt sông kia.

    ReplyDelete
  18. Anonymous11/06/2011

    Mình tạm gọi là gái già nên đọc mấy bài thơ của chị Tư bờ lau thấy động lòng quá chừng :(( .
    Có mua ủng hộ chị Tư mấy cuốn (để tặng àh, còn em đọc ebook chị ơi :D )
    Chúc chị buồn quài để có cái viết cho người ta đọc :)

    ReplyDelete