Jul 31, 2007

Không... khùng không lấy tiền


Đi một vòng đời…

Một bữa tự dưng hứa thưởng cho mình một chuyến du lịch nước ngoài (thí dụ như… Campuchia) khi xong cuốn sách. Đi hỏi thủ tục làm passport, anh công an rút ra cái hồ sơ, sực nhớ quên mang tiền, bèn nói, thôi, để tôi... suy nghĩ cái đã. Chạy về nhà lấy tiền, quay lại, anh công an nhận ra mình có lần phỏng vấn anh (một cây văn nghệ phong trào), anh tặng luôn bộ hồ sơ (sao không chịu nói sớm). Hỏi thủ tục, anh nói dễ ợt hà, vầy nghen, về cơ quan, làm cái đơn trình lãnh đạo, lãnh đạo chấp thuận thì ra quyết định chuyển qua Sở ngoại vụ và du lịch, Sở này sẽ bán cho bộ hồ sơ, sau khi xét duyệt xong thì trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ký, xong đem qua chỗ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng sẽ chuyển hồ sơ đi Sài Gòn, mỗi tuần một lần. Dễ ẹt, nghe mà muốn chóng mặt. Anh còn dặn thêm, chụp ảnh, thì phải lòi hai cái vành tai ra như vầy nè (anh chỉ vào hình mẫu trên bàn làm việc). Giấy chứng minh nhân dân đừng có cũ quá, nhất là hình phải giống người.

Nhưng cái giấy của mình cũ mèm rồi, nhăn nheo móp méo, hình thì xấu đau xấu đớn, cái hồi mười tám tuổi xấu dã man, chẳng giống mình bây giờ tí nào. Sực nhớ có người anh họ (cũng) trong ngành công an làm chứng minh nhân dân, ghé qua anh, anh viết giùm cho lá đơn có tên gọi là “Đơn xin đổi giấy chứng minh nhân dân”, xong anh phát hiện ra giấy cũ, cả hộ khẩu không hề có ngày tháng sinh, chỉ ghi gọn lỏn, sinh năm 1976 (lại không hiểu, mình tuổi Rắn, phải là năm 1977 chứ). Anh nói bên phòng Quản lý xuất nhập cảnh họ không chịu đâu. Mà Giấy khai sinh đâu rồi ?

Đâu có biết nè. Hồi nhỏ tới giờ không có khái niệm giấy khai sinh, ngày sinh càng mù mịt hơn nữa. Má không nhớ, má nói, in hình như là bữa đó sáng trăng. Hồ sơ học sinh thì bị thất lạc lâu rồi, vì nghỉ học nửa chừng, nhà trường giận hay sao mà bỏ luôn. Ông anh công an nói, thôi, đi vô trong xã làm giấy khai sinh đi, trước sau gì người ta cũng đòi.

Mình chạy vào xã A đang quản lý hộ khẩu mình. Anh cán bộ hộ tịch kêu trời, anh kêu về nguyên quán xã T, huyện Đ, nhờ ở đó họ xác nhận. Mình cãi, nguyên quán là ông bà ông vãi tôi ở đó, họ có biết tôi là ai đâu mà xác nhận. Thôi xin cho tôi về xã X, quê ngoại tôi, chỗ mà trong hộ khẩu ghi là nơi sinh đi, chỗ này gần.

Mình chạy vào xã X, quên mất, xã X tách địa giới hành chính ra làm hai xã X và Y rồi. Nhưng mình lủi đại vô xã Y, vì tiện đường và vì nhà ngoại mình ở đó, quá hợp lý. Mấy anh ở đây nhận ra mình hay xuất hiện trên… ti vi, một năm hai lần, truyền hình trực tiếp, nên tươi cười xác nhận cho mấy chữ “Chị Hà Há Ha không có hồ sơ hộ tịch lưu tại xã Y (xưa là X)”. Ký tên. Đóng dấu. Mình chạy ngược về A, gặp lại anh “người xưa” đã ba giờ đồng hồ không gặp, anh cán bộ hộ tịch buồn bã, “phải cái xã Y ghi là “đã thất lạc hồ sơ” thì hay biết bao nhiêu. Bây giờ không đâu dính đâu, bời rời như cơm nguội. Mình năn nỉ, (chứ lúc sáng còn “kênh” lắm), “thôi, anh làm ơn mắt nhắm mắt mở giùm”. Anh còn buồn hơn, “tui mở hai con còn không thấy”. Nhưng thôi, anh lúi húi ghi giấy hẹn, mai chị quay lại.

Đó là tất cả của ngày.

Hôm sau chạy tới A chờ lấy giấy khai sinh, anh cán bộ xã phải làm đi làm lại vì lần đầu không có ngày tháng sinh, mình nhăn nhó, “làm ơn thì làm ơn cho trót…”. Anh lại buồn, sao chị nói không biết ngày tháng sinh. Mình ghi vội ngày 15 tháng 8, vì chợt nghĩ bữa đó chắc… trăng sáng. Cầm cái giấy trong tay, bỗng dưng xao động vì cái ngày sinh vừa bâng quơ sáng tác ra kia.

Chợt nhớ, mình bỏ quên mình lâu quá. Nửa đời rồi, mình không biết sinh nhật là gì. Nửa đời quên nghĩ mình có gì, mình còn gì.

Chiều nay thì cầm được cái giấy chứng minh nhân dân mới (có ngày sinh). Chiều nay thì làm cái đơn xin làm passport (chỉnh sửa lần thứ ba) dâng lên Ban lãnh đạo. Chiều nay đi chụp ảnh. Vô tiệm thứ nhất, khi lấy hình mới hay mình không lòi… vành tai. Ghé tiệm thứ hai, cái mặt rất… khùng. Nhưng thôi, kệ, miễn có lỗ tai là ok.

Sực nhớ, mình có… vành tai. Bấy lâu nay nó nằm… sau tóc. Nhận lại những thứ thuộc về mình mà ngơ ngác nửa đời người.


Buông tay



Bài hát hơi bình dân, không có câu nào nên thơ cả, như một câu chuyện, như một phóng sự, người chị đi tìm em giữa dòng nước lũ. Cứ mỗi trưa về, đứng nấu cơm, xe nước sâm lại mở đúng cái bài ấy, không nghe buộc phải nghe, không nhớ buộc phải nhớ. Nhưng nghe rất vô thức, chẳng nghĩ ngợi, một bữa bỗng dưng bàng hoàng, bài hát này buồn quá chừng.

Đứa em bị lũ cuốn trôi. Và người chị khóc thương, tuyệt vọng kiếm tìm. Kêu lên một tiếng kêu thê thiết, “sông ơi sao cuốn trôi đi đời tôi”.

Người chết không phải là chị, nhưng tại sao đời chị lại bị sông cuốn trôi ? Tôi ngồi nghĩ mãi, xe nước sâm đã đi rồi, tôi vẫn nghĩ. Tôi vẽ một đêm mưa bão. Tôi vẽ chị ngồi thổi lửa nấu cơm. Nước đã dâng lé đé cái cà ràng kê trên mấy cục gạch. Em lững đững đi quanh đó, mắt em rất đen và nước mũi ướt nhoe nhoét trên môi. Và em trợt chân ra khỏi sàn nhà khi chị đang chắt nước cơm. Chị lao theo em, cơm sôi văng tung toé. Chị vói chụp được những cái đầu ngón tay nhỏ xíu của em. Nước xiết. Tóc em, chùm tóc hơi vàng hụp hửi trong làn nước điên cuồng, đục ngầu, sôi réo. Chị chỉ có một tay để nắm những đầu ngón tay cáu bẩn của em, tay kia chị níu lấy cái cột nhà. Và trong một cơn tê dại, chị đã để những lóng tay thon nhỏ non nớt kia tuột khỏi bàn tay mình. Em trôi đi bên những cái cây trốc gốc, một con mèo nhỏ, và những chú heo con. Tôi vẽ đôi mắt ứa máu, tuyệt vọng, tôi không vẽ đầu, vẽ thân vẽ tóc, tất cả những thứ đó đã tan đi, chị chỉ còn đôi mắt, và một cánh tay chới với vươn ra, bất động như tượng, buồn bã như tượng, tê tái lạnh lẻo như tượng.

Buông tay. Tôi vẽ được mọi thứ trong đầu tôi, nhưng tôi không vẽ được một cảm giác, khi cái quý giá nhất của cuộc đời tuột khỏi tay mình, trước mắt mình. Cũng phải, mình có là họa sỹ đâu mà nghe câu hát vẽ nên được cả tâm trạng. Tôi buông tay hoài, buông những cuộc tình phai, buông những ý tưởng hay, buông những chuyến đi dài.

Cứ mỗi lần buông tay, tôi thấy mình đã chết.

Như người chị trong bài hát buồn bã đó, có khi chị chết trước cả đứa em mình. Vì bất lực. Vì tuyệt vọng. Vì giày vò. Vì thương yêu.

Có thể vẽ được sự chết lạnh đi khi hơi thở vẫn còn phập phồng trong cơ thể ấm được không ?

Mai xe nước sâm lại đậu trước nhà, không biết có bài hát mới nào ít đau hơn không ?

Jul 30, 2007

Cưới. Ừ ha…


Tôi muốn cưới giọng nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tôi muốn cưới tin nhắn trên điện thoại di động. Của chị N vui nhộn, bậm trợn ngang tàng. Của T dịu dàng nhớ em Tư. Của K cãi lộn chung quanh bông súng luộc. Của H bâng quơ Út Nhỏ ơi Út Nhỏ à. Của N cà chớn, dễ thương, mắc cười.

Tôi muốn cưới những bình luận của ông thầy Dũng trên web Viet-Studies.

Tôi muốn cưới ông Lê Chí vì nhà ông có nhiều món đồ kỷ niệm quá “độc” (chứng minh bằng hình ảnh sau đây)

Tôi muốn cưới ông Ngô Khắc Tài vì ông này không giống ai…

Tôi muốn cưới một nhà văn cao ngạo đỏng đảnh khó tính, giữ mình như một thầy tu để tôi tiện bề cải tạo anh ta thành một con người bình thường.

Tôi muốn cưới...


Jul 29, 2007

Tháng Bảy sẽ qua…


Hôm nào lật lịch cũng gợn lên cái cảm giác này, thấy mất mát, đau nhói. Ngày qua mau quá, tháng cứ rụng dần. Tay mình vẫn trắng. Công việc vẫn tiếp tục lăng nhăng lặt vặt.

Tháng Bảy, có ... bảy chuyện đáng nhớ.

* Gặp nghệ sỹ Thanh Nga trong DVD tư liệu về nghệ sỹ này, thảng thốt cả ngày sau, người tài sắc như vậy mà chết chi sớm uổng vậy trời, xấu như mình mà chết, tiếc chết liền.

* Gặp ông Vân Hùng trong kịch Lá Sầu Riêng, Kim Cương biết rồi, bà Bảy Nam biết rồi, riêng Vân Hùng thì mới biết mặt, dáng ông gầy nhom như cây tre miễu. Nhưng giọng nói thì hay khủng khiếp, rõ ràng, đỉnh đạc mà dịu dàng, ấm áp, nồng hậu. Giọng của người quân tử (chả biết người quân tử ra làm sao, nhưng cảm giác vậy). Có những giọng nói mà khi nghe qua một lần, muốn yêu luôn, thí dụ như giọng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Muốn cưới luôn giọng nói.

* Gặp nghệ sỹ Thành Lộc hồi còn trẻ, mà hồi trẻ anh này chuyên đóng vai ông già (bây giờ già lại đóng vai con nít, chịu hổng nổi). Ông già Thiện yêu tuyệt vọng cô Hạ trẻ măng, một bữa ông già đi Pháp, lại nhà cô từ giã. Ông già rưng rưng với cái tình trạng “bông súng luộc” của mình, nói, “cái cô Hạ cần, tôi không có, mà tôi lại có quá nhiều cái cô Hạ lại không cần”. Nước mắt cứ ứa ra, lăn qua lăn lại. Một nụ cười gượng gạo, vài câu nói bâng quơ, ông già cứ trệu trạo ngước lên, bởi khi cúi xuống ông già sẽ rơi nước mắt. Để lúc đứng lên về, ông già nhìn cô Hạ, cái nhìn buồn khủng khiếp, đau đớn khủng khiếp, tuyệt vọng khủng khiếp và cũng yêu thương khủng khiếp. Mình quên luôn cái ông già đó ngoài đời có cái tên là Thành Lộc, quên trong vở kịch “Ngôi nhà không có đàn ông” anh chỉ xuất hiện 2 lần, cộng lại chừng mười phút. Mà thể hiện hết nỗi đau của con người.

* Gặp Lê Công Tuấn Anh trong vở kịch xã hội chủ nghĩa “Vực thẳm chiều cao”. Mình quên anh chết hồi năm nào rồi, quên năm ấy anh bao nhiêu tuổi. Nhưng nhớ rõ ràng, anh chết vì yêu tuyệt vọng. Một tiếng thở dài xao xác. Một cái chết lạc lõng. Cái chết bị tụi trẻ bây giờ gọi là “lãng xẹt”. Nhưng nhờ vậy mà tôi nhớ anh lâu. Khuôn mặt hiền, đôi mắt hiền, nụ cười hiền, đôi vai hơi gầy, cũng hiền. Cả cái cách anh yêu người cũng tội quá đi thôi.

* Gặp Hà Thanh, lần đầu. Nghe mấy người bạn vong niên khen, nhưng không tưởng tượng được giọng ca “70 mươi năm tuổi… hát” ấy như thế nào. Ban đầu là “Chiều mưa biên giới”, sau nữa gặp ở “Tiếng xưa”, giọng ngọt như mía lùi, cứ lịm đi. Thích dã man, lùng sục mãi thì cũng chỉ có thêm “Cô gái nữ sinh Đồng Khánh”. Bỗng một bữa gặp cả bộ CD hai đĩa, buột miệng kêu trời luôn, vì sướng. Không biết lúc này có phải mình già hay không mà thích nghe toàn những bà già, ông già hát.

* Gặp người bạn cũ, cũ ơi là cũ, cũng có ân có oán, cũng có nhậu có cà phê, nhưng chưa bao giờ… mắc cỡ. Lần này thì mắc cỡ. Cơn mắc cỡ kéo dài chừng một buổi tối, tới đêm sau thì hết. Nhưng tìm cái lý do mắc cỡ thì lâu, tới giờ vẫn nghĩ chưa ra.

* Gặp một chuyện tức cười, mình nghịch, ôm ông sếp già ở hành lang cơ quan, ổng mắc cỡ quá trời, tới chiều ngày đó gặp mình ổng còn bẻn lẻn. Lâu lâu, lại có những hành động không kềm chế được. Hay là mình vẫn trẻ...?!


Jul 28, 2007

Bìm bịp


Thể theo lời yêu cầu của một bạn xa xôi, bữa nay tôi đi săn ảnh con bìm bịp.

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi, Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.


"Người mẫu" của tôi đang thay lông, nên không đẹp lắm. "Nàng" ở chợ quen rồi, nên dòm có vẻ lười nhác, đỏng đảnh.



Những con chim mà tôi thích đều kêu rất buồn, bìm bịp buồn mênh mang day diết theo con nước, tu hú ngắc ngoải, thắt thẻo ngoài vườn, tiếng cúc cu, gù gù thiu thỉu hắt hiu của những con cu đất, và tiếng chim cú thảng thốt, quay quắt nhói đêm đêm.

Chúng, là những con chim không nhan sắc. Giống như... tôi. Hà há ha.


Trói buộc


Có một bữa bạn nhận được thư tôi, trong đó viết rằng, “ tôi có chuyến làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu bạn không bận việc gì thì chúng ta gặp nhau, uống cà phê, nói chuyện đời chơi”. Thằng bạn tôi đọc thư tôi, lòng đầy nghi hoặc, không tin là tôi viết, bởi theo đúng phong cách quen thuộc của tôi, thì thư viết phải viết như sau : “sẵn tui đi mần việc tại Sài Gòn, nếu ông không mắc công chuyện thì hai đứa mình gặp, uống chút xíu gì đó, nói trời chơi…”.

Với bạn, thì tôi và mớ ngôn từ đậm đặc chất phương ngữ là một. Tư duy theo thói quen, như người đẹp thì phải gắn với đại gia, mà đại gia luôn gắn với những trò ăn chơi, mánh khoé; công an là phải chơi mặt ngầu, nghệ sỹ phải lòe loẹt một tí, te tua một tí hay ông nông dân chắc chắn hiền lành, tử tế… Và tôi, một bữa vui nào, bứt những ngôn từ địa phương lủng lẳng quanh mình, bạn không nhận ra.

Bạn kêu lên, đau đớn lắm, bạn nói, có phải là cô không, cô có còn là con nhỏ viết văn của vùng đất Nam Bộ ? Tôi không còn nhận ra cô nữa. Cô khác quá. Cô muốn gì ? Bản sắc vùng miền của cô đâu ? Bạn nghĩ (chắc lại theo thói quen), bản sắc vùng miền gắn liền với ngôn từ, phải “ngộ”, phải “quá hén”, phải “vậy nghen”, phải “chèn đét ơi”… Và những người viết như tôi phải viết vậy, nếu muốn nói đến con người, đất đai Nam Bộ.

Tôi đã tưởng vậy. Nhưng những va chạm, những cú sốc, những biến chuyển tâm lý, những tế bào của sự già cỗi bắt đầu xuất hiện, tôi tự dưng viết khác đi một chút. Cũng muốn lùi lại, cũng muốn trong trẻo, cũng muốn hồn nhiên quá hà, nhưng thời gian còn làm đổ cả núi. Tôi nhận ra ngôn từ, đặc ngữ của địa phương thực chất chỉ là phương tiện chuyển tải ý tưởng và câu chuyện của tôi. Nam Bộ trong tôi không phải là màu da, là giọng nói, mà là tính cách hoang dã, bỗ bã, ngang tàng… thì Nam Bộ trong văn tôi cũng là một cái gì sâu xa trong bản chất. Những ngọn gió, những cánh đồng, những dòng sông, những con người vừa tốt vừa xấu, những ngổn ngang của đất, của người, những nỗi buồn và nỗi vui. Một nhân vật có tính cách hết sức Hà Nội mà gắn cho nói những ngôn từ miền Tây Nam Bộ thì giống như phim Việt Nam ta, tiếng một đường, mặt mũi tay chân một nẻo. Thay vì nói, trời ơi, tôi đau buồn quá thì chỉ cần một ánh mắt, một nét mặt dại đi, là đủ. Nói tôi đau buồn là không tự tin vào sự đau buồn mà tôi diễn tả, mà cũng không tin người khác có thể cảm nhận được nó. Phương ngữ, là một cái áo, tôi muốn bỏ qua cả lớp áo đó, để tận mắt thấy trên mảnh đất này, người đời đang lạnh hay ấm, vui hay đau qua làn da, qua từng vết tím, từng cái se lại của lỗ chân lông. Tôi còn muốn xuyên qua chúng, thấu thị tận tâm hồn, như một người hành hương về chốn tâm linh không cần bất cứ phương tiện nào, chỉ bằng đôi chân trần. Rất ngỡ ngàng, theo cái cách này, tôi thấy mình viết chưa ra, chưa tới cái bản sắc Nam Bộ. Không níu phương ngữ nữa, tôi chới với, loay hoay.

Tôi nhận ra, mình tự trói buộc mình vào ngôn ngữ vùng miền quá lâu. Sống chật đã lâu, ra trước mênh mông người ta hoảng hốt. Tới mức, trong lúc vùng vẫy, từ ngữ rơi xuống chỗ nào, nơi ấy, tôi thấy mình trong suốt.

Vậy thì bạn mình ơi, tôi không buồn gì nếu bạn không nhận ra khi tôi mặc một chiếc áo khác, bởi tôi đã mười năm ngộ nghĩnh hồn nhiên nhảy nhót ca hát trong mớ ngôn từ lạ lẫm, đầy sức sống của mình. Đó là hình ảnh đầu tiên mà bạn cảm nhận, mang theo, giống như mối tình đầu. Nhưng tôi buồn, vì bạn đã không tin, không cố gặp tôi giây lát, để nhận ra hơi thở của tôi, mùi nắng khét trên tóc tôi, gương mặt buồn bã của tôi, những lỗi ngớ ngẩn mà tôi thường hay mắc phải, cái cách nhìn đời, hay một ngón tay tôi gù lên vì vết thương hồi xưa.

Cả những chi tiết nhỏ đó, cũng không gây cảm giác gì quen thuộc nơi bạn nữa, thì bạn hãy giận tôi. Cũng đành…


Jul 27, 2007

Loay hoay cổ tích

Tạp văn cũ rồi nhưng lâu nay quên công bố...


Mỗi lần đi nhà sách, bà mẹ trẻ lại na về một mớ sách nuôi dạy trẻ. Đơn vị nào mà treo giải “nuôi con theo sách” chắc chắn bà mẹ giành ngay giải nhất. Chẳng những thuộc lòng những thực đơn cho trẻ, bao nhiêu muỗng dầu, bao nhiêu chất đạm, bao nhiêu chất xơ, phơi nắng sáng bao nhiêu phút là vừa, bà mẹ còn chọn loại nhạc cho con thông minh hơn, màu sắc nào phát triển trí tuệ trẻ. Và mỗi tối, bà mẹ dẹp công chuyện chén bát qua một bên, ráng nằm đọc cho con nghe vài trang sách. Thì mấy cẩm nang nuôi dạy trẻ khuyên vậy mà.

Bác sỹ còn nói, truyện cổ tích sẽ làm cho những tâm hồn bé bỏng kia trở nên dịu dàng hơn. Gì chứ, sách văn học thiếu nhi thì thiếu nhưng cổ tích đầy ra. Cổ tích Việt, cổ tích Tàu, cổ tích Châu Âu, tha hồ mà chọn lựa, mang về. Tâm hồn con mẹ sẽ dịu dàng lắm đây, không chừng lớn lên nó sẽ làm thơ, viết những câu mộng câu mơ khiến đám con gái chung quanh trở nên dại khờ, ý nghĩ đó là bà mẹ sướng điên lên. Hồi xưa, bà mẹ cũng từng bị điêu đứng bởi những câu thơ tán gái. Nhưng bây giờ con mẹ mới ba tuổi, cái ngày con gái nhà người chạy theo nịnh nọt mẹ còn xa.

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ là một hành trình dài. Bà mẹ biết vậy. Đêm đêm, bằng tình thương yêu vô bờ bến, mẹ cất tiếng dịu dàng rằng “ngày xửa ngày xưa…”. Rồi dần dần, những câu chuyện cổ tích ấy không còn được đọc bằng tình thương, mà còn là sự kiên nhẫn, sự chịu đựng. Thằng bé vẫn khoái chí nằm nghe, nhưng bà mẹ nhiều khi không cất nổi nên lời.

Bà mẹ nhiều khi tự hỏi, mình vừa lảm nhảm gì vậy trời. Chết là hết, làm gì có chuyện Tấm tái sinh hết kiếp này đến kiếp khác. Những người tốt trên đời mà bà mẹ biết đều chết, và tan như tro bụi, có ai quay lại được đâu. Mà, nhiều kẻ còn xấu xa hơn Lý Thông vẫn nhơn nhơn, sống dai, ăn sung mặc sướng, làm gì có chuyện đang ngồi trong biệt thự mà bị sét đánh chết. Những ý nghĩ kiểu đó cứ mãi ám ảnh lửng lơ, nên nhiều bữa bà mẹ ngắc ngứ nửa chừng, nếu kể tiếp Tấm đem thịt Cám làm mắm gởi về cho dì ghẻ thì ranh giới thiện ác nằm ở đâu, bởi sự tàn nhẫn của cũng y chang nhau. Cũng có khi câu chuyện dừng lại một lúc lâu khi chuẩn bị vào hồi kết, lúc nhà vua tuyên bố trao ngai vàng cho chàng Lang Liêu, vô lý, người có tâm hồn như thế thì phải là một nghệ sỹ, sao lại làm vua để mỏi mòn trong cúi lòn chúc tụng.

Và những câu chuyện cổ tích một thời mộng mị bỗng hóa thành những cục cơm cháy khô, bà mẹ phải trệu trạo nhai mỗi tối. Công chúa trở thành món hàng mà mỗi khi nước gặp nạn, vua cha đem ra làm giải thưởng. Ngộ cái, công chúa không thèm tranh đấu gì, vua chỉ vào người nào là công chúa sà vào lấy người đó làm chồng, chẳng cần có yêu hay không. Đọc mà ấm ức, phát tức. Vào đoạn đầu thì biết khúc cuối, Thiện “sống hạnh phúc đến suốt đời”, Ác bị trừng trị te tua (ước gì đời được vậy). Người nào xấu xí cỡ nào, có bị biến thành cóc nhái cũng có ngày xinh đẹp (làm như xấu thì không sống được vậy, bao nhiêu người không nhan sắc vẫn sống tử tế đó, thí dụ như… bà mẹ). Những lúc nhìn thằng con mình đang ngây người lắng nghe, bà mẹ thấy áy náy, thấy mình giống như đang dối lừa con. Như một ngày bà mẹ nhận ra, trời ơi, những câu chuyện cổ tích hồi xưa dối lừa mình.

Tức mình, bà mẹ tự viết cổ tích. Đọc mới nửa truyện thằng con ngủ khò. Không có hoàng tử công chúa, bà mẹ viết về cuộc đời truân chuyên của anh công nhân A với chị buôn gánh bán bưng B; không cung điện, châu báu họ yêu nhau trong khung cảnh hẻm sâu, nhà thấp. Cũng có vài người ác cho kịch tính, nhưng chẳng ai ác đến tận cùng, ác giữa chừng thôi, vì tận cùng của kẻ ác vẫn là phần người. Và sự trừng phạt cho kẻ ác là hối hận, day dứt đến suốt đời. Truyện cũng dễ thương lắm, chẳng hiểu sao thằng nhỏ không thích.

Vậy là bà mẹ lại đọc truyện cổ tích của người xưa, thằng con lại tròn xoe mắt. Nó không biết mẹ nó đang nhọc lòng đến mức nào khi cứ buột miệng thốt thành lời những điều vô lý, phi hiện thực. Hay chính xác, hiện thực đốt cháy sự mơ mộng, trí tưởng tượng của người lớn rồi. Nó không biết những trò biến hóa, những ông Bụt bà Tiên bỗng một ngày trở nên mắc cười, vô duyên. Nó không biết người lương thiện không thể chờ đợi những điều đó, người lương thiện phải tự mình tranh đấu, để sống, dù bị dập vùi.

Rồi, lớn lên, cũng phải vài lần lòng nó sẽ đau, sẽ nát như mẹ nó từng như thế, khi nhận ra đời hoàn toàn không là cổ tích. Nhưng nó sẽ vẫn dịu dàng, nhờ những câu chuyện mà bà mẹ kể đêm đêm.

Những cẩm nang nuôi dạy trẻ luôn luôn đúng. Thí dụ như bà mẹ, dù va chạm đổ vỡ nhiều nhưng vẫn quá chừng dịu dàng…




Jul 26, 2007

...Và rơi nước mắt


Hôm nay đọc một vở kịch (chứ không phải xem) mà rơi nước mắt. Kịch không có mối tình ngang trái nào, không có trai yêu gái, chỉ là bi kịch của chính nghĩa bị cái xấu giày vò, vùi dập. Vùi không được, dập không xong, cho dù đầu rơi và máu đổ, tất nhiên rồi, nhưng cái cách con người tàn bạo với cái đẹp khiến ta bật khóc.

Đây là kịch bản được nhận giải thưởng của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam năm 1981 của tác giả Hoàng Hữu Đản, một dịch giả, một nhà giảng dạy và nghiên cứu văn học. Nhưng 8 năm sau vở kịch "Bí mật vườn Lệ Chi" mới được dựng trên sân khấu Tp Hồ Chí Minh. Rồi bị buộc ngưng diễn (hiểu được là… chết liền, đọc hết vở kịch mà không hiểu sao lại bị cấm diễn). Và vở kịch đã trở lại với công chúng thành phố vào giữa năm nay.

Nghe nói nghệ sỹ Hữu Châu, người trong vai Nguyễn Trãi đã ngất đi trên sàn tập.

Nghe nói đó là vở kịch rất kén khán giả. Một kiểu bi kịch Hy Lạp.

“Trước khi màn hạ, những tiếng nói cuối cùng vang lên và tóm tắt số phận của chúng ta trên trái đất là những tiếng nói của sự tiếc hận, của lòng biết ơn và của yêu thương” - Lời của Tổng lãnh sự Pháp tại Tp Hồ Chí Minh, NICOLAS WARNERY

Nhiều câu quá hay, xin trích ra đây :

Kẻ sĩ chân chính không chấp nhận lời dối trá, không khuất phụ bạo tàn.

Giữ lấy ngọn đuốc văn hiến là dân, mà thổi bùng ngọn lửa văn hiến lên ấy là nhiệm vụ kẻ sĩ.

Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải vẫn mãi là thiên chức của con người !

Chết đi, ta chưa thỏa nỗi lòng, chưa được thấy nàng hạnh phúc và các con phương trưởng ! Chết đi, ta vẫn còn ân hận một điều : ngọn bút của ta chưa vẽ lên được nét thanh tú của giang sơn ! Lời thơ ta chưa nói lên được hết những cảnh đẹp trong đời sống hằng ngày thấm tình thấm nghĩa. Tiếng đàn ta chưa gảy được hết những bi thương sầu hận của trăm dân, những làn điệu vui tươi của ý chí lo nước lo đời.

Tất cả mọi cảnh biển dâu, mọi bất hạnh đều từ ở cái này, cái đầu này. Nó thẳng bước tiến lên phía trước với nhân dân, với thời đại, với mọi người, mà không chịu lùi trở lại đi với lớp người quyền thế.

Dân đâu có ưa chuyện nổi loạn bao giờ. Họ chỉ muốn có công bằng, no ấm và tình thương.

Mệnh trời giao cho Thái hậu cái ngai vàng là để Thái hậu chăn dân theo đúng con đường đạo lý chứ không phải để Thái hậu củng cố lợi quyền riêng của bản thân, gia đình, dòng họ !

Ức Trai không coi thường Thái hậu với cương vị là Thái hậu nhiếp chính, mà coi thường và phản kháng cái bạo ngược uy quyền ở bất cứ trong tay ai.

Tru di một con người như vậy, đao phủ nào mà chẳng run tay !

Được ngôi báu thì thất nhân tâm ! Đắc nhân tâm thì mất ngôi báu !

Tôi cũng đã bắt đầu run sợ vì cái tàn bạo bất lực của mình.

Jul 25, 2007

Đãi bạn


Nhỏ bạn lấy chồng, ngày cưới tôi không xin nghỉ được, đêm đãi bạn buộc phải đi. Bữa đó mưa đủ kiểu, khi tôi ra xe thì mưa nhỏ, lâm râm, bụng nghĩ, ông trời thương mình rồi. Nhưng ông trời ngạo nghễ cười, sức mấy mà ta chiều bây, vậy là mưa ào tới, nó đón tôi ở một khúc quanh trên đường, rồi thì dìu dặt mưa, mưa dìm con đường lún mãi vào làn nước. Tới nhà bạn thì ướt ngoi ngóp.


Tới nhà bạn, ngồi lau tóc, bỗng nhớ ra, hình như lâu lắm rồi mình không đi những buổi tiệc kiểu này. Bà con, bạn bè cưới thì đợi đúng giờ cái thiệp tới nhà hàng, nhào vô ăn. Nhiều lúc ra về mà quên coi cô dâu mặc áo cưới màu gì. Lần gần nhất là thằng em cô cậu lấy vợ, cũng đã ba năm trước. Một buổi tối đãi bạn lạt lẽo. Thứ ăn đặt sẵn ở nhà hàng. Dàn âm thanh cứ dội vào tai vào óc vào tim mấy bài nhạc đám cưới “Ôi vui quá xá là vui..”. Ngồi giữa đám đông mà xơ lơ xáo láo, chẳng biết nói gì, có nói cũng không ai nghe được tiếng ai, đành cắn hột dưa chịu trận. Sáng sau thì chảy máu cam.


Nhưng tôi không tiếc gì ít giọt máu đó mà chẳng chịu quay lại những đêm đãi bạn khác. Chỉ là cái cảm giác chán, nhạt, rỗng không, vô vị. Vì vậy mà bạn cũng bất ngờ, khi thấy cái cây làm biếng (tụi nó gọi tôi vậy) đã mọc quá nhiều rễ ra khỏi nhà. Bạn không biết đãi bạn (hay cả ngày nhóm họ) với tôi như mối tình đã phai rồi. Gặp lại một cái tên quen thuộc, nhưng diện mạo và tâm hồn gã đã khác xưa. Cho nên ngồi ngay trong lòng gã tôi đi thương nhớ gã.


Nhớ cái hồi gã hay làm tôi xao xuyến bởi những cái thiếp mời nhỏ xíu, nằm gọn trong lòng tay. Người cầm thiếp đến thường là bạn trong xóm, rất thẹn thùng, dặn thêm, đãi bạn, nhớ tới chơi nghen. Sao mà không, chỉ hai tiếng “đãi bạn” thôi đã làm lòng tôi rộn lên rồi, đã gợi lên biết bao nhiêu hình ảnh. Những miếng mận, cóc, ổi nhỏ xíu, trái xơ ri nhỏ xíu được đính quanh trái khóm đã được gọt vỏ, tỉa tót rất đẹp bày ở giữa bàn. Còn có mấy dĩa hột dưa, mấy dĩa bánh bò, bánh bông lan, bánh kẹp. Bọn tôi, vừa bước qua thời con nít, nhưng lại chưa đủ chững chạc (!?) để dự tiệc cưới chính thức nên được giành cho một buổi tối xí xớn, cắn hột dưa, mời nhau miếng mận nhỏ xíu, thẹn thùng hỏi, “bạn tên gì lận ?”. Tụi con trai thì chỉ một bài, “bạn ở đâu lận, sao tui thấy bạn quen quá ”. Sau đó, để nuốt cục mắc cỡ vào bụng, cả bọn uống… nước ngọt, uống đến môi đỏ rực lên (do nước rẻ tiền, nhiều phẩm màu, chứ lúc đó làm gì có pepsi, hay coca cola), sau đó nhà bếp sẽ mang cháo khuya ra. Và bọn tôi ra về, lao xao dài theo xóm, lẫn trong tiếng chó sủa vang là tiếng đàn ca vẳng từ đám cưới. Bài “tình anh bán chiếu” liêu xiêu dằng dặc theo gió làm xốn xang những đứa trẻ mười tám tuổi, cái ngày mình lấy chồng, có ai đến hát bài này để nuối tiếc một cuộc tình thầm lặng không ?


Trong ký ức tôi, cái gã mang tên “đãi bạn” là hiện thân của những bồi hồi. Từ nhận thiếp mời, là chộn rộn lo không biết hôm đó mình… mặc bộ đồ gì, tặng bạn món quà gì. Mà những món quà xưa đó nhớ lại buồn cười không chịu nổi, bức tranh sơn mài nhỏ đôi uyên ương đậu nhánh mai, quyển album hình, hay có khi là cái… đồng hồ treo tường rẻ tiền, nhiều tới mức đôi vợ chồng son chẳng biết làm gì với chúng. Quà vớ vẩn, cho một buổi tiệc vớ vẩn nhưng là tất cả sự xao động. Nên buổi tối trước cưới cả ngọn gió cũng xốn xang. Man mác. Bâng quơ. Phải rất dịu dàng mới bắt được một cái nhìn buồn, mới thấu nỗi lòng gởi vào tiếng ca, mới nhận ra người đang ngổn ngang với chính mình. Ai đó sắp từ giã những ngày rong chơi, ai đó sắp xa mãi mối tình câm, ai đó vơ vẩn tự hỏi bao giờ thì đến lượt mình mang thiếp mời đi khắp xóm. Và ai đó ngồi nhìn người đang day diết hát bài chia biệt, chỉ cần người ấy ngoái nhìn lại phía sau lưng, sẽ gặp một ánh mắt thiệt buồn.


Nhưng người đó không quay lưng lại. Và nhỏ bạn tôi đòi uống rượu. Đó là cái ký ức rõ ràng nhất của những đêm đãi bạn, tất nhiên, cũng phải kể thêm lần đầu chạm tay ai ở lối rẽ vào nhà. Lãng mạn, thơ mộng dã man.


Cho nên bây giờ tôi chỉ biết ngồi… cắn hột dưa để nhớ về “gã” mà tôi yêu hôm xưa. Tối nay, “gã” ngồi uống bia trong lúc vài ca sỹ của dàn nhạc thuê về ca mấy bài tình ẻo uột mà mặt trơ trơ. Mưa tạnh lâu rồi. Tôi định về. Nhưng thằng bạn học cứ rủ ở lại thêm chút nữa, chút nữa, chút nữa thôi. Coi bộ nó say, nên đòi hát. Và lần đầu tiên kể từ khi biết nhau, một thằng kỹ sư cơ khí khô khan, héo hắt với cặp kính cận dày như đít chai, tôi mới nghe bạn hát. Dở ẹt. Vì nghẹn ngào, “Tôi đưa em sang sông. Chiều xưa mưa rơi âm thầm…”.


Trời ơi, hình như cái “gã” mang tên “Đãi Bạn” vẫn còn là cái “gã” mơ mộng, man mác, dù thời gian đã làm “gã” thay đổi, sang trọng, bệ vệ, xa cách hơn. Nhưng mãi mãi, “gã” vẫn làm người ta bồi hồi, xao xuyến, vẫn mang ý nghĩa của một đêm đưa tiễn, người tiễn người, người tiễn mình, ta tiễn ta…. Muộn rồi, nhưng có còn dịp nào nữa để hát “người ta đã có đôi rồi, chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung…” ?


Tôi ngồi liếm đôi môi rát, mai mình sẽ chảy máu cam. Nhưng trong cái tiệc đãi bạn tối này, có người chảy máu trong lòng nữa kia.


Jul 24, 2007

Thư gửi ông Sơn Nam


Nhà Quê nhiều lần làm con giận lắm, ông à. Con mua táo về, táo Mỹ nghen, mắc tiền lắm, Nhà Quê cắn xong một miếng, nhấm nhẳn, ăn thua… mộng dừa, con ức không chịu nổi vì đã bị phụ lòng còn bị dũa một trận te tua, tội phí tiền mua mấy thứ không ngon lành gì. Con bị sốc đâu cũng năm ba lần như vậy, tặng măng cụt Nhà Quê nói ăn cũng không hơn… mãng cầu gai, còn sầu riêng thì bị quăng ngay ra cửa, vì cái mùi… thúi chịu hổng nổi.

Con thấy tổn thương ghê gớm. Nhà Quê mà ông và con yêu mến cũng có điều đáng phàn nàn, không chịu tiếp nhận cái mới gì cả, đôi lúc còn cực đoan nữa. Nhà Quê ít chịu mở ti vi coi thời sự, đã qua thời dùng bình acqui nhưng Nhà Quê đợi tới cải lương (hay phim) mới chịu bật ti vi. Nên hiểu biết của Nhà Quê không vượt ra khỏi cái xóm đó, con kinh đó, bờ chuối bờ dừa đó. Sách báo thì chỉ được mấy lão nông đảng viên về hưu để mắt tới, tầm 30 – 40 rảnh thì nhậu thôi, cầm tờ báo lên than buồn ngủ quá trời. Những kiến thức, những thông tin của thế giới bao la này nhiều khi bị cắt xén ra từng mẫu bằng… bàn tay, lúc ngồi soi bóng nước trong cầu cá tra, buồn tình mới săm soi vài chữ.

Vậy nên những chuyện đồng cốt thầy bà thì miễn bàn, Nhà Quê mê vô kể. Ai đó cắt lưỡi lấy máu để gỡ bùa, ai đó chữa bệnh ung thư bằng nước lạnh, ai đó lấy ếm trên nóc nhà tóe lửa, ai đó được bà cậu (tại sao bà mà là cậu được ta ?!) nhập vào, bứt cọng tóc của thân chủ mà biết được quá khứ vị lai, sáng mai đi hướng nào mới tốt; ai đó một bữa đi nhậu về té sông, lội lên không biết bị người cõi nào nhập mà ho một cái, kẻ thù lăn ra chết. Sợ thiệt. Nhà Quê chịu khó chèo lắm, mỗi khi nghe đồn đãi có đồng cốt nào đó mới lập bàn thờ, tưng bừng như đi hội. Lúc đi tìm giống lúa mới, hay tham quan các mô hình canh tác cũng không hào hứng, đông đủ vậy.

Con có ghét gì Nhà Quê đâu, con thương còn không hết. Vì thương nên con mới bực mình. Hồi đó có câu “dân như mắt khóm”. Trái khóm, ông cũng biết, quá chừng mắt. Nhưng bây giờ những con mắt đó đã nhắm lại rồi, không hiểu tại sao. Nhà Quê hay bị nhằn kiểu vầy, mấy ông nhà nước làm sao chứ để số đề hoành hành quá, mấy ông nhà nước tính làm sao chứ nò đó trên sông nhiều quá, có bữa không biết đường chạy xuồng. Vụ số đề, rốt cuộc ai chơi ? Nhà Quê chơi. Ai làm thầu ? Nhà Quê luôn. Biết tỏng tòng tong đường dây mua bán, biết luôn kẻ mua người bán, nhưng Nhà Quê vẫn thấy việc dẹp bỏ nó không phải của mình. Và những cái nò đó chằng chịt trên sông cũng vậy, và những trò đồng cốt lường gạt cũng vậy… chúng được tồn tại, nuôi nấng, chiều chuộng ngay trong lòng Nhà Quê.

Con biết cái thư này làm ông buồn, ông nghi hoặc, Nhà Quê làm gì đến nỗi, dù gì, cũng còn phần hồn vía giản dị, trong trẻo. Dạ còn, hào sảng còn, chơi hết mình còn, hồn hậu còn, nhưng cũng giống như bức tường xâu lâu ngày, vôi vữa bắt đầu rơi ra từng mảng nhỏ, Nhà Quê bây giờ đi đám giỗ cũng bằng tiền, cũng ghi sổ để tới đám giỗ nhà khác coi người ta đi bao nhiêu mình đi lại bấy nhiêu. Trai gái không biết làm gì nên lấy nhau sớm, có đứa mười sáu tuổi đã bồng con nèo nẹo. Có xóm, vợ nhậu vô rượt đánh… chồng te tua. Sổ đỏ nằm ở ngân hàng, nhưng có thừa ra chút tiền, đi sắm dàn Karaoke về ca cho đã, chứ đằng xóm người ta sắm hết rồi, mình không có, cũng kỳ.

Bữa nay con méc mấy chuyện này với ông, Nhà Quê hay được, lại giận, nói chân con còn dính phèn mà đã day qua nói xấu quê hương xứ sở mình. Con lại được đội thêm cái nón nữa, dù con không muốn, con đủ đen rồi, muốn làm hảo hán đầu đội trời chân đạp đất.

Thôi, con dừng bút, chừng nào nhớ ra cái gì, con lại viết thư cho ông. Biết đâu chừng, thư sau, con sẽ kể một chuyện dễ thương của Nhà Quê để chứng minh là con yêu Nhà Quê, như ông.




Jul 22, 2007

Nếu có kiếp sau…


Nếu có kiếp sau, tôi sẽ làm con dế, chơi dưới những nơi khô cằn, đất nẻ, ngậm cỏ uống sương, thích nói gì thì nói, hát gì thì hát, gáy te tét vang trời.

Có tiếng nói lạ : người ta lúc này khoái bắt dế, ngắt đuôi nhét hột đậu phộng vô, chiên giòn. Đặc sản “độc” đó, không phải quán nào cũng có đâu.

Vậy thì kiếp sau, tôi xin làm cây bằng lăng ở ven đường, lâu lâu thò ra mấy chùm bông rưng rưng tím.

Có tiếng nói lạ : người ta, nhất là mấy thằng cha say xỉn, hay vạch quần đái vô mấy gốc cây lắm nghen.

Vậy thì kiếp sau, tôi xin làm môt dòng sông, chảy miên man giữa cuộc đời, cho trẻ con tắm mát.

Có tiếng nói lạ : người ta toàn quăng rác dưới sông.

Vậy thì kiếp sau, tôi xin làm núi, cô đơn và kiêu hãnh, trơ gan cùng tuế nguyệt, ngạo nghễ trước mây trắng trời cao.

Có tiếng nói lạ : người ta bạt núi nung vôi, làm ximang, cũng kiếm được nhiều tiền lắm à. Không tin đi Hà Tiên, Bảy Núi mà coi.

Vậy thì kiếp sau, tôi xin làm chim bìm bịp, sống ẩn dật ven sông, bờ lá, đợi nước lên kêu những tiếng thiệt buồn.

Có tiếng nói lạ : Hôm qua đi nhậu với rượu ngâm bìm bịp, ngon dã man.

Vậy thì tuyệt vọng quá, vậy thì hết cách rồi, tất cả những gì mình thích ở kiếp này đều không thể hóa thân ở kiếp sau. Hỏng lẽ làm người nữa sao trời ?!

Va chạm


Nói cho hoành tráng, đó là sự va chạm giữa hai nền văn minh.

Mình xuất thân ruộng vườn, lăn lóc bụi đời, khắp chân tay chỗ nào cũng sẹo. Những vết thương luôn được cầm máu bằng lá chuối non, nhúm thuốc gò, đọt lứt... Ngón út bây giờ còn mang vết tích do một lần dao cắt tới xương, băng bó kín mít, nhưng tới lúc lành lặn, giở ra thấy nó… cong vòng.

Bạn Lớn mình ở chợ, bảnh bao sạch sẽ từ nhỏ, nghe nói mặc bộ đồ trắng từ sáng tới chiều không dơ. Ăn uống cũng sung sướng (được bà ngoại cưng mà), bữa nào cũng có xương hầm, mâm cơm luôn đủ ba món canh kho xào. Mặc cũng đẹp, dù nhà không phải là giàu lắm. Bệnh, đi bác sỹ thấy cái ống chích là ngất xỉu. Vậy mà chịu cạo gió, mới kỳ. Nhà Bạn Lớn mình có truyền thống cạo gió, cậu mợ sang trọng thấy ớn luôn mà bệnh là đè ra cạo gió, không hiểu nổi.

Sự khác biệt giữa 2 cách sống đã xảy ra những vấn đề mắc cười. Bạn Nhỏ té u đầu, hay trầy xước chân tay, hay bị bạn cắn, ngắt nhéo xảy ra tình huống như sau :

- Phe thành thị (2 người) : cuống cuồng, te tái, quýnh quáng, lăng xăng, lấy chai dầu vừa xuýt xoa hôn lên chỗ đau vừa xót xa, trời ơi tội nghiệp con (hay cháu) tôi. Thắc thỏm từ thời điểm đó đến năm ba bữa sau, tùy vào mức độ năng nhẹ của vết thương. Nếu Bạn Nhỏ té trên cái ghế nào, thì cái ghế đó có nguy cơ bị đổi bằng ghế khác, nếu đầu va vô vách tủ nào, thì sẽ thay đổi vị trí cái tủ đó…

- Phe đồng ruộng (1 người) tỉnh bơ, lặng lẽ thoa dầu, dặn Bạn Nhỏ ngồi ghế đừng lúc lắc, ngọ nguậy uốn éo như vậy, lần sau té sẽ đau hơn. Hôn lên vết thương và nói lần sau bạn ăn hiếp thì méc cô, nghe hôn ? Bạn vấp ngã, mình chỉ thản nhiên đỡ lên, phủi bụi hai đầu gối bạn. vậy thôi. Trong mắt phe thành thị, mình có vẻ hơi lạnh lùng, vô cảm. Nhưng có một điều mà họ quên mất tiêu, mình mới chính là người sinh ra Bạn Nhỏ, thằng bé chạy lăng xăng chính xác là khúc ruột của mình.

Một thí dụ khác, là chuyện ăn. Lúc mình về, phe thành thị chưa biết ăn con cá phi, cá đối, cá hường… Đại khái là chưa nếm mùi… cá biển. Mình thì ăn hoài, từ hồi nhỏ, vì loại này thuộc về cá tạp, rẻ tiền. Mình bắt đầu công cuộc cải tạo thành thị. Nhiều khi lên mâm cơm, phe kia dè dặt hỏi cá gì, mình nói cá cam (hay cá trai, cá bốp, cá ngân, cá lù đù, cá chim, cá khoai… tên càng lạ, càng rùng rợn mình càng khoái), thấy mấy người họ nhón nhón đôi đũa, mà ghét. Mình làm gương, như mấy ông hoạn quan hồi xưa chuyên thử thức ăn cho vua, mình ăn trước, nhai rau ráu, ngon lành. Mình còn chơi cắc cớ, bữa đó, mình nấu chỉ một món duy nhất, không ăn không được, nên “ngậm đắng nuốt cay”.

Mình khoái món cá rô tôm tích kho khô, rắc vô tí tiêu, thả vào ít tóp mở thơm phức, nhưng phe thành thị lắc đầu, sợ mắc xương quá hà… Tức mình, cả tháng trời mình mua toàn cá nhỏ, nghĩ cũng ác nhưng làm tới cùng, nói chung, phải cho những con người thành thị này va chạm với đời. Ở đây, đời chính là… xương.

Chuyện ăn uống, càng nói càng nảy ra nhiều vấn đề, mình thì dễ nuôi từ hồi nhỏ, ăn uống thiếu thốn (nên thể chất hơi… không hoàn hảo lắm), còn phe thành thị thì rắc rối. Măng tre hầm giò heo, ngon thấy cha, nhưng bị chê ăn vô… nhức mình. Cà phổi, mướp… cũng cùng số phận. Nhưng lại khoái mắm, thịt gà, cá rô, cá thác lác, tụi này thì ngon, nhưng cũng độc, cũng… nhức nhối lắm. Đọt nhãn lồng thì chê nhám, mồng tơi, đậu bắp chê nhớt, khoai ngọt chê ngán, bí xanh không thích, bí đỏ lâu lâu hãy ăn một lần, cải xanh coi chừng ngộ độc, rau cần nước sao mà hôi quá, dưa leo nặng bụng, khổ qua ăn buổi chiều dễ bị trúng thực, rau đắng thì sao mà… đắng quá…

Nhiều bữa dạo chợ chừng mười vòng, chả biết mua gì. Chán.

Nên dù hơi cực đoan, dù có hơi giống ông Năm Cải Tạo (một nhân vật trong phim của Nguyễn Mạnh Tuấn, ông này gặp gì cũng cải tạo, tan hoang cả một vùng đất, tiêu tùng một thế hệ người, ai rảnh thì kiếm phim “Chuyện tình bên dòng kinh xáng” coi), mình nhất định phải chiến đấu tới cùng. Bây giờ có những thành quả nhất định rồi. Sáu năm, hai nền văn minh đã có được vùng biên chồng lấn. Nhẹ cả người. Phù.

Jul 21, 2007

Quảng cáo

Vì mình lỡ nằm trong Ban Biên tập (giống như lỡ... đa tình, lỡ... viết văn) nên mình phải quảng cáo cho trang web Đồng bằng Sông Cửu Long một tí. Trang web mới này tụi nhà văn đồng bằng mới vừa làm. Đồng bằng đìu hiu quá, nên ới lên một tiếng chơi. Có rảnh thì ghé vô, ủng hộ tụi này, không là vàng cũng không đến nỗi... cám. Thấy cái gì không ổn thì góp ý ngay mình, mình sẽ... chịu trận (nhưng nhẹ nhàng thôi nghen, tụi mình làm không công đó).

Mình vừa làm cái link xong.

Xanh trên đời chốc lát...

Ở trọ

Tạp văn


Dãy nhà trọ có năm phòng, diện tích như nhau : bốn mét vuông; kiến trúc như nhau : thấp tè, bít bùng, như cái hộp, không cửa sổ, cửa sau, chỉ có một sàn nước, khu vệ sinh sinh hoạt chung; vật liệu xây dựng như nhau : nóc thiếc, vách thiếc, cửa cũng được đóng bằng thiếc.

Gã ở cuối dãy, căn phòng đã xuống cấp trầm trọng, cửa nẻo xập xệ, nhiều lúc gã thấy cài cửa rất mắc công. Bà chủ nhà ấm ức, mấy căn kia đâu có tệ vậy, tại cậu, mà, tôi thấy tướng cậu không xài cái gì bền hết, lọt vô tay cậu là hư… Nghĩ là bà ám chỉ con bồ cũ mình đã thôi lui tới từ cuối mùa mưa, gã sừng sộ đá vào cánh cửa một cái rầm, bỏ vô võng nằm. Bà chủ nhà hết hồn, nguýt một cái, te tái đi.

Gã biết bà sẽ đi đâu, dù không nghe được tiếng bước chân, không nghe giọng nói chói như những thanh kim loại va nhau, nhưng chắc chắn bà sẽ ghé cái phòng cuối dãy đằng kia, mặt bà đỏ gay, xủng xoảng phân trần, “cái thằng khó ưa, nói không được…”. Và người ở trọ căn phòng đó, mà mọi người hay gọi là Năm, không rõ là thứ hay tên, sẽ tỉnh bơ, cười cười, thôi kệ, mỗi người mỗi ý, dì Hai giận làm chi cho mau già… Già, chắc chắn không ai muốn, bà chủ nhà dịu lại, nhìn ra vạt sân đằng trước đong đưa hoa cỏ, chép miệng, “phải ai cũng được như cô…”

Gã nằm đằng này, tưởng tượng ra ngay cái cười lỏn lẻn của Năm. Người đâu mà dại. Mới tới thuê nhà, sắp xếp đồ đạc đâu đó xong xuôi, Năm ra đằng trước ngó ngiêng, thấy cỏ ống mọc liếm lên thềm, Năm xoắn quần xách dao ra chặt rạp, è ạch, bùn sình văng tới đầu. Mấy bữa tan ca về sớm, Năm ghé mua cái thúng, túc tắc đi xúc đất về cơi sân cao lên, thấy mọi người dòm mình ái ngại, Năm cười tỉnh bơ, kiếm chuyện làm chơi, ở không cũng buồn, ngứa ngáy tay chân.

Với dân ở trọ chuyên nghiệp, Năm giống như con dã tràng xe cát. Ở không thì ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, hoặc vả đánh bài tiến lên, kêu lô tô chơi, hay nhìn thằn lằn ỉa miệng ve chơi, mắc gì tha đất về, bứng cây này cây nọ, rồi lui cui trồng tưới. Làm công nhân trong môt nhà máy chế biến thuỷ sản chưa đủ cực sao, tay đã bị nước ăn chưa đủ đau sao còn cầm dao cầm cuốc. Ở trọ mà, nhà này nhà người, đất này đất người. Chủ nhà lúc vui thì thôi, buồn buồn thì kiếm chuyện đuổi đi, mà chủ nhà hay buồn lắm, sáng đi chợ, thấy gạo cá mắc mỏ là buồn, coi ti vi thấy xăng lên giá cũng buồn, đòi tăng tiền phòng. Cãi cọ không xong, vậy là quẩy gói đi, riết rồi hành trang cũng gọn lỏn vài cái bao tải.

Cuộc sống tạm bợ không chịu nỗi, vậy mà Năm còn trồng ổi nữa, mọi người tặc lưỡi, nói “trồng chi mắc công, biết có ăn được hay không…”, Năm nói gọn hơ, mình không ăn được thì tụi nhỏ sau này ăn. Trời ơi, hay là kiếp trước người này gây tội gì với mấy con dã tràng nên kiếp này làm người mà không khác chi chúng. Năm cười tỉnh bơ, cười tỉnh táo, và cười tỉnh rụi trước những lời bàn ra bàn vô, “cuộc đời này cũng là nhà trọ, nhưng ai cũng muốn sống tử tế, đàng hoàng hết – Năm nói, và thấy mọi người đang trố mắt nhìn mình, Năm sượng sùng, vuốt mặt như thể mặt mình đang dính vảy cá - bà ngoại tui nói vậy, không phải tui đâu…”. Cuộc đời là chốn trọ, ừ, nhưng có ai không yêu, không tha thiết với sự tạm bợ này ?

Sau này, chẳng ai còn bần thần, băn khoăn khi thấy cảnh Năm đi làm về là xoắn tay áo cặm cụi chăm chút từng mầm cây, từng cái lá sâu. Để một bữa sau đợt mưa dai dẳng, người ta ra nhìn trời, bắt gặp vạt sân rực rỡ. Bụi mồng tơi xanh nhuốt quơ quơ mấy cái tược trong gió tìm chỗ để quấn quýt, để leo. Hàng hẹ kiểng trổ bông, đủ tím cả một góc lòng, đủ kiêu hãnh với mấy cái bông lồng đèn đỏ chói. Và cái giồng cải gieo lẫn trong mấy bụi hành cũng mãi miết xanh.

Gã cũng ở đó, chứng kiến vạt sân đang cười nói rì rầm. Gã đứng ngây ra một lúc, nhớ cái gì đó xa xôi, mờ nhạt, sương khói nhưng day diết khôn cùng, có thể là nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mảnh vườn xưa mà gã đã xa rời từ khi phiêu bạt. Tóm lại, nhớ ông bà ông vãi gì đâu. Cái vạt đất nhỏ nhoi làm gã mềm đi, bữa đó, gã không đóng cửa bằng… chân. Bữa đó, gã phát hiện ra tấm vách thiếc phòng mình móp méo nhiều chỗ, chắc do gã không chịu cúi xuống dùng tay tháo giày mà cứ vung chân cho giày văng đi. Bữa đó, gã thấy căn phòng mình bừa bộn khủng khiếp, mạng nhện đã giăng đến mấy cái góc mùng, có vài tổ tò vò đóng ngay trên đầu giường. Nhìn quanh chốn trọ của mình, lần đầu tiên gã hơi xao xuyến.

Gã lén tận hưởng mảnh vườn của Năm trước khi lứa cải đầu được đem chia cho từng nhà, bữa đó cả dãy đều ăn canh cải. Năm nói, đợi lứa cải sau tụi mình xúm lại chiên bánh xèo ăn chơi. Khi ấy cây cóc chị trồng cũng bộn lá rồi, cải xanh non, lá cóc non, mua thêm đọt lụa cặp ăn với bánh xèo là bá cháy, ai đó buột miệng. Và chính ai đó cũng lập tức hối hận, kiểu này Năm sẽ đi kiếm cho được cây lụa đem về trồng.

Nhưng Năm đi rồi, trước mùa mưa, trước khi giồng cải cứng cáp. Năm xin làm ở một nhà máy lớn, mới thành lập, phía tây thành phố. Năm thuê nhà gần đó để đi làm cho tiện.

Mảnh sân tiễn Năm bằng vạt bông mười giờ đỏ rực. Gã đi làm về thì bông đã héo, đã phai màu rồi, và Năm đi rồi. Gã đứng trong khoảng sân nhỏ chuồn chuồn bay vơ vất, nghĩ, mình biết làm sao với giồng cải này, cây ổi này, luống hẹ kiểng này, với chốn trọ này.

Chiều đó, người ta thấy gã xách cái thùng tưới lọm thọm trong sân. Chiều ấy gã đi mua hộp nước sơn về, vẽ lên vách hai câu thơ gã lượm được đâu đó “Xanh trên đời chốc lát. Mà tình cờ gặp nhau…”(*). Bà chủ nhà lại rên lên, trời ơi, sao cậu tự ý vẽ bậy trong nhà tui vậy. Gã cười, tỉnh bơ, “tại con nhớ Năm…”.

Ờ thì, ai cũng nhớ. Chừng này, cũng đâu đó trong thành phố đông đúc này, Năm chắc đang xoắn tay ngắm nghía chốn trọ mới, chắc ở đó cũng có mảnh đất hoang tàn, và Năm sẽ khiến nó nói, nó hát, nó nhảy múa.

Gã nhớ Năm, kỳ cục thiệt…



(*)Thơ Lưu Quang Vũ

“…Xanh trên đời chốc lát

Mà tình cờ gặp nhau

Vừa ngắn ngủi vừa dài lâu

Lúc tan xuống, lại mỗi người mỗi ngã…”

Chuyện này vui nè…

Gần nhà có một bác sỹ phụ khoa cũng khá nổi tiếng, về tài năng, và về cái quy định kỳ cục, bệnh nhân hễ bước vô phòng khám của ông đều phải tụt… quần ngồi chờ. Bệnh đông, chờ lâu, bà này quèo bà kia, kín đáo hỏi nhỏ :

- Chị bị làm sao mà tới đây ?

- Nhức đầu. Còn chị ?

- Bệnh hoạn gì đâu. Tui đi thu tiền nước.

· * Kết luận : Không mắc cười gì hết. Một người có gương mặt buồn thì không thễ diễn vai hài. Một người có gương mặt hài hước tươi cười cũng chưa chắc là lòng vui. Một người không có tài thì không đủ khả năng để giấu mình, để hoá thân, để vui nỗi vui của đời. Không biết nữa...

Jul 19, 2007

tạp văn mới

Ván cờ

Anh ngụ cư ở xóm này đã bốn năm. Cũng chừng ấy năm anh hầu cờ cùng ông già. Anh không mê cờ, nhưng mê cô cháu gái ông, ngay lần gặp đầu tiên, anh nhìn thấy cô đang buộc tóc. Tay cô thon dài, muốt túm mớ tóc nhỏng tên, để lộ cái gáy cũng thon, nà nuột chập chờn dưới những sợi tóc con. Thích đến nao lòng, nhưng chỉ là thương yêu thầm lén, anh lấy cớ qua chơi cờ với ông già, để tranh thủ ngó mong.

Ông già biết tỏng bụng dạ của thằng bạn cờ. Ông thấy đối thủ có những nước đi lãng nhách, hớ hênh mỗi khi vẳng từ sau bếp tiếng cười giòn của cô cháu gái. Có lần bị vây đánh quá, ông ấm ức, nên kêu cháu ngoại đem ra bình trà nóng, nhìn con cờ xớ rớ, run rẫy trong tay thằng nhỏ, ông cười thầm, ai biểu dại gái, cho mầy chết nè con. Nhưng ông cũng nổi tiếng là khó tánh, thủ cựu nên ngay lập tức, ông đằng hắng e hèm khi thấy ánh mắt thằng nhỏ cứ soi vào cái gáy trắng trẻo kia. Gặp người khác, ông đã đuổi thẳng. Anh may mắn, vì những ngày sống lang thang, làm bạn với ông Từ cao cờ giữ miếu Bà Chúa Xứ, cũng học được ít nhiều. Và cái lối chơi biến hóa, lúc thâm trầm, lúc táo bạo, khi phóng khoáng khi lại nghiêm cẩn, chặt chẽ của anh làm ông già ngây ngất. Một đối thủ giỏi.

Nên ông già vừa giữ vừa buông, nhử như bắt vịt con câu nhấp cá mẹ rồng rồng, cắn răng (nói cho văn vẻ vậy chứ ông già còn cái răng nào đâu mà cắn) cho anh nghiêng ngó. Nửa năm, anh đã kịp quen mùi tóc, kịp nhớ bước chân, kịp thương đuôi mày. Một dịp tình cờ anh nghe phớt qua ông già nói với cô cháu ngoại “cái thằng đó tánh cũng được nhưng gốc gác không có, lại nghèo quá…”. Lẫn trong câu nói là tiếng gậy gõ lọc cọc trên nền bê tông, ông già thường làm vậy mỗi khi tỏ thái độ cương quyết. Anh biết ông già nói tới mình, anh về căn nhà trọ nằm gác tay lên trán, bàn tay phụ hồ chai sạn này sao xứng để cầm bàn tay non nhuốt kia ? Nhưng vẫn dè dặt, hy vọng. Cho đến một ngày hay tin cô gái sắp lấy chồng. Trời sập cái rầm, vụn vỡ, nát bét hết những giấc mơ.

Buồn đến dại đi, đến xiêu cả đôi chân, trắng dờ con mắt, nghe câu hát “tình yêu như vết cháy trên da thịt người” mà buột miệng, sao nói trúng dữ vậy trời. Nhưng buổi chiều từ công trường về, anh lại qua nhà ông già, bày ra cuộc cờ mới. Những con cờ trong tay anh táo bạo hơn, liều lĩnh hơn, ngạo mạn hơn, nhưng cũng có lúc dại đi, ngập ngừng. Ông già có chút ngẩn ngơ, những nước cờ cho thấy lòng thằng nhỏ này đang đau, đáng lẽ nó phải giận mình, không thèm dòm mặt mình cỡ nửa năm chớ.

Những ván cờ chiều vẫn tiếp tục bày ra, bất chấp nắng mưa, bất chấp những nỗi lo cơm áo, bất chấp lòng đau, bất chấp cô gái đã theo chồng từ tháng Giêng gió bấc. Ông già lủi thủi đi vào đi ra trong căn nhà vắng, buồn hiu, trông cho mau hết ngày, cho mau đến chiều, ông bắc ấm nước, châm bình trà, ngồi ngó ra đường, xao xuyến ngóng bóng người quen bước qua cổng. Đấu thủ giỏi ông già không thiếu, nhưng chẳng ai có lối chơi giống anh, ngẫu hứng và hoang dã như ngọn gió. Có bữa, anh từ công trường về muộn, ông già thắt thẻo ra đón tận đầu đường, nhác thấy anh, ông thiệt thà kêu lên, tao ghiền mầy quá trời, nhỏ.

Anh chỉ cần có vậy, chỉ chờ có vậy. Anh cảm giác mình đã thắng một ván cờ lớn. Anh đã làm cho ông già không thể sống thiếu anh. Có được chiến thắng này, anh không bỏ sót một chiều nào, để ngồi chơi cờ với ông. Anh đưa ông già vào một thói quen bất di bất dịch. Nhiều khi từ công trường về, mệt rã rời, có bữa nhậu nhẹt say mềm, anh vẫn ráng ngồi chơi vài ván. Nhưng khó nhất, là anh phải che giấu mối hận trong lòng mình, bởi những người chơi cờ giỏi luôn đọc được ý nghĩ của đối thủ. Anh không biết mình lấp liếm bằng cách nào mà ông già không hay biết, thằng nhỏ này đang căm hận, bởi câu nói nghe lóm được một hôm nào, thằng nhỏ này nghĩ, cô gái đó hẳn cũng thương mình, có tình ý với mình, nếu không thì cô đâu có rón rén thò đầu ra khỏi cửa buồng cười với anh, nếu không thì cô đâu có kiếm cớ quét sân mỗi chiều để tiện cho anh nhìn, nếu không thì cô đâu có đỏ mặt khi vô tình anh chạm vào tay… Chỉ tại ông già cản ngăn, ép uổng.

Và anh cũng không biết tại sao mình lại kiên trì cho một kế hoạch trả thù đến vậy. Có lẽ, cuộc tình tan vỡ đã để lại trong lòng anh một khoảng hẫng, khoảng rỗng không, và mối hận với ông già là điều duy nhất anh có thể níu lấy, tựa vào mà sống tiếp. Những lúc nghĩ tới cái ngày anh từ tốn buông từng con cờ lăn long lóc trên đất, và rất chậm rãi, ngạo mạn, anh lạnh lùng mỉa mai, “tôi không thể chơi cờ cùng ông được, bởi vì tôi nghèo, tôi không gốc gác, tôi thân sơ thất sở, tôi thấy không xứng…”, anh tưởng tượng mặt ông đã tái dại đi. Và mỗi chiều phai, ngồi nhìn về phía dãy nhà người ta cất cho thuê, ông già mỏi mòn, hoang vắng, tuyệt vọng. Còn anh, không cần ăn gì cũng thấy sướng, thấy no nê.

Anh định kết thúc ván cờ vào một ngày gần, nhưng ông già đã bỏ cuộc. Ông ra đi vì một cơn đột quị. Anh ngơ ngác. Những buổi chiều từ công trường về, anh để nguyên bộ đồ lấm lem bùn đất, ximang, đứng dán rất lâu vào cánh cổng đã đóng chặt. Anh nhớ ông già khủng khiếp, nhớ từng sợi tóc, từng nếp nhăn, từng mảnh da khô bong lên lùi xùi trên mặt. Nhớ ông già luôn kẹp con cờ vào giữa ngón trỏ và ngón giữa, dịu dàng, hờ hững, nhớ ông dù cao hứng cỡ nào thì con cờ cũng được đặt rất khẽ khàng, nhớ ánh mắt ngậm ngùi nhìn theo con tốt bị ngựa của anh loại ra khỏi cuộc chơi, nhớ cái vẻ sướng rơn mà cố che giấu, kìm nén, nên chỉ hơi ve vẫy hàm râu mỗi khi ông lật ngược được thế cờ. Anh nhớ mùi dầu cù là Con Hổ trộn lẫn mùi băng phiến nơi cổ áo quăn queo.

Anh không còn nhớ câu nói nào xa xưa nữa. Một mình bày ra một ván cờ hoang vắng, trong anh tràn ngập nỗi buồn.

Mờ mờ nhân ảnh (cải biên)

Thể theo yêu cầu của một anh bạn, mình biên chế cái “mờ mờ nhân ảnh” thành bài báo. Xạo dã man, nhưng chắc tiền nhuận bút sẽ đủ mua… kính.


Đáng lẽ tên nhân vật này là Nguyễn (lúc này Nguyễn là tên thịnh hành, chẳng phải các vị lãnh đạo cao cấp của mình đều là Nguyễn đó sao, chẳng phải quá chừng đông nhà văn nhà thơ trên đất nước này đều là Nguyễn đó sao), nhưng nghĩ lại, gọi là Harry Potter là hợp lý. Lý do : chẳng ai gắn bó với kính như chàng phù thuỷ dễ thương nổi tiếng này. Câu chuyện như sau : bữa nọ, vì yêu thầm nhỏ bạn xinh đẹp, Harry quyết định bỏ kính qua một bên, cho… có vẻ đẹp trai, phớt đời, sương gió. Chàng ta mặc cảm với cặp kính mọt sách của mình. Chàng ta dùng bùa chú nhốt cái kính vào chiếc hộp có 2 tỉ ổ khoá với 2 tỉ chìa khoá được trộn lẫn vào nhau.

Từ giã một cuộc đời rực rỡ, Harry bắt đầu sống với đôi mắt xuống cấp trầm trọng, mờ mịt, tầm nhìn xa chưa đầy… một mét. Hồi nào giờ Harry chưa nhìn đời lung linh như vậy. Bây giờ thì tha hồ mơ mộng. Những phố những nhà bỗng chênh chao như trong khói nắng. Qua sông, thấy sông chìm lãng đãng dưới sương. Rác xao xác trên đường cũng chẳng khác gì lá vàng đang hát khúc ca về cội. Đời ít màu sắc, không chói gắt, mọi hình khối trở về với sự đơn giản nhất, ít chi tiết nhất. Quá hay.

Chàng phù thuỷ suốt ngày chỉ lo học hành đánh đấm đã biết thẩn thờ, mộng mị. Mắt lúc nào cũng dịu dàng, mơ màng. Coi đá bóng, ti vi cách chừng hai mét nhưng chỉ thấy áo trắng áo đỏ chạy tới chạy lui. Vài người bỗng đẹp lên một cách ngỡ ngàng vì được lược bỏ một số chi tiết thừa, chẳng hạn như mặc áo chim cò, quần thì rách lai, tóc tai bờm xờm...

Bỏ kính, tai Harry tự dưng cực quá chừng. Nó phải lắng nghe, cảm thụ, phân tích những xấu đẹp của đời. Không ám ảnh bởi vẻ đẹp của người ca sỹ, của sân khấu lộng lẫy, tim Harry chẳng thèm run rẩy trước một tà áo xẻ cao, chỉ còn nao nao vì thanh âm thuần khiết của những bài hát quá chừng hay. Harry bồi hồi phát hiện ra mình có khả năng nhận biết tiếng từng bước chân trên những bậc thang, phân biệt được những tiếng cười ở phía xa xa, có cái cười nhiều thanh âm vỡ, lạc đi, có tiếng cười lạt nhách, có tiếng cười hể hả, phơ phởn, xủng xoảng và có tiếng cười buồn như cái ho khan... Tiếng cười mở ra những phận người.

Mắt mờ, Harry sống chậm hơn. Cậu thường mở cửa sổ, nghe gió run rẩy trong vòm cây bên dưới, những viền lá chạm vào nhau khẽ khàng, rụt rè, tê dại như lần đầu tiên người ta chạm môi nhau. Cách một bờ rào, xóm hẻm đã không còn ở đó nữa, hiện thực hơi lùi lại… Những mái nhà lem nhem khói, chắp vá bằng những tấm tole, tấm nhựa rối nùi bỗng chỉ là bức tranh màu nước, hơi xa, chỉ tiếng chửi thề, tiếng trẻ con rượt đuổi nhau, tiếng rao, xoong chảo khua, tiếng khạc nhổ… là xao động. Giống như có người bịt mắt Harry, cậu nghe hơi thở phập phồng nóng bừng sau gáy, ngửi được mùi dầu gió trên tay, cảm nhận được khuôn mặt đó, nhưng cậu không thấy, hay thấy bằng cách khác, bằng tinh tế, bằng nhạy cảm, bằng nỗi nhớ, bằng tâm hồn của chân tócvà đầu những ngón tay.

Bằng cả những giác quan còn lại. Cái mũi xấu xí cũng thôi mặc cảm. Nhờ nó, và mùi bắp nấu, Harry biết bên hẻm, người đang sấp ngửa với cuộc mưu sinh. Bên ấy, khói đang lên, những ngọn khói ban đầu thì mảnh, khẽ khàng, dùng dằng, sau cuộn lên day diết. Lên cao, gió khuấy loãng khói chỉ còn là những cái gợn xanh xao. Cậu ta nhìn thấy khói, bằng ký ức những ngày rỗng không, viết không xong, đọc sách không xong, chán người và cậu đã ra đây nhìn khói. Trong khói có mùi bắp nấu ngọt lành.

Cái kính dày như đít chai vẫn nằm im trong hộp. Từ khi rời nó, Harry hiền lành kỳ lạ, dịu dàng kỳ lạ, trên môi cậu luôn sẵn một nụ cười. Cứ thấy lờ mờ bóng người lại nhoẻn cười, vì lẫn lộn những người quen và không quen, không cười thì sợ phụ nhau. Nên một bữa tụi phù thuỷ hắc ám đi ngang qua chàng phù thuỷ nhỏ, bỗng hết hồn khi thấy cậu ta cười cực kỳ thân thiện, dễ thương. Cả câu bùa chú tàn khốc nhất cũng không làm cho kẻ ác rối bời như một nụ cười thương yêu, nồng hậu.

Cả Harry cũng ngỡ ngàng nhận ra, không nhìn đời khắc nghiệt bằng mắt nữa, bỗng dưng dịu lại những vết thương lòng.

Jul 17, 2007

Mờ mờ nhân ảnh


Lúc này tự dưng mắt mình xuống cấp trầm trọng, chỉ một đêm sáng ngày, thấy mờ đi một chút. Tầm nhìn xa chưa đầy… một mét. Chắc là lên độ rồi.

Hồi nào giờ chưa nhìn đời lung linh như vậy. Bây giờ thì tha hồ thơ mộng. Những phố những nhà bỗng chênh chao như trong khói nắng. Qua sông, thấy sông chìm lãng đãng dưới sương. Giấy gói bánh mì thịt xao xác trên đường cũng chẳng khác gì lá vàng rơi. Đời ít màu sắc, không chói gắt, cái gì cũng hơi dịu nhẹ. Quá hay.

Bây giờ thì mình hơi bị… mộng mị. Mắt lúc nào cũng mơ màng. Coi đá bóng, ti vi cách chừng hai mét nhưng chỉ thấy áo trắng áo đỏ chạy tới chạy lui. Vài người bỗng đẹp lên một cách ngỡ ngàng vì được lược bỏ một số chi tiết thừa, chẳng hạn như mặc áo chim cò, quần thì rách lai, tóc tai bờm xờm...

Những ngày mắt kém, tự dưng tai cực quá chừng. Nó phải lắng nghe. Nhưng nhờ lắng nghe nó phát hiện ra mình có khả năng nhận biết tiếng bước chân người cơ quan lên cầu thang, tiếng cười của từng người, và trong những tiếng cười, có cái cười nhiều thanh âm vỡ, lạc đi, có tiếng cười lạt nhách, có tiếng cười hể hả, và có tiếng cười buồn như cái ho khan.


Mắt mờ, tai bỗng sống một đời sống khác. Mở cửa sổ phòng làm việc, nghe gió run rẩy trong vòm cây bên dưới, những viền lá chạm vào nhau khẽ như lần đầu tiên người ta chạm môi nhau. Cách một bờ rào, xóm hẻm đã không còn ở đó nữa, hiện thực hơi lùi lại… Những mái nhà lem nhem khói, chắp vá bằng những tấm tole, tấm nhựa rối nùi bỗng chỉ là một vệt mờ, hơi xa, chỉ những tiếng chửi thề, tiếng trẻ con rượt đuổi nhau, tiếng khạc nhổ là xao động. Giống như có người bịt mắt mình, mình nghe hơi thở nóng bừng sau gáy, ngửi được mùi dầu gió trên tay, cảm nhận được khuôn mặt đó, nhưng mình không thấy, hay thấy bằng cách khác, bằng nỗi nhớ, bằng tâm hồn, bằng tất cả các giác quan còn lại, bằng cả chân tóc.

Như lúc này đây, cái mũi xẹp xấu xí vô duyên của mình cũng đáng yêu. Nhờ nó, và mùi bắp nấu, mình biết bên hẻm, khói đang lên, những ngọn khói ban đầu thì mảnh, khẽ khàng, sau cuộn lên day diết. Lên cao, gió khuấy loãng khói chỉ còn là những nét gợn. Mình nhìn thấy khói, bằng ký ức những ngày rỗng không, viết không xong, đọc sách không xong, chán người và mình đã ra đây nhìn khói. Trong khói có mùi bắp nấu, tất nhiên.

Có cảm giác mình đang hiền lành kỳ lạ, môi để sẵn nụ cười. Cứ thấy lờ mờ bóng người kại nhoẻn cười, vì lẫn lộn những người quen và không quen, không cười thì sợ phụ nhau. Nên một bữa kẻ thù của mình hết hồn khi thấy mình cười cực kỳ thân thiện, dễ thương.


Không nhìn đời bằng mắt nữa, bỗng dưng dịu lại những vết thương.

Jul 15, 2007

Tạp văn mới : Mẹ

Con nhỏ mười lăm tuổi, nổi tiếng trong xóm hẻm bởi gương mặt dễ thương. Có dạo thấy mình hơi mập, mặc đồ mất đẹp, con nhỏ đi mua vòng về lắc. Con nhỏ càng lắc eo càng to. Chạy bộ cũng không ăn thua. Người nhà nghi ngờ dẫn con nhỏ đi bác sỹ, vô phòng khám nó hỏi, chú ơi, có thuốc gì cho con ốm bớt hôn, mập quá, tụi bạn con nói con giống… heo.

Nhưng chẳng có phương thuốc nào cho vòng eo vượt trội nữa, con nhỏ có bầu. Xóm hẻm dậy động với cái tin này. Mỗi chiều nhìn con nhỏ ểnh cái bụng đứng tựa bức tường đầu hẻm vô tư ăn cánh vịt chiên, dầu bết ra tèm lem trên mặt, lòng tôi bỗng quặn đau, trời ơi, trẻ con như vầy mà phải làm mẹ rồi. Ai nỡ lòng…

Người lớn chắc cũng không nỡ lòng, nên họ toan tính kỹ, chờ con nhỏ sinh xong là đem đứa bé cho người ta ngay. Gia thế nhà đó cũng khá, người coi bộ hiền. Cho, còn có thêm chút tiền. Con nhỏ gật đầu chịu liền, cho thì cho. Nó hết hồn khi nghe người lớn doạ nếu nuôi con phải ru rú ở nhà giữ con, không được đi chơi. Gì chớ, không thể đi chơi thì chết còn sướng hơn. Bữa con nhỏ sinh con, buổi sáng nó còn đi ngồi Karaoke với bạn, nửa chừng, nó xin dầu gío thoa bụng, cằn nhằn không biết hồi sáng này ăn cái gì mà bụng đau quá chừng. Vậy là sinh. Mấy bà già trong bệnh viện nói nó đẻ như gà, dễ ợt. Người xanh lướt, đau đớn, nhưng con nhỏ vẫn cười lỏn lẻn khi thấy tôi vào thăm, “chế coi, cái chân nó nhỏ xíu mà hồi còn nằm trong bụng nó đạp mạnh dã man”. Nâng thằng bé trên tay, tôi buộc miệng, “Chèn ơi, em bé thấy cưng quá hén, đẹp thiệt, đẹp quá chừng”. Người lớn đứng gần đó đá vào chân tôi. Người lớn sợ tôi khen rồi mẹ trẻ con nắm níu con, dù sự thực ràng ràng trước mắt, thằng bé đẹp như trong… lịch Tết. Ai đi qua đi lại cũng trầm trồ. Nhưng rủi thiệt, sau câu nói vô tình của tôi, con nhỏ bỗng năn nỉ, để cho em bé ở với con thêm một ngày nữa hén, rồi hãy kêu người ta lại bồng đi.

Sau này, người lớn tiếc nuối, nói vì một phút yếu lòng mà họ bị dụ. Để đứa bé lại, suốt đêm đó mẹ trẻ con không ngủ, cứ nắn tay, rờ chân, lật lưng ra săm soi từng bớt đen bớt đỏ của con. Đứa bé cũng chẳng ngủ yên vì mẹ cứ hôn hít khắp mình, hôn cả lên đuôi mày, cuối mắt, hôn từng lọn tóc mỏng, từng ngón tay non. Lặng lẽ. Sáng sau, người xin đứa bé hí hửng tới sớm mang theo chút tiền hậu tạ, con nhỏ quăng tiền ra cửa, vừa giãy khóc vừa chửi bới dậy động cả khoa Sản. Nó chồm lên choàng qua đứa bé, nước mũi chảy kéo dây kéo nhợ lòng thòng. Người trong căn phòng cũng quay mặt đi, quệt nước mắt. Chẳng ai còn có thể mang đứa bé ra khỏi vòng tay mẹ - mười - sáu - tuổi.

Cả xóm hẻm nín thở coi con nhỏ nuôi con. Ngộ, thằng nhỏ chắc nụi, cùi cụi, dù mẹ nó hay bỏ đi chơi. Mỗi chiều ngó qua đầu hẻm, tôi vẫn thấy con nhỏ ngỏn ngoẻn ăn vịt chiên nhưng tay kia đã cầm sẵn trái cóc muối, tôi lại quặn lòng, lại thắt thẻo gọi trời. Có lần gặp nhau trong quán nhậu, cố làm ra vẻ bâng quơ, tôi hỏi, “bỏ con cho ai mà lang thang ở đây ?”, con nhỏ cười toe, “Má tui giữ, tui đi tiếp thị bia để kiếm tiền mua sữa cho con tui uống. Nhưng mai tui chuyển qua làm mat xa rồi. Khách cho nhiều tiền lắm”. Hồn nhiên không chịu nổi. Tôi cười, lại tỏ ra bâng quơ, “làm mấy nghề đó người ta cười…”. Có tiếng khách gọi ở bàn bên kia, con nhỏ túc tắc chạy đi, lúc quay trở lại, nó nói, “chuyện gì miễn là có tiền, tui làm tuốt, tui làm nuôi con mừ. Người ta cười đã đời rồi người ta cũng nín”.

Sau câu nói đó, gặp mẹ - mười - bảy vừa đi đường vừa ăn kem, không hiểu sao tôi chẳng kêu trời nữa, chẳng còn thắt thẻo lo lắng cho đứa bé con. Bỗng trong xóm hẻm đồn ầm ra, con nhỏ đang yêu, đang sống chung với một thằng nhỏ hớt tóc. Hai đứa hay giành ăn với nhau nên hục hặc suốt, nửa đêm nghe chửi bới lộn gan lộn ruột, sáng sau thấy chở nhau trên xe đạp, con nhỏ này ôm eo ếch thằng nhỏ tình tứ, sát vo, cười ỏn ẻn.

Xóm hẻm lại nín thở nhìn con nhỏ yêu. Xóm hẻm chật quá, đông đúc quá, nên phận người cứ bày ra, không quan tâm cũng không được. Thấy thằng bé con mới ba tuổi nói chưa rành mà đi ăn sáng một mình, hỏi lòng ai không đau đáu. Một bữa gặp nhau ở gánh xôi đậu, hỏi bâng quơ, chừng nào lấy chồng đây, con nhỏ ngước lên cười, “Xù rồi. Tui cho de rồi. Thằng mất dạy đó đánh con tui…”. Tôi lặng đi trong một thoáng, có sợi dây thần kinh nào đó bị tê đi, tôi quên luôn việc con nhỏ còn thích nhảy dây, ăn quà vặt, nói lớn, chạy tí tởn trước đám đông. Tôi quên nó mới tròn mười tám tuổi.

Con nhỏ trong mắt tôi bỗng lớn vút lên. Cao tới mức để nhìn thấy cái trán dồ bướng bỉnh lấm tấm mụn của nó tôi phải ngẩng đầu.

Jul 11, 2007

một chuyện tình buồn

Đây là chuyện tình giữa xe lu và... dây leo. Có ông "Công trình đang thi công" chứng giám. Ai đi trên con đường quốc lộ 63 lầy lội, sình sụp, có đoạn toan nhảy ùm xuống sông đều ngang qua hai kẻ yêu nhau này. Thương lắm.



Jul 6, 2007

Hay đây là mình ?!

Ở Văn phòng Thời báo Kinh tế Sài Gòn - Cần Thơ.






 

Đây là anh Trương Công Khả, người chộp mấy tấm ảnh mình. Tất nhiên, tấm chụp chung này thì anh khác chộp



Anh này vui lắm nghen.


Jul 5, 2007

Rỗng


Ngủ một giấc thức dậy, mở con mắt nhìn ra, thấy toàn người xa lạ. Không xe máy, không tính tính, không công việc cơ quan, không nấu cơm, không đưa đón con, không gì cả.

Đứa cháu đi thi mất. Cả cái cảm giác thi Đại học mình cũng không biết. Tiễn nó tới cỗng trường, cũng chẳng dặn dò chi cả, lòng rỗng không, có cảm xúc gì đâu mà nói. Chỏng chơ trở lại, đi dọc bến sông, đọc sách mà vẫn rỗng, đúng là rảnh quá đi, rảnh không chịu nổi.

Bây giờ thì quay về nhà mình. Với mình. Gởi mấy cái thơ lằng nhằng, viết mấy dòng lăng nhăng cho blog, xách xe chạy lăng quăng để nhà nước có lý do tăng giá xăng. Đi chợ mua cá nấu cơm, rầy rà thằng Bạn Nhỏ, cho nó ăn, đưa nó tới trường. Tới cơ quan ăn vặt, lĩnh lương, gặp mấy thằng bạn (bao gồm nhiều ông già) uống vài ly rượu, ly trà, chọc ghẹo tán tỉnh nhau những câu đã nguội ngơ từ mấy năm trước, năm trước.

Hết sự nhàm chán này đến sự nhàm chán khác. Và nhàm chán khác nữa đang giăng bẫy chờ.

Chớ muốn gì nữa bây giờ ?

Và bạn nói rằng 6 tỉ người cũng đang sống như vậy.

Tất nhiên, tôi không tin.

Jul 1, 2007

“ta vô tình đi lướt qua nhau…”


Ba buổi chợ vắng chị. Thằng con tôi thắc mắc, không biết bạn con - dì Hiền đẹp thiệt đẹp đâu rồi. Góc chợ này tôi lui tới từ thằng nhỏ mới đi nhà trẻ, bây giờ nó sắp tốt nghiệp… mẫu giáo. Bây giờ thì người trong chợ thằng nhỏ coi là bạn. Và nó đang níu tay tôi hỏi bạn đẹp của nó.

Tôi nhìn vào cái chỗ đã được lấp bằng một khuôn mặt khác, mà bồn chồn. Tôi nhớ giọng nói chất phát, nụ cười trong vắt, giòn tan, tôi nhớ trên đầu chân mày trái chị có một nốt ruồi, và trán chị có rất nhiều tóc con, lòa xòa. Bàn tay chị trắng bợt vì tiếp xúc với nước ngày này qua ngày khác, bàn tay ấy thường trao cho con tôi những chú cá con còn sống, thằng nhỏ đem về nuôi trong cái ly… cà phê của ba nó. Như thế đã là quá đủ, với một người dưng, tôi nghĩ vậy. Bỗng chiều nay tôi phát hiện ra mình nhớ chị như nhớ người chị gái ruột thịt, mà buồn chưa, tôi không biết gì về chị hết.

Nhà chị ở đâu ? Hoàn cảnh sống ra sao ? Bữa cơm có thường tươm tất không ? Con chị lớn bằng nào ? Tụi nhỏ đó hẳn buồn vì mẹ chúng suốt ngày ngồi chợ ? Tụi nó có học hành đàng hoàng không ? Chồng chị có thương yêu chị không ? Anh có nhìn thấy những chỗ loét do nước ăn trên bàn tay chị, có giúp chị có thoa thuốc vào mỗi tối? Sau khuôn mặt, sau cái cười là cả một phận người mà tôi không (hay chưa) bao giờ với tới.

Tôi không tìm được câu trả lời bằng vốn kiến thức trên sách vở mà mình có. Nên xảy ra chuyện vô duyên không chịu nổi, khi mình đã nhậu nhẹt, đã la cà với người bạn suốt nhiều năm, một bữa buột miệng chưng hửng, “Ủa, vậy sao ?” lúc biết vợ anh là cô giáo trường làng, con trai mới lên mười tuổi, năm ngoái thì nó mê khủng long, mê tới mức mấy món đồ chơi người ta bày bán ngoài chợ không làm nó hài lòng, và anh bạn nhà thơ của tôi bò ra chế tạo khủng long cho con. Tôi lại “vậy sao ? khi nhìn mấy con khủng long anh làm quá đẹp. Và trong căn nhà tập thể nhỏ xíu, tuềnh toàng, ngó mẹ anh nằm bệnh đã lâu, thoi thóp, tôi “vậy sao?”. Thấy mình gần giống cái ông “Vậy hả ?” trong truyện của nhà văn Trang Thế Hy.

Nói chữ gần giống, vì tôi chưa bạc bẽo và vô tình đến mức quên sự hy sinh, quên xương máu, quên nghĩa tình của người khác dành cho mình, nhưng tôi cũng là một phác thảo mới của Sự Vô Tình. Đã hình thành những đường nét. Chiều nay, tôi đã “vậy sao?” khi nghe góc chợ ấy quen ấy kể lại một phận người, bươn chải lặn lội lo cho năm miệng ăn trong nhà, chồng ở không nằm chéo nguẩy, nhậu say và lấy việc đánh vợ làm vui. Chị, “bạn” của con trai tôi đã nằm viện vì những vết thương hằn trên mặt. Mai này gặp lại, cái cười ấy có còn tươi rói trên môi chị ?

Chỉ biết, cái cười đó không còn tươi rói, với tôi. Chỉ biết, tôi sẽ dịu dàng ấm áp hơn, tôi không cằn nhằn chuyện cá nhỏ cá to, giá của ngày hôm nay sao cao hơn bữa trước, tôi sẽ cười cùng chị chứ không ra bộ khó đăm đăm, ra bộ ta đây không dễ bị gạt đâu, nghen. Tôi sẽ làm cái điều mà con trai tôi đã làm lâu rồi, khi nó thơm thảo sẻ cho chị ít bánh, kẹo mà nó có.

Chân dung của tôi - vô - tình đã hình thành từ những dấu mực rất nhỏ. Và nó loang ra, người gác cổng xí nghiệp mặt quạu như đeo đá, một bữa tôi “vậy sao?” khi thấy anh đi bán máu để kiếm tiền chữa cho con gái mình khỏi bệnh hiểm nghèo. Ông sếp đầu trọc độc thân hay càu nhàu, cáu kỉnh với đám nhân viên tôi đâu biết từ hồi trẻ đã ôm khối tình đau. Con sông đang chảy kia, tôi đâu biết nó đang đau vì túi rác tôi tiện tay vứt xuống, một hôm nào…

Trượt dài từ “vậy sao?” này đến “vậy sao?” khác. Vậy nên chạm tới nỗi đau nào của người tôi đều ngẩn ngơ, đều tự nhủ, phải biết sớm hơn. Lại một tôi khác lên tiếng, biết sớm hơn cũng chẳng thay đổi được gì. Và ý nghĩ đó đã khiến phác thảo hoá ra người thật, thở thật, sống thật.

Và nhân vật “vậy hả?” đã nhảy tuốt ra ngoài đời, nhân bản thành trăm ngàn người khác với những cái tên khác cũng bằng cách nào đó. Ông “Ủa !?” một hôm ngớ ra khi biết người ta thiết kế những trường học ở nông thôn thiếu mất khu vệ sinh (tôi nghi mấy tay thiết kế này cũng cùng chung một họ “vậy hả ?”), hơn trăm ngàn học trò của ông lâu nay đã phải đái bụi, đái bờ, có đứa đái nhầm tổ ong bị ong rượt chạy té re. Ông “Đâu có dè…” một hôm bần thần khi đi qua khu chợ mà chính ông cắt băng khởi công, chẳng thấy bóng người, bởi chỗ này chẳng dân cư, không thuận đường nên không ai chịu vào chợ mua bán. Ông “Sao kỳ vậy trời ?” một hôm thừ người phát hiện ra con đường mà mình làm chủ đầu tư không nối xuống Y, một xã nghèo, đìu hiu mà hướng tuốt ra… biển, một đoạn cong vòng vèo ngang qua bên nhà vợ ông. Ông “Tưởng đâu…” một bữa nuốt nước mắt vào lòng nhìn bà con mình áo phơi da thịt, chầu hẩu dưới đất ăn cơm nguội với kho quẹt, muối rang (muối, ăn không cũng ngon, nhưng rang để an ủi là hôm mình có nấu nướng, chiên xào, dù chỉ là xào… muối). Ông “Trời đất !?” một bữa đọc báo mới hay dân xã X nào đó ùn ùn đi trồng cà phê trên đất phèn chua thét chỉ vì câu nói bâng quơ của chính ông, vào bữa nào mà ông cũng quên rồi. Lãnh đạo địa phương tưởng thật, đinh ninh là chỉ đạo của trên, nên kêu gọi bà con hì hụi làm. Ông “Sao để vậy được?” một hôm bực mình khi thấy mấy đứa nhỏ trèo lên cây cầu cụt lủn, hai đầu chỏng chơ, không có nhịp nối, không có đường lên, chỉ là ụ đất tròn tròn, để làm bệ trèo, “bà con mình tệ quá”, ông chép miệng. Đằng phía kia, cha của mấy đứa bé, thấy con cực khổ, xót ruột quá, đứng chống nạnh buột miệng kêu lên, “trời, mấy ông nhà nước làm ăn kiểu này, sao để vậy được ?”, thay vì rủ bà con cho đông môt chút, khiêng đất đi làm cái mố cầu. Ông này, rốt cuộc trùng tên với ông kia.

Và trong hành trình đi lướt qua nhau, những em bé kia sẽ còn vất vả đến chừng nào ?

Và trong hành trình đi lướt qua nhau, phận người ai thấu ?