Vực
mở
Tản văn : Tui
Có con, chuyện con có bồ cũng
tự nhiên như nó ho, sổ mũi hồi vài ba tuổi. Nghĩa là cũng quan trọng đó, nhưng không
nguy cấp tính mạng, thủng thẳng lo được. Hiểu biết chung quanh chuyện trai gái
hồi trước chỉ trông cậy vào lời khuyên bảo mù mịt hoang đường của người già, giờ thì kiến thức đâu cũng có,
từ trường học, sách, mạng… Con biết chắc hôn môi tuyệt đối không có bầu, mình đỡ
phải nói gần nói xa chuyện chạm da va thịt, những thứ mà nói bằng lời cũng sượng.
Chỉ phải nhắc con, nhớ chọn người tử tế.
Vài ba năm trước một bà mẹ vô
lo còn nghĩ vậy khi con đưa bồ về nhà ra mắt, giờ thời thế trở quẻ, yêu là mạo
hiểm rủi ro như leo núi. Đi bên những bờ vực. Bất trắc không phải ở những khúc
quanh, từng gờ đá, mà từ người bạn đường thân thiết nhất. Cái câu “chọn người tử
tế” tưởng nhẹ tênh, hóa ra là một nhiệm vụ xương xẩu. Tử tế sống chung đến nửa
đời cho đến khi vợ bị chồng đẩy xuống sông. Tử tế yêu nhau cho đến khi oằn dưới
những nhát dao quyết liệt từ tay bồ giữa một cuộc cãi cọ chẳng đáng gì.
Mấy anh bạn đào hoa lúc này không
biết đã có chút lấm lét chưa, khi nhắc đến chữ ‘bồ”. Những cuộc chia tay cho đến
lúc này xảy ra êm đẹp, chưa cô nào đặt kíp nổ trong xe để úm ba la hai đứa chết
chùm. Nhưng chưa chẳng có nghĩa là không có. Những bờ vực luôn mở khi những người
yêu nhau còn nghĩ anh ấy hoặc cô ấy là của mình. Da thịt nọ của mình, cứ nghĩ
rơi vào tay người khác thôi là đã không đành. Cầm tù nhau bằng cái khóa thề
mang tên “mãi mãi” coi bộ không chắc ăn, kết luôn án tử. Cái bi kịch “của mình”
này cuốn Nguyệt thực nổi tiếng của Trung Quốc viết rồi, cả chương Ba là quang cảnh
nông trường chăn nuôi phá sản, những nông dân đi giành lại những thứ “của
mình”. Một cô bé vì quyết liệt giữ cái nồi nấu cám mà bứt đứt lìa cánh tay. Ôm
cái nồi vẫn còn cánh tay bé bỏng kia bám cứng trên quai, gã thắng trong cuộc cướp
bóc đem về treo trên giàn bếp. Mới nhớ ra đứa bé ấy là đứa con rơi “của mình”.
Mẹ đứa nhỏ dặn nó phải cố giành nồi nấu cám cho bằng được để làm quà nhận lại
cha.
Ngoài mấy bài giảng tập hợp
thành sách của những vị thiền sư bày trên kệ sách tôn giáo, chẳng thấy trường lớp
nào dạy cách buông bỏ. Giữ rịt, vơ níu bất chấp từ những lĩnh vực nhập nhoạng
như chính trị, hào nhoáng như giới giải trí, đến lãng mạn như tình yêu. Xưa, phải
lòng người mua chiếu mà anh bán chiếu Cà Mau buồn thỉu buồn thiu, nghĩ người ta
đã có đôi rồi, thôi mình vác cặp chiếu bông trở về. Giờ yêu đơn phương mãi
không được đáp tạ, tưới xăng mồi lửa người thương giữa đường. Lan trong tuồng cải
lương nổi tiếng Chuyện tình Lan và Điệp không buông bỏ được nên chết héo chết sầu,
Lan bây giờ không buông bỏ được xách mã tấu chạy đến đám cưới của thằng bồ vừa kịp
cũ. Sinh viên có kiểu thanh trừng người yêu bằng dao kéo, ca sỹ có kiểu lên báo
hài tội bồ cũ của ca sỹ, chính khách cũng có kiểu riêng thanh toán đồng chí của
mình. Không tin, mời coi báo.
Bỗng sến và xưa quá cỡ cái bảng
lảng của buổi tiễn đưa người yêu đi lấy chồng, có người đứng lặng trông, xác
pháo tan nát lòng. Nhạc của thời loạn lạc mà thấy tình yêu dường như lành lặn,
không vết chém, không hận thù. Là chỗ nương tựa giữa buổi đạn nổ pháo cày. Là
nín nhịn hy sinh, thôi em về với người ta, quên thằng nhạc sỹ nghèo này đi. Có
ông còn nhận thẳng thắn nhận ra chuyện người tình không lấy mình lựa chọn sáng
suốt, từ “con đường em theo đó đúng hay sao em”, quay ngoắt lại nói con đường
em đi đó đúng đấy em ơi.
Tình yêu là một vết thương
không kín miệng, mấy ông danh nhân nói vậy. Lâu lâu chảy chút máu chơi, cho thú
vị đời, chẳng chết ai. Nhưng giờ người ta chảy máu đến chết dưới tay người yêu
nhiều quá, những cái vực mở hút sâu khi thời thế khiến thiên hạ sống ngày càng
táng tận ráo riết.
Nụ hôn sẽ có vị gì khi nghĩ tới
bồ bịch đang giấu dao trong áo ?
Mình nghĩ, những người làm công tác giáo dục có một phần trách nhiệm.
ReplyDeleteCái đó do xã hội tư ơi ! Con cá lòng tong chỉ ăn rong rêu trên sông dài, hồ rộng. Nhưng khi thả vào ao tù thì nó có thể ăn thịt đồng loại của mình hoặc ngay cả trứng mới đẻ của mình. Rau nào sâu nấy mà, buồn !
ReplyDeletenhạc tình yêu thời bình nè : "yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra"...chắc nhạc sĩ ăn ...gừng TQ nhiều quá ! hihi
ReplyDeleteBUÔNG BỎ
ReplyDeleteCứ nhủ lòng mình
Buông xả thôi
Nhẹ hều như nước chảy mây trôi
Làm sao giữ được
Điều không thể
Chỉ mỗi tay không đã nặng rồi .
N V G
Nụ hôn sẽ có vị gì khi nghĩ tới bồ bịch đang giấu dao trong áo ?
ReplyDeleteCuộc đời đúng là kinh ngạc hết sức, tưởng đã thấu hiểu đến đáy của phi đạo đức rồi, mà đáy vẫn đầy những ngách hang ngoắt ngoéo. Chẳng lẽ đổ lỗi cho củ gừng Tàu tẩm độc, ai ăn vào cũng phát điên ?
Gừng Tàu chỉ gây ung thư trên từng cơ thể thôi Tư ơi. Cái bệnh ung thư đạo đức này phải là do thứ chất độc khác gây ra.
ReplyDelete"Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
ReplyDeleteTại sao cây táo lại nở hoa?"
" Ngoài mấy bài giảng tập hợp thành sách của những vị thiền sư bày trên kệ sách tôn giáo, chẳng thấy trường lớp nào dạy cách buông bỏ."- Nhà văn đã chạm vào giáo lý tối hậu của đạo ông Bụt - Thích Ca Mâu Ni - là sống để buông bỏ, sống là để cho, để giúp, để hy sinh vì đồng loại... Cũng là phơi bầy cái lỗ hổng toang hoác của một nền giáo dục chỉ dạy con người ' càng ham càng tốt', dạy người ta chẳng nên buông bỏ cái gì, càng vơ vào nhiều càng tốt, dạy người ta đạp lên người khác mà vươn lên, dạy người ta tranh giành danh hiệu, địa vị, bằng cấp, giành nhau thành ông nọ bà kia...Cứ thế cả xã hội trở nên điên khùng, giành giật, dối trá, bè phái, ích kỷ, sa đoạ. Nó len lỏi, hiện bày khắp ngang cùng ngõ hẻm từ thôn quê đến thành thị ( nhìn vào báo chí hàng ngày là thấy). Nó như xác chết trôi trên sông mà ai cũng thấy!
ReplyDeleteNgười phụ nữ lại là Nhà văn, lại là người mẹ đã đau đớn đến trai sạm, lỳ lợm như thế nào! Xã hội điêu tàn như quả núi lửa bắt đầu phun, phun lên không phải là lửa và dung nham, mà là: Máu, nước mắt, thịt người, dao búa, như "xác pháo tan nát lòng",...
Cám ơn nhà văn Nguyễnn Ngọc Tư!
Đó là lý do, càng ngày mình càng ít đọc báo, nhất là báo mạng. Và từ đó mình thấy đời đẹp ra. Những người tử tế họ vẫn còn sống, nhưng ít lên mạng thôi. (May quá!)
DeleteTruyện của chị Tư rất sáng tạo về từ ngữ, đặc biệt là các lớp từ láy, em thích lắm. Chị tiếp tục phát huy khả năng này nhé.
DeleteÀ, em cũng tập tành viết truyện, mời mọi người vào đọc và góp ý nhé!
http://nhathanhdl.blogspot.com/
Lâu mới thấy Tư tái xuất à nha, bữa giờ cai à ?
ReplyDelete"Bỗng sến và xưa quá cỡ cái bảng lảng của buổi tiễn đưa người yêu đi lấy chồng, có người đứng lặng trông, xác pháo tan nát lòng."
ReplyDeleteChị Tư viết mộc mạc mà hay quá, cay quá!
ReplyDeleteCó hai câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp mà tôi luôn luôn yêu thích:
ReplyDelete- Thứ nhất là câu chuyện về chiếc hộp Pandora (dù thế giới này tràn ngập những điều xấu xa thì ít nhất hãy nuôi dưỡng cho mình một niềm hi vọng dù là nhỏ nhoi).
- Thứ hai là câu chuyện của người anh hùng Archilles (một vị bán thần được mẹ nhúng xuống sông Styx để có thể trở thành một anh hùng bất khả chiến bại, tuy nhiên chàng có một yếu điểm ở gót chân do không được nhúng hết xuống sông, nhiều người coi đó là một điểm yếu, nhưng cũng có người coi đó là phần níu giữ phần con người trong chàng, và là một vị thần đôi khi cũng có sai sót).
Nhiều người biết rằng cuộc đời này đầy rẫy những điều xấu xa, đầy rẫy những thứ rác rưởi, nhưng lại có ít người để ý đến những điều tốt đẹp, bởi những điều tốt đẹp thực sự thì không khoa trương, không hào nhoáng, nó tỏa sáng âm thầm, lặng lẽ từ chính trong những điều xấu xa đó. Phật dạy rằng phải biết "buông bỏ" nhưng Phật cũng dạy rằng "sắc tất thị không, không tất thị sắc", để "buông bỏ" được đôi khi ta cần phải "níu giữ".
Tác giả Hà Nhân trong một bài báo từng nói rằng: "Cuộc sống không đơn giản chỉ là những sự thật mắt thấy tai nghe, ai say ai tỉnh. Còn có một sự thật của trái tim, của những yêu thương theo vô vàn cách không quen thuộc. Đôi khi những điều ta cảm thấy lại gần sự thật hơn là những gì ta nhìn thấy. Ta trưởng thành là khi biết khoan dung, biết chấp nhận những sự thật khác biệt. Biết đến với sự thật bằng cả trí óc lẫn tâm hồn.
Chị Tư lúc nào cũng sâu sắc, giọng văn bình dị, cái kiểu loáng thoáng nhìn qua sự vật, hiện tượng mà cảm nhận đến tận gốc rễ cái nguyên lai dẫn đến khuyết tật tâm hồn con người trong xã hội ngày nay.
ReplyDeleteỞ góc nhìn tôn giáo, tất thảy mọi sự nhiểu nhương, tai nạn, hận thù, tranh đấu, tha hóa đạo đức lối sống, v.v.. là biểu hiện của thời kỳ Mạt Pháp. Nếp sống đạo của những người có tôn giáo là cầu nguyện, suy nghĩ, hành động (cho dầu nhỏ bé nhất) nhằm góp phần cho tâm hồn người được thiện lương hơn, cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn.
Ở một khía cạnh nào đó, khi phải đối diện với cảm xúc nóng giận, tôi nghĩ rằng: "KIỂM SOÁT Ý NGHĨ, LỜI NÓI VÀ HÀNH VI LÀ HIẾN DÂNG SỰ THƯƠNG YÊU CHO NHAU"
bộ có người làm được sao...
DeleteÔi Lan xưa và Lan nay
ReplyDeleteWhat a BIG LOVE :(((((
Ông ngoại tui nói "mình ăn thì hết, khách ăn thì còn". Tư ơi..! Người Việt chúng ta có hẳn một nền tảng đạo đức cội rễ sâu xa nhưng rất tiếc một thời gian quá dài (bằng cả 02 thế hệ 8x, 9x cộng lại) chúng ta đã cố tình làm nhạt nhòa đi để thay bằng một thứ khác mà những người trẻ càng nuốt, càng nhai càng nhiễm độc như... củ gừng TQ. Hồi mình hai mấy tuổi (bây giờ mình đã hơn năm mươi) đã được tiếp cận với triết lý "Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp", tiếp cận một cách tự nguyện và hào hứng, mà kg chỉ riêng mình, nhiều người trẻ cũng thế Còn bây giờ, những tư tưởng kiểu ấy chỉ nằm trong tủ sách dành cho những người sắp kề miệng lỗ, hoặc lác đác, ế chỏng, ế chơ nằm đóng bụi trong những hiệu sách lớn (vì chỉ có những nhà sách lớn họa may mới có), nhỏ nhoi, lạc lõng bên cạnh những gì gì là "làm thế nào trở thành doanh nhân thành đạt; Bí quyết được lòng lãnh đạo; Thuật lãnh đạo....". Chỉ vì chữ ÁI mà người khách đã bị trói buộc vào cái quán nơi trảng gió cho đến hết đời. Tư đã viết thế mà.. (may thay Ái của Tư là một thiền sư "pháp thượng ưng xả", vô nhiễm với cái "của mình" nên kg có đổ máu..hi hi). Mong Tư cố gắng cùng những người tốt khác giữ gìn chu đáo những "gen" tốt thật kỹ lưỡng để mốt mai qua "cơn đại nạn" này còn gieo lại cho những thế hệ về sau. Bài trước thì "Không níu giữ" bài này thì "buông bỏ".Hoan hô Thích Nữ Ngọc Tư.
ReplyDeletecay và đắng, rất sâu sắc!
ReplyDeleteHồi đó nghe anh Sơn hát bạn bè ngồi quanh tuốt asáng giáo gươm mà ngơ ngác hổng hiểu. Chừng bị ăn mấy nhát hiểu ra rồi. Nhưng ko thấy đau, chỉ thấy lạnh mất tiêu.
ReplyDeletesầu đời vào kiếm gì đó của chị đọc chơi... Ai dè nghe xong sầu hơn...
ReplyDeleteđọc bài này em tâm đắc quá, chị Tư cho phép em chia sẻ với bạn bè được không?
ReplyDeleteTui có con gái cũng lo thật,
ReplyDeletebaby láu lắm mà ko biết lớn dậy thì rồi có còn nghe lời ba ko nữa,
thôi cứ ráng ăn chay, mong sao con yên vui là hạnh phúc :D
chị Tư ơi chị cho em biết tên tác giả quyển Nguyệt thực được không ạ, em cảm ơn chị :)
ReplyDeleteNgại quá, bịa đó :p
DeleteThời mạt nó dzậy.. Tư viết thấu đáo ghê.
ReplyDelete