Dec 19, 2013

Út Đèo, người mơ mộng


Tiểu phẩm : Tư Bờ Lau

Nhà Đèo vẫn còn giữ tấm ảnh trắng đen chụp nó hồi năm tuổi, mũ miện bằng vỏ bưởi, khăn tắm làm hoàng bào, gương mặt kiêu sa y như cô công chúa mà nó đang nhập vai vào. Coi bọn nhỏ chung quanh là quân hầu, có lần nó tiện miệng kêu má, “bây đâu, dọn cơm ăn coi”, bị quất mấy roi tét đít.

Những khi nhìn lại cái ảnh đó, Út Đèo cho rằng tánh mơ mộng của mình phải từ đâu đó trong máu. Mười hai tuổi, ngồi mân mê đám mụn cơm dày trên mặt, nó hình dung lớn lên sẽ thi hoa hậu thế giới (đương nhiên là huê hậu Việt chắc mẻm mang tên Nguyễn Thị Út Đèo rồi), giựt luôn cái giải người đẹp toàn cầu nhờ câu trả lời kinh điển, “cái đẹp cứu rỗi thế giới còn người đẹp cứu rỗi những đại gia”. Út Đèo tưởng tượng cảnh người đẹp Brazil, Venezuela phải khóc ròng vì tiếc nuối, khi nó được người ta gắn cái vương miện lên đầu. Má ngồi chợ bán cá, nhiều khi tức vì con gái để đầu óc ba khơi, biểu Út Đèo “coi kiếng đi con”. Kiếng là thứ thật thà, con Út Đèo trong đó chân chừng sáu tấc, da được đám ghẻ thêu hoa, mặt hình tam giác, một bộ phận không nhỏ răng đã bị sâu, mắt lé. Nó cãi “nhưng mà nhan sắc con làm người ta bối rối”. Cái đó thì phải thừa nhận, ai gặp nó cũng bâng khuâng khi rõ ràng nó dòm lom lom về phía mình nhưng thiệt tình là nó nhìn thằng kế bên.

Lụi hụi cũng tới tuổi cập kê, nồng độ mơ mộng trong Út Đèo cũng đậm lên. Đám trai trong xóm, trong chợ cá vẫn hay đờ đẫn ra trước ánh nhìn dương đông kích tây của con nhỏ, nhưng đều bị nó dẹp qua một bên. Đèo chờ đại gia, hoặc tệ lắm thì cũng là con trai đại gia. Nhiều khi cũng hờn giận má sao không đặt tên nó có chữ Hà, vì theo như các nhà nghiên cứu, gì dính tới Hà, dù là Hà Bá thì tỷ lệ lấy chồng giàu cũng cao hơn là không có. Thím bán mắm mồng gà chuyên gia dội nước lạnh, cười mai mỉa “người ta đại gia, sao lạc tới cái chợ chạy tem hem này mà gặp mày ?”. “Trời”, con Út Đèo phẩy tay, “dễ ợt”. Ví dụ như bữa nọ anh đại gia đi chuyên cơ ngang qua thì hết nhiên liệu, ảnh sẽ đáp máy bay xuống đổ xăng. Trong lúc chờ đợi ảnh đi dạo quanh, ghé vô ngay cái quán bà Ba Mập, đúng lúc nó đang ngồi ăn hàng và nhiều chuyện ở đó. Vào khoảnh khắc nó sẽ ngẩng đầu lên, đưa tia nhìn khiến thiên hạ bối rối ra, anh đại gia sẽ cháy khét lẹt trước cú sét ái tình. Duyên trời định, dù chạy xe Lamborghini Aventador hai mốt tỉ cũng cán đinh bể vỏ như thường.

Kịch bản là vậy, con Út Đèo chờ cho tới năm ba mươi bảy tuổi, tiêu chuẩn hạ xuống còn chú già Đài Loan cà nhắc, nhưng cuộc coi mắt xem hàng nào người ta cũng lắc đầu. Một bữa đợi thằng Lý Chút Tùng lùn chút tí  nhậu xỉn đi ngang, Út Đèo ỏn ẻn ngoắc nói vô đây chơi cái này vui lắm. Bốn tháng sau khi bụng vừa đội áo, Đèo kịp về làm vợ thằng nhỏ bốc vác trong chợ.

Bữa đói bữa no, dù vậy Út Đèo chưa bao giờ nguôi mơ mộng. Nó mua sữa ký cho con uống, và tưởng tới chuyện đưa con vào trường điểm, lớn lên con làm tổng giám đốc của những công ty Vina mỡ màng, béo múp. Năm mươi tuổi, da Út Đèo điểm xuyết thêm vào bông đồi mồi màu nâu cánh gián, hai mắt vẫn ghẻ lạnh nhau sau nội chiến, nó chính thức phải lòng anh Kim Tan trong mấy bộ phim Hàn. Cứ hình dung ảnh ghì ôm mình từ phía sau, trùm áo len của ảnh vào người mình, Út Đèo rung động tới mức không nghe đứa con gái của mình kêu má ơi nhà hết gạo.

Mơ mộng đâu có tốn kém, nên cứ mơ cho hoành tráng. Tơ tưởng phi công Hàn lái máy bay Út Đèo đâu có gì sai, cũng chính đáng như như bà nội trợ mơ trên mâm cơm không món nào có độc, cô giáo mơ không phải bù đầu với trăm loại giáo án, bà già ước có răng để ăn khô mực. Út Đèo có lần chứng minh cho chợ cá thấy đâu phải lúc nào mình cũng ở trên trời, khi thỏ thẻ tâm tình rằng mỗi tối nằm bên ông chồng xỉn quéo, Đèo ước phải chi cái gì trên người chồng dài thêm một chút thì hay. Mấy chị kia cũng ngậm ngùi, ờ thì ít nhất cũng phải bằng trái dưa leo chớ.


Vậy nên  đêm đêm Út Đèo vẫn mơ tưởng về dưa leo củ cải, và nghĩ coi năm mình bảy mươi ba tuổi thì mặc áo tắm nào khi đi biển Vũng Tàu với anh chồng sau mang tên Putin. Út Đèo chỉ có mỗi niềm tuyệt vọng nho nhỏ, là bầy con bảy đứa không ai có khả năng mơ mộng phi thường như mình. Có bữa thằng Năm tay chống cằm ngó mong ra cửa, Út Đèo tưởng con đang mơ làm ca sỹ triệu đô, nhưng câu trả lời của nó bèo bọt hơn mong đợi, “tui chờ cho xe mít chạy ngang đây bị lật để chạy ra giựt mấy trái ăn chơi, hổm rày thèm mít quá trời”.

(Nguyên bản)

19 comments:

  1. Vụ xe mít lật và cty Vina. Kakaka

    ReplyDelete
  2. huynhthaison12/19/2013

    Mới đọc sơ qua thì thấy vui nhưng nghĩ kỹ lại thấy buồn quá Tư ơi.

    ReplyDelete
  3. đọc xong bối rối luôn, Tư cập nhật tin tức nhanh dễ sợ, vừa lạ vừa quen à nghen!

    ReplyDelete
  4. có những lúc buồn, đặc biệt là những khi xung quanh không khí như đặc lại, sóng sánh, buồn... ghé vào đây, thăm người không quen... và thấy buồn hơn :(

    ReplyDelete
  5. Hay quá cô Tư, thiệt tình không chê vào đâu được. Cơ mà cái chữ "miện" ở dòng đầu tiên thiếu "g" đó cô Tư. ^_^

    ReplyDelete
  6. "miện" trong từ "mũ miện" đâu có "g" bạn!

    ReplyDelete
  7. _ _" vậy mình nhầm. Xấu hổ quá xá. ^_^

    ReplyDelete
  8. kiểu viết này khác trước nhiều quá. giống như viết cho báo TTC mấy chục năm trước.

    ReplyDelete
  9. Tư ơi, đừng đọc báo nữa em. Tôi thích đọc em là để thưởng thứccía gì nguyên chất Cà Mau quê kiểng để tâm hồn dịu lại. Em làm nồi lẩu này tôi đau tim thêm.

    ReplyDelete
  10. Hôm bữa đọc tiểu phẩm trên Tuổi trẻ cuối tuần, thấy giọng văn quen quen thì mình nghi nghi đấy là của Tư, ai ngờ bữa nay lên web thì xác minh là mình đã không nhầm! Tôi không đồng tình với ý kiến của Hà Thanh Vân bởi: Tư viết các dạng tiểu phẩm này cũng khá nhiều, điều đó thể hiện cái nhìn đa dạng cùng giọng điệu đa thanh của nhà văn trước cuộc sống. Hơn thế, cái cười trong tiểu phẩm trên không chỉ để "cười đó rồi quên đó", ẩn sau tiếng cười là vấn đề mang giá trị nhân văn sâu sắc (Không tin bạn đọc lại lần nữa đi). Một nhà văn chả lẽ chi loay quay với đồng quê, con người ở nông thôn, đó vô tình trở thành áp lực cho nhà văn bởi viết nhiều về cái gì đó dễ dẫn đến lặp đề tài, tạo cảm giác chán cho người đọc. Gần đây, Tư viết nhiều về cuộc sống hiện đại, nhất là những vấn đề mang tính thời sự cao, theo tôi nghĩ đó là hướng đi phù hợp của Tư. Nhưng duy tôi lại không thích lắm khi Tư viết thơ, nó trừu tượng, khó hiểu lắm!

    ReplyDelete
  11. Anonymous12/25/2013

    Đối với tôi thì không cần phân biệt truyện ngắn, dài, tản văn hay gì gì khác. Chỉ cần đọc 1 đoạn là biết ngay là Tư. Và đó là thành công lớn nhất mà không phải nhà văn nào cũng có. Không cần luyện, đó là năng khiếu, là tâm hồn nhạy cảm, là bản lĩnh tự nhiên của 1 nhà văn thực thụ. Miễn bàn, cứ để Tư tự do viết sẽ tốt hơn.
    Người miền Tây

    ReplyDelete
  12. Anonymous12/26/2013

    Chuyện của Chị Tư sầu riêng đọc câu cuối là đắc nhất!

    ReplyDelete
  13. Cười. Châm biếm. Nhưng vẫn có gì đó buồn buồn

    ReplyDelete
  14. Anonymous12/27/2013

    Great Tư

    ReplyDelete
  15. "Vụ hoang tưởng án" xe mít lật làm liên tưởng tới lật xe beer ở Biên Hòa. Thâm thúy quá chừng...

    ReplyDelete
  16. suoirung1/05/2014

    Hay quá, nhất là cách dung chữ: "một bộ phận không nhỏ, “cái đẹp cứu rỗi thế giới còn người đẹp cứu rỗi những đại gia”...Tư viết chuyện kiểu nào cũng thâm tram hoặc cuời ra nước mắt. Thật là không tiếc thời giờ để đọc văn của Tư...

    ReplyDelete
  17. Nguyễn Ngọc Tư, một nhà văn Nam Bộ. Chà!...
    Người Nam Bộ viết khác, mà đọc cũng khác.

    ReplyDelete
  18. Đọc xong, không cười nổi, chỉ thấy lòng mình như bị ai bóp, ai vò nhưng vẫn phải cảm ơn Em. Chúc Em và gia quyến luôn an khang, hạnh phúc luôn viên mãn! - một người anh cũng...đen, buồn, khùng nặng lại còn dư ký nữa, hihihi!!!

    ReplyDelete