Aug 15, 2009

Trời hỡi làm sao cho khỏi… Lọa ???

Lúc rày nghe nói ngư dân nước mình bị tàu Lọa ăn hiếp, bắt bớ, đánh đuổi dữ quá, sông quê mình bị Lọa bóp họng từ xa, đất quê mình bị Lọa che lấn từng tấc một… tinh thần dân tộc của chú Tư bừng bừng trỗi dậy, chú liền họp mặt gia đình thông báo từ nay cấm không xài đồ của nước Lọa nữa, không lý gì nó bức hiếp chà đạp mình vậy mà mình cứ nhơn nhơn xài đồ Lọa, làm giàu cho nó. 

- Phải chống lại sự xâm lăng của Lọa ngay từ trong nhà mình – Chú nói với sự quyết tâm ngút ngất. 

Ở nhà chú Tư, lệnh chú là lệnh trời. Thím Tư là ngừơi đầu tiên cảm nhận trời sập cái rầm xuống đầu mình, tối tăm mày mặt, cái phim Lọa “yên yên mông mông” mà thím đang coi đang tới khúc chia ly mùi mẩn gay cấn. Nhưng giờ trong nhà đang có chiến dịch tẩy chay hàng Lọa, nên ti vi hầu như không hoạt động. Chú để cái búa cạnh nó, chú nói, hễ phát hiện ra ai coi phim Lọa, nghe nhạc Lọa là chú bửa… ti vi cho tan nát đời con… chip luôn.

Tánh chú nói là làm, ai cũng ớn. Bàn thờ nhà chú giờ chưng toàn trái cây héo, bởi trái cây mà tươi rói căng mọng chắc chắn là từ bên Lọa chở qua. Đồ chơi của thằng Tu Ti cháu nội chú bị đem bán ve chai hơn một nữa do “made in Lọa”. Thằng Sáu buộc phải cho không cái điện thoại Lọa mua có hơn một triệu mà coi được ti vi, nghe nhạc lồng lộng, nó mua lại cái di động hiệu Nó Kìa. Đem về chú Tư săm soi rồi hét lên, cha chả cái thằng Sáu, điện thoại này cũng sản xuất ở Lọa nghen mậy. Thằng Sáu mặt xanh như tàu lá, chạy đi đổi lại cái điện thoại Việt cho chắc ăn. Mấy bữa sau đọc báo thấy điện thoại nhãn Việt toàn đặt hàng gia công bên Lọa, thằng Sáu kêu chú Tư cho năm triệu, cỡ tiền đó mới mong hàng không liên quan tới đất nước ất ơ kia. Chú Tư đổ mồ hôi hột, nhưng cố bấm bụng vì những đồng bào đau khổ của mình, vì yêu nước mình nên mua điện thoại… Nhật Bản cho con nó xài.

Rắc rối đâu chỉ có vậy, cái phim Việt “Thái Sư Trần” nhưng quay cảnh bên Lọa, cả son phấn trên mặt diễn viên cũng do người Lọa phết lên. Chú Tư tức mình nói với thằng Hai, tao chống mắt coi làm phim Lý Thường Kiệt thì đi quay ở đâu, tại vì ông Kiệt này chống nước Tống, tức là tiền thân của nước Lọa, họ đâu có ngu mà cho mình qua đất họ quay phim chửi họ. Thằng Hai cười, cũng chưa biết sao à tía, tại vì phim lịch sử nước mình hay mặc nhầm quần áo của Lọa lắm, nói chuyện giống y phim Lọa nói, sao tía cự được, tía có sống ở một ngàn năm trước đâu.

Chú Tư cảm thấy ngán ngẩm lắm rồi, tối qua thím Tư mặc cái áo ngủ mỏng tang mới mua, liếc qua mà chú nóng bừng ngây ngất, ai dè áo mang mác Lọa, làm chú mất hứng quá chừng. Ngó qua ngó lại trong nhà thấy cái gì cũng của Lọa, chén ăn cơm, ly uống nước, hột gà, hột quẹt, đèn pin, tới cây đập ruồi của made in Lọa nữa là sao là sao là sao ? Chú vừa tống chúng ra ngoài đống rác vừa kêu trời.

Nhà trống trơ, vợ con chú ủ rủ, đồ Lọa bị đẩy ra khỏi nhà mang theo bao nhiêu vui thú trên đời, không phim Lọa ti vi chẳng có gì để thím coi, con Út Chín phải lén đọc mấy tờ “Nhí Nhảnh”, “Nhí Nhố” ở ngoài đường, đem về nhà chú Tư thấy trong đó toàn là hình diễn viên Lọa là chết chắc, Út Mười không có con sâu nhồi bông gòn để ôm ngủ, nó trằn trọc đêm đêm. Một bữa thằng Hai đòi đổi tên, chớ tên nó lai Lọa quá, gì mà Hà ĐạiCương, phải đổi lại là Sông LớnCứng, thằng Ba Hà Đức Minh thì đổi là Sông Nết Sáng, thí dụ vậy… Mà tía cũng phải đổi thành Sông gì đó nghen. Con đi hỏi thủ tục đổi tên rồi, đóng chín dấu, qua bốn cửa là xong, nhà mình thuần Việt. Nhưng con lo mấy cái đơn xin không biết viết sao cho nó Việt hết cỡ, thí dụ "Độc lập - tự  do - hạnh phúc" thì mình viết là "một mình sung sướng thoải mái" được không ?

Chú Tư ngã vật ra chết giấc. Cũng may nhà còn sót lại chai dầu cù là nhập bên.. Lọa mới đánh gió lay tỉnh chú được. Thiệt tình !

Aug 14, 2009

Bữa nay...

...tui lại trình bày về lịch sử... khùng của tui với bạn đọc báo Mực Tím. 

Ngã rẽ tình cờ…

Có một lần dại dột lên ti vi, tôi đã dại dột rơi nước mắt khi kể về buổi sáng tôi chính thức từ giã trường học, buổi sáng tôi nằm vùi trên gác nghe vòng xe đạp của bạn mình lao xao ngang qua, áo dài tôi đã xếp cất chèo queo nơi đáy tủ. Phút nghẹn ngào không kềm chế được làm ba má tôi rất đau lòng.

Tôi hối hận vì điều đó. Ngay cả khi tôi không tỏ ra buồn bã thì ba má tôi cũng đã quá áy náy, xót xa cho việc bỏ học giữa chừng của tôi. Họ nói chỉ cần cố gắng chút nữa thôi, tôi sẽ học hành tới nơi tới chốn. Tôi cười, “nhưng con sẽ không bao giờ viết văn, không trở thành nhà văn, con sẽ là kế toán, hay luật sư, hay kỹ sư gì đó…”. Tôi không biết những lời này có làm an ủi được ba má tôi, nhưng thật sự nó an ủi tôi những khi nghĩ, mình học hơi… ít.

Và thỉnh thoảng tôi lại nghĩ tới cơ duyên, số phận, để giải thích cho việc mình bỗng dưng muốn… viết (văn). Giữa năm lớp Mười, bạn bè đang rần rần, đang ở một cái tiệm bán gạo sát bên chợ, tôi nghỉ học, về ở căn nhà ngoại ô thênh thang với ông ngoại đang đau yếu, với vườn rau cũng thênh thang. Cuộc dịch chuyển đột ngột, quay quắt như một cú sốc. Từ môi trường sôi động tôi bị dời đến chỗ vắng ngắt, đến nỗi có khi tìm một người để nói chuyện cũng không ra. Nhà tôi lúc đó không khá giả, nên các thành viên trong gia đình chỉ gặp nhau đúng bữa cơm, rồi ai nấy phải làm việc, mưu sinh. Ngoại tôi bị tai biến mạch máu não, đi đứng khó mà trò chuyện càng khó. Và tuổi tác chúng tôi cách biệt quá lớn, hiếm có chuyện gì đó mà cả hai đều quan tâm, đều thấu hiểu để nói cho vui. Không kể những khi dì tôi đón ngoại về, tôi chỉ còn mình tôi, trơ trọi.

Một mình thì suy nghĩ mông lung, thì nói chuyện với chính mình. Ở giữa vườn rau dền của má, tôi vừa cắt rau vừa tưởng tượng đủ thứ chuyện, tôi hình dung ra những con người, họ nói năng, đi lại trong đầu tôi. Giờ nhớ lại tôi hơi sợ, nếu mình không chọn cách viết văn chắc chắn mình sẽ… khùng. Mà, hồi nhỏ cả nhà tôi sợ tôi khùng lắm rồi, bởi tôi hay vừa đi vừa viết chữ vào không trung, trong đầu nghĩ gì viết ra chữ đấy. Trường học cách nhà hơn ba cây số, tôi toàn đi bộ, để lại bao nhiêu khói chữ trên đường.

Giờ tôi viết chữ trên giấy, vẽ một thế giới trong đầu tôi ra giấy. Ngay khi viết truyện ngắn đầu tiên, tôi đã ý thức, tôi viết chẳng qua vì cô độc dữ quá, vì thay đổi môi trường sống đột ngột, cú sốc lại xảy ra ngay tuổi vui tuổi chơi, tuổi cần bè bạn. Tôi chọn cách trò chuyện với thế giới chung quanh bằng những trang viết, bỗng thấy thật dễ chịu khi suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn của mình được mọi người chia sẻ. Và bạn bè tôi giờ không còn gói trong lớp học, bạn tôi bốn phương trời.

Lâu lâu gặp những đứa bạn học chung lớp chuyên văn, những đứa ngày xưa hay đi khao chè tôi bằng tiền nhuận bút của tụi nó, lúc đó tôi chỉ cắm cúi ăn mà không mảy may ý thức được mình sẽ viết giống nó, nhưng vào đại học là bạn dọn dẹp văn chương. Còn tôi chỉ vì một bữa phải đứng lại bên đường ứa nước mắt ngó bạn bè đi qua, không ai chơi với tôi nên tôi bèn lấy… chữ ra chơi. Thấy cũng vui đôi chút. Và vui ba bốn chút khi việc này làm ba má tôi bớt dằn vặt, đau đáu.

Nhưng các bạn đừng có ai làm giống tôi, đùng đùng bỏ học để cho có… sốc viết văn chơi. Tôi nghĩ, chữ cũng khinh ngạo, bạc bẽo và thất thường, có khi mình muốn chơi với nó mà nó chẳng chịu chơi với mình, lúc đó chì với chài đều mất, khổ thân. Muốn gì cũng phải ướm hỏi chữ coi, ê, mầy thấy tao sao, chơi được không, chữ gật đầu rồi hãy tính tiếp. 

(còn tiếp)


Aug 8, 2009

Gỡ bỏ cho nhẹ bớt...

"Cúi xuống vùng non xanh mát..."

Cạnh quán cà phê Văn Nghệ có ông trải chiếu ở vỉa hè bán đồ cổ, hay mở cái băng nhạc Trịnh Công Sơn Hát cho quê hương Việt Nam 1 thu âm năm 1969. Nghe lần đầu, thề có mấy lá bàng rơi bữa đó, tôi muốn chạy qua ôm ông đồ cổ một cái, vì ông đem những bài hát này ra con đường vốn chỉ rùng rùng nhạc vũ trường, nhạc trẻ kiểu “yêu thì nói hông yêu cũng nói”… Giữa bụi đời mù mịt, giữa xe cộ ngược xuôi, cô Ly của bốn mươi năm trước cất tiếng hát trong veo, “Cúi xuống. Cho bóng đổ dài. Cho xót xa mặt trời. Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha…”, nghe mát rượi lòng, nghe khoẻ dễ sợ.Nhạc “nghe khoẻ”, là chữ của thằng nhỏ ở tiệm bán băng đĩa quen. Một lần tôi ghé qua, nó khoe “em có nhạc này nghe khoẻ lắm, bảo đảm chị thích”, rồi nó đem ra mấy cái đĩa nhạc thu âm hồi năm một ngàn chín trăm mấy mươi gì đó. Gương mặt của Thái Thanh, Hà Thanh… trên bìa đĩa coi trẻ măng, trong sáng, hơi quê quê, dễ thương kinh khủng. Nghe chúng lần đầu, tôi đã nghĩ, tình cờ thằng nhỏ tặng mình quà quý.
Nhưng thằng nhỏ không tình cờ chút nào khi miêu tả cảm giác về một bài hát bằng chữ “khoẻ”, mà không phải là “hay”, là “xúc động”, là “sởn tóc gáy”. Khoẻ, vì dễ chịu, khoan khoái, thoải mái. Vút khỏi tiếng đệm guitar bập bùng, là chơi vơi tiếng hát non trong, mộc mạc, chân phương, đôi lúc vụng về, run rẩy. Ca sĩ không dùng bất cứ phương tiện nào kỹ thuật nào để nương dựa, lấp liếm hay che đậy, cứ hồn nhiên như vậy cất cao tiếng hát từ đáy lòng, thanh thoát.

Những ca sĩ ấy sau này khi đạt đến đỉnh cao của tài năng, họ rực rỡ, họ nổi tiếng, họ thu nhiều bản nhạc gần như hoàn hảo, nhưng sự giản dị năm xưa mãi mãi ở lại với… năm xưa. Tôi ngã lòng vì sự giản dị đó. Kiểu giản dị mà mười năm trước chưa chắc tôi đã thích, bỗng dưng bước chân qua tuổi ba mươi, bỗng dưng thấy… khoẻ khi đứng trước những tấm ảnh trắng đen, những bức tranh lụa, những trang viết của Thạch Lam, những minh hoạ nguệch ngoạc mấy nét chì, những bản nhạc thu âm năm xửa năm xưa, hay những bản demo trên mạng…

Ông già bạn tôi có lần nói, viết sao cho càng giản dị thì văn chương càng đẹp. Tôi cười nói, “câu này của chú mười một chữ, mà hai mươi hai năm nữa chưa chắc cháu làm được”. Ông cười cười, “sai bét, cháu đã làm được rồi, mấy cái truyện đầu tay đó”. Nhưng những trang viết giản dị, ngây ngô có phần khờ khạo đó tôi càng sống càng trải đời càng rời xa chúng. Giờ mà viết được vậy, coi bộ khó hơn lên trời.

Ngó qua ngó lại, tôi thấy cải lương cũng vậy. Hồi trước, tôi mê cải lương, mê ngẩn ngơ những bản vọng cổ xa xưa thu trên đĩa nhựa. Nghệ sĩ giọng nào ra giọng nấy, chữ nào tròn chữ nấy, ngón đờn dù tài hoa lả lướt đến đâu vẫn giữ sự trong trẻo, hồn hậu, vẫn tôn giọng ca lên hàng đầu. Thứ vọng cổ này nếu ngồi kế cassette thưởng thức chưa đã, phải dỏng tai nghe ké bên hàng xóm, hay ngồi ngoài vườn nghe trong nhà vẳng ra, chỉ tiếng ca và tiếng ca, gió đàn qua đánh lại, mùi ác liệt. Cải lương giờ đã qua thời hoàng kim, người ta biện ra nhiều lý do, nhưng nó làm rơi mất một đứa hâm mộ như tôi chỉ vì một bữa kia Vũ Linh nắm tay Tài Linh chạy lên đồi cỏ non. Xét theo tính hợp lý, tôi chấp nhận được chuyện ca vọng cổ lúc yêu nhau, đánh nhau, bắn giết nhau, miễn là xảy ra trên sân khấu, trên sàn diễn, nhưng giữa đường tự nhiên có hai người vừa ôm khít rịt mắt nhìn đắm đuối vừa ca khơi khơi chắc tôi phải nghĩ tới bệnh tâm thần. Tô Ánh Nguyệt năm xưa đau nỗi đau xa con chỉ cần nghẹn ngào bước từng bước run lẩy bẩy, nắm tiền trong tay bay bời bời; Tô Ánh Nguyệt bây giờ vừa gào thét vừa bứt xé hàng khuy áo khoe da thịt, mệt gì đâu.

Chia sẻ ý nghĩa này với ba đứa bạn, một đứa cười “vậy mới là tìm tòi, sáng tạo”, đứa kia hỏi vặn “bộ khùng sao mà đi coi cải lương”, đứa còn lại nói “thấy ghê thiệt nhưng thời này nó… phức tạp vậy”. Ừa, đúng là thời này phức tạp thiệt, bữa trước muốn mua cái áo “nhìn thấy khoẻ”, màu sắc nhã nhặn, hoa văn đơn giản, kín đáo mà phải lục tung cả cửa hàng trong con mắt căm hờn của chị chủ. Sách, băng đĩa thì nhất thiết phải siêng năng lục lọi, lâu lâu mới rinh được một cuốn văn đẹp kiểu Thạch Lam, lâu lâu mới chộp được một vài đĩa “nhạc nghe khoẻ”, sao chép lại từ những nguyên bản của mấy chục năm trước nên chất lượng cũng được chăng hay chớ.

Có lần hỏi thằng nhỏ mấy cái đĩa nhạc cổ lỗ sĩ này bán chạy không, nó nói “người ta mua nhiều lắm, nhưng chị là trẻ nhất”. Lại hỏi tiếp, “bộ thấy tôi mệt mỏi già nua lắm sao mà nghĩ nhạc này hợp với tôi”. Thằng nhỏ cười, “tại em thấy chị không đeo vòng vàng gì hết”. Câu trả lời này làm tôi nhớ mấy giai thoại thiền, kiểu như hai ông đi bên bờ sông, một ông hỏi đại niết bàn là gì, sư trả lời, “mau”. Hỏi “mau gì”, ông sư trả lời, “xem nước”. Hiểu chết liền.

Bữa qua ngồi quán chiều vắng ngắt, ông đồ cổ lại mở cái đĩa hát cổ, cô Ly đổ giọng ca mát rượi ra hè phố, “Cúi xuống. Vùng non xanh mát. Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan…” bỗng thấy tâm hồn mỏi mệt của mình đang được sự giản dị nào đó cứu chuộc. Cảm giác gan bàn chân tôi vừa chạm vào mặt đất, hình như tôi vừa tháo giày ra bỏ bên đường.

Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?

(Bài đăng Sài Gòn Tê Tê)

Dưới đây là lời bài hát Cúi Xuống Thật Gần của bác Sơn, bạn nào muốn nghe kêu google bưng link tới, ngoài Khánh Ly còn có Bích Ngà ca cũng ngộ lắm. vậy hén !


Cúi xuống 
Cho máu ngược dòng 
Cho nước sông cạn nguồn 
Cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ 

Cúi xuống 
Cho bóng đổ dài 
Cho xót xa mặt trời 
Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha 

Cúi xuống 
Nghe đời nhấp nhô 
Nghe tim rạn vỡ 
Nghe trong tuổi nhỏ khóc oà 

Cúi xuống 
Trên bờ xót xa 
Trên cơn lửa đỏ 
Trên khuôn mặt đã im lìm 

Cúi xuống 
Nhìn sâu trong mắt 
Và nghe mưa bão tan đi trong đại dương 

Cúi xuống 
Cúi xuống thật buồn 
Cho nước sông cuồn cuộn 
Hai mươi năm no tròn tuổi biết đau thương 

Cúi xuống 
Cho tắt nụ cười 
Cho chút da thịt người 
Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang 

*** 

Cúi xuống 
Cúi xuống thật gần 
Cho trái tim đập dồn 
Cho đam mê thay vào đổ nát quê hương 

Cúi xuống 
Cúi xuống thật gần 
Cho chiếc hôn ngọt nồng 
Cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không 

Cúi xuống 
Cho tình dấy lên 
Cho da thịt mềm 
Cho cơn mặn nồng ngất lịm 

Cúi xuống 
Cho đời lãng quên 
Cho mây trời chìm 
Cho đêm mở hội âm thầm 

Cúi xuống 
Vùng non xanh mát 
Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan 

Cúi xuống 
Cúi xuống thật gần 
Cho tóc em bềnh bồng 
Cơn đau anh vui lòng bóng mát trên cao 

Cúi xuống 
Cho đến bạc đầu 
Trên phút giây nhiệm mầu 
Hai mươi năm xin còn một sớm thương nhau

Muối và đường luôn thể : Kính thưa quý đồng bào, tui vô cùng xin lỗi là để mất nhiều cái còm của các bạn, vì tui gỡ bỏ 3 entry liên wan tới cái truyện Khói trời... Do tui chưa thấy ưng ý lắm, nên tui sẽ viết lại nó, chừng nào xong tui hứa sẽ cho các bạn đọc trước một... nửa. (hehe, nửa còn lại chừng nào tui bán xong tui mới quyết định có post lên hết hay không). Nhưng nếu mà tui tuyệt vọng quá, thấy không thể thay đổi gì được, tui delete nó vĩnh viễn khỏi sự nghiệp bán chữ của tui, các bạn cũng đừng có buồn, nghĩa là tui đang mần ăn tử tế và tự trọng  để khỏi hổ thẹn với các bạn. Vậy !