Mở mắt ra, chân quơ tìm dép thấy giặc đã ngang nhiên ở đó.
Nước, không biết vào hồi nào, ngập nửa chân giường. Lần đầu tiên cái thành phố
nhỏ này nổi trôi theo những ngày mưa trút xả, hồi nào giờ cứ tưởng đâu nó
nghiêng chừng hai ba độ bảy, có nhiêu nước dốc chảy ra biển hết, nhưng giờ biết
không phải vậy.
Một cuộc xâm lăng trắng trợn. Mở rộng lãnh thổ của mình vào
tận các hộc bàn, nước tràn qua mặt ghế sô pha, thậm chí nó còn reo khi qua cửa
hẹp. Bầy cá lòng tong lăng xăng lội te vào dọ thám mọi ngóc ngách, bã mía và lá
khô thì điềm đạm hơn, dường như có chút tự ti cái phận rác của mình.
Những nếp nhăn trong vỏ não bà già cũng như bị úng nước. Mấy
món đồ điện tử đắt tiền sắp ướt đít, nhưng bà mãi cứu hủ rượu mơ, tìm chỗ kê
cao bình bông giả, cuốn võng lại. Bận rộn với đám đồ linh tinh vô giá trị, đến
điện, thứ có thể rò rỉ bất cứ lúc nào, bà già cũng quên ngắt. Lúc ngơi tay đứng
thở, bà ngó quanh, nghĩ những thứ đúng kiểu người già lo xa, biết dọn dẹp nổi không,
một mai nước rút.
Ngày mai ấy chưa tới, còn lâu mới tới khi bão nối bão ngoài
khơi, bầu trời cú rủ nặng trịch, và hiện tại nước không có dấu hiệu dừng cuộc
chiếm đóng vô lối. Xế trưa nước đã lên quá đầu gối, bà già nghĩ tối nay chắc
khó ngủ lắm đây, nghe sóng vỗ ì oạp dưới lưng, lại nhớ cái hồi ở trên nhà sàn của
ông nội. Lúc ấy vẫn chưa tính tới chuyện bứt đi. Bỏ đi là chịu thua sao, dễ gì,
bà già nói vô điện thoại lúc gọi cho thằng con độc nhất giờ đang ở xa ngàn cây
số, nó giảy nảy kêu mẹ tạm chạy qua bên ngoại đi. Đâu được, ở lại coi chừng nhà
cửa, bà già cãi.
Nhưng nước lên tinh thần xuống, phần do ngấm lạnh và thấm mệt,
bà già tính chuyện chạy lụt. Chỉ nghĩ thôi mà đã rầu thúi ruột rồi. Làm sao chở
theo cái võng ban trưa nằm đọc sách, bộ dàn Akai sáng nào Thái Thanh, Hà Thanh,
Minh Hiếu cũng da diết “tim vang còn giây lát/hơi run còn thơm ngát/dương gian
còn trong mắt/nghe tiếng hát chưa nhạt tan”, bộ bàn đá mài đặt ngoài hiên bà
hay ngồi uống trà đón mặt trời, cái tủ lạnh lúc nào cũng chật ních những món ăn
thú vị.
Bà già không muốn bỏ lại gì trong vòng tay lạnh lẽo của nước.
Mọi thứ trong căn nhà nhỏ như lỗ mũi này đều quan trọng, thiết thân, áp chặt
vào đời sống thường ngày. Sống một mình, bà già dành hết sự quan tâm vào cái tổ,
như hồi xưa chỉ chăm chú vào thằng con, mặt nó hớn hở chắc là hái điểm cao,
móng tay nó dài rồi kìa, tóc nó chải kiểu này coi không được, nó trỗ mã nhanh
quá áo chưa chi đã ngắn. Rồi thằng nhỏ lập nghiệp ở xa, bà day qua cưng nhà, dồn
vào nó thứ tình cảm đến mức cực đoan, kiểu như không nhà ai hay bằng nhà mình. Nên
bà dõi theo chỗ sơn tường tróc lở hình như loang rộng ra một chút sau mưa, một
viên gạch bật lên khỏi nền nhà, cửa gỗ bị nắng làm cho co ngót. Những tác động
của thời gian và thiên nhiên lên ngôi nhà, dù là nhỏ, bà già cũng cảm nhận được
ngay.
Giờ thì nhà chịu trận lún trong nước, chủ nó sắp chạy trốn.
Như một kẻ bội phản, bà già nghĩ vậy trong lúc nhét bộ đồ vô giỏ, với tay lấy
cuốn truyện ngắn Sê Khốp. Không thể mang theo cả căn nhà, nên cũng hết ham những
thứ khác, kể cả thức ăn trong tủ lạnh mà cho dù ở chỗ nào thì bà cũng ăn được
như thường, nhất là lúc này, sau một ngày mỏi rã. Chỉ mỗi việc tắt đèn hay
không tắt đèn, thì nghĩ khá lâu. Nhà đã ướt rồi, giờ thêm tăm tối, nó lạnh chịu
gì nỗi, bà già nghĩ vậy mà không nỡ gạt công tắc.
Nấn ná, tiếc rẻ, bịn rịn, rồi cũng phải rời đi. Lúc ra cỗng
kịp cặp nách nải chuối xiêm chín bói, mà tại sao phải là nó mà không phải thứ
gì khác thì chính bà già cũng không giải thích được, ngoài lý do tiện tay.
Ngoài bộ quần áo khô, nải chuối và chút tiền gọi là gia tài, bà già không mang
thêm gì nữa. Cả chiếc xe cub cà tàng cũng ướt bu gi câm như hến rồi.
Trong chuyến đi cuối cùng của một đời người sang bên trời
khác, những thứ đem theo được cũng chỉ từng này. Sau ý nghĩ ấy tự dưng bà già
thấy lòng thanh thản lạ lùng, khi ngoái lại căn nhà lần nữa.
Hay!
ReplyDeleteAi chẳng vương vấn cuộc đời dầu gian khó
ReplyDeleteNhưng ra đi đâu gói ghém được gì...
Thôi, cứ thế nhẹ nhàng mà đi thôi...
Ai chẳng vương vấn cuộc đời dầu gian khó
ReplyDeleteNhưng ra đi đâu gói ghém được gì...
Thôi, cứ thế nhẹ nhàng mà đi thôi...
Biết thế nào cũng vậy, buồn gì đâu...
ReplyDelete