Truyện ngắn : Tui
Khách ngang qua quán Ái giữa mùa mưa. Đường lầy, xe của khách lút trong cái ổ voi, nước
tràn vào ống xả, nồi máy nấc lên rồi ngất. Ái kéo ghế kêu khách ghé quán ngồi,
chờ mưa tạnh thằng Đậu sẽ đưa đi tìm ông thợ máy bên sông. Áo cao su mỏng, mưa xiên
xéo làm khách ướt ngoi từ đầu đến chân, đôi giày rã rời bởi bùn nhão. Chỉ bếp lửa
cháy lép nhép, Ái bảo cứ treo đồ ướt gần đó để hong. Hơi hôi khói một chút, còn
đỡ hơn chịu lạnh.
Mớ giấy tờ ngấm nước, khách loay hoay giở ra phơi, nhờ khói
lên kịp cứu cái quyết định nhận việc suýt cháy xém. Khách hỏi trung tâm thực
nghiệm giống mới gần hay xa. Ái nhắc chảo cá kho lên bàn, hỏi Đậu, “xóm bên có trung
tâm đó không ta ?”. Thằng nhỏ co chân kiểu nước lụt, hít hà mâm cơm, gãi đầu, “chỗ
đó hát lô tô hả ?”
Trời vẫn mưa rúc rắc, gió xé qua song cửa làm trứng mọt bay
vào mắt khách. Chìa chén đũa cho người đàn ông lạ, Ái nói khỏi lo đi, mưa tạnh
rồi tính, gặp bữa ăn cơm. Một lớp nước mắm phủ lên mặt nồi kho, bên dưới là mớ
cá lìm kìm, lần đầu tiên khách biết kiểu kho đắp mền. Ái hơi ngại vì bữa cơm chỏng
chơ mỗi món, tắc lưỡi nói phải không mưa bẻ rau muống bóp giấm ăn kèm. Một nắm
mưa đậu lại trên tóc Ái, từng hạt tròn trong veo.
Ông già sửa xe đi vắng, nghe nói làm chủ lễ cho đám cúng
đình. Nước trời gột chiếc xe đậu ngoài sân gần sạch hết bùn. Thằng Đậu ngó mây
đen lặc lè dồn đống, tắc lưỡi nói điệu này còn lâu mới ngớt hột, “Chú ngủ một
giấc, là vừa”
Choàng dậy đã tối đến mức khách không thấy được khoảng sân.
Quán treo hai cái đèn dây tóc đỏ nhói trước và sau nhà, khoảng giữa ánh sáng
võng xuống, như bị đẩy vào xa thẳm. Ông già thợ máy ghé quán, xình xang nói ông
chỉ biết chùi bu gi, xe ngộp nước kiểu này thì hơi nặng, sáng mai gởi đò ra chợ
thị trấn mua vài món đồ nghề mới rã máy được.
- Ngủ đi, sáng mai tính.
Ông già khác nào ra lệnh, rồi chìm lỉm trong mịt mùng. Ái bảo,
“dẹp mấy hủ bánh kẹo kia, lấy sạp đó trải chiếu mà nằm cho thẳng cẳng. Nhẹ tay
giùm cái”. Khách nói tôi tên Đại.
Gió và mưa ràn rạt bên ngoài, khách hình dung thật éo le về
hai mẹ con Ái, cố thiếp đi trong váng vất mùi rượu trắng, mùi đường mía, mùi lá
mục, trong tiếng thằng bé hét trong chiêm bao đù má con ếch bự quá. Thức dậy
nghe nói lúc gần sáng trời có tạnh, nhưng không ăn thua. Giờ bên ngoài trắng
xóa như mưa chưa từng có sự đứt đoạn nào. Chiếc đò chở thằng Đậu đi bổ hàng bán
vẫn chưa về, nghĩa là mấy món đồ nghề cho ông già kia vẫn chưa thấy đâu. Nhìn
cái quần cộc đàn ông phơi đầu sào phơ phất, Ái nói “rảnh làm gì, vô đây gãi
lưng giùm”.
- Người ấm quá, xốp như cái gối gòn.
- Ừ, thịt da ấm từ nhỏ.
- Chết, áo đâu ? Có ai kêu cửa.
- Gió đó. Quán ngay trảng gió. Mấy lần đang ngủ gió giở mái
nhà quăng xuống kinh. Rồi sao hả ? Đâu có sao, tụi này phủ cao su lên nóc mùng
ngủ tiếp. À, chút đi nhớ lấy khăn tắm giắt đầu giường.
- Ở lại gãi lưng thêm ít bữa, nghen ?
- Thì ở.
Khách nói với ông già chờ đường ráo. Vật lộn mãi, chiếc xe cũng
chịu khạc ra những lọn khói đen ngòm. Bảo khách coi quán, “Giá đường đậu ghi sẵn
trên vách, muốn đi cũng không cần từ giã, cứ đóng cửa mà đi”, Ái xỏ cái áo mưa,
cắp nón ra đồng. Nhà có năm công ruộng, lúa sắp trổ đòng đòng mà chưa dặm xong.
Thằng Đậu lắn quắn chạy theo má. Khách ngó mưa rây, giở túi nhìn lại mớ giấy tờ
nhòe nhoẹt.
Ở một nơi chốn khách mô tả trong điện thoại là “dọc đường”,
chỉ mớ giấy tờ, những cuộc gọi nhắc nhớ khách đến từ đâu và phải đi đâu. Mưa vẫn
không đầu không cuối, không đến không đi, lúc dào dạt lúc rỉ rả thầm thì. Miệt này
mưa kéo dài đến sáu tháng mới ngưng, đường sá vừa mới ráo lại lầy. Ảo giác vây
bủa, khách không biết đây là hôm nay hay ngày đã qua. Một bữa mòn mỏi bởi ý
nghĩ mình không thuộc về nơi này, khách quyết liệt xốc ba lô lên vai. Ái ngồi nhai
cóc non, nhắc khách coi còn bỏ sót gì không. Chỉ mình Ái âm thầm biết thứ khách
bỏ sót, nhưng không nói. Thằng Đậu nhìn theo bóng chiếc xe dần nhòe lẫn trên đường,
cho đến khi khách quay đầu lại. Mang về một mớ xoài xanh, khách nói chắc phải
làm mấy con bù nhìn để đuổi chim, giữ mớ lúa ngoài đồng sắp chín.
- Gặt cho xong đã. Khách quăng đôi giày trở lại gầm giường.
Thì gặt, Ái háo hức cắn ngập răng vào trái xoài chua lòm, nước
ứa tươm trên môi. Những chùm mưa vẫn xòa xuống cái quán cắm chân giữa trảng
gió. Nhưng khách đã học được cách phân biệt hai cơn mưa, hai mùa nắng. Cuộc
luân chuyển miên viễn của thời gian khách ghi nhớ bằng đứa trẻ sơ sinh khóc lóe
ngóe trên giường. Một vụ mía trúng giá. Thằng Đậu lên cấp hai. Ái thèm chua lần
nữa. Cây xoài khách trồng mùa đầu ra trái. Chân khách bị gãy. Gả con gái.
Những tờ giấy gấp tư dưới đáy ba lô phai gần hết mực, rách beng
mép gấp. Lỏng lẻo như những cuộc gọi phía chân trời. Con đường trước nhà đã
tráng nhựa, xe đò qua nhà ngày bảy chuyến, Ái vẫn dặn khách muốn đi cứ đi,
không cần từ giã. Lần duy nhất Ái bảo khách ở lại là hôm kẻ xưng ba thằng Đậu tới
thăm. Mấy lần xe đò nuốt khách vào, rồi lại trả về đúng trảng gió. Đi, về không
hứa hẹn. Chỉ trước cái bữa ra đồng không về nữa, khách buột miệng từ giã, “đừng buồn. mai mốt lại gặp nhau”. Những chiều tà
Ái chống gậy ra mân mê nấm mộ dần khô. Bia ghi khách thọ sáu mươi tám tuổi.
Từ tạt qua quán bên đường, khách đi ngang trung tâm thực
nghiệm giống mới hai lần. Một bận Ái bị rắn lục cắn phải chở đi bệnh viện, bận
sau tiễn thằng Đậu đi lính. Không lần nào khách kịp nghĩ đáng lẽ mình phải ở
nơi chốn này.
phong cách truyện này là lạ, thấy Tư lấp ló chứ không rõ hình hài và hình như có thêm ba bốn cô Tư khác nữa! Đọc xong truyện này không thấy buồn mà cũng chẳng thấy vui, chỉ thấy điều gì đó vướng mắc, chiêm nghiệm, suy ngẫm hoài mà không ra (phải chăng cuộc đời giống như những cơn mưa, còn con người chỉ giống như khách trọ trong chính ngoi nhà của mình mà thôi!).
ReplyDeleteCô Tư hổng dắt sợi dây níu lòng người ta bằng cái đau riết riết nữa rồi. Thấy nhớ cô Tư cũ. Nói vậy thôi, chứ cô Tư này coi bộ trái tim cũng nặng à nghen. Mới mà thích.
ReplyDeleteĐời người như gió qua trần thế. tên hai nhân vật là Ái và khách là có ẩn ý, phải không tác giả ?
ReplyDeletecái này đọc được nè... tin, yêu, buồn và nhanh...kiểu phim dự cannes. Lâu rồi nhìn thấy loáng thoáng Tư đi dạo dạo trong trang viết: mưa rúc rắc, mưa rây...
ReplyDeletekhà khà khà...hờ hờ...
hay quá chị Tư ơi!!!
ReplyDeleteKiếp người... rồi thì cũng qua...
ReplyDeleteDoi nguoi cung nhu vay thoi. Ben nhau tru qua 1 con mua. Roi cung se chia tay. Cam on chi Tu vi cau chuyen dep
ReplyDeleteSự sống của kiếp người ẩn hiện nhấp nhoáng nhạt nhoà trong cái thế giới mịt mù mung lung của cõi vô thường này, được tác giả thể hiện thật điêu luyện! Thương thay cho kiếp làm người. Như thế này ta gọi là sống sao? Thế mà con người vẫn sống với cái khoái cảm vô vàn chính nó của cõi nhân gian! Có phải vì nó mà người ta sống? Nếu vậy, chính nó là viên kim cương bất hoại. Nó là cái bản thể mà con người được sống trong nó, được hoà quyện với nó, được tắm trong ánh hào quang của nó mà...không biết!
ReplyDeleteĐấy chính là con người!
( Tiếp)
ReplyDeleteXin cám ơn Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư!
Tư ơi ! làm face book đi Tư ! Ghiền Tư quá hà !!!
ReplyDeletethì ra không níu giữ thì lại có thể giữ...không hứa hẹn thì còn gặp lại, cứ giống như mưa ở trảng gió...đến và đi theo tự nhiên, thuận theo tự nhiên
ReplyDeletelike! gần tới cảnh giới niết bàn rồi!
Delete1 trong nhung cau chuyen toi thich nhat cua Tu!!! Rat that va cam dong.
ReplyDeleteThu
truyện của chị đọc vui thì sẽ buồn mà đọc buồn thì sẽ vui
ReplyDeleteĐoạn cuối nhanh quá, làm hơi hụt hẫng.
ReplyDeleteĐoạn cuối nhanh quá, làm hơi hụt hẫng.
ReplyDeleteViết hay quá Tư ơi, luôn luôn thích đọc Tư, từ lúc được biết Dòng Nhớ, Đời Như Ý, cho tới bây giờ.
ReplyDeleteChị Ngọc Tư viết hay quá. Năm 3 làm một đề tài NCKH cấp trường về truyện ngắn của chị, đọc các tập Gió lẻ, Cánh đồng bất tận... đã thích rồi. Những sáng tác gần đây có thêm nhiều đổi mới và... vẫn hấp dẫn như từ đầu. Chúc chị có thêm nhiều sáng tác mới thành công hơn nữa, ở những địa hạt mới hơn.
ReplyDeleteHay quá! Cám ơn bạn Tư!
ReplyDeleteĐọc truyện chị lúc nào cảm xúc cũng nhẹn ngào nhưng vẫn thích. Buồn quá chị ơi, nhưng luôn tìm được một chút gì đó có mình, có quê hương mình trong đó nên cứ mãi yeu những tác phẩm của chị.
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteViết hay quá bạn ơi! Lang thang gặp blog bạn vui quá ! Mong dc kết bạn với bạn nhé !
ReplyDeletechủ nhà này không thèm ra tiếp khách..héng!?
ReplyDeletehùuuuuuuuuuu !
Deleteá a1aaaaaaaaaaaaaaa á á...vui quá đê ê..ê.....
Deletechủ nhà ra "hù" có một phát, vui mấy ngày đêm...
Deletechị nhìn cuộc đời nhẹ như bông :)
ReplyDeleteLâu lâu mới thấy chị Tư có 1 câu truyện kết thúc có hậu, đọc xong không phải day dứt, bứt rứt, ấm ức...
ReplyDeletetruyện này có chất Thiền đó Tư.Nhân vật Ái giống y như một thiền sư coi "sắc tức thị không, không tức thị sắc"
ReplyDeleteHAY
ReplyDeleteỜ. Quên cô Tư ơi. Tư làm ơn chỉ dùm cách kho cá đắp mền, nghe ngồ ngộ chưa thấy, chưa được thưởng thức bao giờ. Hay là Tư cũng như mình, chỉ nghe nói thôi vậy ?
ReplyDeleteTruyện của cô Tư buồn ghê, mà không hiểu tại sao cứ cười thôi là cười...
ReplyDeleteviết hay quá! nhẹ nhàng, an nhiên tự tại
ReplyDeleteNgười bắc chính hiệu nhưng mê chuyện chị tư và mê những con người mảnh đất miền tây của chị
ReplyDeleteChị Tư viết như đang giỡn. Hay quá là hay.
ReplyDeleteui,
ReplyDeletenhẹ nhàng, ấm áp như người mới mắc mưa được quấn khăn loại khăn tắm đắt tiền nhất :))
Người ta yêu nhau ko biết từ đâu, lúc nào. Chuyện đẹp quá.
ReplyDelete