Truyện ngắn : Tui
Người đó đến nhà và mang bàn tay xòe ngửa trước mặt bà. Nghe
nói cô Năm Nguyệt giỏi coi tay, vậy đọc giùm thằng đàn em tôi vận số này. Anh
ta vừa nói vừa giắt tiền quẻ lên đĩa trái cây đặt ở bàn thờ Phật. Bắp tay xăm
bò cạp của người đó săn cuộn khi cắm phập cây dao nhỏ xuống mặt bàn gỗ, cán
rung lật bật, như xiên qua bất cứ lời từ chối nào. Cô bỏ nghề cũng đã lâu. Người
ta không còn nườm nượp lui tới để hỏi coi đời mình rủi hay may. Khách sáng nay bất
chấp.
Cửa nhà vẫn mở, mưa xiên li ti lên đôi dép xỏ ngón bẩn thỉu
của khách, nhưng bà thầy bị cầm tù vào bàn tay đang chìa ra kia. Bàn tay tái
xanh và lạnh, từng ngón như sắp rã ra, bật lên cái bớt đỏ trên cổ tay, như vết
đứt mở miệng. Nó thôi miên bà, để mặc điện thoại bàn kêu ré lên từng hồi rồi tắt
lịm đi trong mòn mỏi. Chuông tạnh, nghe có tiếng thằn lằn rơi phịch xuống.
- Lần nào coi tay cho người ta cô cũng khóc như vầy sao.
Cũng lạ à nghen. Bao nhiêu nước mắt cho đủ ? - Người đó cười khủng khỉnh, như
đang coi một vở kịch vụng về - Thằng đàn em tôi linh thiệt, nó nói thế nào cô
Năm cũng khóc lóc.
Bà đã tìm kiếm, mong được gặp lại từ những vị khách bước vào
nhà mình một bàn tay giống hệt như vầy. Cái bớt đỏ ở cổ tay, và lóng cuối cùng
của ngón út bị gù do lần nọ bị đứt sâu, bó bằng vải xé ra từ vạt áo cũ, không nẹp
nên cong queo khi liền sẹo. Ngón trỏ bà di theo những đường chỉ tay đứt quãng, nghe
cái lạnh của bàn tay kia ngấu vào người. Những vết chai trên ấy rắn đanh như
đá. Không phải bàn tay của kẻ vẽ tranh. Bà ước mình đoán sai. Không phải chủ
nhân của bàn tay kia thuở nhỏ chịu cảnh nghèo, nó muốn một hộp bút chì màu mà bị
bà mẹ từ chối. Không phải người ấy bị lạc mẹ hồi tám tuổi, chịu trôi nổi giữa đời.
Sao nó trở lại, bằng cách này ?!
Chẳng còn nhớ đây là bàn tay thứ bao nhiêu được bà cầm lên
săm soi để dò đoán cuộc đời của chủ nhân nó, kể từ lúc bà lục lọi được trong tủ
sách của ông nội mình bộ mười ba quyển Thuật pháp nhân tướng học. Con bé mười
sáu tuổi nhận ra mọi bộ phận trên cơ thể đều biết nói, đều có ý nghĩa trong cuộc
đời. Rủi hay may, suôn sẻ hay truân chuyên đều hiện lên ở từng chi tiết nhỏ. Tóc
nói mũi nói đuôi mày nói, vành tai nói, nếu ta biết cách đọc. Bàn tay không chỉ
để nắm tay mà phơi bày số mệnh. Ông nội bà đã phạm sai lầm vì đã không đốt hết bộ
sách ấy trước khi cháu gái mình trở thành thầy bói lẫy lừng.
- Con ơi, để lộ cơ trời thì trời có tha cho không ?
Câu nói đó ông già nhắc đi nhắc lại, nhưng bà đã để lọt qua
tai kia bởi ngây ngất với cái quyền lực mà mình đang có : một vị thánh ở giữa
các cõi làm sứ giả của trời, đọc những dấu hiệu giúp nhiều tín đồ mê mụ biết
trước tương lai. Bất hạnh mà bà gặp trong đời đều có lý do. Bà lấy phải một tay
thợ mộc nghiện rượu vì không coi lấy chồng là quan trọng, chỉ cần mượn giống để
kiếm đứa con. Bà muộn con là do tinh trùng của chồng xỉn hết, làm gì có thứ gì
ngâm trong rượu mà còn sống. Bà nghèo bởi mải mê làm phước giúp đời.
Một ngày bà về sụp lạy trước mộ ông nội mình, nói con tin có
trời rồi. Đứa con mà bà chắt chiu cầu khẩn trước bao nhiêu đền đài bị lạc mất ở
chợ Sương. Thằng bé giảy nảy đòi hộp bút màu, một thứ không ăn được. Với bà hồi
ấy, bất cứ gì không ăn được đều không quan trọng. Nhà dột mới quan trọng. Chạy
gạo bữa mai mới quan trọng. Vẽ lên giấy những ảnh hình sặc sỡ thì có vẻ xa xỉ
quá. Bà kệ nó ngồi bệt ăn vạ ở một góc chợ, cho nó sợ. Tin rằng nếu mình quả
quyết không ngoái lại, thằng nhỏ sẽ ngoan ngoãn vì nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Trong
lúc tìm một chỗ khuất để dõi theo đứa bé, có người chặn lại nói cô Năm coi giùm
tôi một quẻ. Mãi đi theo những đường chỉ tay như mê lộ, lúc bà sực nhớ tới con
thì nó không còn ở đó nữa.
Những người có mặt ở chợ trưa ấy đều hỏi bà làm mẹ kiểu gì vậy,
người chồng say xỉn cũng hỏi câu ấy trong lúc giáng nắm đấm đánh gãy hai cái
răng bà trước khi bỏ nhà đi. Điền thông
tin gửi các báo đăng trên mục tìm người, bà miêu tả tỉ mỉ chi tiết đặc điểm của
gương mặt, bàn tay, vị trí nốt ruồi trên người thằng bé vì đã thuộc lòng ngay từ
khi mới đẻ, nhưng vẫn tuyệt vọng vì không nhớ quần áo con mặc hôm đó. Quần có
thể ghi xám, nhưng cũng có thể nâu. Hoặc là ghi xám nhưng bị mưa ướt nên ngã
nâu. Áo kẻ trắng xanh, trên túi thêu một con gà con hoặc hai con thỏ, hoặc là
logo nhỏ của một đội bóng đá nổi tiếng nào đó. Chắc là vì những chi tiết mù mờ mà
những lời rao không có hồi đáp nào vọng lại.
Cái thứ bà nhớ nhất, là chỉ tay của thằng nhỏ. Thứ đó tòa
báo không coi là thông tin được in. Bà tự huyễn hoặc mình thêm lần nữa, bàn tay
trở về sáng nay không phải bàn tay mình đã nắm ở chợ Sương năm ấy. Nó có khổ rộng
gấp ba, chi chít sẹo. Nó nói bà ơi tôi đã chịu cơ cực lắm, từ hồi bà rời bỏ.
Trong tháng ngày bàn tay này phiêu bạt, bà nắm những bàn tay
khác và không chịu được cái ý nghĩ mình níu người dưng đây mà buông bỏ máu thịt
của mình, bà bỏ nghề. Nhưng không buông hy vọng. Lần gần nhất khi gửi lời gọi
con lên chương trình truyền hình Như chưa từng xa cách, bà nhận được khá nhiều
cuộc gọi đến nhà nói rằng có thể đã từng nhìn thấy đứa trẻ kia. Rất lạ là thằng
nhỏ theo như miêu tả hay nói mình không có mẹ.
Chủ nhân của bàn tay mà bà đang ngây dại rờ rẫm đây chắc
cũng xem được chương trình ấy nên theo dấu bà mà gửi tay về. Chắc cái vết cấn
sâu trong trí nhớ ấu thơ của nó duy nhất chỉ hình ảnh mẹ đã buông tay bỏ mặc
mình ở góc chợ. Mẹ đi thẳng, không ngoái lại.
Bà thầy từng nghĩ nếu có thể cải sửa cái hình ảnh sau cùng
đó của mình - một bà mẹ nhẫn tâm - bà đổi mạng cũng đành. Điều đó là không thể,
bà thật sự tuyệt vọng. Mưa tạnh, có mấy giọt nước rơi trên cúc áo người đàn bà.
Ti vi nhà hàng xóm đang phát bản tin các băng nhóm tội ác thanh trừng nhau ở tận
bệnh viện, một người bị mã tấu chặt đứt tay trái, giá xăng tăng, một làng chài
khỏa thân biểu tình đòi lại những chiếc tàu đánh cá bị bọn Lạ cướp mất. Người
đó sốt ruột ngó lên vách. Bà không chắc anh ta nhìn đồng hồ hay cái ảnh đen trắng
chụp cận mặt một thằng bé sún răng cười toe treo gần đấy. Bà không nhìn mặt
khách một lần nào, biết chắc chắn không phải nó.
- Đàn em tôi dặn hỏi kỹ, nó hỏi có phải vào tù nhiều lần
không, hay chỉ ở một lần dài cho tới chết ? À, nó còn hỏi nếu chẳng may bị kêu
án tử, thì nó sẽ bị bắn hay tiêm thuốc độc ?
Sau mỗi câu hỏi, bà thầy cảm giác mình vừa bị phạt một nhát.
Rúm ró. Người đó khủng khỉnh cười, rút con dao ra khỏi mặt bàn chảy máu, đi ra
cửa, và nói ngoái vào “Cô Năm từ từ mà
coi cho kỹ, tôi đói rồi, chờ không nổi. À, đàn em tôi dặn cô cứ giữ, nó không cần
nữa. Lìa thì cũng đã lìa rồi, mạch máu chết nên không thể nối lại…”
Truyện này dễ sợ quá cô Tư.
ReplyDeleteTruyện hay! Có chi tiết "tàu Lạ" nữa kìa! Thích chi tiết này quá (dù chỉ là thoáng qua nhưng chứng tỏ nhà văn của chúng ta biết quan tâm đến vận mệnh dân tộc)!
ReplyDeletetrời ơi, truyện bạo lực Việt Nam
ReplyDeletetrên hết là rất thời sự - rất "nóng bỏng"
Nghẹn ngào không biết nói gì ạ :(
ReplyDeleteCó thể so sánh Ngọc Tư với Trang Hạ được không nhỉ ?
ReplyDeleteChắc chắn là không. Lấy lý do là, "Tư và Trang Hạ không giống nhau ở bất kỳ điểm gì" (trừ cái điểm cùng là nhà văn, hoặc lý do cao sang hơn, "bất cứ sự so sánh nào cũng là khập khiễng". Lý do nào cũng được. Miễn đừng so sánh.
DeleteTrang Hạ là nhà văn của dục tính. Tư là nhà văn của tâm tình buồn. Hạ nói nhiều, tính nết táo tợn, muốn gì là như xồng xộc. Còn Tư thì bạn đọc mấy năm qua biết rồi đấy : vào tận nhà riêng của cô ấy tâm sự, giỏi lắm cổ chỉ ậm ừ !...
Deletebuồn quá 4 à........................................
ReplyDelete4 tinh o mac do di bieu tinh ha. Vui a nhe, xau ma dong phim Sex. Toi nghiep nguoi xem thoi.
ReplyDeleteLý Lan: đọc và bình
ReplyDeleteNgười buồn cảnh co vui đâu bao giờ
ReplyDeleteSao mà đau lòng quá chế ơi!
ReplyDeleteChị ơi 1 tháng trong chờ đọc được có 1 cái ngắn teo không có đã thèm gì hết...lúc nào em cũng trong chờ chị viết 1 cái thiệt dài dài, đọc cho nó đã đời trời đất...mong chị!...mong mong...
ReplyDeleteChạy theo "tiếng" thì phải trả giá thôi. Giá nào cũng đều làm buốt ruột cả.
ReplyDeleteKinh khủng quá, xả hội loạn làm nhà văn loạn theo hay sao?
ReplyDeleteTôi thường đọc bài của Tư vào những buổi sáng lạnh ảm đạm, khách hàng vắng hẳn vì còn ngủ nướng, hoặc những khi đầu óc tôi đầy những toan tính, cay cú vì chưa đạt mục đích. Lúc đó, những luồng ý nghĩ đau đớn len lỏi vào từng sợi thần kinh, làm mềm đi những cau có trong lòng (mặc dù trên mặt phải cười toe toét). Đôi khi bài viết của Tư phảng phất tính duy tâm làm tôi phải suy nghĩ lại những toan tính của mình vì sợ nhân quả.
ReplyDeleteNói chung tôi thấy chính mình trong những bài viết của Tư. Sự thành công trong bài viết của Tư là chỗ ai cũng thấy hình bóng của mình qua đó.
Traihoavanglxag – Tô Hùng
Doc thay mot chut so, luat nhan qua ma.Nhung tren het la thay hay, co luat nhan qua thi nguoi ta moi chiu song tot.
ReplyDeleteMô tip này không phải là sở trường của Tư. Hãy quay về với đồng quê. Tư sẽ là số 1.
ReplyDeleteChuyện này của Tư chưa đạt. Chưa ra kịch, và càng chưa ra truyện ngắn.
ReplyDeleteEm ấn tượng nhất từ "Lạ" chị 4 à
ReplyDeleteCoi truyện tối mưa. Lạnh quá Tư !
ReplyDeleteTư làm cái khác đi Tư. Không thích Tư viết như thế này.
ReplyDeleteToi di tim chi Tu cua mien que song nuoc,chan that nhu dat ma dam da nghia tinh !Toi hong quen co Tu nay !
ReplyDeleteHồi nhỏ má tui nuôi heo, nuôi không lớn cả nhà rầu hết phương.
ReplyDeleteKhông biết ý gì đây ta , nhưng chị viết gì tôi cũng đọc hết ,hay dở tùy cảm nhận của mỗi người thôi. Phải đa phong cách vậy mới pro chứ chị 4 ha!
ReplyDeleteminh la fan cua Ngoc Tu, nhung minh cung khong thich chuyen nay, khong biet vi sao?
ReplyDeleteCó người để ý chi tiết tàu lạ, có người cảm thấy truyện này bạo lực. Có người tìm mãi mà không thấy Tư "đồng quê". Riêng tôi thì vẫn thấy thích truyện này.
ReplyDeleteCái hình ảnh kết cục, bàn tay chết nằm lại trên bàn làm tôi rùng mình, vừa sốc lại vừa đau. Không như co Năm, đã biết bàn tay ấy là của con mình, tôi chỉ nhận ra bày tay đó không thuộc về người khách coi bói. Mãi đến những câu cuối tôi mới thêm thấm thía, và chia sẽ nỗi đau của người mẹ mất con, nay mới vừa chợt nhận lại được thì lại càng đau thêm vì đã sắp mất hẳn nó.
Truyện này có thể không tả những mảnh đời bất hạnh hay như Cánh Đồng Bất Tận, nhưng nói là dỡ thì thật không công bằng.
Tôi thấy người đọc cứ hay lấn quyền người viết. Bạn có thể thích hay không thích tác phẩm, nhưng đừng lớn tiếng bảo nhà văn nên viết thế này đừng viết thế kia. Nói như cha mẹ người ta.
ReplyDeleteTBL
@ Anonymous
DeleteCó thể bạn lại cũng không đúng (?). Người đọc có quyền đòi hỏi nhà văn viết theo cái gu thưởng thức của họ. Và đương nhiên nhà văn có quyền từ chối hoặc chấp nhận nếu họ không muốn đánh mất chính mình hoặc không muốn đánh mất (một bộ phận) độc giả.
Người đọc comments cứ hay lấn quyền người viết comments. Có thể thích hay không thích, lại cứ lớn tiếng bảo nên thế này đừng thế kia, y như cha mẹ người ta ... ^-^
DeleteKhốc liệt và đau lòng!
ReplyDeleteChị Tư ơi, bữa nay em tỉnh táo để đọc lại, thì em thấy có chi tiết này: nếu người phụ nữ đó có thể biết trước được tương lai, hậu vận qua tướng số, bàn tay... thì hẳn đã biết trước được tương lai của con mình và chính bản thân mình chớ! Đâu có để con thất lạc và không biết gì về những năm tháng sau này của con trai như vậy.
ReplyDeleteCòn nếu như bà không thể biết được, thì những trò bói toán của bà không đáng tin cậy, không thể coi là làm lộ thiên cơ khiến trời nổi giận.
Dù sao đây cũng chỉ là một chi tiết trong bài, và truyện ngắn của chị là một truyện hay. Cảm ơn chị đã post cho mọi người đọc.
mình k bênh chị Tư, chỉ góp ý cho vui cho rõ: thứ nhất, bói toán dù có mang tính khoa học hay không khoa học, cũng chỉ là xác suất, không thể đúng toàn vẹn được; thứ hai, con nít chưa cố định vận số, cho nên không ai coi bói toán cho con nít cả.
DeleteBlog của Meichan viết rất bạo liệt, ào ào như thác đổ, nhưng ko comment được.
ReplyDeleteBiết Tư qua Cánh đồng, không nghĩ Tư viết truyện ngắn hay vậy ! Tình cờ vào thử và ... bài nào cũng tuyệt vời ! Bút pháp hư hư thật thật mà rung động lòng người ! Ẩn chứa trong từng con chử là một trái tim trăn trở quặn đau cho nhịp đập của cuộc sống con người. Người đọc nếu biết đau của nổi đau của thiên hạ, thì mới cảm nhận được hết những gì Tư muốn gởi vào đó ! Hảy vững vàng và mãi mãi là Tư của Cánh đồng Tư nhé ! Chúc sức khỏe !
ReplyDeleteChị Tư viết bài nào tôi đọc cũng thấy thích. Bài này buồn và xót xa quá.
ReplyDeleteSợ quá Tư ơi.
ReplyDeletechị ơi, năn nỉ chị, viết có hậu chút được k chị, đọc truyện của chị thì thích lắm, iu lắm nhưng mà đau lắm...
ReplyDeleteCái kết nghe đau đớn quá chị ạ. Phải đọc thêm cm ở dưới e mới hiểu ban đầu ng ta cầm bàn tay con bà thầy bói đến.
ReplyDeleteBàn tay đó xứng đáng được cắt bỏ mặc dù đau đớn. Cái bớt đỏ ghi dấu ấn cho một mối liên hệ ràng buộc thật là vô tâm. Mối ràng buộc đó cần phải dứt bỏ !!!
ReplyDeleteVote cho Tư câu chuyện này, câu chuyện loang màu quyết liệt ! Sự khốc liệt mới chỉ manh nha bắt đầu thôi .
chuyện này Tư viết hơi áp đặt tình tiết, mặc dù vẫn thích văn phong của chị :)
ReplyDeleteChuyện bi nhưng đôi chỗ chị pha chút hài hước rất có duyên.
ReplyDeleteTư phát hiện nhiều khía cạnh của cuộc đời quá. Thích những chuyện ngắn nhè nhẹ, buồn buồn giống dzầy! :)
Buồn quá Tư ơi, mà vậy mới đúng Tư chứ :)
ReplyDeleteTừ từ câu chuyện mở ra như mở gói bánh vậy, càng mở càng thơm càng bùi, và cục nhưn làm cho mình hơi nhói nhói...
Chị đặt tít nghe lãng mạn vậy mà đọc truyện thấy đau đớn quá chừng :((
ReplyDelete